May 3, 2024, 11:37 am

Làng tôi ơi, đâu rồi...?

Làng tôi, theo giấy tờ còn lưu lại thì cũng mới chỉ có được khoảng 200 năm. Còn vùng đất ven sông Hóa này đã có ít nhất từ trước thế kỉ XIII. Dọc sông Hóa phía tỉnh lỵ Thái Bình và từ huyện Quỳnh Phụ xuống đến biển, những di tích còn lại của trại A Sào thời Trần và một loạt di tích khác của các xã Thụy Hồng, Thụy Xuân, Thụy Trường... chứng tỏ vùng đất này đã có dân ở từ lâu.

Làng tôi không phải là đất văn vật gì nhưng theo tôi cũng khá đẹp. Bao bọc quanh làng là những lũy tre xanh tốt, là một con mương như hào bảo vệ và hai đầm nước lớn. Mỗi năm, vào dịp mưa ngập đầm, ngập sông, cá từ ao hợp tác xã trôi ra, từ sông và đầm dạt lên những trà ruộng thấp, kéo theo rất nhiều người đi úp cá trời. Mấy chiếc đầm gần nhà là nơi anh em tôi thả lờ, rọ, đánh nhậy, thả câu… Nó là nguồn sống của gia đình tôi trong nhiều năm. Bốn phía xung quanh làng là cánh đồng. Ruộng lúa vào tận chân tre làng. Hai màu xanh ngắt nõn nà vào thời con gái và vàng tươi vào mùa gặt. Hai đầu làng là dấu tích của hai cổng làng. Ba ngõ hình xương cá bám vào con đường chính và cái ao làng huyền thoại chạy dọc theo làng gắn với tuổi thơ tôi... Cái bến tắm làng tôi ở sông Con hồi tôi còn nhỏ là nơi hội tụ của mọi lứa tuổi, giới tính, không chỉ của làng mà còn của xã. Chiều xuống, đàn ông, thanh niên, trẻ con... tắm ở bến chính. Phụ nữ tắm ở phía xa, kín đáo hơn. Biết bao cuộc thi bơi vui vẻ và có lẽ cũng là nơi nhiều anh chị lớn tuổi hơn chọn nơi này làm chỗ hẹn hò. Mấy chục năm trước, bến sông đã không còn vì đất công cộng đã có chủ, được cấp sổ đỏ. Một phần nữa vì bến tắm bị ô nhiễm nặng do những thửa ruộng quanh đó, nay cũng là của tư nhân...

Lại nhớ, qua cơn dâu bể hồi cách mạng ấu trĩ, làng tôi có bị chia rẽ ít nhiều, nhưng về cơ bản vẫn giữ nếp xưa. Cho đến tận năm 1975, về cơ bản làng tôi vẫn như trước. Vẫn chỉ có ba xóm với hơn bốn chục hộ của ba họ Phạm, Nguyễn và Vũ sinh sống. Theo các cụ, dù ba họ nhưng do quan niệm trước đây và cũng do điều kiện sinh sống mà trai họ này lấy gái họ kia là chính, thành ra tuy là ba họ nhưng đều có dây mơ, rễ má với nhau. Không họ nội thì họ ngoại, không họ gần thì họ xa... nên sự gần gũi, tình làng nghĩa xóm rất sâu nặng. Khi một nhà có việc trọng chưa cần có lời mời thì gần như mỗi nhà đã có đại diện đến hỏi thăm hoặc chia vui rồi cứ như một lệ ngầm, nhà nào cũng xách theo một ít gạo, chè, hoa quả, rau cỏ - toàn những thứ của nhà, sẻ cho chủ nhà, coi như nghĩa vụ. Rồi tất cả xúm tay vào cùng lo việc chung và chủ nhà tùy theo điều kiện kinh tế lại làm cơm mời mọi người thể hiện lòng biết ơn vì sự chia sẻ. Ngày tôi đi học đại học, cũng đến hai phần ba bà con trong họ, ngoài làng đến chia vui với gia đình tôi, cho tôi tiền “uống nước” dù tôi không báo cho ai cả. Nhất là năm 1975, những người lính trở về thì ngày đó là ngày hội của cả làng. Với nhà khác, không may, tổ chức lễ truy điệu cho người thân thì cũng là ngày tang của cả làng. San sẻ niềm vui, chia nhau nỗi buồn là một nét đẹp trong lối sống của làng. Nó là cách ứng xử mà theo tôi mang tính giáo dục rất cao của đạo lí làng xã, ở đâu cũng thế!

Làng tôi thực sự thay đổi từ thời kì “bung ra”. Đặc biệt là trong quá trình hiện đại hóa; sau khi dồn điền, đổi thửa, xác định nền kinh tế đa thành phần, tư duy kinh tế thay đổi... mới là một cuộc đảo lộn thực sự. Người ta thi nhau lấp ao cũ, đào ao mới, xây biệt thự... Cơn lốc kinh tế thị trường xô đổ hoặc làm rạn nứt mọi suy tính, nếp sống trước đây của dân làng. Đua nhau làm giàu là một thái độ tích cực nhưng làm giàu bằng bất cứ giá nào, coi giàu có là giá trị cao nhất... đã gây ra những tai họa ghê gớm. Trước năm 2000, làng tôi mới chỉ rạn nứt ở hình hài, quan hệ họ mạc, hàng xóm, láng giềng... Bây giờ thì không thể dùng từ “rạn nứt” được nữa mà phải nói là vỡ vụn ra ở cả hình hài, quan niệm, con người, lối sống... Hình hài làng xưa không còn. Các gia đình đang ở nhà có vườn, giờ thấy chuyển đổi có lợi, họ bỏ những ngôi nhà cũ, bám theo mặt đường, làm nhà ống kết hợp ở và làm dịch vụ. Cả làng không còn một cây tre, cây xoan, cây chè... Gần như rất ít nhà còn vườn vì vườn trồng cây gì cũng không kinh tế bằng bán đất, thiếu gì thì ra chợ. Làng tôi ở trung tâm xã nên con đường dọc làng bây giờ gần như một phố mới, cái ao “huyền thoại” rộng hàng chục mẫu chạy dọc làng ngày xưa giờ cũng bị lấp, biến thành nhà ở, có cả cửa hàng, nhà hàng, quán karaoke, đèn xanh đỏ, nhạc xập xình... Các kiểu kiến trúc người ta học mót được, người ta nghĩ thêm ra không theo một quy tắc nào. Người nào có của thì cứ làm theo cách kẻ có tiền. Trông ngôi làng xô bồ, sấn sổ, xộc xệch, vặn vẹo mà nhức mắt. Nước máy đã có nhưng nước thải không xử lí được nên ngõ nào cũng bốc mùi thum thủm vì nước thải chảy ra ven đường...

Trước đây chợ xã tôi đặt ở làng An Cúc, có tên chợ Gọc. Bây giờ chợ đặt ở làng tôi mang tên “chợ Gọc làng Hòa”. Nhìn tên chợ tôi cứ thấy một băn khoăn: Sự đổi thay của xã hội là điều tất yếu. Dân làng giàu lên mình phải mừng. Nhưng những thứ mất đi do quản lí kém, do tự phát, do không lượng định được các xu hướng của nó... thì sẽ phải trả giá không chỉ một đời. Sự chen lấn, xô bồ, mạnh ai nấy làm không chỉ thấy ở những người đang sống mà còn ở những người đã chết. Nhìn vào nghĩa địa làng cũng thấy rõ sự này. Người sống ngổn ngang thế nào thì chỗ an nghỉ của người chết cũng hỗn loạn và ngổn ngang như vậy. Những người “nhanh tay” đã âm thầm quây những khu đất riêng cho gia đình, dòng tộc ngoài nghĩa địa, tức là chiếm đất công một cách hợp pháp...

Ngày trước, làng tôi đa phần là tổ chức gia đình theo kiểu “tam đại đồng đường”. Nó như là lẽ tự nhiên và mọi người cũng thấy nó như một điều gì đó vừa bắt buộc, vừa tự nguyện. Bởi câu “Trẻ cậy cha, già cậy con” vừa như đạo lí, vừa như hoàn cảnh buộc phải thế. Đến năm 1970, làng tôi chưa có một đôi nào li dị. Bây giờ ngay ngõ nhà tôi có hai chục hộ mà đã có đến 8 đôi li hôn, có nhà cả hai thế hệ đều thế. Người ra đi khỏi làng nhiều và dĩ nhiên cũng mang về làng cả điều hay, lẽ dở của thiên hạ. Hồi tôi còn bé, đội chèo làng tôi diễn cả Lưu Bình Dương Lễ, Quan Âm Thị Kính, Tống Trân Cúc Hoa, Trống Cổ Thành, Tào Tháo cắt râu… Ngày đi làm, tối diễn chèo, mùa lễ cơm mới thì thi giã bánh dầy, chơi trò bắt vịt, đi cầu trên ao, dịp Tết thì đánh cờ, đấu vật... Ngày nay không còn những thứ ấy nữa. Chả ai tổ chức và có tổ chức thì lại rất ít người tham gia. Bây giờ nhà hàng xóm có người mất, nhà bên cạnh vẫn mở nhạc hát karaoke. Người ta rút vào cuộc sống gia đình, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”. Không còn chuyện thăm hỏi, trò chuyện, chia sẻ như xưa... Ngay anh em ruột thịt cũng nhà nào biết nhà ấy. Bây giờ ngày thường chỉ có người già và trẻ con ở làng. Người già trông nhà, trông cháu. Trẻ con đi học. Thanh niên trai tráng và phụ nữ còn sức khỏe tứ tán khắp trong Nam, ngoài Bắc lo chuyện mưu sinh. Tình trạng li nông, li hương ngày càng nhiều. Xa mặt, cách lòng, va chạm với đời nhiều cũng dễ kéo theo những rạn nứt trong gia đình. Ngày lễ, dịp Tết, con cháu kéo về ồn ào vài ngày rồi lại kéo nhau đi, để lại cha mẹ già ở nhà với nhau. Cái tâm lí phụng dưỡng cha mẹ cũng nhạt dần. Con cái không thích ở chung với bố mẹ vì ở chung dễ xảy ra xung đột thế hệ...

Làng tôi bây giờ giàu có hơn, đầy đủ và hiện đại hơn xưa nhiều. Nhưng những mất mát cũng không nhỏ. Ai cũng muốn đời sống khá lên. Ai cũng mong nông thôn ngày một hiện đại hơn. Và tôi biết, người làng tôi bây giờ khác trước rất nhiều: của cải, hiểu biết, trình độ đều khá hơn xưa, khao khát làm giàu, khao khát hạnh phúc cũng mạnh mẽ. Nhưng chưa bao giờ tôi thấm thía câu nói của một thầy giáo dạy tôi ngày còn bé: Làng giàu lên, sống đầy đủ hơn nhưng phải đánh đổi nhiều thứ quá. Nhất là sự bất an thì ngày một nhiều hơn. Có cái rất đáng đánh đổi, nhưng cũng có những cái không đáng thế. Thậm chí quá đắt! Chao ôi, thật may cho những làng nào đó ngày một giàu có và hạnh phúc hơn, nhưng không phải đánh đổi nhiều thứ như làng tôi(!)

_______

(*) PGS, TS văn học

Phạm Quang Long(*)

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm