May 2, 2024, 10:44 pm

Làng Ba. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Minh Hoa

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
 

Nương Giang về xuôi yên ả hơn phía thượng nguồn nhưng vẫn mang dấu ấn bản năng. Bản năng của mẫu mẹ sinh dưỡng, đắp bồi nhưng cũng có khi trào dâng xúc cảm của sự cô đơn, cần một nguồn dương khí để thỏa mãn cơn khát hòa hợp.

Làng Ba bên sông Nương là một làng danh tiếng.

Truyền khẩu rằng có tên làng Ba vì xưa kia làng có ba ngôi đền thờ ba vị thần là anh em ruột có công xây ấp lập làng, đó là Đền Hạ, Đền Trung và Đền Thượng. Gặp năm nước lớn đã cuốn phăng cả ba ngôi đền xuống sông Nương không còn lại dấu tích gì.

Minh họa: Đặng Tiến

Chuyện đã thật là xưa, chỉ còn truyền khẩu rải rác của dân trong vùng. Ba cây gạo (tam mộc tinh) còn đây. Trên bến sông chung của làng Ba và làng Bùi, gắn với tích ba anh em họ Bùi có công giết con dải cũng đã rất xưa. Ba cây gạo chính là dấu mốc để ngày hội dân làng Bùi ra giữa dòng rước nước về thờ trong đền thờ thành hoàng làng Bùi. Theo các cụ, nhiều đời trước người làng Ba vẫn dự hội chung với người làng Bùi, nhưng tam thánh hai làng là những vị khác nhau chứ không liên quan. Mang tiếng hai làng, nhưng chung một bến sông, cùng ngóng về tam mộc tinh mỗi khi xa nhà. Đi xa, trông về thấy tam mộc tinh là coi như về đến nhà.

Vào một ngày mùa Thu, khi bãi ngô bên sông Nương đang trổ cờ. Nước trên dòng sông mùa cạn lững lờ chứ không suồng sã như mùa trước đó mà bãi cát làng Ba lại có xác chết dạt về. Xác chết còn nguyên vẹn, nắng hong đã khô áo quần như người đang nằm trên bãi cát. Đó là một cụ ông chết già, bận bộ nâu sòng. Người làng Ba, đặc biệt là các vị cao niên thận trọng quan sát, chưa đưa ra ý kiến gì, cũng chưa hô hào chuẩn bị tang lễ cho người xấu số. Cụ Cả Thỉ được mời ra bến sông. Quan sát kỹ lưỡng, thắp hương khấn khứa xong cụ lấy cốc gạo, khúc đũa tre và quả trứng ra xin chứng ngay cạnh xác ông cụ. Cả bến sông tận mắt chứng kiến sau lời thầy phù thủy Cả Thỉ quả trứng đứng yên trên chiếc đũa, mặc gió sông, mặc mọi người ồn ã chỉ trỏ. Cụ Cả Thỉ khấn trầm bổng hồi lâu rồi lấy giấy bản đậy lên mặt ông cụ xong mới cho đắp chiếu lên. Cụ phán:

- Nay xấu ngày, chưa dễ chôn ngay xác người này. Chưa báo ứng, ngài cũng chưa cho giờ tang lễ. Không bỗng dưng, người ta chọn bến này mà dạt về nằm đây. Vẫn là cúng cơm, làm cành phan dẫn hồn, nhưng tang chế còn đợi ngày giờ.

Người làng Ba có tâm và trọng lời cụ Cả Thỉ về lo quan tài, vàng mã, đợi có giờ là liệm và làm mọi thủ tục đưa ông cụ về an táng tại nghĩa trang của làng. Làng Ba sẽ dành cho ông cụ một chỗ đất đẹp, vuông vắn gửi tấm thân này để linh hồn ông cụ về trời thanh thản. Nếu có nhớ thì phù hộ độ trì cho người làng Ba nghĩa tình và chu đáo.

Mỗi người mỗi việc tản mát dần, đến chiều chỉ còn cụ Cả Thỉ và đôi người giúp việc cho cụ. Có lẽ đêm nay họ sẽ ngủ lại bến sông này canh xác ông cụ chứ ai nỡ bỏ mặc người ta cô độc lúc chưa nhập quan thế này. Mặt trời mùa Thu xua nhanh sương sớm, người làng Ba chưa được báo về giờ đưa tang ông cụ chết nghiệp thì nghe tin có biến. Nghe cụ cả Thỉ và anh em nhà Hy, Hữu kể lại:

Bữa tối ăn muộn, ba thầy trò cơm rượu xong, thắp tuần hương nữa rồi dắt nhau đi. Rõ là về phía chòi nhà Bá Ngô, nhưng đi thế nào lại lạc giữa cánh bãi. Cũng rõ là không say mà thầy trò lại ngủ dúi dụi mỗi người một luống, chẳng ai kịp lết vào chòi. Tầm gà gáy sáng, cụ Cả Thỉ dậy đầu tiên. Hốt hoảng cụ tìm gọi hai anh em nhà Hy, Hữu và cùng tất tả chạy về phía xác ông cụ đắp chiếu tối hôm qua. Mới có một đêm, mà đúng ra chỉ hơn mươi tiếng mà mối đã xông phủ kín xác, đất xốp nhìn thấy từng viên, gió sông lay không hề sơ sẩy. Cho đến giờ ngôi mộ vẫn nóng hầm hập, nhãng đi là còn trông thấy to lên.

Cụ Cả Thỉ đăm chiêu chưa vội nói gì. Cụ chỉ nhắc mọi người không được cắm hương xung quanh mà chỉ cắm trên phía đầu ông cụ. Người mấy làng lũ lượt đi xem mộ kết. Người bên sông hay tin cũng đi thuyền sang xem thực hư thế nào. Người ta đồn đoán làng Ba được lộc, người ta lại dọa làng Ba có họa. Đáng ra thờ vọng thánh làng Bùi, giờ thế này rất có thể phải thờ ông lão chết nghiệp trôi sông.

Quả đúng như vậy, sau 9 ngày đêm ngôi mộ không to lên nữa. Cũng không phải mưa gió gì mà đúng sớm mùng 1 thì ngôi mộ chỉ còn dấu nấm đất bồi. Lúc này cụ cả Thỉ mới phán:

- Ngài về đây, ngự thành hoàng. Đền kia phụng thờ, thịnh suy vốn lẽ đời, ân oán kéo co.

Làng Ba dựng đền rồi có thánh về ngự, dường như đất đã có chủ. Dân làng được bảo trợ bớt chênh vênh từ đây. Vài người nói bóng gió về nhân thần làng Ba xuất thân hèn kém, chỉ là người phương xa chết nghiệp vào giờ thiêng, ứng linh chứ không phải có công trạng như thành hoàng các làng khác. Ở đời tránh sao được miệng tiếng thiên hạ. Người làng Ba thuần, không chấp những lời lẽ như thế, nhất tâm phụng thờ thánh làng mình.

Những năm sau họ Trần, họ Vũ, chi họ Đặng ăn nên làm ra đã cung tiến đầy đủ cửa võng và đồ thờ trong hậu cung. Dăm mùa sau, đất bồi, gió sông, cây cối xung quanh đền đã xanh tốt. Cụ Cả Thỉ và thằng Câm sớm hôm hương khói ngôi đền đã trở nên cổ kính, trầm mặc bên sông Nương.

Cụ Cả Thỉ trước khi chết dặn người làng cố gắng duy trì ban khánh tiết để giữ nếp thờ phụng thánh của làng. Cùng với hương ước còn đây, coi như làng ta chẳng thua kém thiên hạ. Thánh phù dân làng Ba mát mặt, làm sai thánh phạt cũng coi như nát làng. Đừng để làng Ba thành Ba Vạ.

Hội làng Ba cũng chính là ngày ngài chọn đất này an nghỉ.

Con cụ Cả Thỉ là thầy Thiêm theo nghiệp bố, ông ấy phán đã được ngài báo ứng rằng: Làng Ba rồi sẽ thịnh đường giấy sách chứ không chỉ bám đất làng, bãi sông hay kiếm ăn kiểu thuyền chài. Khôn lỏi và bạc bẽo đeo bám khó dứt. Vay trả sòng phẳng khôn lường.

Thầy Thiêm không thọ được như bố, thánh mượn lời ông sang tai cho làng cũng bỏ lửng đó. Làng Ba lộng gió sông Nương. Mùi hương trầm, hương xạ từ ngôi đền bên sông thờ ông cụ phảng phất trong gió. Bố con cụ Cả Thỉ mất, thằng Câm càng lầm lũi hơn, nó như một cái cây dại bắt đầu trưởng thành ở rặng bao ngôi đền mới dựng này. Một thứ cây xanh ngắt không kết hoa trái bao giờ mà người ta vẫn bảo loại cây này có ma ngự.

Thằng Câm 17 tuổi theo giúp việc bố con cụ Cả Thỉ bao năm bỗng dưng biết nói. Nó nói lưỡi mềm như chưa từng câm, từng ngọng, nó lại biết viết sớ, biết cúng và xem bói. Dường như bao năm im lặng nó đã dồn tâm trí để học làm thầy từ bố con cụ Cả Thỉ, lại được thánh làng ban ơn nên nó được lộc. Nó đã có một chỗ ngồi trải chiếu hoa trong đền. Duyên này như đến từ kiếp trước. Người làng Ba không nhiều chữ, bố con cụ Cả Thỉ chết đi rồi, sớ sách người làng tin cả vào thằng Câm. Nó đội khăn xếp, mặc áo the, quần trắng, ngồi xếp bằng trên chiếu. Xung quanh là nghiên mực, giấy sớ nếp nếp từng bó, từng buộc. Gương mặt nó ngây ngây, không ra tụng niệm, không ra thiền định, mắt trông xa thăm thẳm, lại nhìn gần trân trân vào những thứ xung quanh. Lâu dần, người làng Ba không gọi là thằng Câm như trước mà gọi là chú Sớ - Nó thấy mình xứng đáng và ưng tên gọi này lắm thì phải.

Người làng Ba khấm khá từ đây. Người đi học thì có chỗ đứng, có việc làm, có danh tiếng xa gần. Tiếng lành đồn xa, người thiên hạ về đây sửa lễ, xin sớ xin tài lộc, xin công thành danh toại, vạn sự như như ý ngày một đông. Trăm người vạn ước nguyện, quanh năm thiên hạ kéo về làng Ba như trảy hội.

Chẳng ai thấy thầy địa lý nào về làng Ba phán lời hay người thiên hạ mượn chén nói, chỉ thấy người làng Ba ngấm ngầm bảo nhau, người thiên hạ cũng không ngớt lời bàn tán rằng: đất làng Ba phát. Làng Ba phát từ ngày có ông cụ chết nghiệp ở bãi làng. Phát từ khi người làng Ba biết đường thờ phụng ngài nên giờ thả sức mà ăn.

Họ Lê mạnh nhất, trưởng họ Lê thủ nhang đền. Quản lý chú Sớ, cắt đặt cho khách thập phương biện lễ. Nói thế không có nghĩa là người họ khác không được giao việc. Ngay cả người thiên hạ về làng Ba xin việc, chèo thuyền đón khách đò ngang thì người làng Ba cũng sẵn lòng. Chú Sớ kiệm lời, mải chữ. Chữ nghĩa chú bọc trong sớ hồng điều, sớ đỏ son quý hơn vàng.

Người làng Giấy dân chợ búa nhanh nhẹn, nhìn lượng khách về làng Ba dâng lễ là biết việc đã vội sang có lời xin việc. Thế là xưởng bên làng Giấy ngày đêm cán giấy, đếm tờ làm phôi sớ. Sớ hồng điều, sớ đỏ son, giấy sớ viết tay, sớ in sẵn cùng vàng mã, hình nhân ùn ùn chở về làng Ba sớm tối để phục vụ khách xa gần.

Phải nói đền làng Ba thiêng, tờ sớ thay cho mớ lễ cho tất thảy từ người thạo đường lễ bái cho đến những người vụng đường ăn nói, kêu cầu đều dùng sớ cả. Theo xếp sắp của người họ Lê, họ Nguyễn, Họ Vũ… và những người trong ban khánh tiết, sớ này nhất nhất phải qua tay chú Sớ thì người sắm lễ mới yên tâm.

 Lễ cửa nhà ngài kẻ nghèo lễ bạc lòng thành, dập đầu khấu lạy tuyên sớ, mở lời như trút hồn, dốc máu. Thế nên lễ lạp chẳng có gì mà vẫn công thành danh toại. Lâu thì dăm bảy mùa nên danh, nhanh thì có khi chỉ đôi mùa sau đã dắt nhau về lễ tạ ngài với cơ man nào là lễ vật quý. Nhà giàu thì khỏi kể, lễ vật quý cùng năm bảy lá sớ cả hồng điều cả đỏ son mới hết sở cầu. Người ta chi không tiếc tay cho từ thủ nhang đến chú Sớ cùng những người có máu mặt trong làng. Thế nên mỗi lần có khách sang ban khánh tiết đều chu đáo hơn hẳn. Ấy thế nhưng thủ nhang lại không ra mặt chuyện nhận lễ. Nhiều người đoán chú Sớ lo việc này, nhưng kỳ thực là ai nhận lễ này lại rất kín nên trong ngoài vẫn ấm êm cả. Thiên hạ trông vào dèm pha có đấy nhưng đố biết sự thật dù chỉ manh nha.

Người làng Ba dốc lòng phụng thờ thánh. Dẫu người trong làng, trong các họ có mâu thuẫn lớn nhỏ quanh năm thì trước thiên hạ bao giờ họ cũng biết ém lẹm để lo việc chung. Người làng Ba giao đãi cũng đã khác xưa. Không còn là đám canh nông cày sâu cuốc bẫm, đám lội sông mặt mũi thâm thì nữa mà là những người tươi như hoa, thạo đường ăn nói, sớ sách thuộc làu. Chú Sớ gánh việc làng, việc thiên hạ mê mải. Tưởng như không có chú chẳng thành làng Ba bây giờ. Mà làng Ba không bao bọc nuôi dưỡng chú rơi vào đất làng khác vô phúc có khi giờ vẫn ngô ngọng xin ăn chứ đâu được khai quang khai quẻ thành thầy Sớ danh tiếng, chữ nghĩa quý tựa vàng ròng thế này. Đúng là hữu duyên, đất và người làng Ba, cả chú Sớ thật là mang ơn ông cụ.

Người làng Ba khách khứa thâu đêm suốt sáng. Có khi khách đông, ban khánh tiết giọng khản đặc là thế nhưng ai cũng bảo được thánh phù nên dù ốm mấy rồi cũng mau khỏi để lo việc khách thập phương về cửa nhà ngài. Mà việc nhà ngài là việc thiên hạ. Toàn những việc đại sự, vì khi biên sớ, tấu sớ lắng nghe là biết cả.

 Khách về làng Ba, gặp người họ Lê, Họ Phạm, họ Nguyễn, họ Vũ tận tình lại có được lá sớ do tay chú sớ biên soạn để dâng lên cửa đền thánh làng Ba thì thật là yên tâm. Có về đến đây rồi mới dám nghĩ những sự đang theo đuổi đầu xuôi đuôi lọt. Thế nên, theo nhau thiên hạ muốn mát mặt, muốn vua biết mặt chúa biết tên, muốn có ngân xuyến, muốn trong ấm ngoài êm thì cứ phải đến làng Ba quỳ bài bái lễ đủ, rồi hóa sớ bên dòng sông Nương. Nhiều người còn phải thuê dắt mối để được gần, được nắm tay chú Sớ - người ban chữ thiêng quý báu của làng Ba.

Nhiều người tưởng chết, thế mà tâm thành đủ lễ được thánh làng Ba cứu. Nhiều người khuynh gia bại sản nhưng bám vào sớ sách này rồi cũng tai qua nạn khỏi. Họ xin ở lại đây, nhất tâm phụ chú Sớ hay hầu hạ cửa thánh qua ngày. Nhìn lượng người đến lễ ngài và xin sớ đông lên người làng Ba cũng chẳng hẹp hòi gì việc cưu mang họ. Đám người này có chữ nghĩa những tưởng gàn, kiêu hay ương ngạnh, khó bảo nhưng khi đã quỳ mọp dưới chân thánh làng Ba và được người làng Ba chỉ giáo thì cũng nhũn như chi chi. Chỉ đâu đánh đấy mà lại trung thành, nhiệt tình còn hơn hẳn đám phá thối trong làng. Thế mới thấy mười mươi uy của thánh làng Ba.

 Như người họ Nguyễn trong làng có miếng có mỏ hẳn hoi nhưng phải thằng chi Nguyễn Duy phản phúc. Nó bè cánh với đám thiên hạ ra rả nói về thân thế đức ngài, chẳng qua là kẻ xấu số, chết bó chiếu mà thôi. Ai lại người cõi trần sống nhờ người cõi âm. Cả làng này âm khí mười mươi ra đấy không biết bảo nhau mà còn hù thiên hạ. Thiên hạ cũng ăn bùa mê thuốc lú của thằng Câm ngô ngọng, học lỏm, học mót rồi phong nó thành chú Sớ. Sẽ có ngày quả báo, hối không kịp.

Chi họ Nguyễn Duy nói chẳng được, vời chi trên đích danh ông trưởng họ Nguyễn Văn đến khuyên can, nó không nghe còn bảo:

- Ông ơi tỉnh đi ông, ai đời nghe thằng ngô ngọng, chữ nghĩa không đủ lót bồ. Những họ Lê, họ Phạm, họ Đỗ, họ Chu kia đưa làng Ba thành làng Ba Vạ đấy. Sao ông già rồi cũng không ngộ mà mãi tin vào cái ông cụ chết nghiệp.

- Đừng báng bổ nhà ngài mà hối không kịp. Rồi người ta gô cổ lại mang ra cửa ngài trị tội đấy. Không linh đố ai dụ được thiên hạ. Họ có tiền có tri thức khôn chẳng vừa. Nếu ngài không về đây ngự, chắc gì thiên hạ biết đến tiếng làng Ba, đói rạc họng, chứ đâu được danh tiếng như bây giờ.

- Ông nhìn sớ sách toàn những điều cổ hủ, vô nghĩa, thậm chí sai bét. Nhân thần có linh, ngài cũng ở cõi thiêng, không ai nghe đọc những lời tấu bất cẩn, in ngược, in xuôi, bán giấy ăn tiền đầy bất lương thế đâu ông ơi…

Thằng kia không những cãi lời người trong họ tram trảm còn quả quyết trong thiên hạ cũng không thiếu người biết thừa chuyện sớ sách của người làng Ba. Đống giấy lộn hồng đào hay đỏ máu này là món nợ máu chứ không chỉ là thứ đổi lấy miếng ăn cho người mấy họ, cho người làng Ba. Họ Nguyễn mất mặt, mong nó bán xới khỏi làng chứ thằng phản phúc này nếu tự nó không ngộ thì cũng chỉ biết đợi ngày ngài trừng trị. Xưa nay, tạo phản vốn là chuyện không mới nên người làng Ba cũng đành bảo nhau đợi ngày nó phải trả giá mà thôi.

Đền làng Ba vẫn sáng đèn quanh năm suốt tháng, chứ không như những làng khác, sóc vọng có ngày, lễ hội có kỳ. Làng Ba, 4 năm một lần mở hội cũng là kỳ chọn thủ nhang nhà đền và đề xuất người trong ban khánh tiết. Chỉ có cú Sớ là bình chân như vại, vì chẳng có ai vào đây mà tranh giành với chú. Sớ sách của chú được trọng vọng. Tờ sớ thay cho mớ lễ, nếu không có sớ này ai dám chắc người trong thiên hạ biết đường khấn khứa tấu bẩm, ngô ngọng trước ngài cả thôi. Tài đâu không biết nhưng đến cửa này phải cúi đầu dâng sớ là đã qua tay chú. Với chú Sớ là thế, còn cánh có máu mặt trong làng lo rốt ráo. Họ lo ngấm ngầm, lo đến sùi bọt mép. Nước cờ nào của ai, họ đều nghi ngờ chú Sớ biết. Ai cũng mong chú Sớ ủng hộ mình. Mong chú Sớ chú viết cho mình tốt nhất để tấu linh đến nhà ngài. Thân có danh có lộc, dòng họ cũng mát mặt không chỉ với làng mà còn với cả trong thiên hạ. Chú Sớ mặt lạnh tanh, tròn vành vạnh dưới nếp khăn, tóc lộ lơ phơ những sợi bạc. Sớ hồng điều hay sớ đỏ son thắng thế luôn là vấn đề lớn.  Ai cũng hy vọng và thật khó đoán định. Việc này có đồn đoán lan rộng từ làng Ba ra thiên hạ, ăn thua như cánh cờ bạc về sáng. Nhiều khi người trong cuộc quên khuấy nhà ngài mà chỉ chăm chăm vào tay chú Sớ.

  Bề ngoài làng Ba tịnh như không, nhưng trong các dòng họ, chi họ sôi sục. Nhiều người bực tức, nóng nảy, những mong chú Sớ chết đi cho rảnh. Đúng là lòng dạ con người ta khôn lường, điều này đến tai chú Sớ chứ không à? Chú cười hỉ xả. Đến ông cụ còn khốn khổ nữa là thân chú. Kẻ ngô ngọng, mượn xác như chú thì hòng gì họ kính trọng thật tâm mà phải bận lòng. Nhưng chú nghĩ gì, làm thế nào, mỗi cuộc chọn lựa này không chỉ khiến người làng Ba mà còn khiến cả thiên hạ cứ rối bời bời những đồn đoán triệt hạ lẫn nhau.

Lại chuyện ông họ Chu, chỉ là rể làng Ba nhưng điếu đóm hầu hạ dạ vâng người họ Lê không thiếu thức gì nên vừa rồi người họ Đỗ trông đầm Mực đột tử đã nghiễm nhiên thế chân. Người mấy họ và ban khánh tiết cãi nhau loạn xới. Có người bảo người trông đầm Mực đột tử như thế là điềm báo. Giấy sớ làng Ba làm bừa phứa những tấu bẩm, cầu xin, ban cho cả kẻ thủ ác trả thù nhau, bán cho cả kẻ trộm cướp, đĩ điếm xin lộc thì mạt đến nơi rồi. Ai dám chắc điều đồn ác ý này đúng. Vì giấy trắng mực đen rành rành, chú Sớ không bỗng dưng từ người câm mà bật nói, biết đọc, biết viết lời để thánh chấp nhận, ban ơn. Suốt bao năm sớ dâng ngài đón lộc thì không sao, giờ lại nói thế này chẳng là phá đám, trâu buộc ghét trâu ăn chứ không vì việc chung, giữ tiếng cho làng, nhất tâm phụng thánh. Thử hỏi nhà nó ngồi vào đây, vận xống áo này thì có bán sớ thu tiền hay không?

Chú Sớ kiệm lời hơn. Nói ra lại chẳng có đứa rủa chú là thằng ngô ngọng, học mót, đóng áo xống vào lên mặt. Để giết chú có khi là chúng chưa ra tay chứ chú cũng không dám chắc mình yên thân đến già. Nhưng gánh việc thánh lại thân cô, nên chú nghe mà cất trong lòng. Đáng lẽ chú cứ câm như xưa có khi lại lành hơn. Đúng là ngài về đầm khô đầy nước, cây khô nảy trồi. Từ ngài chữ nghĩa người đời phiên ra chẳng thiếu thứ gì. Nó đã khác xa sớ văn cụ Cả Thỉ soạn năm nào.

Ao “Bước chân thánh” có người chết nghiệp. Sớm mai sương giăng thấy lấp ló ngay cầu ao. Ban đầu tưởng thằng dở người đi đêm về bị lam lam nó rủ, ham vui mà chết, không ngờ lại là người họ Vũ. Ông này từng có ba năm trong ban khánh tiết của làng, nhưng năm cuối đốc chứng lải nhải những sám hối cho mình và trách cứ nhà ngài. Không đợi ai đuổi, ông xin nghỉ sớm cáo việc thánh về dưỡng bệnh. Đến vụ tháng 5 ông lại chống gậy ra đền báo với ông thủ nhang và ban khánh tiết xin được soạn lại bản sớ mới cho nhà đền.

Chú Sớ ngồi nghe thấy cả. Chưa kịp nói gì thì cả ban khánh tiết điên máu bảo lão rồ. Họ xé tờ giấy sớ với những chữ đen nhưng nhức trước mặt ông. Ông bất lực ôm mặt khóc và 7 ngày 7 đêm ngồi ở cổng đền vái lạy thập phương. Ông xin thoát kiếp tục lụy. Ông còn bảo chỉ nhìn thấy sớ máu.

Người làng Ba, người thiên hạ về đây mấy người để ý đến ông.

Nay ông chết ở ao “Bước chân thánh”. Chú Sớ khóc bên cành phan đưa hồn ông về nơi cực lạc. Người làng Ba thấy khó hiểu sự này. Xưa nay chú Sớ vẫn kín kẽ, khó đoán định thế mà nay trước cái chết của ông ta chú khóc như cha chết.

Cánh họ Lê mạnh, lại cấu kết chặt chẽ với cánh họ Phạm của tiền như nước. Người làng biết thừa nhưng lại tặc lưỡi “Cũng phải thôi”. Chừng nào thánh làng này còn thiêng thì họ còn kiếm ăn được. Người làng Ba nắm thóp thiên hạ, chẳng quát giá thì thiên hạ đã về đến đây là phải biết đường chuẩn bị hầu bao. Uy ông cụ linh còn ra của tiền nên dẫu bọn dâng sớ trong thiên hạ thế nào không biết chứ đã về đến đây là phải biết phận mình. Không nói ra nhưng đám vòng ngoài ban khánh tiết sẽ biết đường xử êm từng đứa, nếu trái khoáy, láo toét, phản bội.

Có thằng miền ngược mượn chén, báng bổ ngài. Người Họ Lê ra vỗ vai khuyên bảo nó lại còn bẻ tay người già. Đám vòng ngoài định ra tay, nhưng ông bảo không cần, đời hơn nhau lời nói, cắn xé có mà là loài vật. Tay này không có cớ gì đánh người họ Lê nữa bèn ra mộ ông cụ ngồi khóc. Sớm hôm sau hắn gọi thuyền theo đường thủy đi đâu không hay. Tờ sớ không hóa nhòe trong sương. 7 ngày sau xác hắn nổi ở ngã ba sông cách làng Ba không xa.

Thiên hạ đồn người làng Ba ra tay. Nhưng là đồn thổi chứ người cửa thánh ai làm thế. Người lại nói hắn bị thánh vật. Thiên hạ thấy mà làm gương, đừng ho hoe phô phang hay oán thán nơi cửa nhà ngài.

Dù ông Vũ Chân soạn và dâng sớ mới không ai nghe, nhưng thiên hạ lại nghi ban khánh tiết và chú Sớ đã ngấm ngầm làm sớ mới từ lâu. Vì toàn đám không hay chữ soạn nên sai phạm đầy. Thế nên giờ đây hậu họa, nội bộ làng Ba không yên, đám về đây tấu bẩm, dâng sớ cũng nhiều kẻ bất an, điên dại. Xưa về cửa này cả chủ và khách răm rắp tâm thành, giờ thì cả chủ và khách nghĩ thế nào thật khó đoán định. Chỉ biết bề ngoài đôi bên vẫn lời hay như sớ, vẫn rập đầu khấu lạy cầu xin danh lợi, an hòa. Nhiều khi, có đứa chẳng ngại nói ra mồm lời khinh khi người làng Ba bán sớ, bán uy linh ngài ăn tiền. Cứ nhìn mà xem, họ Lê, họ Đặng, họ Vũ, họ Nguyễn cho đến Họ Chu, họ Phan, Họ Tô họ Bùi có ai học hành nên người, có nhân tâm đâu. Toàn phường ăn bám uy linh nhà ngài mà thôi. Người chết nghiệp, kẻ trôi sông, chém giết, hãm hại nhau không ngày nào là không có sự. Toàn những kẻ miệng khấn khứa, đầu đội sớ văn làng Ba cả. Lại còn đám điên loạn gian tham, độc ác không chỉ tàn phá, đấu đá nhau ở nơi nhà chúng nó ở mà còn kéo nhau về làng Ba, cách này cách khác tìm cách đấu tố, chia rẽ người của ban khánh tiết. Đám đàn bà xưa kia chỉ loanh quanh đi lễ chùa và khu điện mẫu thì gần đây theo nhau cũng lao về đền khấn khứa dâng sớ. Những vú mông thỗn thễnh bước vào cửa nhà ngài xin lấy được. Tưởng thế nào, mà vẫn linh, có đứa lên bà hẳn hoi. Có đứa thì lại được lộc con, lộc của. Nếu nói sớ làng Ba không linh cũng khó tin. Vì cánh thằng ngô, con đĩ mà cầu xin, dâng bẩm vẫn còn được như mong muốn nữa là.

Thầy địa lý xách túi nâu vá, đầu chít khăn đỏ ẹp mái tóc trắng như cước xuống trán tiến đến mộ ông cụ. Ông nghe u u trong gió thổi từ dòng Nương Giang về tiếng khóc. Nước mắt ông trào ra, ông khóc cho mình hay cho người nằm dưới mộ phần này không biết?

 Nước mắt còn hoen, ông bước tiếp về phía ngôi đền, đứng lặng im quan sát, thấu thị ban thờ công đồng. Đẹp quá, sang quá, không thiếu thức gì, nhưng âm khí quá mạnh.

Người Họ Chu trông vòng ngoài thấy diện mạo và sự ung dung của ông nên không dám cản. Người phó họ Nguyễn định tiến lại dò hỏi nhưng cũng chưa dám. Ông vái ba vái tỏ rõ sự thành kính rồi bước về phía trường kỷ nơi ông thủ nhang đang ngồi quan sát từng cử chỉ của ông.

Thủ nhang không cất lời, nhưng tỏ rõ sự yếm thế. Không ai khảo mà xưng, vị khách cũng chưa vội cất lời, mà chỉ như khách đến lễ, xin một lá sớ để dâng. Ông thủ nhang với tay định bụng sẽ bắt đầu câu chuyện bằng cách đưa cho khách một lá sớ viết sẵn đang để trên bàn. Trong khi thủ nhang vẫn đang dò xét thì vị khách cất tiếng như chuông ngân:

- Thưa ông, tôi biết đọc, biết viết.

Ông thủ nhang nhìn xung quanh cầu cứu người trong đền, nhưng tuyệt nhiên lúc này không có một ai. Ông đành ngồi im quan sát. Người khách mở lá sớ ra, đọc và nhíu mày. Vị khách định cất lời, nhưng có lẽ chưa vội, lật mặt sau tờ sớ chăm chú nhìn từng chữ. Ông thủ nhang tỏ rõ sự bối rối, rồi cũng phải lên tiếng:

- Ông là ai? Có ý gì với sớ làng Ba. Lá sớ thay cho mớ lễ, được truyền đời từ tiền nhân.

- Có thánh nhân, có nghiên bút, sớ sách nhưng hiền nhân đã chết. Còn thứ sớ hồng điều, đỏ máu này còn loạn.

Ông thủ nhang định hỏi thì ông lão kia đã lui gót và mất hút. Đám vòng ngoài bước vào đã thấy ông thủ nhang mềm nhũn gục trên trường kỷ. Những phong bao sớ bị đổ nước chè vào loang màu như máu.

Ông thủ nhang đột tử mang theo câu chuyện với người khách lạ về cõi khác.

Đền làng Ba vẫn sáng đèn, sớ sách vẫn hóa mỗi đêm ngày. Gió cuốn tro bay xuống tận Nương Giang chấp chới rồi tan biến. Dòng chảy đón nhận tro tàn bao dung hay bất lực thật khó xác định.

Thiên hạ không ít người đã nhìn ra sớ máu, nhưng nói ai tin. Chừng nào thánh làng Ba còn là sớ làng Ba vẫn còn được biên, phong bao sớ màu hồng điều hay màu đỏ son.

Chú Sớ vẫn bận áo quần tươm tất, ngồi thẳng lưng trên cái chiếu hoa đỏ. Chú câm hay ngô ngọng, khóc hay cười cũng không còn quan trọng với người làng Ba và đám người thiên hạ về viết sớ, xin sớ nữa. Nhưng chữ nghĩa này còn gắn bó với ngôi đền và hồn vía ông cụ nên họ còn trải chiếu hoa vời chú. Với lại nghiệp chú còn nên chú vẫn phải ngồi đây. Chú sống đến bao giờ? Sau chú là ai? Còn ai kế nghiệp này nữa không?... chú cũng không biết. Chú không con, không gia đình, vô du nên chú chẳng quan tâm làm gì.

Nương Giang chứng kiến tất thảy những sự này, đau thắt.

Những mong thê thiết nghịch dòng. Lũ cuốn. Dương khí dội về suốt cả dòng sông mẹ.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Minh Hoa

Nguồn Văn nghệ số 14/2023


Có thể bạn quan tâm