May 3, 2024, 9:57 pm

Líu lo những thanh âm buồn

Nhà thơ Hữu Việt, tên khai sinh là Trần Hữu Việt, quê Nam Định. Anh là con trai thứ của nhà văn Hữu Mai - tác giả của nhiều tiểu thuyết, kịch bản, hồi kí nổi tiếng. Tôi may mắn đã được gặp và trò chuyện với anh nhiều lần.

Lần nào, tôi cũng bị ấn tượng bởi ngoại hình “chuẩn men”, niềm nở, vui vẻ cùng tài ăn nói lưu loát của anh. Đã vậy, anh còn là người cực kì tinh tế, khéo léo, nhanh nhẹn và chỉn chu. Hỏi ra, mới biết anh tuổi Quý Mão (1963). Hèn gì… Vận người vào thơ, quả không sai chút nào! Đọc anh, thoạt ngỡ, nhà báo và nhà thơ chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng với Hữu Việt lại khác. Anh từng làm việc tại báo Tiền phong cuối tuầnVietnamnetPhụ nữ Thủ đô,… hiện nay là Trưởng ban Văn hóa - Văn nghệ báo Nhân Dân, nhưng nghề báo không trì níu hồn thơ anh, trái lại, tương tác và hỗ trợ. Chúng ta có thể thấy, bên cạnh một Hữu Việt - nhà báo năng động, nhiệt huyết là một Hữu Việt - nhà thơ lãng mạn và đau đời, chiêm nghiệm. Con người báo chí vun đắp sự sống, hiểu biết rộng rãi, sâu sắc cho con người thơ. Con người thơ bồi đắp tính nhân văn, giá trị thẩm mĩ cho con người báo chí.

Nhà thơ Hữu Việt

Nơi ấy bắt đầu sinh vết cắn mới

Còn nhớ, khi Nhã Phương đọc Gọi - một bài thơ của Hữu Việt - trong phim Ngày ấy mình đã yêu, tôi như kẻ bị quyến dụ, không phải vì giọng cô ấy mà vì dạng thức thơ đậm dấu ấn đồng dao gợi vẻ đẹp trong sáng, tinh khôi của nỗi mất mát, khổ đau: Có một ngõ cỏ/ Cho nụ hôn đầu/ Có một bể dâu/ Cho lòng bớt tủi/ Có một sợ hãi/ Gọi là mất nhau/ Có một niềm đau/ Sắp thành dĩ vãng... Trong vai là kẻ du ca tình yêu, anh yêu từ ngày chưa biết em, anh ngây, nhớ, ngấm, say, siết, tìm,… và kể cả ghen với những người em sẽ yêu sau, anh trải lòng mình như thế để ngẫm: Nếu không dang dở, mới thật tình đầu... Sự trọn vẹn, viên mãn sẽ giết chết tình yêu. Có chút thiếu thiếu, chút trống vắng, chút khổ đau, tình yêu mới hiện tồn. Đó là thứ gia vị đối xứng làm nên giá trị của tình yêu. Cảm xúc đắm đuối, mơ mộng, si tình là thế, nhưng ẩn bên trong dòng chảy ấy là chiều sâu của suy nghiệm, trí tuệ. Các chủ đề về tình yêu, hạnh phúc, khổ đau, chia li, thân phận, cuộc sống,… đều được anh soi chiếu qua miền thăm thẳm của cảm xúc, qua cái nhìn phản biện, ngôn ngữ lập luận, so sánh, đối thoại, tự vấn. Bài thơ Cỏ là một ví dụ, cỏ phận nhỏ nhoi, bị chân dẫm đạp nhưng giá trị của chân không thể so sánh được. Muôn đời cỏ vẫn xanh ngạo nghễ, vẫn lặng lẽ xanh đắp ấm những kiếp người. Hay trong bài thơ Vết cắnVết cắn trên ngực anh sắp tan/ nhưng niềm hân hoan vẫn nguyên ở đó/ Đêm nay/ đêm nay cơn gió nhỏ/ quần thảo giữa trái tim anh…// Bằng lặng im không nói/ nơi ấy bắt đầu sinh/ vết cắn mới - đau anh!, cũng gợi cho chúng ta bao suy cảm. Trái tim có nỗi niềm riêng nhưng nó bao giờ cũng là nguồn cảm hứng đặc biệt, cho con người nếm trải sự hài hòa giữa hạnh phúc và khổ đau, vui sướng và u sầu.

Tình yêu văn chương của người bố trỗi dậy trong anh, khi anh đang là sinh viên của Trường đại học Giao thông Khác-cốp. Học ở Liên Xô (trước đây) về, anh trở thành giáo viên dạy tiếng Nga, rồi chuyển sang làm ở Công ty Xuất nhập khẩu công nghệ mới thuộc Viện Công nghệ Quốc gia, rồi chuyển sang làm báo. Những công việc này đưa đẩy khiến anh nhanh chóng trở thành người của công chúng (xuất hiện trong các chương trình như Ai là triệu phú, Vua tiếng Việt, Giai điệu tự hào, Quán thanh xuân, Hoa hậu Việt Nam...) và cũng là một cây bút dịch thuật rất cừ. Song sự nổi tiếng của anh không hề ảnh hưởng đến con đường thơ, trái lại, tôi càng thấy anh đắm đuối với thơ, trăn trở với sự sống còn của thơ hơn nữa. Anh đã in Phố lạc tiênĐếm mùaThơ bốn ngườiMắt bò và dịch thuật: Chuyện của Ana (truyện dịch), Khúc hát trái tim (thơ dịch)... Trong các tác phẩm dịch, Khúc hát trái tim (dịch thơ của tác giả Mattie J.T Stepanek) đã đoạt Giải thưởng văn học dịch năm 2007 của Hội Nhà văn Việt Nam.

Anh tâm sự, anh ít gửi đăng thơ, vì anh cần dành nhiều thời gian để nhìn ngắm, thẩm mỹ đứa con của mình trước khi ra mắt bạn đọc: Có khi thức trắng cả đêm/ Có khi mờ sáng thức xuyên sang ngày/… Có khi thức để ăn mày chữ khuya (Nhà thơ). Đó là sự nghiêm túc, trách nhiệm và ý thức xác lập cá tính, giọng điệu mà bất kì người viết nào cũng phải học hỏi. Cái tôi triết luận này không ngừng chối bỏ, tái tạo, kiếm tìm những khoảnh khắc thăng hoa: Sau cơn khát ta bỗng nghe ngập lụt/ Ở trong thơ và cả trong đời (Đường). Do vậy, sự líu lo (tên gọi một phần thơ trong tập Mắt bò) trong thơ anh thực ra là sự líu lo của thanh âm nỗi buồn. Nỗi buồn mang đến cho anh những nhận thức, trải nghiệm mới. Qua nỗi buồn, người đọc nhận thấy một trái tim thơ nồng nàn, đau đời giữa bộn bề chông chênh: Đường đạp dưới chân tôi/ Tôi đau dưới chân người (Đường). Thái độ trước nỗi buồn đã làm nên giá trị thơ anh: cảm xúc mà triết lí, giản dị mà sâu sắc. Chất triết lí thơ anh được cài cắm chủ yếu trên cái nền của hiện thực tinh thầnhiện thực cảm xúc, dẫu không đào sâu vào miền hư ảo, tâm linh, nhưng luôn mê hoặc người đọc, bởi những giây phút cuộn sóng, quẫy đạp của nỗi lòng.

Tiếng mình tức tưởi độc hành

Hữu Việt không quá đỗi vật lộn, cũng không quá đỗi ồn ào với những thể nghiệm mới mẻ của thi ca. Sự quyết liệt của anh nằm ở sự tự nhiên của cảm xúc, sự thôi thúc của cõi lòng. Mê đắm trong nguồn nội cảm ấy nên thơ anh da diết, chảy bỏng, gần gũi, bình dị, đời thường. Mỗi bài thơ của anh là một lát cắt tâm trạng, suy tư. Những câu thơ cất lên từ tiếng lòng chân thành khiến mọi thứ xung quanh hay một khoảnh khắc đều có thể thành thơ: Mưa sớm/ thêm tiếng chim/ líu - lo – cành/ làm ta tỉnh giấc.// Nằm mãi không ngủ lại được/ thế là thành thao - thức - líu - lo - em (Líu lo). Cái tôi trong sáng, đắm say trong tình yêu luôn ngân lên những nhịp chỏi để bừng sáng thanh âm thành thực của trái tim. Và cái tôi “thơm mãi tình đầu” ấy cũng là hạt giống cho những vụ mùa của lẽ sống, cõi đời. Theo đó, sự chiêm nghiệm về lẽ sống, cõi đời trở thành thế mạnh trong thơ anh. Những câu thơ nặng tình minh chứng cái tôi cao khiết, đau đáu: Ước gì đỡ hộ/ Cơn nấc của cha/ Đỡ luôn gánh nặng/ Tên là tuổi già (…)// Mỗi lần cha mở mắt/ có thể trở thành sự kiện cho mẹ và chúng con kể suốt một tuần (Thơ dâng cha). Dù chỉ là một khoảnh khắc ngắn ngủi nhưng với Hữu Việt nó rất có giá trị, ấy là sự vận động của tình cảm, sự vĩnh hằng của tình cảm. Trong bài thơ Trước lúc con ra về mẹ cứ níu tay, một cái níu tay khi anh vào bệnh viện thăm mẹ thôi, nhưng cái níu tay ấy “mạnh mẽ hơn mọi uy lực cuộc đời”. Hành động bình thường, giản dị nhưng đâu phải ai cũng cảm nhận được. Hữu Việt trân quý những phút giây hiện hữu ấy, vì, với anh, đó mới là giá trị đích thực của cuộc sống. Phút giây ấy sẽ giúp chúng ta biết dừng lại lắng nghe và sống hết mình cho những yêu thương.

Cái tôi trong thơ Hữu Việt luôn đau đáu với cuộc đời, thân phận. Trái tim anh rỉ máu, tổn thương trước sự thản nhiên, vô cảm đang dự phần, mà con người xem đó như là tất yếu của đời sống. Khác với những vần thơ day dứt phía trên, những vần thơ vọc vào thế cuộc thường diễn đạt bằng ngôn ngữ hết sức lạnh lùng, dửng dưng. Anh như là người chụp, sao chép, chứ không hề can thiệp, trau chuốt tu từ: Con mèo và sợi dây thòng lọng/ vẫn có thể là bạn của nhau/ ngay cả khi những tên trộm/ sắp giật sợi dây/ vào một ngày nắng ấm// Còn con người đang sửa soạn mâm/ chờ món tiểu hổ (Con mèo và sợi dây thòng lọng). Những cuộc đào bới trong lòng thành phố được anh xem là khối u nhọt mà còn người mặc nhiên thừa nhận: Những khối u đã di căn trong thành phố/ Lẽ nào chẳng ai nhận ra/ Hay nhận ra rồi và như thường lệ: bỏ qua… (Thành phố). Lối sống này đang âm ỉ chảy và chảy không ngừng. Cái ngẫu nhiên của đời sống do đó cũng là chất liệu, là nỗi đau nhân thế trong thơ anh. Anh quăng ra cái gốc rễ của hiện thực như là một nỗ lực thức tỉnh, hướng con người tự điều trị bệnh trống rỗng, ráo hoảnh, trơ lỳ của chính mình. Cuộc sống thưa vắng tình cảm ấy không hề làm anh mệt mỏi, chùn bước hay lảng tránh, anh xác tín nỗi ưu tư ấy bằng niềm yêu rất mãnh liệt: Sau chuyến đời mệt nhoài/ Sống làm anh say... (Say). Đó là niềm yêu để được chạm tận đáy đời sống. Như vậy, những khúc rời của hiện thực trong thơ Hữu Việt vừa có khả năng lay động tâm hồn vừa xác lập tín hiệu tiếng mình tức tưởi/ độc hành.

Hữu Việt đã và đang đi hết mình với phức điệu của cảm xúc, cho người đọc thấy được những “quặng nghĩa”. Anh ít nhiều chối bỏ những ràng buộc cũ, hướng cái-nhìn-thơ vào cựa quậy của đời sống, ẩn giấu cảm thức thảng thốt hiện sinh: Cả rừng lá đang ào ào trút xuống/ Như muôn mũi kiếm đâm vào ta/ Đau đớn (Trên đồi gấu mẹ). Nỗi niềm đan bện trong tầng ẩn mật của tư duy triết luận đã dự phóng nghệ thuật thơ anh: bay bổng, lãng mạn mà chắt lọc, suy tư; giản dị, đời thường mà cảm động, sâu sắc.

Hoàng Thụy Anh

Nguồn Văn nghệ số 15/2023


Có thể bạn quan tâm