April 29, 2024, 1:55 am

Lên Hà Giang, gặp… Nguyên Ngọc

Ngày lành tháng tốt năm Quý Mão 2023, một cú phôn lúc mười giờ sáng của chú em nhà báo Mai Thanh Hải: Bác đi Hà Giang chơi không? Em mời bác với Phạm Đương đi cùng, nếu Ok thì 10 giờ trưa mai em đón ở cột số 10 sân bay Nội Bài. Em bay từ Sài Gòn, anh Đương từ Quảng Ngãi cùng ra sáng mai.

Rút điện thoại gọi đại lý quen. Vé rẻ nhất Pleiku đi Hà Nội giờ ấy là ba triệu hai, nhưng phải mười một giờ mới tới. Hơi xót so với lương hưu, nhưng hề gì, mấy khi có cạ. Phôn lại cho Hải: Chịu khó đón anh chậm một tiếng đồng hồ nhé!

Một chuyến đi Hà Giang rất thú vị và rất… bất chợt.

Hơn bốn mươi năm ở Tây Nguyên, tôi đã quen với núi kèm rừng của những dãy Trường Sơn trùng điệp. Người ta bảo núi Tây Nguyên là núi già nên nó bằng và có đất, nhiều đất nên có rừng và là rừng rất tốt. Tây Nguyên rừng nguyên sinh rất nhiều, dẫu có thời người ta đã vin cớ “rừng nghèo” để phá đi khá nhiều để trồng cao su và cây công nghiệp. Và, nếu dưới đồng bằng nhìn lên, kiểu như đi ở quốc lộ Một ấy, ngước lên chỉ thấy mây bay trên những đỉnh rừng xanh rì, bí ẩn, hết sức bí ẩn. Tôi đã từng choáng ngợp trước sự bí ẩn những ngày đầu mới lên Tây Nguyên rồi về quê và lên lại, ngồi trên xe thấy xe cứ rẽ mây mà xuyên vào rừng, thăm thẳm và cô liêu.

Giờ, trước mắt tôi là dựng đứng núi đá. Quê ngoại tôi ở Ninh Bình nên tôi cũng từng biết, từng leo núi đá. Nhưng phải lên Hà Giang lần này tôi mới biết đá nhọn hoắt như chông là thế nào. Sừng sững đá, rợn ngợp đá, khúc khuỷu đá, lô nhô đá… Có những đoạn đá như trôi trong biển mây. Cũng các bạn rành chuyện cho biết, núi phía Bắc là núi đá trẻ, hàng năm nó đều lớn lên một chút, nên nó nhọn.

Nhà văn Nguyên Ngọc và bà Thào Thị Mỷ chụp ảnh kỷ niệm tại chợ Mèo Vạc, sau 30 năm “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng”.

Nhà thơ Phạm Đương, với trí nhớ trác tuyệt của mình, cứ rên lên: Ngày xưa các ông Tô Hoài, Nguyên Ngọc... đã lên đây, họ đi như thế nào, ăn ở sinh hoạt ra sao, vừa tham gia oánh nhau, tiễu phỉ… vừa viết lách, mà ra toàn những cái ghê gớm. Cứ thấy chỗ nào hiểm trở, chỗ nào tóc gáy dựng lên là anh lại nhắc đến các “ông ấy”. Thật, thời các ông lên đây, tất cả mọi thứ đều chưa như bây giờ, nhất là đường sá. Mà cái ông Nguyên Ngọc ấy, có to cao gì cho cam. Ông Tô Hoài dù sao cũng là người Bắc, từng nghe nói và quen, dẫu chỉ sơ sơ với vùng này. Nhưng ông Ngọc từ Quảng Nam ra, lạ cái lạ nước lạ đủ thứ... Ngay chịu cái lạnh thôi, ông Tô Hoài và Nguyên Ngọc đã khác rồi, quê ông Ngọc hầu như không có mùa đông…

Tối đầu tiên ở Hà Giang, đồn Biên phòng đón mấy gia đình cán bộ chiến sĩ lên thăm, làm mấy món ngon ngon chiêu đãi. Tất nhiên chúng tôi cũng là khách. Tôi ngồi bên một cô bé rất xinh, được giới thiệu là bí thư huyện đoàn Mèo Vạc, nơi ngày mai chúng tôi sẽ tới đưa một gia đình liệt sĩ từ Đăk Lăk ra nhận mộ liệt sĩ hy sinh hồi chiến tranh bảo vệ biên giới, nhưng vì vài lý do rất ngẫu nhiên mà từ bấy tới nay gia đình không biết liệt sĩ nằm đâu. Chính nhà báo Mai Thanh Hải đã phát hiện ra và kết nối đưa gia đình ra nhận mộ...

Chuyện trò đủ thứ, uống rượu ngô bắt chéo tay đúng phong cách người Mông bằng “cái lý của người Mèo”. Trước khi về, khi nghe mấy anh lính trẻ giới thiệu chúng tôi là “hai thủ trưởng nhà văn”, cô bé huyện đoàn buông một câu: “Cháu cũng liên quan chút với bác nhà văn Nguyên Ngọc đấy!”. Ơ, thế à, liên quan thế nào, không đùa chứ? Trong cái ánh mắt ranh mãnh dưới mái tóc xoăn lòa xòa của ông nhà thơ nhà báo tinh quái Phạm Đương, tôi đồ chừng lão đang... nghĩ xấu cho ai đó. Cô bé buông câu nữa trước khi lên xe grab: Cháu là cháu nội bà Thào Mỷ.

Ôi giời. “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi?”…

Tôi từng mê tít thò lò cái “mùa hoa” này, lại còn đọc bài của nhà văn Tô Hoài “rộng đường dư luận” về nhân vật và nhà văn nữa. Ai ngờ, đời tôi lại còn có ngày được cháu nội của người đàn bà làm nhà văn Nguyên Ngọc phải thăng hoa chữ nghĩa đến thế. Cái truyện ấy, ông đã viết những dòng đẹp nhất về bà, như rượu say, như mắt say, như tình say và như cả đất trời say... Đấy là ông kể lần đầu tiên gặp Thào Mỷ khi bà đang làm cái việc là... chạy trốn con người, vì cô Thào Mỷ bị ép bắt lấy thằng cu 7 tuổi, về nhà nó lại phát hiện bố nó chính là người đã giết bố mình để cướp thuốc phiện. Cái người con gái ấy trong văn ông đây: “Chưa bao giờ tôi đứng trước một người con gái có sức thu hút mãnh liệt như vậy. Gọn gàng, nở nang, rắn rỏi mà mềm mại, đôi mắt hơi cười nhưng vẫn thấm đẫm một nỗi đau, một nỗi buồn tê tái nào đó cứ buộc mình phải đoán, phải cố tưởng tượng. Có một vẻ gì đó, ngay từ phút gặp đầu, vô cùng đắm đuối ở người con gái ấy”. Đây nữa: “Khi im lặng trầm uất như một ngọn núi Mèo cô độc, khi lẳng lơ như những bông hoa thuốc phiện quyến rũ, khi phấp phới như ngọn gió ào ạt trên đỉnh Săm Pun…”…

Còn đây là ông Nguyên Ngọc tả bà Mỷ sau ba mươi năm gặp lại: “Tất cả vụt tan biến hết. Xuân Thiều và Mai Liễu ý tứ bỏ đi đâu đó. Tôi ngồi một mình cạnh Thào Mỹ, cách có vài gang tay, nhưng giữa chúng tôi là 30 năm dâu bể. Vậy mà người đàn bà ấy vẫn đẹp một cách lạ lùng. Tôi chưa thấy người đàn bà nào có thể đi qua 30 năm dằng dặc đau khổ trầm luân tưởng chừng nhẹ tênh đến vậy. Vẫn đôi mắt xanh nâu đắm đuối ấy, có bình tĩnh và chín chắn hơn, đương nhiên, nhưng ngọn lửa khát khao chừng không thể, không hề tắt. Vẫn gọn gàng nhanh nhẹn rắn chắc, có lẽ vẫn hệt ngày xưa, những ngày leo lên công tác Thào Trứ Lũng, Cán Trứ Phìn… chót vót, Thào Mỹ đi trước, tôi theo sau, thấy chiếc váy lanh óng ánh của chị đong đưa theo nhịp bước và đôi bắp chân Mỹ nõn  nà như hai cái ức trắng của đôi chim rừng lướt đi trong cỏ đá”.

Cái câu “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng ơi” bà viết trong sổ tay của mình cũng đủ biết bà đã nhớ nhà văn đến như thế nào, tình cảm của bà với ông đến như thế nào? Nhưng tôi vẫn cứ lơ ngơ nghĩ: có khi là ông nhà văn này phịa ra nhân vật, hoặc có nhân vật nhưng ông phịa ra da thịt cho nhân vật, cái nhân vật Thào Thị Mỷ ngời ngời đến thế….

Hôm sau tôi tìm Thào Thu Nga, là cô bé huyện Đoàn ấy, và cô đưa cho tôi một xấp ảnh, mới biết và rõ một Thào Thị Mỷ bằng xương bằng thịt. Nhiều tờ báo và cả nhà văn Nguyên Ngọc và Tô Hoài, viết bà là Thào Thị Mỹ, nhưng tên đúng của bà là Mỷ. Tôi xem chồng ảnh và chụp lại mấy bức, có bức bà hồi trẻ, trời ơi là đẹp, ngồi trong hội đồng xét xử vụ phỉ bạo loạn Hà Giang, vụ mà vì nó nhà văn Nguyên Ngọc được cử lên tiễu phỉ và gặp Thào Mỷ rồi viết cái “Mùa hoa thuốc phiện cuối cùng” ấy. Có cả bức ảnh nhà văn Nguyên Ngọc gặp lại bà Thào Mỷ sau ba mươi năm “mối tình đầu” ấy, ông bà chụp cái ảnh giữa chợ Mèo Vạc. Và trời ạ, vẫn bẽn lẽn lắm. Và chụp cái thẻ Đảng của bà…

Thào Thu Nga là người Lô Lô, bởi bố cô là người Lô Lô, còn bà Mỷ là người Mông. Và té ra, đời văn ông Nguyên Ngọc, cái để đời là những tác phẩm viết về những con người thật mà ông đươc gặp, được biết, được hiểu. Những con người thật đã trở thành huyền thoại, như ông Mết, ông Núp, Thào Thị Mỷ...

Văn Công Hùng

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm