May 1, 2024, 8:56 pm

Lung linh tranh lụa Nguyễn Thị Tâm

Nguyễn Thị Tâm là nữ họa sĩ vẽ tranh lụa nổi tiếng Việt Nam, người gốc Nam Bộ. Năm 1958, họa sĩ tốt nghiệp khóa 2 của trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định về sơn dầu.

Năm sau (1959), Nguyễn Thị Tâm đỗ thủ khoa Sư phạm Hội họa. Nặng lòng với quê hương, Nguyễn Thị Tâm xin trở về dạy mĩ thuật tại trường nữ trung học Lê Ngọc Hân - Mỹ Tho. Sau khi kết hôn với họa sĩ Nguyễn Long Sơn, Nguyễn Thị Tâm sang dạy tại trường nữ trung học Đoàn Thị Điểm - Cần Thơ. Năm 1972 chị về công tác tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn (nay là Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh), đảm nhận họa phần Bố cục và Trang trí cho đến năm 1984, xin được nghỉ công tác ở trường học để dành thời gian nghiên cứu thêm về tranh lụa và mở lớp dạy vẽ tại nhà.

Họa sĩ Nguyễn Thị Tâm.
Tranh: Hoàng Tường

Gần 60 năm hoạt động ngành mĩ thuật, trong đó có trên 10 năm gắn bó với tranh lụa, họa sĩ tham gia gần 100 cuộc triển lãm cá nhân, tập thể và hơn 20 cuộc triển lãm riêng về tranh lụa trong và ngoài nước: Pháp, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ, Bỉ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia… Tranh của họa sĩ được lưu giữ trưng bày trang trọng tại nhiều nơi: Bảo tàng Vatican (Italia), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, Bảo tàng Hội An. Ngoài ra, nữ họa sĩ Nguyễn Thị Tâm còn được sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là họa sĩ vẽ tranh lụa nhiều nhất. Nguyễn Thị Tâm là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, và họa sĩ cũng từng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ nữ TP. Hồ Chí Minh và là Phó Chủ tịch Hội Họa sĩ nữ quốc tế (INWAA-Việt Nam).

May mắn được thừa hưởng “dòng máu nghệ thuật” của thân phụ, Nguyễn Thị Tâm say mê hội họa, gắn bó với bút cọ sắc màu ngay từ khi mới bước chân vào trường học. 5 tuổi, Nguyễn Thị Tâm theo cha mẹ lên sống ở Sài Gòn, một thành phố văn hóa lớn, thuận lợi cho ước mơ theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Với hai tấm bằng Mỹ thuật, sau nhiều thập niên đứng lớp hết mình dạy hội họa cho học trò, Nguyễn Thị Tâm nhiều lúc vẫn cảm thấy canh cánh trong lòng một nỗi băn khoăn diệu vợi. Họa sĩ Lê Văn Đệ - một họa sĩ tài hoa, Hiệu trưởng trường Mỹ thuật cũng là giáo sư trực tiếp hướng dẫn Nguyễn Thị Tâm về chuyên môn - có lần đã chân thành gợi ý là chị có khả năng đặc biệt về tranh lụa: “Em vẽ lụa rất tốt! Em nên theo đuổi việc vẽ lụa, đừng bỏ qua một nghệ thuật truyền thống của Việt Nam!” Vì lẽ, bản tính người Việt Nam, nhất là phụ nữ, vốn cần cù, dịu dàng và đôn hậu nên rất thích hợp và dễ dàng cộng hưởng với bút pháp tinh tế và phong cách nhẹ nhàng đặc thù của tranh lụa.

Vững vàng kiến thức về tranh lụa, Nguyễn Thị Tâm bắt đầu tìm đề tài mới lạ, vạch hướng đi tới cho một kỹ thuật tân kì và một phong cách, bút pháp sáng tạo. Họa sĩ không lo thiếu những chủ đề vì non sông gấm vóc bao cảnh trí xinh đẹp hữu tình, những đề tài về khung cảnh sinh hoạt hồn nhiên của nhân dân sống trong không khí thanh bình thịnh vượng của nước nhà.

Bức tranh Thiếu nữ Việt Nam của họa sĩ Nguyễn Thị Tâm

Điểm nổi bật ở họa sĩ Nguyễn Thị Tâm trước tiên là bà dám mạnh dạn cách tân kĩ thuật vẽ tranh lụa. Bỏ ngoài tai những nhận định không đúng của những người không am hiểu mĩ thuật và mọi lời thị phi, Nguyễn Thị Tâm vững bước trên hướng đi nghệ thuật đã chọn. Với đồng nghiệp và học trò, họa sĩ bình tĩnh, cặn kẽ và chân tình giải thích thao tác nghiệp vụ nghệ thuật, có tính trí tuệ mà không ngẫu hứng như người nghệ sĩ tính tình nhạy cảm. Không phải là Nguyễn Thị Tâm muốn phá vỡ kĩ thuật vẽ tranh lụa truyền thống đã có từ bao lâu nay. Việc làm của họa sĩ thực sự hoàn toàn mang tính sáng tạo đáp ứng đúng phong cách của người nghệ sĩ. Theo kĩ thuật vẽ tranh lụa cổ điển, với mảng màu trắng ở nền tranh, người ta thường vô tư để lụa trơn mà không phủ lên màu trắng. Nguyễn Thị Tâm, từ tư duy nghệ thuật riêng, đã làm khác đi nên bị các đồng nghiệp phản ứng. Bà giải thích: “Không sử dụng màu trắng, qua thời gian, lụa sẽ bị ố vàng, không còn giữ được trung thực sắc màu trinh nguyên ban đầu theo ý muốn của tác giả. Dùng màu trắng để thêm tuổi thọ cho tranh lụa. Không máy móc, ước lệ trong cách làm, người vẽ tranh lụa cần nghĩ đến hiệu quả chung cuộc là giữ được vẻ mượt mà, óng ả và chất thơ mộng của bức tranh qua thời gian!”

Nguyễn Thị Tâm nghe theo lời thầy dạy và đã thành công rạng rỡ trong khoảng thời gian chỉ hơn 10 năm tập trung công sức theo đuổi con đường vẽ lụa. Cả những họa phẩm sơn dầu Nguyễn Thị Tâm trưng bày chung trong phòng triển lãm cũng phảng phất phong cách tranh lụa vốn là sở trường của nữ họa sĩ. Phong cách tác nghiệp của Nguyễn Thị Tâm rất phóng khoáng thoải mái, chị đi vẽ như đi dạo chơi và trong lòng không để ý đến dư luận từ những người không hiểu, không làm nghệ thuật: Đàn bà gì cứ nhong nhong ngoài đường phố suốt ngày mà không ở nhà trông nom việc gia đình cho chồng con!

Chỉ có những người đồng điệu, cùng lí tưởng mới hiểu và đánh giá đúng chân tài của họa sĩ. Nói theo nhạc sĩ Miên Đức Thắng, những bức tranh siêu giá trị đã sử dụng màu sắc tự nó như một thứ ngôn ngữ mà không cần ngôn ngữ giải thích cũng như cao nhất trong những bản nhạc là nhạc có âm mà không lời!

Do kĩ thuật cách tân, mang tính chất khai phá, thiết kế bố cục thông thoáng và nội dung thiên về tư duy hướng nội, khơi gợi tình cảm nhẹ nhàng cao quý ở người xem, hoặc nắm bắt những chủ đề thiên nhiên tĩnh lặng (sen), nhiều người đã có lí khi nói trong tranh lụa Nguyễn Thị Tâm lung linh không khí thiền và đạo. Riêng tôi nhận thấy tác phẩm tranh lụa của Nguyễn Thị Tâm, qua bút pháp tinh tế điêu luyện, cách chuyển màu mượt mà, thấm đẫm chất thơ, “trong họa có thơ”. Thực ra trong khu vườn mĩ thuật từ trước đến nay vốn đã hiếm hoi những cây cọ nữ. Hiện nay ở Việt Nam, nếu họa sĩ Trương Thị Thịnh nổi tiếng vẽ chân dung sơn dầu thì Nguyễn Thị Tâm có thể coi là nữ họa sĩ độc đáo về tranh lụa vẽ hoa sen. Nguyễn Thị Tâm cũng là một họa sĩ năng động, hào hiệp. Gác lại một bên chuyện kinh tế gia đình cho một đàn con đông và vấn đề tiền nong lo cho người chồng bị bệnh thường phải chạy thận, họa sĩ Tâm ngược xuôi đây đó vẽ tranh rồi dành chút giờ nghỉ ngơi ít ỏi còn lại để bươn bải đi bất cứ nơi đâu làm công tác từ thiện: cảm thông, chân tình tặng quà cho các em mồ côi hay khuyết tật, những nạn nhân bất hạnh bị nhiễm chất độc màu da cam… hoặc những cụ già neo đơn, nghèo đói, không nơi nương tựa. Đó là chân dung của một Nguyễn Thị Tâm say mê hội họa, xem suốt cả cuộc đời mình không đủ cho niềm đam mê vẽ, cho đến lúc cuối đời, chị còn muốn được chết trên giá vẽ của mình.

Chưa cần thiết phải nói đến khối gia tài tác phẩm mĩ thuật phong phú, đồ sộ đã được thẩm định phẩm chất qua hơn 100 cuộc triển lãm tranh lụa (và sơn dầu) trong và ngoài nước, tôi nghĩ, cuộc đời cống hiến hết mình và cường độ hoạt động nghệ thuật và xã hội mạnh mẽ, cao đẹp của Nguyễn Thị Tâm cũng đã là một tác phẩm mĩ thuật lớn, đáng được trân trọng hơn cả những bức tranh lụa bậc thầy giá trị nghìn đô trong những mùa triển lãm của nữ họa sĩ.

Đan Thanh

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm