May 5, 2024, 1:32 pm

Máu vẫn còn xanh

Nhìn lại các cây bút trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Nguyễn Thụy Kha có thể xem là một cái tên đặc biệt bởi những cống hiến và sáng tạo của ông song hành trên cả hai mảng thơ – nhạc.

Điều thú vị hơn nữa, vốn được biết đến đầu tiên với tư cách một nhà thơ, nhưng vào dịp tháng 5 vừa qua, đông đảo công chúng lại được chia vui với ông khi biết tin ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật với hai tác phẩm thuộc chủ đề Phê bình âm nhạc: Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời đạn bom và Thế kỷ âm nhạc Việt Nam – Một thời hòa bình. Nhân dịp này, tôi muốn được viết đôi điều theo cảm nhận của riêng mình sau nhiều năm theo dõi và đọc các tác phẩm của ông.

Thủ bút bài thơ “Không đề” của Nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha

THƠ

Nguyễn Thụy Kha bắt đầu làm thơ từ thuở học phổ thông. Bài thơ được đăng báo đầu tiên của ông là bài Mùa về trên Hiền Lương, in trên tờ Quân đội Nhân dân tháng 5 /1974. Tập thơ đầu tiên của ông là Hương nắng tiếng chim, một ấn phẩm in chung cùng ba nhà thơ khác là Thân Như Thơ, Phan Đức Chính và Hà Phạm Phú, do NXB Quân đội Nhân dân cho ra mắt bạn đọc tháng 11/1982. Cũng trong năm này, tên tuổi Nguyễn Thụy Kha được khẳng định khi bài thơ Những giọt mưa đồng hành của ông được in ở báo Văn nghệ và đoạt giải Nhì một năm sau đó, 1983. Sau 40 năm, bài thơ vẫn còn nguyên vẹn sự hấp dẫn: Người lính trú vội mái hiên/ Rồi lại đi mảnh ni lông khoác chéo/ Anh lẫn vào mưa lúc nào chẳng hiểu/ Ngỡ mưa dệt nên anh/ Có một đứa trẻ con từ trong anh chạy nhanh/ Nhập vào đám trẻ con trần truồng/ đang hò reo giữa phố/ Có một người nông dân từ trong anh hớn hở/ Xòe tay đồng hạn đón mưa/ Có một người lính Trường Sơn từ trong anh năm xưa/ Vội vã vắt áo quần ướt mưa hơ lửa…/Người lính đi/ Đi qua thành phố/ Bao chân trời thử thách đợi anh/ Trong cuộc hành trình chưa nghỉ/ Mưa và anh là bạn đồng hành. Thi phẩm mang đến cảm xúc tươi tắn trẻ trung của một người lính vừa bước ra từ cuộc chiến, lại hăm hở tiếp tục một hành trình mới đầy lạc quan, dù đất nước còn chưa hết những gian nan. Về mặt kỹ thuật, Những giọt mưa đồng hành là bài thơ đánh dấu sự chuyển biến về bút pháp của Nguyễn Thụy Kha theo hướng Đồng Hiện, mà ông tự nhận là đã ảnh hưởng và kế thừa từ nhà thơ Mexico nổi tiếng Octavio Paz (Giải Nobel Văn học 1990). Thủ pháp này sẽ còn gắn bó nhiều với Nguyễn Thụy Kha trong những hành trình sau này để viết nên nhiều tác phẩm tâm đắc trong đời thơ của ông. Sau khi nhận giải thơ của báo Văn nghệ, Nguyễn Thụy Kha đã có một loạt tập thơ in riêng được ra mắt bạn đọc như Mắt thời gian (1989), Lúc ấy – biển (1989), Không mùa (1994). Nhưng dấu ấn thực sự tiếp theo cần được kể đến là tập Thời máu xanh (NXB Hội Nhà văn, 1999) gồm 48 bài thơ. Với tập thơ này, Nguyễn Thụy Kha đã cất lên tiếng nói của một thế hệ những nhà thơ khoác áo lính, bày tỏ những nghĩ suy sâu sắc về số phận con người và dân tộc khi đi qua cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại. Ông cũng chia sẻ nhiều tâm sự, nỗi niềm của thời hậu chiến, khi người lính phải đối mặt với một cuộc sống đời thường ngổn ngang cơm áo: Đây là lần thứ hai sau lần làm người lính/ Anh cầm trong tay một thứ dễ chết người/Ngoe nguẩy năm con rắn/ Giữa vỉa hè phe phẩy như sôi/…Có gì giống nhau giữa khẩu súng và con rắn/Trong tay anh cầm/ Nó đều giúp anh giữ mình nguyên vẹn/ Sau bao nhiêu giằng xé mất còn (Người bán rắn ở Văn Miếu). Thủ pháp Đồng Hiện tiếp tục in dấu trong nhiều bài thơ, khẳng định một giọng điệu thơ riêng biệt mang tên Nguyễn Thụy Kha: Thế là tôi đã cởi áo lính/ Một thanh xuân vô tư/ Tôi đã cởi năm 72 đẫm máu/ Vương một sợi diễm xưa/ Tôi cởi năm 75 đẫm máu/ Rượu whisky thơm nhức mùa mưa/ Tôi cởi năm 79 đẫm máu/ Bạc màu tiếng khóc trẻ thơ/ Tôi cởi những thập niên máu xanh/ Đến bao giờ máu tôi đỏ lại (Cởi), Cái tinh thần của toàn bộ tập thơ, được rút ra qua ba chữ Thời máu xanh, mang trong đó tình yêu, ý chí, nghị lực, sự cống hiến và khát vọng của cả một lớp người, lúc nào cũng giữ vững một hình ảnh tràn đầy nhiệt huyết để dành tất cả cho tổ quốc. Đấy cũng là bốn thập can dâng hiến với tử vi riêng của nó. Theo họa sĩ Lê Thiết Cương, một người bạn vong niên thân tình của nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nếu để chọn một câu thơ hay nhất trong Thời máu xanh, ông sẽ chọn câu thơ trong bài Vào một trưa ngày cuối cùng tháng tư: Vào một trưa ngày cuối cùng tháng tư/ Những người lính bỗng mang chung một tuổi. Cái “mang chung một tuổi” ấy là sức mạnh tinh thần, tâm hồn và tình cảm của tất cả những con người yêu nước vừa cùng nhau bước qua cuộc chiến để đi đến một ngày toàn thắng.

Đề tài trong thơ Nguyễn Thụy Kha phong phú và rộng mở. Bên cạnh thơ lính, thơ hậu chiến, ông còn có thơ về thế sự, lịch sử, quê hương, danh nhân, bạn bè văn nghệ và một mảng đặc biệt quan trọng: thơ tình. Từ năm 1977, bài thơ Không đề của ông khi vừa xuất hiện đã nằm trong sổ tay của biết bao độc giả yêu thơ, chỉ với bốn câu, nói ít mà gợi nhiều: Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ/ Rơi cơn mưa ban trưa/ Chợt thấy mình tách làm hai nửa/ Nửa ướt bây giờ nửa ướt xa xưa. Thơ tình Nguyễn Thụy Kha tiếp tục đến với bạn đọc qua hàng loạt tập thơ như: Lửa trắng và ớt xanh, Càn khôn ngàn tuổi, Biệt trăm năm…, rồi gần đây nhất là hai tập Mây (108 bài thơ tình) và Cưng (172 bài thơ tình). Mỗi bạn đọc có thể tự chọn cho mình những câu thơ tình tâm đắc trong hàng ngàn bài thơ tình của Nguyễn Thụy Kha bởi mỗi bài thơ, câu thơ lại mang một vẻ đẹp riêng, diễn tả với chúng ta trăm ngàn cung bậc của tình yêu: Khi em ghì xiết ta/ Là khi ta đang mất/ Có bàn tay thứ ba/ Vẫy ta vào vĩnh biệt (Bàn tay thứ ba), Đêm tràn đầy ly rượu đợi mong/ Đêm sóng sánh hy vọng anh nhen lửa/ Rồi chảy xuống chỗ chúng mình tình tự/ Đêm cạn nhanh khi anh đầy em (Đêm bốn chiều), Anh lúc nào cũng sắp ngã vào em/ Lá lại buông mình làm rối cả chiều lên (Anh lúc nào cũng sắp ngã vào em). Thơ tình Nguyễn Thụy Kha nhiều bài, nhiều câu táo bạo, như thể một khác biệt hoàn toàn với tất cả những cây bút cùng thời với ông: Được yêu em khỏa thân/ Anh chẳng cần áo quần sặc sỡ/ Chỉ những kẻ không chiếm nổi em/ Lại khát làm tình với áo quần em đó (Khỏa thân). Bài thơ Chiều không em của Nguyễn Thụy Kha đã được tới ba thế hệ nhạc sĩ phổ nhạc. Đó là Huy Du, Phú Quang và Bùi Việt Hà. Từ vẻ đẹp của lời thơ đã đi vào trọn vẹn trong vẻ đẹp ca từ: Chiều không em chiều buồn không em/ Trái tim ta ai ném bên thềm/ Chiều không em câu ca vàng sương khói/ Biết về đâu để mà nhớ mà quên. Bên cạnh nhiều tập thơ và bài thơ đã công bố, Nguyễn Thụy Kha còn có một số lượng lớn các trường ca. Do khuôn khổ bài viết, chúng tôi xin phép sẽ nói về trường ca của ông trong một dịp khác.

NHẠC

Tính cho đến thời điểm này, Nguyễn Thụy Kha ngoài những đóng góp ở mảng phê bình âm nhạc, ông còn có một gia tài trên dưới 200 ca khúc với nhiều phong cách, thể loại: pop, rock, trữ tình, nhạc thiếu nhi, hợp xướng…Nhạc sĩ từng chia sẻ với tôi, ông có khát vọng muốn viết tặng mỗi tỉnh thành của Việt Nam một ca khúc hợp xướng và hiện đã hoàn thành được khoảng một phần ba dự định của mình. Nhiều thế hệ thiếu nhi vẫn còn nhớ mãi ca khúc Mùa xuân bao điều lạ mà Nguyễn Thụy Kha phổ thơ Định Hải. Bài hát với âm hưởng tươi vui, trong sáng rộn rã đã chinh phục đông đảo thính giả cả nước ngay từ khi mới công bố: Én có gì lạ báo mùa xuân sang/ Và đất có gì lạ cánh mai vàng ươm/ Pháo có gì lạ mà tiếng nổ vang/ Mùa xuân có gì lạ làm em rộn ràng/ Có bao nhiêu điều lạ trong những ngày xuân sang/ Có bao nhiêu điều lạ rực sáng tuổi thơ em. Như vậy, Nguyễn Thụy Kha không chỉ đóng góp ca từ cho ca khúc Việt mà ông còn có duyên trong việc phổ thơ, tạo ra những giai điệu đẹp để lại mãi cho đời. Từ năm 1985 đến nay, Nguyễn Thụy Kha liên tục nhận được các giải thưởng ca khúc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, điển hình có thể kể đến các tác phẩm như: Âm vang nhà máy, hợp xướng Sông Hồng hình Tổ quốc (thơ Nguyễn Đăng Đức), hợp xướng Miền Trung (thơ Hoàng Trần Cương), hợp xướng Điện Biên (2014). Gần đây, ca khúc Chiều đất Mũi do ông viết cả nhạc và lời đã gây xúc động mạnh mẽ cho nhiều thính giả yêu nhạc Việt, trong đó có tôi. Với một khúc thức giản dị, sâu lắng cùng phần phát triển cao trào tạo được những điểm nhấn mãnh liệt, Chiều đất Mũi là ca khúc mang nặng tình yêu quê hương xứ sở, lòng tự hào về tinh thần bất khuất quật cường của cha ông: Cà Mau chiều xuống rưng rưng đất Mũi/ Nắng chuyển dần biển Đông sang biển Tây/ Hoàng hôn trào sóng, xanh xanh rừng mắm/ Lầm lì lấn biển gọi đước theo cùng/ Tôi đến đây ngỡ chìm vào cơn mơ/ Ôm trọn vẹn đất nước vào mình/ Nghe cột cây số cuối hát dải sông núi/ Nghe cột cờ Thăng Long phần phật gió khơi/ Nghe cha ông còn gọi mãi giữa trời.

Nguyễn Thụy Kha hàng ngày vẫn giữ thói quen làm việc, viết một cách đều đặn. Ông tâm sự với tôi, mỗi buổi sáng chỉ cần viết đúng hai trang, nhưng không ngày nào được bỏ. Nếu vì một lý do gì đó, có ngày không viết được, thì đến hôm sau phải viết bù cho đủ số. Cứ thế, ông như một con ong cần mẫn, bên cạnh gia tài thơ nhạc còn là những khảo cứu nhiều giá trị, trong đó phải kể đến 7 cuốn sách về chân dung các nhạc sĩ: Văn Cao, Huy Du, Đỗ Nhuận, Hoàng Việt, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Thiện Đạo, đã được Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt bạn đọc năm 2017. Với bản tính quảng giao, vây quanh ông lúc nào cũng ấm áp tình bầu bạn văn nghệ, không phân biệt khoảng cách giữa các thế hệ. Tình yêu thi ca và âm nhạc của ông cứ thế lan tỏa đến với tất cả mọi người.

Đỗ Anh Vũ

Nguồn Văn nghệ số 41/2023


Có thể bạn quan tâm