April 28, 2024, 12:52 pm

Làm sao “giữ chân” được người tài?

Theo báo cáo mới đây của ngành Nội vụ, hiện nay tình trạng một bộ phận công chức, viên chức xin thôi việc, chuyển ngành, chuyển sang khu vực tư… vẫn tiếp tục diễn ra. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, cả nước có 39.500 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, hoặc chuyển sang khu vực tư (hơn 4.000 công chức và hơn 35.000 viên chức). Tỷ lệ nghỉ việc ở Trung ương là 18%, địa phương 82%. Tính trung bình, số người thôi việc mỗi năm 15.800, chiếm 0,8% tổng biên chế, nhiều nhất ở hai ngành giáo dục và y tế.

Trong khi đội ngũ giáo viên còn rất thiếu, nhất là ở miền núi, vùng cao, thì rất nhiều giáo viên rời bục giảng. Năm 2022, cả nước có 1,6 vạn giáo viên bỏ việc, tính bình quân, cứ 100 nhà giáo thì có một người bỏ việc. Trong lĩnh vực y tế có tới gần một vạn nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết tháng 6/2022.

Chuyện kể rằng có một cán bộ là Cục trưởng, khi về hưu anh xin cho con trai vào đầu quân tại cục này, hi vọng là có người nối nghiệp, nối nghề.  Cháu được đào tạo cơ bản ở nước ngoài, chuyên môn sâu, thành thạo hai ngoại ngữ. Sau 6 năm công tác mức lương vẫn chỉ ở mức hơn 5 triệu đồng/tháng, cháu bảo, mặc dù rất trân trọng bố và các cô chú đi trước, mặc dù rất yêu công việc hiện tại, nhưng lương như thế thì... không lấy được vợ. Và cháu xin thôi việc, chuyển sang một liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài, với mức lương 80 triệu đồng/ tháng.

Đấy là với người có chuyên môn cao, còn có không ít lao động không có được cái nền tảng ấy thì cũng liên tục “nhảy việc” và cuối cùng cũng tìm được bến đỗ tàm tạm, chí ít cũng cao hơn mức lương ở cơ quan cũ từ hai đến ba lần. Đương nhiên, hầu hết là các công ty tư nhân. Trong số đó có cả những kỹ sư rời phố về quê làm trang trại, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả phục vụ chế biến, xuất khẩu… Có người như anh Hoàng Huỳnh Ngư, 35 tuổi, đang có công việc ổn định ở một công ty chế biến gỗ thuộc tỉnh Bình Dương đã  “rủ” vợ  về quê ở xã Sơn Giang, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh để làm trang trại. Sau 7 năm làm anh “nông dân có học”, Ngư đã có trang trại chăn nuôi lớn, mỗi năm thu khoảng 1,5 tỷ đồng từ bán gà thịt, nhung hươu và bê giống, sau khi trừ hết chi phí còn lãi khoảng 500 triệu đồng. Quả là đất đã không phụ người!

Đương nhiên, nghĩ duy tâm một chút, đời người như “cái quay búng sẵn lên giời” (Cung oán ngâm khúc - Nguyễn Gia Thiều), có khi cũng phải tin vào sự may mắn. Không phải ai xin thôi việc cũng tìm được công việc mới và làm ăn may mắn như vợ chồng anh Như. Thế cho nên vẫn phải truy đến cùng cái nguyên nhân người ta bỏ việc và tìm cách để giữ chân họ, nhất là với những người tài?

Là ngành có trách nhiệm lớn chăm lo đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức, Bộ Nội vụ đã kiến nghị khá nhiều giải pháp. Nào là, quyết liệt hơn nữa trong công tác cải cách hành chính; Có cơ chế chặt chẽ, khoa học để tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Nào là, đề nghị bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, tập trung phân cấp tổ chức thi nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức, kiểm định chất lượng đầu vào công chức… Nào là, tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy, gắn cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức… theo vị trí việc làm với cải cách chính sách tiền lương, tiền thưởng và phúc lợi. Nào là, trách nhiệm thực thi công vụ sẽ được cá thể hóa đến từng công chức, người đứng đầu v.v… Nhưng xem chừng các giải pháp này vẫn chung chung lắm. Nói thì mênh mông, làm bát ngát, chưa rõ bước đi cụ thể sẽ ra sao, ai làm, không khéo lại rơi vào tình trạng đánh trống bỏ dùi như bao năm nay, cứ hô hào quyết liệt mà vẫn... tê liệt. Gần đây nhất là đồng loạt tăng lương từ ngày 1/7/2023, được coi như một trong những giải pháp thiết thực để giữ chân người lao động ở lại các cơ quan, đơn vị, thế nhưng với thu nhập nhích lên một chút như thế vẫn chưa đủ sức hấp dẫn.

Lại nhớ đến ý kiến của một vị giám đốc sở ở thành phố Đà Nẵng, đại ý: Lương, thu nhập đúng là mắt xích đầu tiên, khen phải đi liền với thưởng. Nhưng trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị là rất quan trọng. Bao giờ cũng phải thấy rõ cái nguyên nhân bên trong: Vì sao công việc không chạy? Vì sao có người bày bửa để người khác phải dọn? Vì sao có người cả ngày bận việc không ngẩng được mặt lên mà lại có người lượn lờ như... cá? Bài toán phân phối lợi ích như thế nào? “Vũ khí” của ông giám đốc sở là gì? Chỉ có lương hành chính, lấy gì để thưởng, lấy gì để phạt?... Chúng ta thường quy những vướng mắc trên đây vào cơ chế, mà sửa mãi cơ chế không xong.

Thế nên, cũng không nên quá lo lắng trước hiện tượng hàng nghìn người bỏ việc, từ công nhảy sang tư. Việc dịch chuyển lao động âu cũng là xu thế của sự vận động và phát triển, là sự phân công lao động theo quy luật thị trường, và cũng là cơ hội để thay thế, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và khu vực tư. “Đất lành chim đậu, đất xấu chim bay”. Lại “Thưa các vị mũ cao áo dài, bao giờ đất được cải tạo, môi trường trong lành thì chúng em lại bay về” (!). Điều đáng lo là những người “bay” đi toàn là những anh giỏi giang cả. Cuối cùng trụ lại có khi chỉ còn mấy em hiền lành, tài nhất là thưa gửi, vâng dạ, sáng cắp ô đi tối cắp ô về…

Vẫn biết, thu nhập cao, ổn định vẫn là  điều quyết định nhất. Từ xa xưa ông cha ta đã dặn rằng “mười đồng tiền công không bằng một đồng tiền thưởng”. Tiền thưởng còn mang ý nghĩa sự đánh giá, tấm lòng của ông chủ là người sử dụng lao động phải có chế độ đãi ngộ tích cực. Ở đâu làm việc dễ chịu, đãi ngộ xứng đáng thì người lao động tìm đến, đơn giản vậy thôi. Xin dẫn chứng về chế độ phân phối, đãi ngộ chặt chẽ, công bằng ở Hàn Quốc để tham khảo: Ở xứ sở kim chi, mức lương công chức được thiết kế rất khoa học. Trong thang lương đó biểu thị cả việc đánh giá bằng cấp, năng lực chuyên môn, quá trình cống hiến. Thế nhưng tiền lương không phải là bất biến mà thường xuyên thay đổi chính sách và được điều chỉnh mức lương. Cơ cấu chi cho công chức  bao gồm tiền lương cơ bản, phụ cấp, thưởng và các chi phí thực khác. Riêng đối với các chức vụ chính trị như Tổng thống, Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng… thì được ấn định mức lương cố định. Tiền lương cơ bản dựa trên hạng, bậc của công chức từ bậc 9 đến bậc 1, bao hàm cả thâm niên và ngành nghề. Tính chung có tới 11 bảng lương cơ bản. Thế nhưng, tiền lương cơ bản chỉ chiếm 65% tổng thu nhập hàng năm của công chức, 35% còn lại là các khoản phụ cấp và thưởng. Chẳng hạn, phụ cấp có 12 loại theo 4 nhóm: Nhóm 1, phụ cấp ưu đãi và cho người phục vụ; nhóm 2, phụ cấp gia đình; nhóm 3, phụ cấp điều kiện làm việc khó khăn; nhóm 4, phụ cấp làm việc ngoài giờ, ngày lễ, làm đêm dành cho công chức từ bậc 9 đến bậc 5. Các khoản tiền thưởng được tính vào lương. Dựa trên cơ sở đánh giá kết quả, thành tích làm việc của năm trước, với mức quy định rất minh bạch, chặt chẽ. Không chỉ có Hàn Quốc mà ở nhiều nước phát triển cũng có cách tính lương thưởng tương tự.

Trông người lại ngẫm đến ta. Mong sao người đứng đầu và tập thể lãnh đạo chú ý nhiều hơn đến môi trường làm việc, lợi ích, niềm hứng khởi và xu thế phát triển của người lao động. Một câu hỏi không bao giờ cũ: Thủ trưởng đơn vị có cách ứng xử, điều hành tốt hay chưa, có xứng đáng là thủ lĩnh, là thợ cả, là tấm gương trong đơn vị để mọi người tự hào “gần đèn thì sáng” không? Khi có môi trường làm việc tốt, khi một tập thể sống chan hòa, thân ái, có niềm tin, thì ngọn lửa yêu nghề trong mỗi người sẽ bùng cháy, ở đó họ được “chơi đến đáy, làm đến đỉnh”, không bị đe dọa trước cơn lốc danh và lợi. Người lãnh đạo nào chẳng muốn người khác yêu mến, tin tưởng mình. Muốn thế, trước hết chính cấp trên phải tin tưởng cấp dưới. Hãy trao vinh dự cho người khác, nhất định là họ sẽ không phụ lòng người giao phó và tin cậy mình. Một người lãnh đạo tài giỏi, suy cho cùng là họ sử dụng và phát huy được những người tài giỏi hơn mình.

Nguyễn Hải Đường

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Có thể bạn quan tâm