April 29, 2024, 3:06 am

Miền xanh

Gió rít từng cơn. Mưa bắt đầu rơi lộp bộp trên mái cọ. Ngoài trời tối đen như mực đổ. Ngó đồng hồ, giờ vẫn còn sớm. Nếu ở phố thì lúc này mọi người vẫn còn hối hả ngược xuôi trên các ngả đường trong cuộc mưu sinh.

Vậy mà, nơi rẻo đất Pắc Cáp heo hút, những căn nhà sàn của đồng bào Tày đã ngắt điện từ lâu rồi. Mọi người đi ngủ sớm, một phần do trời đổ mưa, một phần cũng bởi nếp sống quen thuộc sau một ngày làm việc vất vả. Lúc này, góc bếp ở phía cuối căn nhà sàn vẫn còn đỏ lửa. Ánh sáng từ ngọn lửa bập bùng trong đêm lạnh phả ra, nom rõ hai khuôn mặt già nua đang thì thầm to nhỏ. Tôi nằm thao thức trong chăn ấm, cố tìm cho mình giấc ngủ, nhưng những cơn gió mạnh lách qua khe cửa của căn nhà sàn hắt vào từng trận, khiến giấc ngủ trở nên chập chờn. Tôi kéo tấm chăn trùm kín đầu. Hơi chăn tỏa ra nồng ấm. Giấc ngủ vẫn giống như những ngọn gió hoang ngoài kia, vần vũ trong đêm mưa không ngừng nghỉ. Lẫn vào đó là câu chuyện giữa hai khuôn mặt già nua bập bùng theo ngọn lửa hắt ra từ căn nhà sàn cũ kỹ.

 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

 

Lẫn vào trong gió, trong cơn mưa rừng, tôi nghe tiếng vợ ông Lô Hữu Xường nói với chồng:

- Muộn thế này ông còn đi à?

- Ừ, tôi tranh thủ sang bàn với ông Trường trưởng thôn về làm nhà văn hóa.

- Ông đi rồi về sớm nhé.

Tiếng điếu cày rít lên xoe xóe. Tiếng rít thuốc trong đêm, nghe ấm áp lạ thường. Khói thuốc chợt phả ra nồng nồng, ngai ngái. Tì đôi tay gầy guộc, nham nhở những vết hằn thời gian lên miệng điếu, ông Xường bảo:

- Ừ, tôi biết rồi.

Ông kéo chiếc điếu dựa vào chái bếp, lặng lẽ đứng dậy, quờ tay tìm chiếc đèn pin và khoác thêm tấm áo mưa vào người. Bước chân ông thẽ thọt bước trên sàn nhà. Dường như ông muốn tiếng động phát ra từ đôi chân của ông không quá to, sợ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của tôi. Thấy ông chuẩn bị xuống cầu thang, tôi nhổm dậy, với tay bật công tác điện. Ánh điện tỏa ra, căn nhà tràn ngập ánh sáng. Ông Xường quay lại nhìn tôi, nở nụ cười lành hiền:

- Chưa ngủ à?

- Khó ngủ quá chú ạ.

- Vậy thì đi cùng chú sang nhà trưởng thôn nhé.

Tôi đáp lại lời ông, rồi đúng dậy, khoác thêm áo và bước xuống cầu thang. Ông đi trước, bấm đèn pin để dọi đường. Tôi lặng lẽ bước theo sau, lần mò đi theo ánh sáng của chiếc đèn. Trời đã ngớt mưa. Con đường nom chỉ một màu xám nhờ nhờ trước mặt. Con đường này cũng vừa được nhà nước đầu tư mở rộng, láng nhựa phẳng phiu, rất thuận tiện cho việc đi lại của đồng bào trong thôn Pắc Cáp và các thôn cuối cùng của xã Phù Lưu, như: Pá Han….Những thôn này đều là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, bám dọc theo chân dãy núi Cham Chu. Ông Xường vừa bấm đèn pin dẫn đường, vừa thủng thẳng nói:

- Cũng nhờ ơn Đảng, Nhà nước cả đấy cháu mày ạ. Ở Pắc Cáp và hầu hết các thôn trong xã Phù Lưu này, nhà nào cũng tham gia trồng cam. Cam mọc trên núi, trong các thung lũng. Đồng bào Tày hiện nay thu nhập chủ yếu từ cam. Nếu không được đầu tư con đường như thế này, việc vận chuyển cam sẽ bất tiện trong mỗi mùa thu hoạch. Như vậy, giá cam bị giảm, người nông dân chịu thua thiệt do tư thương nó ép giá.

Pắc Cáp là vùng trọng điểm cam của xã Phù Lưu. Cả thôn có gần 100ha cam trong chỉ một số diện tích đang trong chu kỳ kiến thiết cơ bản, còn lại hầu hết số cam đều đang cho thu hoạch rộ. Trên khắp các triền núi, hay dưới thung lũng của những dãy núi đá vôi, cây cam đâm rễ vào đá mà sinh trưởng, phát triển, mang lại cuộc sống ấm no cho đồng bào trong thôn. Những câu chuyện về việc đưa cây cam vào trồng, rồi chuyện về mùa thu hoạch cứ rộn ràng theo bước chân thập thững, trên con đường láng nhựa phẳng phiu. Chúng tôi dừng lại ở một căn nhà sàn bề thế. Đây là nhà của trưởng thôn Pắc Cáp. Căn nhà này cũng vừa được khánh thành, đưa vào sử dụng từ năm ngoái. Kinh phí nghe đâu hết hơn một tỉ đồng. Tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn ấm cúng, trưởng thôn Pắc Cáp, bảo:

- Nhà này đã ăn thua gì đâu. Ở Pắc Cáp, giờ nhiều nhà còn to, đẹp và đắt tiền hơn thế.

Nhấp ngụm trà nóng, bí thư chi bộ Lô Hữu Xường nói ngay:

- Đảng và Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ cấu kiện làm nhà văn hóa, tôi sang bàn với ông để làm sao huy động được nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thi công.

- Vâng, tôi đồng ý với anh. Vì kế hoạch đã có rồi, ngày mai chúng ta sẽ tiếp tục huy động nhân lực, bắt tay vào hoàn thành nốt phần việc còn lại theo tiến độ mà Chi bộ đã đề ra.

Mô hình nhà văn hóa bằng cấu kiện bê tông được xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang triển khai thí điểm đầu tiên tại Pắc Cáp. Do toàn bộ khung và các cấu kiện đều khá mới mẻ, nên trong quá trình triển tại thôn cũng gặp không ít khó khăn. Với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, Bí thứ chi bộ Lô Hữu Xường đã tổ chức đi thăm quan, học hỏi ở những địa phương khác trong tỉnh, rồi về họp thống nhất với chi bộ. Từ đây, ông phân công các đồng chí Đảng viên cùng với các tổ chức đoàn thể khác tập trung tuyên truyền đến với đồng bào trong thôn về ý nghĩa, phần việc nhà nước hỗ trợ và phần việc cần sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Ông bám sát vào Nghị quyết của Đảng, nên việc thực hiện công trình này tương đối thuận lợi. Chính từ niềm tin sắt son với Đảng, niềm tin vào vai trò của Bí thư chi bộ, Pắc Cáp đã tìm được sự đồng thuận, nhất trí cao. Việc huy động sức người, sức của, rồi chuyện hiến đất…, tất cả đều diễn ra dân chủ, công khai. Trong những ngày thi công công trình nhà văn hóa bằng cấu kiện mới đầu tiên ở xã vùng cao Phù Lưu, Bí thư chi bộ Lô Hữu Xường thường xuyên có mặt, kịp thời động viên, hỗ trợ và có những chỉ đạo cụ thể để công trình nhanh chóng hoàn thành khối lượng công việc, đảm bảo kỹ thuật, chất lượng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, hội họp của cả cộng đồng trong thôn.

Trên miền rừng xanh thẳm, từ lâu đồng bào Tày Pắc Cáp đã coi Bí thư chi bộ Lô Hữu Xường như người ruột thịt trong gia đình. Khi nhà nào có việc, ông đều là người đến với họ đầu tiên, để kịp thời động viên, giúp đỡ, chia sẻ. Mỗi việc làm cụ thể của người Bí thư chi bộ đều mang đến sự tin tưởng cho cả cộng đồng. Hành trình mười sáu năm giữ cương vị Bí thư chi bộ Pắc Cáp, cả một quãng đường dài, ông đã đi và cống hiến sức mình cho sự đổi thay của một miền đất nằm heo hút dưới chân dãy núi Cham Chu. Đó cũng là quãng thời gian Bí thư chi bộ Lô Hữu Xường có nhiều kỷ niệm buồn, vui với công việc và trọng trách của mình. Mười sáu năm trước, Pắc Cáp là thôn nghèo ở xã vùng cao Phù Lưu. Đất sản xuất nông nghiệp chia bình quân đầu người thấp, trong khi đó trình độ canh tác và việc lựa chọn hướng đi mới trong phát triển kinh tế của đồng bào còn hạn chế. Có nhiều nỗi trăn trở được đặt ra đối với người Bí thư chi bộ già này. Đó là làm sao giúp đồng bào có được cách thức tổ chức sản xuất để cải thiện được mức sống, biến vùng đất đèo heo hút gió nhanh chóng khoác trên mình tấm áo mới. Muốn vậy, trước tiên cần phát huy vai trò đầu tầu gương mẫu của từng đồng chí Đảng viên và bản thân gia đình Bí thư chi bộ phải trở thành hạt trong các phong trào thi đua ở địa phương.

Nói đi đôi với làm là bản chất của người Bí thư chi bộ Pắc Cáp. Ngay tại gia đình, ông đã nghiên cứu và bắt tay vào thực hiện việc chuyển đổi phương thức sản xuất bằng việc đầu tư đào ao để chăn nuôi thủy sản, kết hợp với chăn nuôi thủy cầm và gia cầm. Đây đều là những giống con dễ chăn nuôi, thị trường tiêu thụ thuận lợi và nhất là qua đó đồng bào dễ áp dụng vào thực tế của gia đình. Cùng với đó, Bí thư Lô Hữu Xường cũng nhận thấy, điều kiện thổ nhưỡng và tiểu vùng khí hậu phù hợp với việc phát triển cây ăn quả có múi nên đã nghiên cứu, cải tạo diện tích đất màu đồi, đưa cây cam sành vào trồng. Thiếu kinh nghiệm thì ông về tận huyện, tìm đến các cơ quan chuyên môn nhờ giúp đỡ về khoa học kỹ thuật, còn nguồn giống ông tự nhân ra đủ 800 cây, trồng trên diện tích gần 2ha. Cần mẫn trên vạt đá xám lạnh, sau mấy năm tập trung chăm sóc, thành quả trong lao động sản xuất đã mang lại cho gia đình Bí thư chi bộ Lô Hữu Xường những niềm vui mới. Hàng trăm triệu đồng từ mỗi niên vụ sản xuất đã minh chứng cho một hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Thành công từ mô hình mẫu, Bí thư Lô Hữu Xường đã đã thống nhất với chi bộ, xây dựng Nghị quyết và tập trung lãnh đạo nhân dân trong thôn lựa chọn cây cam sành là cây trồng chủ lực để đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, ông cũng phân công các đồng chí Đảng viên trong chi bộ trực tiếp nhận giúp đỡ các hộ trong thôn để Pắc Cáp vươn lên trở thành thôn giàu có bậc nhất ở xã vùng cao Phù Lưu.

Buổi sáng ở Pắc Cáp thanh bình đến nao lòng. Sau cơn mưa, trời hửng lên chút nắng le lói. Trong cái gam màu chàm đổ, dãy núi Cham Chu hiện lên mờ ảo. Sương trắng kéo thành vệt dài, quấn lên đỉnh núi. Những rừng cam xanh nhức mắt hiện ra trong sương sớm vùng cao. Tôi và Bí thư Xường tranh thủ dạo một lượt trên con đường dẫn vào cuối thôn Pắc Cáp. Những căn nhà sàn, xem lẫn với nhà xây cứ thấp thoáng trôi qua. Nhà nào cũng to và kiên cố. Pắc Cáp đang vươn dậy với sức vóc của một chàng trai trẻ. Chúng tôi cùng rẽ vào một căn nhà nhỏ mà theo Bí thư Xường thì chủ nhà cũng vừa thoát nghèo bền vững đấy.

- Cháu Huấn có ở nhà không?

- Cháu có, vào nhà chơi bác ơi! -Tiếng Huấn từ trong nhà nói vọng ra.

Vừa bước vào nhà, Bí thư Lô Hữu Xường đã hỏi ngay:

- Cam năm nay có sai quả không?

- Chắc được khoảng 60 tấn quả.

- Năm nay có dự định gì không?

 - Cháu đang dự định góp tiền bán cam để năm nữa sẽ xây lại nhà khang trang hơn chú ạ.

Anh Hồ Văn Huấn trước đây là một trong những hộ thuộc diện nghèo ở Pắc Cáp. Sau khi thống nhất với chi bộ, Bí thư Lô Hữu Xường đã nhận trực tiếp giúp đỡ người nông dân trẻ này vươn lên thoát nghèo. Qua tìm hiểu, Bí thư Lô Hữu Xường đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến nghèo, đó là thiếu kinh nghiệm trong tổ chức sản xuất, trong khi đất đai và sức lao động có. Do vậy, việc định hướng và khích lệ gia đình anh vươn lên thoát nghèo cũng không khó. Trước tiên là giúp đỡ bằng nguồn vốn và kinh nghiệm sản xuất. Trên những diện tích đất màu đồi, Bí thư chi bộ Pắc Cáp đã giúp gia đình anh đưa cây cam vào trồng, với sáu trăm gốc. Giờ đây, diện tích cam này mỗi năm cũng mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập từ hai trăm đến ba trăm triệu đồng. Cuộc sống của người nông dân trẻ đã được cải thiện và có tích lũy nhiều hơn. Mấy năm trước, gia đình anh Hồ Văn Huân là một trong những hộ nông dân thoát nghèo bền vững trên miền rừng Pắc Cáp.    

Anh Huấn mời tôi và Bí thư Xường lên thăm vườn cam của gia đình anh. Mùa này, cam đang trổ hoa và chuẩn bị kết trái. Quả thật, ở Pắc Cáp, nhìn chỗ nào cũng thấy thăm thẳm những triền cam. Cam bám rễ từ vườn nhà, rồi ngược lên đất dốc. Cả một rừng cam xanh ngằn ngặt như thế tạo nên bức tranh quê với những gam màu trầm, nhưng ấm áp. Đã cuối xuân, mùi hương hoa cam vẫn còn vương trên tán lá, tỏa ra mùi nồng nồng, ngai ngái. Trên con đường bê tông dẫn lên khu vườn cam của gia đình anh Huấn, chúng tôi gặp anh Hồ Đức Hoàng. Hoàng là một trong những nông dân trẻ ở Pắc Cáp, nhưng đã có mức thu nhập cao từ cây cam mang lại. Ngay chiếc xe hiệu Toyota anh đang sử dụng cũng là thành quả trong lao động sản xuất, trong việc phát triển diện tích cây cam sành. Anh bảo, trước đây gia đình khó khăn lắm, chưa khá giả như bây giờ, do chưa biết cách làm kinh tế. Được các đoàn thể giúp đỡ, đặc biệt là Bí thư chi bộ ở Pắc Cáp thường xuyên đến động viên, chia sẻ kinh nghiệm, nên anh đã quyết định đầu tư vào trồng loại cây ăn quả đặc sản của địa phương. Gần 2 nghìn gốc cam đang trong chu kỳ kinh doanh là nguồn thu nhập đáng kể, giúp gia đình anh vươn lên trở thành hộ có mức thu nhập giầu có ở Pắc Cáp. Như niên vụ năm ngoái, sản lượng cam đạt 130 tấn quả, mang đến nguồn thu đạt gần một tỉ đồng.

Những nông dân giàu lên từ cây cam sành ở Pắc Cáp là câu chuyện thú vị về khát vọng chinh phục vùng đất đồng bào. Riêng với Bí thư chi bộ Lô Hữu Xường, mười sáu năm trên cương vị lãnh đạo thôn, ông đã “cháy” hết mình với việc làng, việc nước, với sự đổi thay của một miền đất nơi miền rừng xanh thẳm. Không chỉ đồng bào trong thôn ghi nhận mà Đảng cũng ghi nhận, khi Bí thư Lô Hữu Xường đã vinh dự được tỉnh chọn đi báo cáo tại Hội nghị Bí thư chi bộ thôn, bản tiêu biểu vùng Tây Bắc cách đây mấy năm. Chi bộ nơi ông đảm nhiệm vai trò Bí thư, nhiều năm liền được công nhận là chi bộ “trong sạch vững mạnh tiêu biểu”. Nhiều giấy khen của xã, của huyện và Bằng khen của tỉnh trong suốt những năm qua đã chứng minh cho nỗ lực cố gắng của Bí thư chi bộ Lô Hữu Xường trong việc đóng góp sức mình để tạo nên sự đổi thay ở Pắc Cáp. Từ một thôn nghèo, nằm heo hút nơi bóng núi, giờ đây Pắc Cáp đã có sự chuyển mình bằng vóc dáng và da thịt. Sáu mươi mốt hộ đồng bào Tày thì chỉ còn hai hộ thuộc diện nghèo do tàn tật. Còn lại số hộ có mức thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên chiếm tới 80% tổng số hộ của thôn, trong đó có hai mươi hộ đạt mức thu nhập một tỉ đồng mỗi năm.

Dẫu còn bao nhiêu khó nhọc cùng mùa màng, song việc đánh thức một miền đất trong những năm qua không chỉ từ sự nỗ lực của cộng đồng mà còn ở vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của từng đồng chí đảng viên trong chi bộ mà vai trò chính ở đây là Bí thư Lô Hữu Xường. Ông đã bám sát vào đời sống thực tế ở địa phương, cùng với chi bộ xây dựng và ban hành Nghị quyết của chi bộ. Đồng thời triển khai Nghị quyết của Đảng bộ các cấp đến với đồng bào trong thôn. Do đó, Nghị quyết nhanh chóng đi vào đời sống xã hội, tạo sức bật mạnh mẽ cho vùng đất non cao. Giờ đây, dưới cái màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cam, cuộc sống đồng bào dân tộc Tày ở Pắc Cáp đã thực sự đổi thay căn bản. Đó là niềm hạnh phúc, tuy giản đơn mà ý nghĩa. Mười sáu năm trên cương vị Bí thư chi bộ, ông đã dành cả tình yêu, trách nhiệm của mình cho sự hồi sinh của một vùng đất nơi miền rừng xanh Pắc Cáp trong hành trình đến với hạnh phúc và sự no đủ.

Bút ký của Tạ Bá Hương

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm