April 29, 2024, 3:34 am

Kiến thức và kỹ năng của nhà báo trong kỷ nguyên số

Tiếp tục trong chuỗi hội thảo các chuyên đề lớn tại tỉnh Hoà Bình, sáng ngày 17/11, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số”. Đại diện lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí đã có những bản tham luận công phu, sâu sắc về đề tài này. Báo Văn nghệ xin trân trọng giới thiệu bài tham luận của nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam.

Trong thời kỳ chuyển đổi số, truyền thông xã hội là một “mặt trận” ngày càng phức tạp mà các thế lực thù địch đang lợi dụng để thúc đẩy và tăng cường các hoạt động chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước tình hình đó, đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải tự xây dựng bộ lọc thông tin cho mình trước những thông tin trên mạng xã hội để có cái nhìn đúng về truyền thông xã hội ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực, chủ động nhận diện và kiểm soát những tác nhân gây ảnh hưởng để bảo vệ, phát huy những giá trị tích cực và tiến bộ được xã hội thừa nhận; đồng thời hạn chế, đẩy lùi, triệt phá những tác động tiêu cực bằng những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ và hiệu quả. Trong đó việc tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho các hội viên Hội Nhà báo Việt Nam có những nhận thức đúng để đưa thông tin chính thống đến cho công chúng là một yêu cầu cần thiết trong bối cảnh số hiện nay.

Nhà báo Nguyễn Thị Hải Vân - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam 

 

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh số hiện nay là nhiệm vụ tất yếu

Những năm gần đây, khi mạng xã hội ngày càng phát triển, các cá nhân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, cả thông tin chính thống và không chính thống. Chính vì thế, vai trò của các phóng viên-những người có nhiệm vụ tuyên truyền đưa những thông tin chính thống cung cấp cho công chúng trước những thông tin sai lệch được lan truyền trên mạng xã hội để công chúng cùng chung tay trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch có vai trò rất quan trọng.

Chúng ta có thể thấy rõ những loại quan điểm chống phá phổ biến hiện nay là tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng; chống phá sự lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng; bôi nhọ cá nhân các lãnh tụ, lãnh đạo của Đảng; lợi dụng những sai lầm, khuyết điểm để xuyên tạc bản chất của Đảng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã khẳng định: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là việc riêng của Đảng mà còn là việc chung, là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân”.

Ngày 22/10/2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới. Nghị quyết nêu rõ: “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt…”. Nghị quyết đề ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là: tập trung đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch theo hướng chủ động, có tính thuyết phục cao.

Chuyển đổi số đã tạo ra những phương thức truyền thông xã hội mới

Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trong thời gian gần đây đã đưa nhân loại bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của truyền thông số. Đảng và Nhà nước không chỉ chịu sự tác động, áp lực, thách thức mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà còn phải xác định đầy đủ hơn về vai trò, trách nhiệm đối với con người và xã hội trong bối cảnh mới có tính chất toàn cầu. Chính vì vậy, việc truyền thông xã hội trong thời đại số rất cần có định hướng, kiểm soát để đưa những thông tin đúng, chính thống cho công chúng. 

Theo báo cáo của Digital, năm 2022 số người dùng mạng xã hội là 4,62 tỷ người, cao hơn 3,1 lần so với con số 1,48 tỷ được công bố vào năm 2012. Điều này có nghĩa là lượng người dùng mạng xã hội đang tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 12%.

Mạng xã hội chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng thời gian truyền thông được kết nối với trung bình khoảng 2 giờ 27 phút mỗi ngày và chiếm 35% trên tổng số. Thời gian người dùng sử dụng mạng xã hội cũng đã tăng trở lại trong năm qua, tăng 2 phút mỗi ngày (+ 1,4%). Tuy nhiên, với việc cả thế giới đang dành hơn 4 nghìn tỷ giờ để sử dụng mạng xã hội vào năm 2022, không có gì phải nghi ngờ rằng mạng xã hội vẫn đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Các số liệu thống kê cho thấy người Việt Nam đã dành một lượng thời gian đáng kể cho các hoạt động trên không gian mạng để phục vụ các nhu cầu khác nhau. Các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter, Youtube, Tiktok… có thể thu hút từ hàng nghìn đến hàng triệu thành viên, không giới hạn về khoảng cách địa lý, tầng lớp xã hội. Dưới sự trợ giúp của internet và các nền tảng công nghệ, các “công dân mạng” có thể tạo ra một lượng thông tin khổng lồ và tự lan truyền khối lượng thông tin đó đến với nhau. Tuy nhiên, sự phát triển của truyền thông xã hội cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Đặc biệt là thời gian gần đây, các thế lực thù địch trong và ngoài nước đang tận dụng những tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc, xúc phạm, bịa đặt nói xấu tổ chức, cá nhân; lôi kéo kích động, tụ tập đông người, biểu tình trái pháp luật nhằm chống đối chính quyền và chống phá Đảng, Nhà nước…

Dưới sự tác động của chuyển đổi số và sự hỗ trợ bởi những công nghệ mới, truyền thông xã hội ngày càng trở nên tiện ích hơn, thúc đẩy quá trình giao tiếp và kết nối cộng đồng. Sự phát triển đó vừa tạo ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức đối với Đảng, Nhà nước trong việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Với mục đích giúp người dân tiếp cận kịp thời các văn bản, quy phạm pháp luật mới ban hành, thông tin thời sự chính trị, kinh tế- xã hội, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, góp phần định hướng dư luận trên mạng xã hội thì tháng 10 năm 2015 Chính phủ cũng đã lập 02 tài khoản Facebook là “Thông tin Chính phủ”“Diễn đàn Cạnh tranh quốc gia”. Cùng với bộ máy của chính phủ, nhiều cơ quan báo chí lập các trang mạng xã hội để vừa chuyển tải các bài viết theo cách tiếp cận mới, phù hợp với nhu cầu của độc giả trên các nền tảng xã hội, có rất nhiều trang “fanpage” chính thống của các đơn vị báo chí, truyền thông trong nước như Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam … Các trang mạng xã hội này thường xuyên cập nhật những diễn biến tình hình chính trị, xã hội, kinh tế trong cả nước và trên thế giới; tuyên truyền về tấm gương người tốt việc tốt và các phong trào điển hình tại các địa phương; đặc biệt có nhiều tuyến tin bài chuyên sâu về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đi đầu đấu tranh trực diện phản bác các quan điểm sai trái, thù địch một cách sắc bén hiệu quả, đưa những thông tin chính thống đến với công chúng.

Vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng cho các hội viên Hội Nhà báo trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong bối cảnh số hiện nay

Với mong muốn đưa những thông tin chính thống đến với công chúng trước những thông tin sai lệch trên các trang mạng xã hội thì việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng làm báo cho các hội viên Hội Nhà báo, những người làm công tác truyền thông có vai trò rất quan trọng. Bởi, trước hết chúng ta cần thống nhất nhận thức, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, làm thất bại chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của báo chí truyền thông và từng cá nhân người làm báo. Từ việc nâng cao, thống nhất về mặt nhận thức chúng ta mới xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của người làm báo. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của mạng lưới báo chí cách mạng hiện nay là phải xây dựng được đội ngũ, chương trình, kế hoạch thực hiện sứ mệnh vẻ vang và đầy thách thức này.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các nhà báo, hàng năm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí đều lên kế hoạch bồi dưỡng cho các hội viên ngoài các chủ đề cập nhật, nâng cao các kỹ năng làm báo cho các hội viên trong thời đại số như Kỹ năng tổ chức tòa soạn đa nền tảng; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong làm báo; Báo chí dữ liệu; tư vấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí… trong các khóa học về kỹ năng, Trung tâm đều lồng ghép nói về Luật báo chí, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và Trung tâm cùng dành một số lượng các lớp học về chủ đề Kỹ năng viết báo về xây dựng Đảng; Kỹ năng viết tin bài đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Hàng năm, Hội Nhà báo các tỉnh cũng chủ động phối hợp cùng với Trung tâm tổ chức những lớp học về các chủ đề này cho đông đảo hội viên.

 Thực tế hiện nay, số lượng ấn phẩm báo chí và số nhà báo, phóng viên thực hiện nhiệm vụ viết về đề tài Xây dựng Đảng vẫn còn khiêm tốn. Ngay cả hệ thống báo Đảng cũng chưa có nhiều ấn phẩm mở chuyên trang, chuyên mục về Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái. Một trong những nguyên nhân căn bản là chúng ta còn thiếu kỹ năng. Để khắc phục vấn đề này, đòi hỏi các cơ quan báo chí phải đẩy mạnh, coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua các khóa tập huấn. Các chuyên gia, nhà báo giàu kinh nghiệm ở những cơ quan báo chí có bề dày về lĩnh vực này sẽ truyền đạt những kỹ năng, kinh nghiệm và đặc biệt là truyền lửa nhiệt huyết cho lớp trẻ, để đội ngũ phóng viên trẻ là lực lượng xung kích có những bài viết để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trên các trang thông tin cơ quan nơi mình công tác cũng như trên các nền tảng mạng xã hội.

 Theo như nhà báo Phan Tùng Sơn, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Báo Quân đội nhân dân tại Thành phố Hồ Chí Minh-giảng viên kiêm chức của Trung tâm chia sẻ: “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng là mảng đề tài khó, đòi hỏi người viết phải có vốn kiến thức nền căn bản, có trình độ lý luận chính trị, am hiểu về thời cuộc. Mặt khác, để thể hiện tác phẩm báo chí sinh động, hấp dẫn, giàu sức thuyết phục... thì phóng viên phải có kỹ năng vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các thể tài báo chí. Điều này chỉ có được khi lãnh đạo các cơ quan báo chí thực sự quan tâm, tâm huyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, lựa chọn các phóng viên có năng lực chuyên môn, tổ chức tập huấn cho họ cả về kiến thức và kỹ năng.”

Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan báo chí đều buộc phải thừa nhận rằng truyền thông xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong chiến lược nội dung của mình. Giờ đây truyền thông xã hội không phải là một lựa chọn của báo chí nữa mà đã trở thành điều bắt buộc trong hoạt động tác nghiệp hằng ngày, thậm chí đã hình thành một thuật ngữ mới và một thể loại báo chí mới: “social journalism”. Trrong kế hoạch bồi dưỡng của mình, Trung tâm cũng cập nhật các chủ đề bồi dưỡng về chuyển đổi số, làm báo đa nền tảng, khai thác có hiệu quả thông tin từ mạng internet trong làm báo. Theo đó các nhà báo sử dụng mạng xã hội để khai thác thông tin, kiểm tra thông tin,  phát hành thông tin và tương tác với độc giả. Trước xu thế đó, các cơ quan báo chí cần tăng cường phát huy vai trò trong việc tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; trong đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, góp phần định hướng dư luận xã hội trên không gian mạng. Tích cực, chủ động cung cấp những thông tin chính thống để định hướng dư luận về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước... Mỗi đơn vị báo chí cần tăng cường đưa tin bài trên các trang mạng xã hội. Chủ động bám sát các vấn đề, sự kiện, cung cấp thông tin một cách đầy đủ, công khai, minh bạch, kịp thời, nhất là với các vấn đề quan trọng được người dân quan tâm, định hướng tư tưởng, tạo thế chủ động trong mặt trận đấu tranh trên không gian mạng. Giữ nghiêm kỷ luật thông tin, kiên quyết đấu tranh với các phần tử phần tử lợi dụng mạng xã hội để đưa tin sai sự thật, kích động, tấn công vào nội bộ. Xây dựng và mở rộng đội ngũ cộng tác viên đưa tin, viết bài, bình luận; nâng cao chất lượng các bài viết đấu tranh phản bác với luận cứ khoa học chặt chẽ, có tính thuyết phục cao.

Cần phải đổi mới tư duy và cách thức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các phóng viên, những người làm công tác truyền thông để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tuyên truyền; cần xác định đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí và truyền thông là hoạt động mũi nhọn giúp cung cấp nguồn nhân sự truyền thông, đội ngũ làm báo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của giai đoạn hiện nay… Đội ngũ làm báo trong thời đại số phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; chú trọng kỹ năng tác nghiệp với các phương tiện khác nhau; thường xuyên cập nhật thông tin trên không gian mạng. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, cần thiết kế xây dựng chương trình có tích hợp các nội dung sử dụng công nghệ trong tác nghiệp báo chí; thúc đẩy việc trang bị cơ sở hạ tầng về công nghệ phục vụ các công tác đào tạo trực tuyến, đào tạo trực tuyến kết hợp trực tiếp và tăng cường các buổi thực hành, tăng cường nghiên cứu, trao đổi, liên kết đào tạo truyền thông đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của các trường đại học, uy tín về báo chí, truyền thông trong nước và trên thế giới để cập nhật và nâng cao kỹ năng tác nghiệp cho các nhà báo... Mỗi phóng viên phải đảm bảo vừa nắm kiến thức, kỹ năng làm báo, thông thạo ngoại ngữ, có đạo đức nghề nghiệp, các kỹ năng về truyền thông đa phương tiện, kỹ năng khai thác và xử lý và kiểm chứng thông tin…. Có như vậy, những người làm công tác báo chí, truyền thông mới thực hiện tốt việc đưa thông tin đúng, kịp thời, nhanh chóng đến với công chúng, từ đó giúp cho xã hội có được những thông tin chính thống chống lại những thông tin sai lệch từ các thế lực thù địch trong không gian mạng để bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng./.

Nguyễn Thị Hải Vân 

Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam


Có thể bạn quan tâm