April 27, 2024, 6:20 pm

Lời tri ân các thế hệ văn chương tiền bối

Hội nghị Đại biểu Nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ Nhất thành công tốt đẹp

 

 

Chúng tôi là những người cầm bút may mắn sinh ra, trưởng thành trong cái nôi của văn chương Việt. Đất nước chúng ta sở hữu được những tác phẩm lớn, đồ sộ, những cuốn sách gối đầu giường cho nhiều thế hệ. Văn chương góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc và tiếp thu các giá trị tinh thần ngay trên từng con chữ, chất chứa nhiều giá trị nhân văn hơn cả.

Nhiều người trong chúng ta nhớ đến Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, đó cũng là cuốn sách gối đầu giường tuổi thơ tôi. Sự tưởng tượng đến chân thật, sự ngây thơ, khí phách anh hùng, hào hiệp khiến ta đôi lúc tự hỏi có lẽ nào trong dòng đời này đôi lần mình quên đi trách nhiệm về những gì đã được cảm hóa. Tuổi trẻ tôi đã sống như vậy, ở một góc nào đó, ở một rìa sách nào đó của tháng ngày trôi dạt. Tô Hoài đã dạy cho tôi những vấp váp đầu tiên của việc sử dụng ngôn từ: “Khi chưa đặt bút, chữ còn là của tôi, bây giờ chữ đã là của nhân vật”. Nghiêm túc và rạch ròi đến vậy mới chán việc tùy tiện đặt nhầm chữ, làm mất ý nghĩa của câu từ.

Gia tài của các thế hệ văn chương tiền bối và những bài học về lao động chữ nghĩa để lại quá đồ sộ. Chúng tôi luôn tâm đắc Nam Cao trong một quan niệm về sự sáng tạo, đã nói: “khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Thiên chức sáng tạo đã cho ra đời những tác phẩm văn học một và chỉ một độc sáng giữa trường văn trận bút. Và hơn thế, một tác phẩm văn học luôn bám lấy hiện thực cuộc sống, bắt nguồn từ đó để nảy lộc, đâm chồi con chữ. Văn chương chính là cuộc sống, là hình hài đã được cách điệu, nhân bản chân - thiện - mỹ. Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Sáng quan tâm đến những “mạt vàng” - chi tiết đắt giá, quý báu trong tác phẩm nhưng “Muốn có nhiều chi tiết phải lăn lóc trong đời, cho đời”, nghĩa là phải sống, phải trải nghiệm cùng hiện thực.

 Một trong những nhà văn tôi yêu thích là Thạch Lam, người đã cho ngôn từ một hình hài giàu trắc ẩn, rung cảm nhất. Thạch Lam đến với văn chương và ra đi khi còn rất trẻ, đã phát ngôn về chức năng của văn chương như là “Thứ khí giới thanh cao và đắc lực” mà các nhà văn có được ấy thiết nghĩ luôn phù hợp trong bất kỳ xã hội nào, tồn tại nào. Nguyễn Huy Thiệp lại đúc kết và phát triển thêm: “là nghề nghiệp duy nhất chỉ nói về tính nhân đạo, sự bao dung và lòng chẳng nỡ”. Văn chương hướng đến giá trị nhân văn, nhân đạo, nhân bản, là cái đẹp của tâm hồn con người, của thái độ sống, ứng xử, của niềm cảm hoài xót thương trước hiện thực, là đồng bào, là nhân loại. Trong phạm vi ngữ nghĩa ấy, ở Việt Nam, Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh đã trở thành một bức khảm ký ức về cuộc chiến tranh Việt Nam. Tình yêu, lòng nhân ái, Tổ quốc, danh dự, mơ mộng, thiện ác, cái đẹp, cái khổ,... xuất hiện trong tác phẩm làm người đọc vừa hân hoan vừa đau đớn, vừa hạnh phúc vừa chua chát. Tôi học được ở ông sự im lặng, sự nhẫn nại của công việc viết lách và dường như tránh xa các ảo tưởng “không biết làm thế nào ngoài cách im lặng mà viết”. Là nhà văn anh phải cầm bút, phải làm việc không ngừng nghỉ trước cái “biết làm sao bây giờ” và nghiêm túc ngay chính trong hành trình cô độc ấy.

Tôi được hấp dẫn bởi thứ tinh thần bứt phá từ đám đông của những các nhà văn tiền bối, luôn căng đầy hứng thú với trò chơi của con chữ. Với văn chương, chúng tôi còn quá nhiều việc để làm, để học, là một đời sống khác tôi hằng thích thú. Tôi đang sống và viết bên dòng thời gian, điều đó gợi cho tôi nhiều hiếu kỳ về sự sống, cái chết, cái còn, cái mất. Lịch sử văn học dường như là sự lướt qua cả đắm say lẫn quằn quại.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng quan niệm về nghề: “Nghề văn là nghề của chữ… Nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà “sinh sự”. Mỗi nhà văn phải tìm đúng cái tạng, viết theo sở trường của mình, khao khát sáng tạo, khao khát tìm tòi, thể nghiệm những cái mới sao để cho hay nhất, độc đáo nhất có thể. Đó là cả một hành trình gian nan, vất vả, một cuộc bay để đi tìm một chân trời không khả hữu. Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng: “Viết văn là thực hiện một sự cân bằng giữa con người lý trí và con người nghệ sĩ”. Con người lý trí và con người nghệ sĩ dường như luôn đồng hành và luôn mâu thuẫn trong một nhà văn. Việc kiểm soát nó về một tình trạng cân bằng như nhà văn Nguyễn Minh Châu kể trên cũng là một dấu hiệu nghệ thuật có tính chủ động, góp phần vào sự thành công trong tác phẩm.

Lại nhắc nhà văn phải tu thân. Văn ứng với người, văn là người, là kẻ đã viết ra những câu, những chữ ấy. Đó là cốt cách của nhà văn mà các thế hệ trước luôn nhắc nhở chúng tôi. Anh đã sống thế nào thì tác phẩm của anh thế ấy. Nhà văn Nguyên Hồng đã từng khóc khi để nhân vật của mình “chết” trong tác phẩm. Đó là nhân vật Gái Đen trong bộ tiểu thuyết Cửa biển mà ông dành nhiều tâm huyết. Đến đoạn nhân vật này không may qua đời, Nguyên Hồng bàng hoàng và bật khóc khi chợt nhận ra nhân vật mình dồn nặng tâm tư đã đặt dấu chấm hết. Nguyên Hồng vội vàng gọi điện cho con trai đang học xa nhà để… báo tin buồn: “Con ơi! Gái Đen chết rồi, con ạ!..”. Rồi nhà văn òa khóc. Giai thoại này đi vào văn học sử, nhiều người nhớ đến Nguyên Hồng, một người sống thật cả ở ngoài đời và trong trang viết.

*

Chúng tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có những cơ hội và thách thức riêng phụ thuộc vào sự vận động của đời sống cá nhân trong dòng chảy văn chương và sự tác động của thời cuộc. Tuổi trẻ của những thế hệ tài hoa trong lịch sử văn học nước nhà, được vinh danh trong văn học sử đã chứng minh sự nỗ lực, tìm tòi, định vị của họ. Cái danh, cái vang bóng trong văn chương như hạt gạo trên sàng, không dễ gì mà đọng lại. Và chắc rằng, người viết trẻ thiếu nhất là vốn sống, sự trải nghiệm với hiện thực. Theo tôi, cái đó là thiếu cơ bản và nhiều nhất của chất liệu cần có, cần phải khai thác, tích lũy của người viết. Và nếu thiếu sự đồng cảm sâu sắc với đời sống này, với khổ đau, cay đắng, hãy lắng nghe bi kịch, tiếng thở than chung quanh mình, thấy nước mắt vẫn chảy đâu đó hàng ngày dưới mái nhà nghèo khổ, những thân phận nhọc nhằn… Văn chương thời nào cũng cần sự dấn thân, cần ngọn lửa không ngừng cháy sáng. Những người trẻ như chúng tôi phải học hỏi các thế hệ tiền bối, phải sống cùng sức mạnh dẻo dai của mình trên trang viết. Việc hệ định lại những giá trị để chúng ta theo đuổi có thể là những quyết định lịch sử của chính chúng ta.

Văn chương nói riêng và văn hóa đọc nói chung sẽ góp phần tạo ra những cá nhân toàn diện, những người có thể suy nghĩ nghiêm túc, biết phân tích và luôn hứng thú với việc học, tiếp nhận tri thức mới, những con người giàu tính nhân văn, thẩm mỹ. Hy vọng rằng, những giá trị văn chương mà thế hệ tiền bối đã tạo dựng sẽ được kế thừa, phát triển. Thế hệ trẻ chúng tôi luôn biết ơn những giá trị đó, xem đó là những hành trang tinh thần lấp lánh để tiếp tục tiến bước, trên con đường văn chương nhiều đam mê, hấp dẫn nhưng cũng lắm thử thách, chông gai!

Lê Vũ Trường Giang

Nguồn Văn nghệ số 40/2023


Có thể bạn quan tâm