May 3, 2024, 6:41 pm

Một con đường và những thế giới

Từ khi được xem những bức tranh đầu tiên của hoạ sỹ Nguyễn Mạnh Quỳnh, tôi đã nhận ra những tín hiệu từ một thế giới tôi chưa biết, hay là một thế giới có sẵn trong vũ trụ này, trong con người tôi mà tôi chưa từng gặp, chưa được khám phá.

Đó là nguyên nhân đầu tiên tranh của ông mê dụ tôi và cuốn tôi vào những bí mật của nó. Và đến khi những bức tranh trong triển lãm này xuất hiện thì tôi đã thực sự sống trong thế giới ấy hay nói cách khác thế giới ấy đã tràn ngập tôi. Một thế giới xuyên qua mọi thời đại bằng một con đường mang tên Nguyễn Mạnh Quỳnh. Đó là ID sáng tạo của ông.

Những thời đại chứa đựng trong đó như lịch sử, tôn giáo, triết học và những câu chuyện đầy không khí hoang đường. Nó chứa đựng những cơn mơ, nó chứa đựng những số phận, nó chứa đựng sự khởi sinh, khởi sinh và khởi sinh... bất tận. Thực ra nó là một vòng quay, vừa mở đầu, vừa kết thúc và rồi lại mở đầu. Nó giống vũ trụ mà các nhà vật lý đang mơ hồ nhận biết mà chủ yếu là bằng trí tưởng tượng hoang dại nhất của mình.

Càng nhìn sâu và lâu vào những bức tranh của Nguyễn Mạnh Quỳnh thì thế giới bên trong tôi cứ mở ra bất tận và dường như không có kết thúc. Tôi đã thử đi tìm sự kết thúc nhưng tôi thất bại. Đấy chính là một đặc tính vô cùng quan trọng của một tác phẩm nghệ thuật. Chất liệu không xác lập được điều gì, nhưng hoạ sĩ là người xác lập được bản chất của chất liệu để đẩy nó ra khỏi những hữu hạn của chính nó.

Nguyễn Mạnh Quỳnh chọn “giang”. Một sự chọn lựa không thể chính xác hơn. Điều quan trọng nhất là Nguyễn Mạnh Quỳnh đã hiểu được “giang” hay nói cách khác là ông hiểu được bản chất của “giang”. Họa sĩ hiểu được những chuyển động bí ẩn của “giang”, sự tương đồng giữa bản chất của “giang” (chất liệu) và thế giới bên trong ông mà ông đang tìm một không gian để nó hiện ra và để từ đó ông chọn cách làm cho những bí mật đó mở ra những vẻ đẹp huyền ảo riêng biệt khi kết hợp với màu và kỹ thuật dùng màu cùng nét, khối đặc trưng của ông.

Nếu chọn “giang” mà hoạ sĩ không chọn màu ấy và quá trình triển khai màu theo cách đó cùng những nét và hình như vậy thì một thế giới khác không phải cái thế giới hiện có sẽ hiện ra, nó có nguy cơ chặn mọi con đường mở ra của “giang”. Nghĩa là những bí mật của “giang” sẽ bị chôn vùi mà không hiện ra như nó đã hiện ra. Và cũng có nghĩa rằng: một không gian hội họa như ta đang thực chứng qua con đường của Nguyễn Mạnh Quỳnh không được ra đời.

“Giang” và màu đã mở ra những vẻ đẹp cổ xưa: đất đai, hoang mạc, hang động, nhà cửa, đền đài cùng những câu chuyện như cổ tích, như huyền thoại; còn hình và nét đã làm ra vẻ đẹp hiện đại. Cả hai điều đó đã làm nên thế giới hội họa mang tên Nguyễn Mạnh Quỳnh và thế giới hội họa ấy xác lập ông. Chính vậy mà những bức tranh của Nguyễn Mạnh Quỳnh đã dẫn tôi qua những thời đại khác nhau theo một hành trình: cổ xưa - hiện tại - tương lai và ngược lại.

 Bên trong mỗi chúng ta có vô vàn những văn bản nghệ thuật, vô vàn thế giới và nó chỉ hiện ra khi ta gặp một thế giới tương đồng. Những tác phẩm hội họa của Nguyễn Mạnh Quỳnh là những văn bản, những thế giới mà kiếp này hay những kiếp trước của tôi đã gặp, giờ chúng hiện ra một lần nữa.

Nguyễn Quang Thiều (Một người xem tranh)

Nguồn Văn nghệ số 14/2024


Có thể bạn quan tâm