April 28, 2024, 4:31 am

Làm thơ ghi lấy cuộc đời mình*

Tuổi mười tám đôi mươi/ Bền bỉ can trường/ Giữ gìn cương vực/ Máu trộn mồ hôi đầm đìa cột mốc/ Tưới xuống đường biên/ Thấm đỏ cuộc hành trình... (Trấn biên cương).

Hình tượng người lính biên phòng gắn liền với cột mốc, đường biên và muôn vàn gian khổ hy sinh trong những năm chiến tranh và trong những năm hoà bình được Nguyễn Xuân Việt khắc hoạ đậm nét. Thơ anh trải dài theo những vùng đất, thấm đẫm cuộc sống đầy gian khổ hy sinh của đồng đội.

Tác giả nhắc đến sự khốc liệt của một trận đánh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979:

Trận đánh hôm qua

Mùi đạn bom còn khét lẹt đâu đây

Máu đồng đội tưới ướt mùi cỏ cháy

Đạn nhọn, thép gang… vương vãi

Cắn răng nhìn bạn… nát bàn chân

 

Đơn vị còn lại mười người

Chẳng đứa nào lành nguyên

Băng vết thương ngang đầu

Thay vòng tang đồng đội

Chẳng biết ngày mai... đứa nào nằm lại…

(Đêm biên giới)

Câu thơ: Đơn vị còn lại mười người/ Chẳng đứa nào lành nguyên/ Băng vết thương ngang đầu/ Thay vòng tang đồng đội như một lát cắt, trần trụi, gân guốc, đọc lên nghe thật nhói lòng. Người bị thương không kịp đưa tang người mới chết, thì vết băng trắng quân lên đầu thay cho vòng tang. Đó là câu thơ hay viết về sự khốc liệt của chiến tranh.

Một trận đánh ở đồn biên phòng Pha Long khi đạn hết, quân địch sắp tràn vào, chiến sĩ trong đêm tuốt lê trần chờ giặc, sẵn sàng đối mặt cùng cái chết để giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc:

Chính trị viên đồn. Vòng quanh một lượt

Ôm chặt từng người trước phút giây thiêng

đồng đội ngẩng mặt lên

nhìn bầu trời biên cương

ngước về phía xa... lần cuối cùng. Nhớ Mẹ

 (“Bức điện mật” vĩnh biệt)

  Còn đây lại là một đêm chờ giặc ở bên giới Tây Nam của người lính biên phòng. Một đêm như nhiều đêm có bao điều hiểm nguy, chết chóc đang rình rập chập chờn phía trước:

Đêm lê thê lòng ta lửa đốt

Kim đồng hồ tích tắc sang canh

Bên kia kẻ địch rập rình

Những người lính căng mình trên chốt..

                 (Chờ giặc tới)

 Nguyễn Xuân Việt không né tránh sự hy sinh: “Máu vẫn đổ giữa thời bình. Tuổi xuân nơi biên cương. Nằm lại...”. Tác giả nhận ra sự mất mát hy sinh lớn lao cùng những chiến tích hào hùng: “Những chiến công nằm sau từng bia mộ/ Mất mát đau thương dưới từng ngọn cỏ” (Vết thương không lành). Tác giả nói với người bạn hy sinh ở biên giới Tây Nam: “Thôi/ mày nằm lại biên cương/ rừng núi linh thiêng sẽ ấp iu che chở/ mãi mãi suốt đời/ ơn mày tao xin nợ” (Sao mày không về).

Gắn bó vời người lính biên phòng nhiều năm, trải qua chiến tranh chống Mỹ, chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh biên giới phía Bắc: Rừng núi, suối sôngĐường biên và cột mốcMột dải đất nối liền hình chữ S/ Từ Sa Vỹ địa đầuĐến mũi nhọn Hà Tiên (Trấn biên cương); Nguyễn  Xuân Việt có bài thơ Bốn mùa biển ải vừa khái quát, vừa cô đọng. Bài thơ có tứ vững, nhịp thơ chắc khoẻ, giàu nhạc điệu:

Ta là của Núi

Bốn mùa chênh vênh

...

Ta là của Rừng

Bốn mùa thăm thẳm...

Dấu chân của tác giả trải dài cùng dấu chân người lính biên phòng. Tác giả đi nhiều, trải nhiều nên có nhiều điều muốn bộc bạch bày tỏ.

Đọc Thanh âm vùng biên, tôi chợt nhớ đến câu thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh viết trong năm chiến tranh: “Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Nguyễn Xuân Việt làm thơ để trang trải tâm tình, để trả nghĩa với những người đang sống và cả nhưỡng người đã khuất. Sống gắn bó với biên phòng nhiều năm, thơ của Nguyễn Xuân Việt là thơ của người trong cuộc nên người đọc dễ chia sẻ, cộng cảm.

_______

*  Thanh âm vùng biên, Tập thơ của Nguyễn Xuân Việt

Nguyễn Đức Mậu

Nguồn Văn nghệ số 48/2023


Có thể bạn quan tâm