May 5, 2024, 10:07 pm

Ký ức từ “mâm cỗ” báo Tết

Với tôi Tết không chỉ là mâm cao cỗ đầy. Là sum vầy bên người thân. Tết còn là dịp để tôi sưu tầm báo Tết, những ấn phẩm báo xuân được chuẩn bị công phu, trình bày đẹp mắt.

Đó thật sự là những “giai phẩm” phục vụ bạn đọc trong cả nước - ấn phẩm mà mỗi tòa soạn báo đều tổ chức thực hiện một cách đầy hối hả và tâm huyết cả tháng trời. Đó là cách đón Tết của tôi, cũng là cách để tôi khơi gợi ký ức trong lòng, tôi đọc và gặp lại những cái Tết xa xưa. Bởi vì, trong mỗi tờ báo Tết đều có những bài viết về Tết xưa, có cách kéo ngăn ký ức ra, giúp bạn đọc được tái hiện những cái Tết xưa cũ. Vâng. Đúng là như thế. Xét đến cùng, chữ nghĩa có cách khơi gợi ký ức khủng khiếp. Đọc, sưu tầm những trang báo Tết, báo Tết cũ với tôi là ký ức trong ký ức. Rồi thú chơi báo Tết của tôi, của nhiều người khác sẽ có ngày lại thành… quá khứ!

Sưu tầm và đọc báo xuân là một cách đón Tết ý nghĩa

Ngay từ những ngày đầu “bén duyên” nghề báo, tức là mới chỉ là cộng tác viên, cách đây hơn 20 năm, tôi đã có thú sưu tầm, mua và đọc báo xuân, báo Tết của các tòa soạn báo từ Nam ra Bắc. Với tôi, khoảng 40 ấn phẩm báo chí được bày bán khá rộng rãi trên thị trường được thường xuyên chọn mua về, bày ở phòng khách là một “mâm cỗ”. Vâng, ngày xuân ngoài nhấn nhá, thưởng thức khí xuân, đúng nghĩa là ăn Tết với mâm cao cỗ đầy, thì có một “mâm cỗ” mà khách khứa đến nhà rất ấn tượng, muốn “xơi” cùng chủ nhà – đó là mâm cỗ báo Tết. Giữ gìn báo Tết, cũng là cách chúng ta có thể lật giở, để biết được cách đây 30 năm, 20 năm, hay ngắn hơn là 10 năm, chúng ta đón Tết thế nào, chúng ta làm báo Tết và bạn đọc thưởng thức ra sao.

Tôi thích cách trình bày của báo Tết bởi nó gần như phá cách so với báo thường ngày. Nhiều bài vở, tranh ảnh hấp dẫn. Thậm chí có báo còn chuẩn bị kỳ công một vài chủ đề để nhấn vào điểm đó. Ví dụ có báo làm về chủ đề Khởi nghiệp, Cống hiến, Tết sum họp, Bữa cơm gia đình. Lại có báo chọn chủ đề Nông nghiệp sạch, Cách mạng công nghiệp 4.0, Vị thế Việt Nam, Thương hiệu Việt.

Tôi còn nhớ, số báo Tết Tân Mão 2011 của báo Nông thôn ngày nay, chủ đề là Những dòng sông Việt. Đây là số báo tôi yêu thích, và thi thoảng vẫn lật giở đọc lại để thêm yêu những dòng sông đất nước, đã dưỡng nuôi cho biết bao cánh đồng, con người. Số báo có những bài viết sâu, phân tích về sông, thân phận sông, đời sống của sông. Có những bài như thế, sau này người ta vẫn có thể hình dung được cách con người ứng xử, phụ thuộc vào sông ngòi ra sao. Và thực tế có một dòng văn hóa sông nước trong mạch nguồn nước Việt… Trước đó, trong số báo Tết năm 2018 cũng của tờ báo này có chủ đề Bình yên nếp nhà Việt. Đọc để rồi so sánh với số báo xuân Canh Tý 2020, với chủ đề Duyên quê. Nét giống là ở sự đặc sắc và cái khác chỉ là chủ đề.

Đến nay tôi vẫn giữ được khá nhiều giai phẩm xuân của Báo Văn nghệ, với nhiều truyện ngắn chọn lọc, bìa được các họa sĩ Thành Chương, Phạm Minh Hải, Ngô Xuân Khôi… đầu tư công phu, bắt mắt nhưng vẫn đầy tính nghệ thuật. Các tác phẩm in trên Báo Văn nghệ xuân quy tụ những cây bút khắp mọi miền, có chất lượng, đầy tính văn chương, là món quà đầu xuân đầy ý nghĩa cho bạn đọc.

Mỗi giai phẩm xuân có một chủ đề riêng, tạo nên sự đặc sắc của làng báo chí. Trong đó đa số báo đăng trang thơ xuân, truyện ngắn xuân rất trang trọng, kèm theo minh họa đẹp và in trên nền giấy tốt. Tôi ấn tượng với báo Phụ nữ Tp. Hồ Chí Minh, có cách trình bày hiện đại mà năm nào tôi cũng khen trước mặt bạn bè: “Đó là tờ báo mà năm nào tôi cũng mua đầu tiên. Vì nó đẹp. Vì các chủ đề của mỗi năm đều được thực hiện công phu, nền nã, đi vào lòng người. Hơn nữa mỗi trang báo được trình bày như một bức tranh. Có những trang thơ chỉ in có một bài. Nhưng làm nền cho bài thơ là bức ảnh nghệ thuật của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Điều đó tạo nên ấn tượng thị giác rất mạnh đối với người xem. Con trai tôi cũng thích báo Tết. Nhiều khi xong Tết, cu cậu xin tôi vài tờ có tranh ảnh đẹp để cắt dán lên tường phòng ngủ. Điều này ở vùng cao một số nơi tôi vẫn thấy các em học sinh làm. Đó là thú chơi bích báo. Con trai tôi vẫn nghĩ chỉ có gia đình mình mới có sạp báo Tết ở ngay phòng khách, nên ra sức khoe với chúng bạn, các em bé hàng xóm. Như thể số báo Tết ấy là một gia tài. Vâng. Nếu ở một khía cạnh nào đó thì với tôi, số báo Tết mà tôi sưu tầm, gìn giữ trong nhà gần 20 năm qua cũng là một gia tài. Không phải vì số tiền mua. Bởi nhân tiền lên cũng chỉ có trị giá vài chục triệu đồng. Nhưng tôi tự hào là vì ở đó là những bài viết hay, đặc sắc, do các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, nhà khoa học có tên tuổi viết mà tôi được sở hữu. Họ viết đúng nghĩa với việc bày ra một mâm cỗ của mỗi tờ báo. Và đến nay, tôi đã có hàng trăm “mâm cỗ” báo Tết.

Tôi được vợ đồng cảm bởi thích “ăn” món báo Tết. Nên trước mỗi mùa báo chúng tôi đều thấp thỏm, đợi chờ. Rồi khi có đủ sẽ cùng  bình xét báo nào hay, báo nào bìa đẹp nhất. Có tờ báo chỉ vì cái bìa đẹp mà tôi mua thêm vài tờ để tặng người thân. Vợ tôi thích những bài viết về Tết gia đình, Tết đoàn viên, hay những bài phân tích và cảm nhận Tết nhẹ nhàng trong những trang báo riêng về phụ nữ. Mỗi thành viên có cách đọc riêng. Coi như trong mâm cỗ báo Tết, mỗi người có món “tủ”.

Có lẽ ít nước nào trên thế giới có nhiều báo Tết như nước ta. Bao nhiêu báo là bấy nhiêu ấn phẩm Tết. Nhiều tạp chí ngành, địa phương cũng in số Tết. Và mỗi tờ báo Tết đều có thể đọc cả năm chứ không phải như báo thường. Bởi lật ra lúc nào cũng thấy mới.

Dẫu thế tôi cũng có chút băn khoăn. Bây giờ rất ít người chơi báo Tết. Đã qua rồi cái thời đi chúc Tết thấy nhiều gia đình tự hào vì có những ấn phẩm báo Tết trong nhà. Kể cả thói quen đọc sách cũng đã phôi pha. Bây giờ người ta gặp gỡ nhau chớp nhoáng, uống rượu và chúc tụng chứ ít người tặng nhau sách, tặng báo Tết để cùng đọc và thưởng thức. Trong lòng thấp thỏm về thời gian, về nhiều chuyện đổi thay của cuộc sống, thì tôi vẫn cố gắng giữ cách đón Tết của mình. Đó là cho mình được sở hữu những ấn phẩm báo Tết. Để trưng bày trong nhà, như là cách lấy báo cùng với hoa tươi, quả ngọt để làm giàu có tâm hồn mình.

Vâng. Mâm cỗ báo Tết vẫn hiện diện ở nhà tôi. Tôi đợi mỗi mùa báo Tết đến và thích thú mua sắm. Đó cũng là một khoái cảm, một cách chạm vào ký ức, để yêu lắm những mùa xuân đất nước, miền quê đáng sống, để biết nông thôn đã đổi thay ra sao, còn giữ được những gì và vẻ đẹp nào bị vơi bớt? Trong bao thứ đã nhạt phai, còn thứ khoái cảm với báo, đón Tết cùng báo, đó chẳng phải là cách đón Tết cùng ký ức và gìn giữ ký ức rất tuyệt diệu sao!

Nguyễn Văn Học

Nguồn Văn nghệ số 5+6+7/2024


Có thể bạn quan tâm