April 28, 2024, 4:51 pm

Không phải “Khuôn mẫu” nào cũng tối ưu

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Nguyên lý khoa học bất di bất dịch ấy, hôm nay đang nhắc nhỡ chúng ta nhiều điều. Đơn giản, nếu mọi lý thuyết hiện đang tồn tại đều được đúc kết từ thực tiễn quá khứ, thì thời đại chúng ta đang sống hôm nay, là một thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều những nhân tố khác, lạ, bởi sự phát triển phi thường của khoa học-kỹ thuật cùng sự biến đổi của thiên nhiên mà loài người vì mưu sinh và sự tự tin thái quá ở năng lực biến cải của mình khi tác động vô tội vạ, giờ đến lượt phải trả giá.

Cuộc đấu tranh phòng chống tham những và tiêu cực do Đảng ta phát động đã đạt nhiều kết quả cụ thể, tạo được niềm tin lớn trong nhân dân. Từ thực tế rất sinh động và mới mẻ này cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề buộc phải nhìn lại nhiều quy chế, lý thuyết, thể chế chủ quan, không phù hợp với thực tiễn, hay không đi vào thực tiễn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên đông đảo ngày càng được nâng cao bằng cấp và chứng chỉ về chuyên môn và lý luận chính trị, nhưng mấy năm qua, hàng vạn người trong đội ngũ này, thuộc nhiều ngành nghề, cấp bậc (số đông ở cấp bậc cao) đã bị sa vào vòng lao lý, chủ yếu do không thoát khỏi sự quyến rũ của đồng tiền, thực hiện tinh thần làm giàu ngang tắt. Trong mọi nguồn cơn của thực trạng trên đây, có một điều ai cũng thấy, mẫu số chung của họ là không được trang bị một nền tảng văn hóa làm người - con người Việt Nam trong hoàn cảnh mới, chưa nói là những phẩm chất cao, với hàng chục điều không được làm của cán bộ, đảng viên một Đảng cầm quyền.

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Đảng công bố Đề cương về Văn hóa Việt Nam (1943-2023 ), nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới (2008-2023) và hướng tới kỷ niệm 75 năm ra đời của Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam (25/7/1948 – 25/7/2023), đã có nhiều cuộc hội nghị và hội thảo nhìn lại những thành tựu lớn lao mà văn học nghệ thuật (VHNT) cách mạng và kháng chiến đã đạt được. Với tư cách một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ, những tác phẩm xuất sắc ra đời trong những năm đất nước chiến đấu giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước, không chỉ từng động viên tinh thần quân dân ta trong chiến đấu, mà hôm nay vẫn chiếm một quan trọng trong tình cảm và nhận thức của không chỉ lớp người đã qua chiến tranh, mà cả lớp trẻ sinh ra khi đất nước đã hòa bình. Tên tuổi của nhiều văn nghệ sĩ lớp trước hầu hết đã thành người thiên cổ, nhưng với tác phẩm, họ vẫn thường xuyên hiện diện trên các phương tiện truyền thông đa kênh hôm nay.

Trên nền tảng phát triển của kinh tế - giáo dục- xã hội, sự đổi mới nhanh chóng của khoa học- kỹ thuật, sự đa dạng của các phương thức chuyển tải, và công bố tác phẩm, mở rộng giao lưu với thế giới, nền văn hóa mà tiêu biểu là văn học nghệ thuật đã có một bộ mặt mới. Nếu mấy mươi năm trước, sáng tác văn học nghệ thuật là công việc của một số người thấy mình có tài năng, thì ngày nay những người làm thơ, viết văn, vẽ, sáng tác ca khúc, chụp ảnh, thậm chí làm phim… thuộc mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, là không tính đếm hết. Số lượng tác phẩm được công bố, ít nhiều có dư luận luôn là số nhiều. Nhưng có một thực tế là không mấy người trong số đông đó chọn con đường sáng tác văn học nghệ thuật chuyên nghiệp. Trước hết, vì làm văn học nghệ thuật không bảo đảm cuộc sống như một sinh kế. Điều quan trọng là sáng tác tài tử và gây được chú ý thì chỉ cần chút tài năng là có thể; nhưng để trở thành một tác giả có tên tuổi, thì cần nhiều thứ hơn, không chỉ trang bị kiến thức suốt đời, cập nhật kỹ năng và lao động không chỉ trí óc nhọc nhằn và bền bỉ.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23/ NQ/TƯ của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới (2008-2023), chúng tôi thấy có những điều đáng suy nghĩ. Ai cũng thấy 15 năm qua, kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đã làm thay đổi bộ mặt của đất nước, và cuộc sống của phần lớn người dân được nâng cao rõ rệt. Những vấn đề kinh tế đang đặt ra cũng là chuyện bình thường trong quá trình phát triển, và không chỉ riêng của nước ta. Về văn hóa, đặc biệt văn học nghệ thuật theo đà phát triền chung của kinh tế, và các thành tựu mới của khoa học- kỹ thuật, cũng đã có một bộ mặt mới. Tiếp nhận và mở rộng giao lưu với quốc tế rộng rãi, đa phương hóa, đa dạng hóa, lực lượng tham gia hoạt động văn học nghệ thuật được mở rộng, đã có một thế hệ trẻ, được đào tạo từ nhiều nguồn, tham gia sáng tạo tác phẩm. Nếu việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - một hãng phim giàu truyền thống nhưng gặp khó khăn trong hoạt động trong tình hình mới - đang làm nhiều người yêu điện ảnh đau lòng; thì mấy năm qua, Cục Điện ảnh đã cấp phép cho cả trăm hãng tư nhân sản xuất phim. Hàng năm, số phim truyện chiếu rạp lên đến 40-50 phim, trong đó có vài phim doanh thu đạt con số ấn tượng 400-500 tỉ. (Tất nhiên cũng có chuyện không vui là quá nửa số phim còn lại thu không đủ bù chi). Luật không cho phép lập Nhà xuất bản tư nhân cũng như báo chí tư nhân, nhưng các Nhà sách, các Công ty văn hóa… thực chất cũng là những cánh tay nối dài, giúp nhiều đầu sách mới, sách quý được dịch, in kịp thời, được phát hành rộng rãi…

Ai cũng thấy văn hóa đại chúng, văn học nghệ thuật giải trí đang phát triển rộng rãi, thể loại phong phú, nhưng tạp cũng khó tránh khỏi. Công nghiệp văn hóa hình như đã có chiến lược, nhưng những kế hoạch khả thi cụ thể, thì hình như vẫn thiếu những cơ quan cụ thể tiến hành. Soi chiếu lại, nhiều nhận định trong Nghị quyết 23 có từ 15 năm trước, hình như vẫn rất thời sự: “Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý của các cấp ủy Đảng, cơ quan Nhà nước, bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, nội dung và phương thức lãnh đạo chậm đổi mới, chưa lường hết được tác động phức tạp, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, dẫn tới sự lúng túng, thụ động khi định hướng và xử lý những vấn đề mới phát sinh”. Hoặc: “Một bộ phận cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn nghệ thiếu hiểu biết về văn học, nghệ thuật, ít học tập, ngại tiếp xúc, nên hiệu quả lãnh đạo, quản lý còn thấp, có sự hẫng hụt đội ngũ này ở cả tầm vĩ mô và ở các đơn vị cơ sở”… Đó là những tồn tại dai dẳng nhiều chục năm nay nhưng vẫn chư có giải pháp khắc phục hiệu quả. Đào tạo con người bao giờ cũng cần qua trình thời gian. Đào tạo cán bộ, lại là cán bộ chuyên trách về từng lĩnh vực chuyên môn, ngoài thời gian, còn cần chọn người có năng khiếu. Mà xã hội phát triển, lĩnh vực khoa học nào, cả tự nhiên và xã hội cũng ngày càng đổi mới không ngừng. Việc đưa các cán bộ chính trị luân chuyển đứng đầu các ngành cần chuyên môn sâu rộng là khá phổ biến hiện nay ở nhiều cấp, theo tôi có lẽ chỉ nên coi là một giải pháp tạm thời. Từ nhiều năm nay trong công tác tổ chức và cán bộ, hình như việc thể hiện quyền lực một cách đơn giản và nhẹ nhàng nhất là đúc sẵn những cái “khuôn” với rất nhiều các loại bằng cấp, chứng chỉ. Theo đó, ai đi lọt qua cái “khuôn” ấy thì tuyển chọn, mà khi đã được chọn, thì đặt vào đâu cũng tin tưởng được. Nhưng xin hãy xem lại những cán bộ được lựa chọn kỹ càng, đào tạo chu đáo, qua đủ các quy trình bầu chọn, tiến cử, cất nhắc chặt chẽ… vậy mà chỉ trong mấy năm, con số cán bộ bị kỷ luật nhiều cấp độ, nhiều cấp bậc lên đến hàng vạn, thì rất đáng suy nghĩ. Cũng bộ “khung” tiêu chuẩn, quy trình ngỡ là hoàn thiện đó, khi áp vào mọi ngành nghề rất đa dạng trong xã hội hiện nay, thì sẽ có rất nhiều những đơn vị, cơ quan các cấp khó tìm được những nhân sự chủ chốt có đầy đủ các bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn theo qui định (?!). Trong giới văn học nghệ thuật, điều này ai cũng thấy. Nếu đầu Cách mạng tháng 8-1945 và và trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật đều là những văn nghệ sĩ trẻ tài năng, là vườn ươm cho nguồn cán bộ lãnh đạo, tham mưu, quản lý văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, thì từ khoảng 20 năm gần đây, lãnh đạo các Hội văn học nghệ thuật, hầu hết là nơi hạ cánh của những cán bộ về hưu (?!). Số lượng Hội viên cao tuổi càng nhiều, thì những tài năng trẻ càng khó có dịp tham gia vào các cấp lãnh đạo. Mà sáng tạo sung sức và mới mẽ nhất, xưa nay vẫn là tài nguyên riêng có của tuổi trẻ mọi thời.

Kỷ niệm 75 năm ra đời của Liên hiệp các Hội Văn học- Nghệ thuật Việt Nam, một việc có thể làm thiết thực và cấp thiết trong thực hiện NQ23/TƯ là rà soát lại nhân sự các cơ quan văn hóa và văn học nghệ thuật ở các Hội trung ương và các địa phương, để có bộ máy ổn định, tạo một khí thế mới cho văn nghệ sĩ cả nước tham gia sáng tác những tác phẩm mới có nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật cao, tiếp tục “đi cùng năm tháng” cùng các tác phẩm xuất sắc của thế hệ tiền bối.

Nhà văn Ngô Thảo

Nguồn Văn nghệ số 26/2023


Có thể bạn quan tâm