April 28, 2024, 11:12 am

Kỷ vật. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Anh Tuấn

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Hoàng cung nhà Trần giữa một đêm thanh vắng. Lúc ấy đã vào đầu canh ba, một tiếng hét thất thanh từ cung Thưởng Xuân khiến cho đám thái giám và cung nữ hốt hoảng chạy tới.

Lão thái giám tổng quản tên là Cao Lâm quỳ mọp ngoài cửa, lo lắng hỏi:

 - Thánh thượng! Người lại gặp ác mộng ư?

Từ ngoài cửa, lão có thể nghe thấy được tiếng thở hổn hển như muốn vỡ toang lồng ngực của vị quân vương. Đây đã là đêm thứ ba liên tiếp, nhà vua gặp ác mộng. Tiếng thở chậm dần và một tiếng nói nghiêm nghị vang lên:

- Ta không sao. Các ngươi lui ra đi!

Đám người nhìn nhau rồi lần lượt lui xuống. Duy chỉ có lão Cao Lâm vẫn chầu chực bên ngoài. Lão biết, Hoàng thượng sẽ gọi mình.

Người vừa khiến cho hoàng cung một phen náo động là Trần Thái Tông.

Minh họa: Đỗ Dũng

Họ Trần của ông vốn là một dòng họ nhiều đời đánh cá ở vùng Hải Ấp (Thiên Trường, Nam Định). Và có lẽ, dòng họ của ông sẽ an phận chài lưới nếu như không xuất hiện một con người đầy tham vọng, đó là: Trần Thủ Độ, chú họ của ông. Bằng sự gian hùng của mình, Trần Thủ Độ đã thâu tóm hết quyền lực trong triều đình nhà Lý, tự tay soạn lên một vở kịch chuyển giao quyền lực kinh điển khi ép nữ đế Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, để rồi ngôi báu của 8 đời họ Lý về tay họ Trần của ông mà không vấy đổ một giọt máu. Đó là năm 1226, khi ấy, Trần Cảnh mới 8 tuổi, cái tuổi mà những đứa trẻ khác vẫn còn hồn nhiên nô đùa thì ông đã lên ngôi thiên tử, nắm lấy thiên hạ của Đại Việt.

Quả đúng là:

Một ngày dựa mạn thuyền rồng                                                                                     

Còn hơn muôn kiếp ở trong thuyền chài

Thấm thoát đã 32 năm kể từ cái ngày ông ngồi lên ngai vàng. Trong hơn 30 năm ấy, biết bao sóng gió bủa vây lấy ông và vương triều non trẻ. Lý Chiêu Hoàng sau khi nhường ngôi thì bị giáng xuống làm Chiêu Thánh Hoàng hậu. Vì không sinh được người kế vị, Trần Thủ Độ đã ép Trần Thái Tông phế bỏ Lý Chiêu Hoàng và lập chị của nàng là Thuận Thiên Công chúa làm hoàng hậu. Thuận Thiên vốn là vợ của Trần Liễu - anh trai của ông, khi ấy đã mang thai ba tháng. Em cướp vợ của anh, chuyện trái luân lý ấy thử hỏi ai mà không căm hận cho được. Năm 1236, Trần Liễu họp quân nổi dậy ở sông Cái chống triều đình mấy tháng trời. Khi cuộc nồi da xáo thịt ấy tạm lắng xuống thì ở ngoài biên ải, ngọn lửa chiến tranh lại ập đến. Đế chế Mông Cổ - “Ngọn roi trừng phạt của Thượng Đế” bắt đầu rải vó ngựa xuống phương Nam. Cuối năm 1257, khoảng 3 vạn quân Mông Cổ dưới sự chỉ huy của Ngột Lương Hợp Thai ồ ạt tấn công Đại Việt nhằm làm bàn đạp đánh lên từ phía Nam, phối hợp với đạo quân ở phía Bắc đánh xuống, tạo thế gọng kìm cho kế hoạch chinh phục Nam Tống (Trung Quốc). Ngày 17 tháng 1 năm 1258, quân Mông Cổ kéo đến Bình Lệ Nguyên, vua Trần Thái Tông thân chinh đem quân chặn giặc. 

Và cho đến hôm nay, đã qua mấy tuần trăng, Hoàng đế vẫn nhớ như in cái ngày hôm đó, khi mà một mũi tên đã bắn trúng ngực và hất văng ông xuống ngựa. Trong cơn choáng váng, ông cứ ngỡ mình sẽ nằm lại sa trường nếu như mũi tên ấy không bắn trúng kỷ vật của một cố nhân, thứ mà ông luôn mang theo bên người.

Từng dòng hồi ức lại ùa về trong tâm trí của vị Hoàng đế cô độc giữa căn phòng vắng. Chậm rãi nhưng rất rõ ràng.

*

Quân ta không cầm cự được nữa!

Một bóng người phi ngựa hét lớn làm Trần Thái Tông giật mình. Vốn chưa có nhiều kinh nghiệm trận mạc, ông đã phạm sai lầm chết người khi chọn Bình Lệ Nguyên là chiến trường đón giặc. Đây là vùng đất tương đối bằng phẳng nằm cạnh khúc sông Cà Lồ (thuộc huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Với địa thế như vậy, kỵ binh Mông Cổ - đội kỵ binh thiện chiến bậc nhất thế giới khi ấy thỏa sức tung hoành. Dưới làn mưa tên dữ dội, kỵ binh giặc ào ạt vượt sông, áp sát phòng tuyến của quân Đại Việt. Vừa lúc ấy, đội tượng binh của nhà Trần vội lùa voi xung trận. Đoàn ngựa chiến Trung Á hoảng sợ trước những thớt voi đồ sộ, quay đầu bỏ chạy, hàng tiền quân của kỵ binh giặc rối loạn. Quân Trần thừa thắng hăm hở tràn tới. Thế nhưng, những cánh cung thiện xạ của Mông Cổ bắt đầu giương lên, nhắm thẳng vào bầy voi và quản tượng. Mắt, vòi, tai của voi chiến bị găm chi chít những mũi tên, lính quản tượng cũng trúng tên rồi lần lượt gục xuống. Những con voi đau đớn lồng lên, chạy càn giẫm đạp cả vào đội hình quân Đại Việt. Chỉ chờ có thế, kỵ binh Mông Cổ quay ập lại từ hai phía, tạo thành gọng kìm xé nát phòng tuyến của quân ta.

Trận hỗn chiến long trời lở đất diễn ra vô cùng ác liệt. Càng về sau, quân nhà Trần càng bị bất lợi, các cánh quân bị chia cắt, vây hãm thành từng cụm rồi bị tiêu diệt dần. Từng chiến binh Đại Việt can trường lần lượt ngã xuống trong sự bất lực của Trần Thái Tông.

- Bệ hạ! Phải lui quân ngay!

Bóng người càng rõ dần. Đó là Ngự sử trung tướng Lê Tần. Một vệt máu bắn thẳng vào má của ông, đỏ lòm cả nửa khuôn mặt trông đến đáng sợ. Mặc cho viên tướng khuyên can, Trần Thái Tông vẫn cự lại:

- Không được! Trận đầu ra quân đã bại. Ta còn mặt mũi nào quay về triều đình. Hôm nay, có chết, ta cũng phải liều mạng đến cùng với bọn Thát Đát.

Đoạn, Trần Thái Tông toan vung gươm thúc quân liều chết xông lên thì bị cánh tay lực lưỡng của Lê Tần ghìm lại.

- Như vậy là bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi mà thôi. Xin hãy tạm lui quân, rừng xanh còn đó, lo gì thiếu củi đốt!

Lời nói can trường của Lê Tần vẫn khiến Trần Thái Tông lưỡng lự. Bỗng lúc đó, một mũi tên nhọn hoắt bay tới, găm phập vào ngực của Hoàng đế. Lực của mũi tên mạnh đến nỗi Trần Thái Tông chỉ kịp “hự” lên một tiếng rồi ngã bật xuống ngựa, choáng váng trong sự kinh hãi của tướng sĩ.

- Thánh Dực quân! Hộ giá!

Lê Tần hét lớn, rồi vội xuống ngựa đỡ lấy nhà vua. Hơn chục người lính Thánh Dực lao đến lấy khiên che chắn cho Trần Thái Tông trước khi làn mưa tên ập đến. Sau cơn choáng váng, Trần Thái Tông đã dần hồi tỉnh. Kỳ lạ thay, ông không cảm nhận được nỗi đau thể xác nào từ mũi tên đang găm trước ngực của mình. Bẽ bàng trước mặt tướng sĩ vì cú ngã ngựa, Trần Thái Tông tức giận đặt tay lên ngực toan rút mũi tên ra.

- Bệ hạ! Không được rút tên!

Mặc cho những lời can ngăn, Trần Thái Tông vẫn gạt đi, lấy tay rút mạnh mũi tên ra khỏi ngực. Khi mũi tên được rút ra, ai nấy đều há hốc kinh ngạc vì đầu mũi tên nhọn hoắt lại không có vết máu. Ông lờ mờ nhớ ra điều gì đó, nhưng đại địch trước mắt, không cho phép nhà vua nghĩ về nó lúc này.

- Lê Tần! Truyền lệnh lui binh về bến thuyền ... - Thái Tông ra lệnh.

Lê Tần tuân mệnh, cho nổi trống lui quân, đưa Trần Thái Tông về bến Lãng Mỹ. Vừa lúc đó, tướng tiên phong của giặc là Triệt Triệt Đô kéo quân tới gần bến thuyền, âm mưu bắt sống nhà vua. May thay, tướng Phạm Cự Chinh cùng quân cứu viện đã đến kịp thời. Nhờ vậy, vua và quan quân kịp thoát lên thuyền. Đám kỵ binh Mông Cổ cố gắng bám theo đoàn thuyền của quân Đại Việt đang xuôi theo dòng nước. Tên nhọn từ trên bờ sông được bắn xuống như mưa. Lê Tần nhanh trí lấy các tấm ván thuyền che chắn cho vua đến khi đoàn thuyền ra khỏi tầm bắn của quân Mông Cổ.

Trần Thái Tông đặt tay lên ngực. Mũi tên của giặc đã bắn trúng miếng ngọc bội màu tím đeo trước ngực, qua đó, cứu ông một mạng trong gang tấc. Nhưng miếng ngọc đã không còn nguyên vẹn, nó bị vỡ ra thành ba mảnh, nằm gọn trong bàn tay của ông.

- Chiêu Thánh, ta lại nợ nàng nữa rồi!

*

Cuộc viễn chinh đầu tiên của quân Mông Cổ trên đất Đại Việt chỉ kéo dài thêm được 9 ngày. Sau thất bại ở Bình Lệ Nguyên, nhà Trần nhanh chóng phản công ở Đông Bộ Đầu rồi đánh bật quân giặc ra khỏi Thăng Long. Ngày ca khúc khải hoàn, việc đầu tiên Trần Thái Tông làm không phải là luận công ban thưởng mà lại bí mật đến một căn nhà nhỏ ở ngoại ô kinh thành.

Có hai người mà Trần Thái Tông luôn day dứt trong đời. Đầu tiên, chính là An Sinh vương Trần Liễu - anh ruột của ông. Sau ngày khởi binh ở sông Cái thất bại, Trần Liễu giả làm người đánh cá trốn lên thuyền rồng để xin ông tha tội. Trần Thái Tông biết anh mình đang thế cùng lực kiệt nên mới phải làm vậy, chứ mối thù em cướp vợ anh làm sao dễ dàng buông bỏ. Khi ấy, ông chỉ là một con rối trong tay Trần Thủ Độ. Dẫu ở ngôi chí tôn nhưng quyền uy của Thái sư đầu triều quá lớn khiến ông phải bất lực nghe theo. Điều mà ông làm được chỉ là che chắn cho anh mình trước lưỡi gươm của Trần Thủ Độ và cắt đất An Sinh cho Trần Liễu được về an trí.

Trong cái đêm trên thuyền, ông đã hứa với Trần Liễu rằng: cho dù Thái sư có bắt vợ của anh làm vợ mình, thì ở trong cung, ông vẫn giữ phận em chồng, tuyệt không phạm tới thân thể của chị dâu. Thế nhưng, sự đời đâu dễ lường. Hương lửa gần nhau sớm tối cũng có ngày nồng đượm. Sau khi Thuận Thiên Hoàng hậu sinh đứa con mà bà mang thai trước với Trần Liễu, thì bà tiếp tục có thêm 4 người con khác với Trần Thái Tông. Lời hứa năm xưa với anh ruột đã không giữ được khiến cho Trần Liễu ôm theo mối hận với ông cho đến lúc chết.

Người thứ hai chính là cố nhân mà ông gặp lại ở căn nhà nhỏ sau ngày trở về Thăng Long. Đó là Lý Chiêu Hoàng. Người đàn bà đã ngây thơ trao ngôi báu cho kẻ đã lớn lên từ thuở nhỏ với mình, chấp nhận lui về hậu cung sống những tháng ngày an phận. Để rồi, kẻ bạc tình lại phế truất ngôi vị hoàng hậu, giáng nàng xuống làm công chúa rồi đẩy nàng về nơi thôn trang thiếu thốn đủ đường.

- Bệ hạ vẫn còn nhớ đến thiếp ư?

Lý Chiêu Hoàng nhẹ nhàng hỏi. Nhưng câu hỏi của nàng lại khiến cho vị Hoàng đế hổ thẹn khôn nguôi. Nếu không vì mũi tên bắn trúng miếng ngọc bội của nàng, qua đó cứu mạng ông ở Bình Lệ Nguyên, có lẽ sẽ không có cuộc gặp gỡ sau bao năm xa cách hôm nay. Không phải vì Trần Thái Tông đã quên nàng. Trái lại, một góc nào đó trong trái tim của Hoàng đế vẫn luôn có hình bóng của nàng. Nhưng vương triều mới lập, vị quân vương trẻ tuổi phải bộn bề những ngổn ngang chính sự, dẫu cho đã có một tay Thái sư Trần Thủ Độ cắt đặt.

Hôm nay, gặp lại cố nhân, nàng không trách cứ nửa lời nhưng lại khiến Hoàng đế như có mảnh dằm nhọn hoắt trong tim. Sau bao năm xa cách, cánh hoa mỏng manh trôi vô định giữa hai vương triều đã xơ xác, úa tàn.

- Bao năm qua, nàng… vẫn sống tốt chứ?

- Thiếp vẫn khỏe… - Lý Chiêu Hoàng như muốn quay đi, cố giấu ánh mắt đã đỏ hoe vì ngấn lệ của mình.

Trần Thái Tông biết nàng đang nói dối. Trông nàng tiều tụy đến thảm thương.

- Nàng đừng giấu ta! Ta…

Và rồi chẳng biết nói gì thêm để biện bạch cho sự vô tâm của mình, ông bèn quay sang trút giận lên đầu lão thái giám Cao Lâm đang đứng hầu cạnh:

- Cao Lâm! Ngày Chiêu Thánh Công chúa xuất cung, ta đã dặn ngươi sắp xếp cho nàng một chỗ thật tốt, đều đặn hàng tháng chu cấp đầy đủ bổng lộc của triều đình để công chúa được sống thoải mái. Tại sao ngươi lại tắc trách như thế?

Lão Cao Lâm kinh hãi vội quỳ xuống:

- Tâu… tâu bệ hạ! Lão nô đã… đã làm đúng theo lời bệ hạ… nhưng… Thái sư… Thái sư…

Nghe đến đó, Trần Thái Tông tức giận đứng bật dậy:

- Thái sư? Thiên hạ này là của trẫm hay của Thái sư?

Lão thái giám mặt cắt không còn giọt máu. Lão biết mình đã phạm một sai lầm chết người khi nhắc đến Trần Thủ Độ trong hoàn cảnh này. Dẫu có công đưa Hoàng đế lên ngôi, nhưng việc Thái sư ép vua bỏ vợ rồi lại cướp vợ của anh đã khiến vị quân vương mang một nỗi oán giận rất lớn. Nay lại chính Thái sư can thiệp vào chuyện chu cấp bổng lộc cho Lý Chiêu Hoàng, khiến cho chút an ủi cuối cùng để Hoàng đế không mang tiếng bạc bẽo chẳng còn, đã làm cho ngọn lửa giận nung nấu bấy lâu phực lên ngùn ngụt. Uy quyền của Thái sư vẫn còn đó, đủ khiến Hoàng đế phải kiêng dè đôi chút, nhưng còn với một kẻ nô bộc như lão thì đó lại là chuyện khác.

- Bệ hạ! Xin đừng trách tội đám kẻ dưới làm gì. Ngay chính Người còn có lúc không thể trái ý Thái sư, thì phận con sâu cái kiến như họ đâu dám làm khác được?

Lý Chiêu Hoàng cất lời khiến cho ngọn lửa giận mới phụt lên của Hoàng đế tắt ngấm. Vị quân vương cảm thấy xấu hổ cho chính mình. Ông buồn bã ngồi xuống, nắm chặt đôi tay gầy gò thấy rõ cả những gân xanh của Lý Chiêu Hoàng. Lão thái giám biết ý bèn xin lui ra.

- Chiêu Thánh! Hãy trở về cung với ta. Ta không còn là thằng bé con Trần Cảnh năm xưa. Ta đã là Hoàng đế thực sự của nước Đại Việt này… - Trần Thái Tông nói.

- Về lại hoàng cung ư?

- Phải! Ta sẽ bù đắp cho nàng vì những năm tháng đã qua.

Lý Chiêu Hoàng nở một nụ cười nhợt nhạt đáp lại ánh mắt mong chờ của Trần Thái Tông. Ngày rời khỏi hoàng cung, chưa lúc nào nàng thôi chờ đợi nhà vua quay lại đón mình. Nàng biết, mọi bi kịch trong đời mình đều do một tay Trần Thủ Độ gây nên, Hoàng đế chỉ là con rối trong cuộc chơi vương quyền của ông ta. Nhưng rồi, con tim nàng từ chỗ khát khao ngày trở về thì nay đã nguội lạnh sau những tháng ngày mòn mỏi. Hôm nay, Hoàng đế bất ngờ đến thăm và đưa ra lời đề nghị đột ngột khiến trái tim tuy đã héo úa bỗng chốc như được tưới tắm một luồng sinh khí trở lại. Nhưng vẫn còn gì đó khiến Lý Chiêu Hoàng sợ hãi chưa thể mở lòng. Nàng quyết định tìm đến một phép thử, mà trong thâm tâm, nàng mong Hoàng đế sẽ vượt qua.

- Miếng ngọc bội của thiếp, chàng vẫn luôn mang theo bên người chứ ạ?

Trần Thái Tông giật nẩy mình khi nghe câu hỏi. Miếng ngọc đó là kỷ vật của Lý Chiêu Hoàng trao cho ông năm nàng tròn 16 tuổi.

Thấy vật như thấy người. Chàng phải luôn giữ nó bên mình đấy nhé!

Hoàng đế bồi hồi nhớ lại. Đêm đó, khi trao miếng ngọc cho mình, Lý Chiêu Hoàng cũng đã trao luôn cho ông sự trinh nguyên đẹp nhất của một người con gái đang ở độ trăng rằm. Đó là đêm mà ông biết thế nào là ái ân của đời người. Hoàng đế vẫn giữ lời với nàng, vẫn giữ miếng ngọc bên mình và nhờ có nó mà ông thoát chết ở sa trường. Nhưng miếng ngọc đã vỡ, không còn nguyên vẹn, biết ăn nói sao với nàng đây.

Trần Thái Tông gật đầu thay câu trả lời. Ông lấy từ trong vạt áo ra những mảnh vỡ của miếng ngọc, buồn bã thuật lại sự việc ở Bình Lệ Nguyên.

Lý Chiêu Hoàng mỉm cười.

- Nếu không có việc mũi tên bắn trúng miếng ngọc… Chàng có đến tìm thiếp không?

- Chiêu Thánh… ! Ta…

Trần Thái Tông sửng sốt, chẳng thể nên lời, tựa như người chơi cờ bị người ta nhìn thấu mọi nước đi trong đầu vậy. Dường như hiểu được nỗi lòng của quân vương, Lý Chiêu Hoàng chậm rãi nói:

- Thiếp không trách miếng ngọc không còn được nguyên vẹn. Thiếp thấy vui là đằng khác, vì chàng vẫn mang theo nó bên mình và… nó đã có ích cho chàng, cứu chàng thoát được hòn tên mũi đạn…

Nghe được những lời đó, Trần Thái Tông mừng rỡ trong lòng. Ông đủ tinh tế để hiểu, đó chỉ là phép thử mà nàng dành cho ông. Dẫu miếng ngọc không còn nguyên vẹn, nhưng chí ít, nàng cũng thấy được, ông luôn mang theo nó bên mình, ông vẫn nhớ nàng. Hoang hoải và khôn nguôi. Và giờ đây, Hoàng đế tin rằng, mình đã vượt qua được phép thử để đón nàng trở về.

- Nhưng… ngọc đã vỡ… sao có thể lành…  duyên ta đã cạn…sao còn có thể níu…

Lý Chiêu Hoàng nói trong từng tiếng nấc nghẹn ngào. Từng lời của nàng khiến niềm hy vọng của Trần Thái Tông vừa mới được nhen lên đã vụt tắt. Một không khí im lặng ập đến, bao trùm lấy hai con người tội khổ. Ngày xưa, khi còn là những đứa trẻ, họ đã cùng chơi đuổi bắt với nhau dưới sân rồng. Giờ đây, vẫn trò chơi đuổi bắt, họ đuổi bắt nhau trong từng mảnh vỡ của ký ức, đau khổ và dằn vặt. Cả hai nhìn nhau, không nói thêm câu nào, nhưng Hoàng đế cũng đã có câu trả lời.

Một cơn gió thổi qua làm cho tấm thân gầy gò dưới lớp áo mỏng manh của Lý Chiêu Hoàng run lên bần bật. Trần Thái Tông vội lấy chiếc áo choàng của mình và khoác cho nàng. Không kìm nén thêm được nữa, ông liền ôm lấy nàng thật chặt. Tấm thân bé nhỏ của người đàn bà truân chuyên cũng mềm nhũn và nằm yên trong vòng tay của nhà vua. Cái ôm cuối cùng của hai kẻ còn thương nhưng hết phận.

*

Tiếng gà gáy vang lên khiến dòng hồi ức của Trần Thái Tông tan ra, vỡ như bọt biển. Hoàng đế bật dậy, gọi lớn:

- Cao Lâm! Cao Lâm đâu?

Lão thái giám già đang gật gà ngoài cửa thì bừng tỉnh. Lão lật đật chạy vào, quỳ mọp xuống, chờ Hoàng đế sai bảo.

- Mau lấy áo! Ta phải xuất cung?

- Dạ bẩm… Mới sáng sớm, Thánh thượng muốn đi đâu ạ?

- Ta phải đến gặp Chiêu Thánh. Ta phải đưa nàng về cung. Ta phải bù đắp cho nàng… mau… mau lấy áo cho ta.

Lão thái giám Cao Lâm không tỏ ra bất ngờ trước câu nói của Trần Thái Tông, bởi đây không phải lần đầu lão nghe được những lời nói tưởng chừng như trong vô thức của Hoàng đế. Lão bình tĩnh đáp:

- Bẩm Thánh thượng! Người đã quên rồi sao? Sau khi thăm Chiêu Thánh Công chúa về, bệ hạ đã triệu tướng quân Lê Tần vào cung, phong cho ngài ấy làm Ngự sử đại phu, tước Bảo Văn hầu và…

- Chuyện đó thì liên quan gì đến việc ta đón Chiêu Thánh về cung? - Trần Thái Tông tức giận quát.

Lão thái giám giật mình, vội nói tiếp:

- Bẩm, cũng trong ngày đó, bệ hạ đã ban chiếu gả Chiêu Thánh Công chúa cho Ngự sử đại phu Lê Tần. Đoàn rước đưa Công chúa đã về phủ Lê đại nhân được ba hôm rồi ạ.

Nghe đến đó, Trần Thái Tông bàng hoàng, đổ gục xuống long sàng. Lão thái giám Cao Lâm vội chạy tới đỡ lấy nhà vua. Nhìn khuôn mặt thất thần như mê sảng, Cao Lâm không khỏi xót xa cho chủ nhân của mình. Hôm rước Lý Chiêu Hoàng, Hoàng đế đã đứng lặng rất lâu trên thành cho đến khi đoàn rước khuất bóng.

Cao Lâm theo hầu Trần Thái Tông khi nhà vua mới lên ngôi, từng nỗi dày vò trong cuộc đời chủ nhân, lão đều ở bên và chứng kiến tất cả. Lão hiểu rất rõ, Hoàng đế đã rất khổ tâm khi đưa ra quyết định ấy. Thiên hạ sẽ cười chê ông vì đem vợ cũ gả cho kẻ có công với mình. Xem nàng như món đồ chuyền tay. Nhưng mấy ai thấu được lòng nhà vua. Ông không thể để Lý Chiêu Hoàng tiếp tục cô quạnh một mình trong phần cuối cuộc đời. Lê Tần là người trung nghĩa, có thể yên tâm gửi gắm, cho nàng những tháng ngày bình yên. Còn nếu đón Lý Chiêu Hoàng về lại hoàng cung, lỡ như nàng may mắn mang thai với Hoàng đế, thì việc năm xưa, Trần Thủ Độ ép vua bỏ Chiêu Hoàng vì không sinh được con, dẫn đến chuyện em cướp vợ anh sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ ư? Một kẻ như Trần Thủ Độ đủ thông minh để lường trước được việc đó. Liệu ông ta có để Lý Chiêu Hoàng sống yên ổn trong phần đời còn lại.

Ai có thể thấu hiểu được nỗi lòng đế vương đây? Trong khắp Đại Việt này, có lẽ chỉ có lão thái giám già Cao Lâm mà thôi.

Mặt trời bắt đầu ửng đỏ trên mái điện hoàng cung. Đám thái giám và cung nữ lại tất bật cho một ngày mới. Trần Thái Tông cũng đã tỉnh lại, thẫn thờ khi nhớ ra mọi chuyện. Cũng từ cái ngày tiễn Lý Chiêu Hoàng về phủ của Lê Tần, cơn ác mộng về mũi tên trong trận Bình Lệ Nguyên lại ập về, quấy rầy giấc ngủ của nhà vua. Và đây đã là đêm thứ ba liên tiếp.          

- Bẩm… có lời này, lão nô… không biết có nên nói hay không?

Lão thái giám lắp bắp, không biết nói sao cho phải.

- Ngươi cứ nói đi! - Trần Thái Tông đáp.

- Lão nô có nghe phong phanh từ mấy đứa cung nữ, ở ngoài chợ, có bọn trẻ con đang hát một bài đồng dao… với ý tứ…

Trần Thái Tông quay người lại, tò mò hỏi:

- Ngươi biết nội dung bài đồng dao đó không? Đọc cho ta nghe.

- Dạ… dạ… - Lão thái giám chần chừ không dám đọc.

- Ta không trách tội đâu! - Hoàng đế đưa ánh mắt hiền từ trấn an.

- Bẩm… bài đồng dao có hai câu: Trách người quân tử bạc tình... Chơi hoa rồi lại… rồi lại… bẻ cành bán rao...

Nghe đến đó, Trần Thái Tông liền bật ra khỏi giường, cười lớn:

- Hahahaha! “Trách người quân tử bạc tình, chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”. Hay! Hay lắm! Hahahaha! Mai này, hậu thế sẽ nhớ về ta lắm đây. Nhớ về người quân tử bạc tình bậc nhất Đại Việt này… hahahahaha…

Tiếng cười lớn của Hoàng đế vang khắp hành lang. Ngoài đám cung nữ, thái giám và thị vệ, còn có một người nghe được tiếng cười ấy. Ông ta quay đi, bước về nơi nhà vua sắp thiết triều. Con rối năm xưa trong tay ông ta bây giờ đã là một Hoàng đế thực sự. Đủ uy quyền để khiến ông ta cũng phải nể sợ. Nhưng cũng đủ bản lĩnh để cai trị cái giang sơn do ông ta đã khó nhọc mang về cho họ Trần.

“Cảnh à! Chú có thể kê cao gối được rồi.”

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn Văn nghệ số 40/2023


Có thể bạn quan tâm