May 2, 2024, 9:24 am

Lễ ăn trâu nên duy trì phù hợp

“Ăn trâu” là lễ hội tế thần linh hoặc những người đã có công thành lập buôn làng, ăn mừng chiến thắng, ăn mừng mùa màng bội thu hay ăn mừng các sự kiện quan trọng khác.

Đây là một trong những lễ hội truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên và nhiều vùng miền núi Trường Sơn - Nam Trung bộ, trong đó có nhóm người Cadong ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

Quang cảnh lễ ăn trâu của đồng bào Cadong. Ảnh: Đức Lợi

Ở mỗi dân tộc, các nghi thức phụ của lễ hội có phần khác nhau nhưng đâm trâu vẫn là tiết mục nổi bật. Vì vậy, nhiều nơi gọi lễ ăn trâu là “lễ đâm trâu”. Tùy theo mục đích, hoàn cảnh cụ thể và tùy theo từng sắc tộc mà lễ hội này được tổ chức trong những thời điểm, khoảng thời gian và không gian khác nhau; thường là một không gian rộng bên cạnh những ngôi nhà chung của buôn làng như nhà dài, nhà rông... Tại đó dựng một cây cột cao bằng gỗ hoặc tre, tương tự cây nêu của người Kinh, từ chân cột tới ngọn được trang trí cầu kỳ tỉ mỉ. Con trâu là vật hiến tế, được lựa chọn kỹ, tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống tốt trước khi hiến tế.

Cadong là một trong 5 nhóm người của dân tộc Xơđăng, gồm: Xơteng, Tơđrá, Mơnâm, Cadong, Hàlăng… Lễ ăn trâu là ngày hội lớn nhất trong năm của người Cadong, thường diễn ra vào khoảng tháng 3 và tháng 4 hằng năm; là lễ thức của gia đình, nhưng có sự tham gia của cộng đồng. Thậm chí, có lễ ăn trâu tới hàng nghìn người tham dự. Từ những năm 80 của thế kỷ trước, lễ ăn trâu được vận động từ bỏ vì lý do giảm sức kéo cày, vì bị xem là “dã man” trong thời đại văn minh, vì sự tốn kém và nhiều hệ lụy khác… nhưng thực tế ở vùng này hầu như năm nào cũng có những lễ ăn trâu của gia đình, có năm trong mỗi xã có đến 4-5 cuộc. Ngoài mục đích truyền thống như đã nói ở trên, lễ ăn trâu còn là dịp trả lễ cho hàng xóm láng giềng, là dịp cố vượt lên nỗi ám ảnh mặc cảm nghèo khó… Theo ký ức của nhiều già làng, trước đây người Cadong ở Sơn Tây còn tổ chức lễ ăn trâu khi chuyển làng mới, hoặc mừng chiến thắng giữa các bộ lạc, các nhóm tộc người khác nhau, hoặc ăn thề kết nghĩa giữa các nhóm tộc người, giữa các plây. Thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, người Cadong còn làm lễ ăn trâu để cố kết cộng đồng ủng hộ kháng chiến…

Người Cadong quan tâm đặc biệt đến việc làm cây nêu là cột lễ chính trong lễ ăn trâu, với độ cao trung bình chừng 25 mét, chia làm 3 tầng: tầng gốc, tầng giữa và tầng ngọn. Buộc trâu vào cột lễ và trang sức cho trâu xong, mọi người tham dự hội đi vòng quanh con trâu theo chiều ngược kim đồng hồ, vừa đi vừa đánh chiêng và nhảy múa. Những bà mẹ lớn tuổi còn hát những bài khóc trâu trầm bổng, kể lể nỗi niềm với con trâu. Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa, thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) thì “đó là thời khắc con người hoà hợp với thiên nhiên, hoà hợp thần linh, hoà hợp giữa con người và con người, một cuộc đại hoà hợp để tạo nên sức sống và cũng là sức mạnh của người Cadong. Đó cũng chính là lẽ sống, là triết lý của lễ ăn trâu”.

Sau nghi lễ cả nhà đi vòng quanh cây nêu là bắt đầu đâm trâu. Trước khi “đâm phép”, ông chủ gia đình, bà chủ gia đình phải nói lời từ biệt, cảm ơn con trâu hiến sinh và khấn mời các vị thần, tổ tiên đến ăn uống, nhận lễ vật mà lâu nay gia đình đã hứa hẹn; cảm ơn các vị thần và tổ tiên đã phù hộ… Bữa ăn “cộng cảm” bằng thịt trâu, cơm lúa rẫy và những thứ khác từ rừng núi có thể kéo dài cả ngày, nếu lễ ăn trâu có rất đông người tham dự. Thức ăn là những thứ đã được hiến tế thần linh, đã được thần linh ban phát, nên ai cũng tin chúng giúp cho con người khoẻ mạnh, tràn trề sinh lực, luôn gặp nhiều may mắn…

Đã có một thời lễ ăn trâu của người Cadong nói riêng và đồng bào dân tộc Trường Sơn - Tây Nguyên nói chung, bị “cấm đoán” với những lý do như đã nói ở phần trên. Ngoài ra, còn một số lý do khác, như cách ăn uống chưa hợp vệ sinh, tập trung đông người dễ lây bệnh, một số trẻ con bỏ học trong những ngày diễn ra lễ ăn trâu… Những lý do này hiện vẫn còn được đặt ra, không chỉ đối với các cấp chính quyền, cơ quan quản lý văn hoá, nhưng vẫn còn lúng túng. Vì vậy, nhiều gia đình vẫn tổ chức ăn trâu mà không bị “cấm đoán” như trước đây. Ông Đinh Xuân Bình, nguyên Bí thư xã Sơn Mùa, hiện là Huyện uỷ viên, Phó ban Dân vận Huyện uỷ Sơn Tây, cũng là một nghệ nhân làm cây nêu, nắm giữ nhiều bài chiêng hanâng, chiêng hơlênh, cho rằng: “Niềm tin có sức sống rất mãnh liệt. Bởi trong đó có văn hoá, có cuộc sống. Nếu không tin thì người ta không thể làm cây nêu và các lễ thức công phu, cầu kỳ như lễ ăn trâu”. Còn ông Đinh Ka La, nghệ nhân ưu tú, 83 tuổi, hiện ở thôn Nước Min, xã Sơn Mua, là người đã từng 7 lần tổ chức lễ ăn trâu của gia đình, thì giãi bày: “Mình đã hứa với thần linh là 7 năm làm lễ ăn trâu, thì mình phải thực hiện. Làm lễ ăn trâu còn để cho thanh niên nam nữ trong plây chơi chiêng, biết làm loanggâng (cây nêu), để có dịp ăn mặc đẹp theo truyền thống của dân tộc mình…”

Cùng với cây nêu là một loại hình nghệ thuật tạo hình mang đặc trưng của tộc người, lễ ăn trâu Cadong còn là dịp để trao truyền các loại hình di sản văn nghệ dân gian của tộc người. Đó là các loại hình dân ca, dân nhạc; trước hết là chơi chiêng, vốn gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hoá của người Cadong, đặc biệt là sinh hoạt tín ngưỡng. Và không chỉ trao truyền sự trân trọng đối với chiêng, diễn tấu chiêng… mà trong lễ ăn trâu, người Cadong còn đánh thức ý thức cho người già và trao truyền cho lớp trẻ những bài ca, điệu múa… và được nghe những câu thành ngữ, tục ngữ, câu đố… mà người nhiều người lớn tuổi còn ghi nhớ. Sự thăng hoa trong lễ hội, trong không gian thiêng… làm thức dậy những di sản văn hoá mà thường ngày chìm khuất trong cuộc sống còn lắm nỗi nhọc nhằn. Và nữa: trong lễ ăn trâu, người Cadong từ già đến trẻ đều mặc những bộ trang phục truyền thống, đeo những vòng cườm đẹp nhất. Họ làm đẹp cho mình, nhưng cũng là để làm đẹp cho dân tộc mình. Đó là cũng một cách trao truyền, dẫu vô thức, về vẻ đẹp vốn có của tổ tiên họ, mà họ phải giữ gìn, phải quý trọng, phải biết chăm chút để mua sắm, trao đổi, để phục hồi nghề dệt cổ truyền…

Từ những ý kiến của người Cadong trong cuộc, những băn khoăn của các cơ quan quản lý văn hoá và những điều chúng tôi đã diễn giải trên đây, thiết nghĩ việc loại bỏ hay duy trì lễ ăn trâu của người Cadong cũng như của các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên là một vấn đề văn hóa phải hết sức cân nhắc. Nên chăng là hãy vận động những gia đình còn khó khăn không nên tổ chức lễ ăn trâu linh đình vì rất tốn kém. Có người đề xuất nên khuyên nhiều gia đình cũng góp chung để làm lễ ăn trâu. Một lễ ăn trâu thường quá dài ngày và quá đông người, nên chăng cần vận động giản lược? Tất nhiên muốn giản lược thì phải tìm hiểu kỹ các nghi lễ để thấy cái gì cần duy trì, cái gì cần cải tiến, cái gì nên bỏ bớt...

Lễ ăn trâu của người Cadong, cũng như lễ ăn trâu của các dân tộc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, chứa đựng dường như đầy đủ những phong tục tập quán, tín ngưỡng, tri thức bản địa, nhân sinh quan, thế giới quan, các loại hình văn hóa… mang đậm bản sắc của tộc người. Ở đó, con người hoà hợp với con người, con người hoà hợp với tự nhiên như một thể thống nhất, giàu tính nhân văn, làm cố kết cộng đồng… Và có như thế thì con người mới yêu mến con người, mới yêu mến đất đai, sông núi của mình. Mặt khác, qua lễ ăn trâu, di sản văn hoá của tộc người mới được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là thứ làm nên sức mạnh bền vững của cộng đồng. Loại bỏ lễ ăn trâu trong đời sống văn hoá tín ngưỡng của tộc người, đồng nghĩa với việc đánh mất di sản. Tuy nhiên, để duy trì lễ ăn trâu, chắc hẳn cần phải có những khuyến nghị điều chỉnh cụ thể và cần lấy ý kiến của cộng đồng. Xóa bỏ lễ ăn trâu trong cộng đồng cũng đồng nghĩa với sự tước đoạt niềm tin tín ngưỡng của tộc người. Và cũng không ai dám chắc rằng, sẽ có ngày một tà giáo nào đó chen vào đời sống còn lắm gian nan của họ.

_______

* Nguyên giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Quảng Ngãi; nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng.

Nguyễn Đăng Vũ*

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Có thể bạn quan tâm