April 28, 2024, 10:23 pm

Kỷ niệm thật đến đỗi ôm chầm được…

Nhà thơ Đỗ Nam Cao, tên thật là Đỗ Sơn Cao, sinh ngày 8/6/1948 tại Hà Tây (nay là TP Hà Nội). Tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1970, ông xung phong vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, công tác tại Ban Văn nghệ Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông sống và sáng tác tại TP. Hồ Chí  Minh, làm biên tập viên Đài Tiếng nói Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin (chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Thời bình, Đỗ Nam Cao có những phá cách mạnh mẽ về thi pháp nhưng hồn thơ vẫn đậm chất dân gian, dân tộc…

Một thuở tài hoa ra trận. Một thời lãng mạn giữa ngày đất nước yên hàn, chịu sự nghiệt ngã của số phận, rồi lang bạt kỳ hồ, hạnh phúc hay bất hạnh không biết được. Chỉ biết Đỗ Nam Cao yêu quê hương đất nước vô bờ bến, và ông đắm đuối với mối tình đẹp và quá nhiều cay đắng của mình...

Đỗ Nam Cao mất ngày 8/11/2011 tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2023 này, nhân 75 năm ngày sinh nhà thơ, Hội Nhà văn Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với tạp chí Văn Hiến Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm có tên Nhà thơ Đỗ Nam Cao – ký ức còn mãi để tưởng nhớ về ông, một tên tuổi không quá nổi tiếng với độc giả bên ngoài, nhưng thực sự là một “tài năng lặng lẽ” được bạn thơ trân trọng…

Nhà thơ Đỗ Nam Cao (1948-2011)

Nhà thơ Đỗ Nam Cao trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8/11/2011.

Thời gian 12 năm đã trôi qua, nhưng ký ức về con người và tác phẩm của Đỗ Nam Cao vẫn còn nguyên vẹn trong lòng bạn bè, thân nhân và đồng nghiệp. Nhắc đến cuộc đời nhiều thăng trầm lắm sóng gió của Đỗ Nam Cao, thì phải nhắc đến thi ca.

Đối với Đỗ Nam Cao, thi ca là một sự chọn lựa của số phận. Đỗ Nam Cao nương tựa vào thi ca, và thi ca nâng đỡ Đỗ Nam Cao bước đi trọn vẹn những tháng ngày gập ghềnh buồn vui trên cõi trần gian. Chính ông đã nói ra điều ấy thật mạch lạc và thật mạnh mẽ 

Thơ tôi đã từng hứng khởi

Đã từng hát khúc hùng ca

Tôi bay lướt đỉnh hào khí

Trường Sơn ngút ngàn mù xa

Thơ tôi nặng đè ngọn bút

Nặng đè ngực nhức buốt tim

Vụt chói lòa là mất hút

Ngẩn ngơ em sợ hãi tìm”.

Năm 1971, sau khi tốt nghiệp khoa ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và tham gia khóa bồi dưỡng ngắn hạn của Trường viết văn Quảng Bá, nhà thơ Đỗ Nam Cao vào chiến trường Nam bộ. Hoạt động văn nghệ và báo chí ở Trung ương cục miền Nam, Đỗ Nam Cao được dịp cọ xát với thực tế lao động và chiến đấu của quân dân trên mảnh đất thành đồng Tổ quốc: “Chim hót lên trong buổi sáng tinh mơ/ Đồng đội của tôi đang nửa chừng trận đánh”.

Tâm hồn nghệ sĩ của Đỗ Nam Cao đã tương tác trực tiếp với khốc liệt bom đạn mà tạo ra Những cánh cò lửa vừa lãng mạn vừa kiêu hùng:

Xa trông như đốm lửa bùng

Cánh con cò cháy rực vùng trời cao

Còn biết bao, còn biết bao

Những anh hùng tự khi nào chưa hay

Như chiều chợt thấy ở đây

Ngẩn ngơ một cánh cò bay đỏ trời

Ơi con cò của lòng người

Nghìn năm quen lại khiến đời xôn xao

Xuồng đi mây ửng ngọn sào 

Tôi mang đôi cánh lửa vào tiền phương

Không ai có thể phủ nhận, những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, tài năng thi ca của Đỗ Nam Cao đã hiển lộ thật rõ. Chàng trai quê gốc Phú Xuyên, Hà Nội đã tìm thấy trong thơ một vẻ đẹp được thử thách qua cam go nơi tuyến đầu giành lại độc lập tự do cho dân tộc: “Như thế đấy, em ơi không thể sống yên tĩnh/ Đất nước lớn, con người cũng lớn/ Ta vượt cao hơn mình mà vẫn không ngờ/ Nỗi xa thành khúc hát lời thơ”.

Thơ Đỗ Nam Cam đậm chất lính. Ông giảm thiểu những vần điệu quanh co mà tung thẳng ý tứ vào chủ thể phản ánh, bằng những ngôn từ gãy gọn: “Chúng tôi đi chẳng nói lên lời/ Nếu phút này quân thù xộc tới/ Những trụ đá tổ ong sẽ biến thành bệ súng/ Vụt lao đi trong luồng lửa sáng ngời”. Những bước chân hành quân qua thơ Đỗ Nam Cao luôn trĩu nặng nghĩa tình, nghĩa càng đậm thì tình càng sâu, để thương nhớ hậu phương hun đúc thêm tinh thần tiền tuyến: “Mưa ở quê nhà có mái rạ vàng che/ Có hơi ấm nồng nàn cha mẹ/ Mưa ở chiến trường hào hứng thế/ Đi ngược chiều cơn mưa vào trận đánh hôm nay”.

Nhà thơ Đỗ Nam Cao ra khỏi cuộc chiến tranh với một tập thơ Những cánh cò lửa in chung Nguyễn Khắc Thuần. Ông vẫn lặng lẽ làm thơ nhưng ít công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ông giấu thơ trong một góc khuất đời ông để tự chiêm nghiệm, để tự dằn vặt. Hòa bình đâu hẳn đã thanh bình mọi bề. Mái ấm hạnh phúc với người vợ hiền thục và đảm đang cũng nếm trải không ít lao đao, thơ Đỗ Nam Cao cô đặc lại, dồn nén lại, thỉnh thoảng bật ra như tiếng thét vừa phẫn nộ vừa bao dung. Ông day dứt: “Đất nước nhiều chia ly/ Nếu không có ai tin vào người ra đi/ Nếu không có ai tin vào người ở lại/ Thì đất nước làm sao tồn tại mãi”.

Bằng trái tim quả cảm của một cựu binh, nhà thơ Đỗ Nam Cao khôn nguôi nghĩ về sự bảo toàn cương thổ quốc gia và việc giữ gìn biển đảo. Bài thơ Gửi quần đảo Trường Sa viết năm 1987 chứng minh khí chất thi ca quyết liệt của ông

Trường Sa ư với ngày thường xa thật

Đảo ở đâu tôi có hỏi đâu mà

Điều khốn nạn là chỉ khi máu đổ

Đảo mới gần, mới thật đảo của ta

 

Các anh chết làm gì có mộ

Làm gì có đất cho máu tụ thành hồn

Máu tan loãng thân thể chìm mất dạng

Chỉ còn đảo và cờ tổ quốc giữa trùng dương

Sau quãng đời bôn ba mỏi mệt, nhà thơ Đỗ Nam Cao tìm về những giá trị cội nguồn dân tộc. Thơ ông lại có những khoảng trời dịu mát của hoài niệm. Thơ ông lại có những bóng râm trắc ẩn của đức tin. Ông thành kính với chốn xưa: “Cổng làng/ Như lá bùa mê/ Chợt kinh hoảng sợ/ Chợt tê tái buồn/ Làng ơi/ Cúi lạy thành hoàng/ Cho con được phép khẽ khàng vào quê” và ông trìu mến với người xưa: “Ngõ nhà em có còn không/ Còn cây bòng mấy quả bòng đòng đưa/ Ngõ nhà em có còn mưa/ Bìm bìm leo bìm bìm xưa có còn/ Ngõ nhà em bé cỏn con/ Còn sâu hun hút còn thon thót chờ/ Ngõ nhà em đó bây giờ/ Tôi đi qua ngõ, ngõ hờ hững tôi/ Ngõ nhà em gió chao ôi/ Còn con đom đóm chưa thôi lập lòe”.

Hành trình sáng tạo của nhà thơ Đỗ Nam Cao là một con đường đam mê và hồn nhiên. Ông đam mê với cái đẹp bất tận và ông hồn nhiên trước toan tính được thua. Thơ ông như những đốm sáng vụt lên cho những khoảnh khắc la đà mộng mị khuya sớm. Ông đi bên lề danh lợi để ôm ấp một mưu cầu lớn lao là sự gắn bó giữa con người với con người: “Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ/ Thì tình yêu chưa thể đã yên nằm”.

Bài thơ cuối cùng viết đầu tháng 11/2011 càng cho thấy nhà thơ Đỗ Nam Cao trân trọng bạn bè và thi ca: “Có không trong cõi vĩnh hằng/ Có cô cắt cỏ có trăng lưỡi liềm/ Có không trong cõi thần tiên/ Rượu ngon lại uống bạn hiền lại chơi/ Chỉ còn sờ sợ chút thôi/ Có thơ không để tôi rơi xuống trần”.

12 năm đã trôi qua, tri âm và tri kỷ của nhà thơ Đỗ Nam Cao vẫn còn nhắc đến ông. Tác phẩm của Đỗ Nam Cao chắc chắn sẽ thay mặt ông để tiếp tục cuộc chuyện trò cùng bao tâm hồn đồng cảm, như chính những câu thơ ông viết:

Đôi khi lòng chợt nhớ vu vơ

Kỉ niệm thật đến đỗi ôm chầm được

Ôi làm sao để khóc được như ngày xưa

Ngày xưa trong dễ sợ

Đôi khi người hóa kẻ vô hồn

Mặt chẳng xấu xa mặt chẳng tốt lành

Người ta uống ăn nói năng cười cợt

Người ta cười lạnh tanh

Thì chính là em chỉ một cái nháy mắt

Một dáng ngồi nghiêng cúi nghiêng nghiêng

Một nụ cười vu vơ có thật

Thì cũng thật rồi hạnh phúc của riêng anh”.

Hình ảnh Đỗ Nam Cao được thơ níu giữ đến hôm nay, được thơ lan tỏa đến ngày mai, và vun bồi những ký ức còn mãi.

Bích Ngân

Nguồn Văn nghệ số 40/2023


Có thể bạn quan tâm