April 28, 2024, 5:03 am

Mặt sau của tấm Huân chương...

Tôi gặp Đào Thiên Tiên trong một cuộc ra sách của một đồng nghiệp văn chương Hải Phòng cách nay dễ cũng ngót một năm. Quả thật thì trước khi gặp Đào Thiên Tiên, tôi chưa có dịp đọc anh.

Trước lúc chia tay, anh tặng tôi hai cuốn sách Cái bát điếu (2010) và Ám ảnh miền thơ ấu (2020), là 2 tác phẩm trong Bộ liên truyện Sau lũy tre xanh (do NXB Văn học ấn hành và giới thiệu)… Dù chỉ mới được 2 trong số 5 tác phẩm của Bộ liên truyện, thì sự dẫn dắt lý trí và cảm xúc khi đọc một tác giả mới (đối với mình), trong trường hợp cụ thể đang nói ở đây, khiến tôi nghĩ sâu về vấn đề quan hệ giữa hai phạm trù giữa “cái bình thường” và “cái không bình thường” (tên một Tiểu luận (hay là Luận văn) Cái bình thương và cái không bình thường trong sách Phân tâm học và tính cách dân tộc, Đỗ Lai Thúy biên soạn và giới thiệu, NXB Tri thức, 2018, trang 43-162). Thực tiễn không có lý thuyết dẫn dắt, soi chiếu có cơ thành “mù quáng” là vậy…

Văn xuôi Đào Thiên Tiên, được viết theo khuynh hướng “phi lôgic hóa”. Nghĩa là những câu chuyện được kể, bề ngoài có vẻ “có đầu có đuôi”, nhưng bên trong là một sự đảo lộn thành ra mê lộ, mê cung, khiến đôi khi độc giả hoang mang (ví dụ tiêu biểu tuyện Vầng trăng tỏ). Tác giả dường như rất cố gắng giúp độc giả từ bỏ thói quen “bao cấp”, nghĩa là đọc xong khỏi cần suy nghĩ gì thêm. Không riêng tôi, thực sự day dứt bởi kết thúc của tập Ám ảnh miền thơ ấu: “Nhiều năm sau, có một lần mẹ bảo tôi: “Ngày đó tao giận mấy bác lãnh đạo ở xã quá! Cái chết của chú Khải, mọi người cũng có trách nhiệm một phần. Kể ra như người ta, chính quyền làm việc mà đến đầu đến đũa, có lẽ chú Khải đã không chết”. Lời người mẹ nói ra có vẻ như rồi gió thoảng qua, như là chìm khuất vào dĩ vãng. Nhưng không! Nó là một lưu dấu nhân sinh mang ý nghĩa văn hóa - nhân văn. Là minh triết dân gian. Bởi vì, niềm vui có thể qua đi, vì nó có thể là không thật, còn nỗi đau thì còn găm lại trong trái tim con người, vì nó có thật. Vụ cháy chung cư mi - ni ở quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội (đêm 12/9/2023) vừa qua làm chết 56 người và nhiều người khác bị thương nặng, nếu vận vào câu nói của người mẹ thì quá đúng. Như là tiên cảm. Như là cảnh báo về sự vô trách nhiệm trước nhân dân của những người được đặt vào ngồi ở các vị trí dưới câu khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”…

Cái bát điếu đích thực là một tác phẩm văn học phong tục. Đọc “cái” này tôi nghĩ, Đào Thiên Tiên là người “khôn ngoan” (thông minh) khi biết cái gì là sở trường, sở đoản của mình. Nên anh cứ bấu chặt lấy nơi chôn nhau cắt rốn mà khai thác chất liệu, tìm kiếm nhân vật, sự kiện, câu chuyện như lời tự bạch “Tôi chỉ là người kể chuyện, chuyện đời tôi, chuyện gia đình tôi, chuyện quê hương tôi, chuyện đất nước tôi”. Cứ đọc nhan đề truyện đã hằn lên chất phong tục: Vầng trăng tỏ, Khúc đàn xưa, Cái bát điếu, Về lại ngày xưa, Tri thiên mệnh… Bao giờ cho đến ngày xưa, bao giờ cho đến tháng mười là cấu tứ những tác quyển phong tục của Đào Thiên Tiên. Chất phong tục ở đây trước hết là cách tác giả làm hằn lên rõ nét lối cảm, lối nghĩ, lối hành xử của con người ở trong không gian “tam nông” (Nông thôn - Nông nghiệp - Nông dân), kể cả khi thả (phóng thích) nhân vật ra phố thị thì chất “quê kiểng”, “chân quê” vẫn cứ “bị lộ” trên cái nền “phố làng”. Rồi sau mới đến trang phục, ẩm thực, lễ nghi, hội hè, sinh hoạt... Giữa Hà Nội băm sáu phố phường của thời hiện đại, kỹ trị mà cái cảnh hút thuốc Lào vẫn cứ như một thứ “túy quyền” được tác giả tô vẽ, nâng lên đặt xuống thật kỹ càng, kỳ khu và thịnh soạn. Nhưng rồi tác giả ngược dòng lân la đến chuyện trồng cây thuốc Lào, đến việc chế tác ra những cây điếu hút thuốc Lào đủ các chủng loại. Đọc đến đâu cứ liên tưởng đến đó với Phở, Giò, Trà, Rượu của nhà văn Nguyễn Tuân một thời mang tiếng “duy mỹ”, đã đem lại cái nhã thú văn chương cho độc giả thời nay vốn quen với tốc độ, tiện ích của các món ăn nhanh, uống nhanh. Vậy nên mới nghĩ, Đào Thiên Tiên vốn xuất phát từ tam nông sau gia nhập thị thành, nhưng rồi lại củng cố tinh thần “cố hương” khi viết. Vậy nên tôi mới ngẫm khi đọc Đào Thiên Tiên rằng, cái ông nhà văn này không “mất gốc” dù đã ăn mòn cơm thiên hạ, dù đã xê dịch nhiều chân trời góc bể Á - Âu, dù đã kinh qua lửa đỏ và nước lạnh thời chiến tranh sống sót trở về xem như đã lời lãi lớn, dù đã bầm dập vì sinh kế, dù đã rất hiện sinh chủ nghĩa nhưng luôn giữ được “bản nguyên”. Vì thế nhìn bề ngoài kẻ sỹ này hơi bị... cũ, thậm chí hơi “nhàu nát”. Nhưng bên trong bình sinh bẩm tính thì rất hợp thời, thậm chí có thế nói là mode, có khả năng hỗn dung truyền thống và tân kỳ, trong và ngoài, trên và dưới, tinh hoa và phổ cập, thời sự và dài lâu.

Bùi Việt Thắng

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Có thể bạn quan tâm