April 29, 2024, 4:22 am

Không nên làm một việc vừa tốn kém, phiền phức, vừa bất khả thi

Tại buổi làm việc của đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ về thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK), vào chiều 27.7 đã xuất hiện những ý kiến trái chiều về đề nghị Bộ GD-ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK của bộ. Có đại biểu cho rằng vẫn cần phải có một bộ SGK do Bộ biên soạn như quy định tại Nghị quyết số 88 ngày 28.11.2014 của Quốc hội khoá XIII. Còn Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thì đề nghị Quốc hội nên cân nhắc hoặc bỏ yêu cầu Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK như Nghị quyết số 122 ngày 19.6.2020 của Quốc hội khoá XIV: "không triển khai biên soạn SGK sử dụng ngân sách nhà nước".

Theo lời văn và tinh thần của Nghị quyết 88/2014 về đổi mới chương trình, SGK GDPT thì yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK là để đề phòng trường hợp các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK theo chủ trương xã hội hoá không biên soạn đủ đầu sách cho các môn học theo quy định của chương trình GDPT. 

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Mặt khác, những người am hiểu công việc viết sách đều đã tập hợp trong các nhóm biên soạn khác rồi. Bộ Giáo dục và Đào tạo không thể tìm đủ nhân lực để biên soạn thêm một bộ sách khác. Hơn thế nữa, chúng ta chủ trương xã hội hóa, nếu lại có một bộ sách của Bộ thì sẽ tạo ra một sự cạnh tranh “thiếu công bằng”. Bởi thế mà Tháng 5 năm 2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo  đã trả lại 16 triệu USD dự kiến vay để làm sách  cho Ngân hàng Thế Giới.

Việc triển khai biên soạn sách giáo khoa theo tinh thần xã hội hóa, không sử dụng ngân sách của nhà nước đã được thực hiện khá suôn sẻ. Đến thời điểm hiện tại đã có 3 đơn vị biên soạn đầy đủ các môn học từ lớp 1 cho đến lớp 12.

Như vậy, yêu cầu Bộ GDĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK vào lúc này rõ ràng  là đi ngược lại Nghị quyết 122  của Quốc hội khoá XIV ban hành, Đồng thời không phù hợp với thực tế và dễ dẫn đến hậu quả  to lớn là xoá bỏ xã hội hoá, tạo ra sự cạnh tranh thiếu công bằng,  quay trở lại tình trạng độc quyền trong lĩnh vực SGK. 

Chúng tôi đã xem xét kĩ ý kiến của các nhà quản lí, các nhà chuyên môn và các giáo viên bàn thảo xung quanh chuyện nên hay không nên biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bản thân chúng tôi cũng đã từng tham gia biên soạn chương trình, thẩm định SGK khi công tác ở Vụ Giáo dục Trung học và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Chúng tôi thấy việc đề xuất làm một bộ sách mới lúc này là không phù hợp, vừa tốn kém vừa phiền phức và tạo ra sự “hỗn loạn” trên thi trường sách giáo khoa.

 Nói như vậy vì những lí do sau đây:

Thứ nhất - Nghị quyết 122 của chính Quốc hội (ra sau Nghị quyết 88) đã yêu cầu không biên soạn bộ sách sử dụng ngân sách Nhà nước nữa.

Thứ hai - Việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa đã được triển khai thành công theo Nghị quyết 122, không tốn kém ngân sách Nhà nước, lại phát huy được trí tuệ và các nguồn lực của xã hội.

Thứ ba - Các bộ sách đã có đầy đủ, để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đúng tiến độ. (Mặc dù có cuốn này, cuốn khác có những sai sót, nhược điểm, nhưng đó là điều không tránh khỏi khi làm sách. Những sai sót đó sẽ được sửa chữa).

Thứ tư -  Các nhà trường đã triển khai dạy  theo sách giáo khoa mới trong nhiều năm rồi, liệu bộ sách mới của Bộ  có liên thông, kết nối với những gì được dạy, được học  của các bộ sách hiện hành hay không? Nếu có vênh lệch thì giải quyết ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc vênh lệch và thiếu đồng bộ đó?

Thứ năm – Trước đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo vì không thể tìm được đội ngũ tác giả sách giáo khoa đảm bảo chất lượng, nên đã không tiến hành biên soạn. Bây giờ đội ngũ này lấy ở đâu, trong khi những người có kinh nghiệm đều tham gia vào 3 bộ sách hiện hành? Đây là bài toán không có lời giải hay nói chính xác là không giải được!

Thứ sáu – Không thể làm việc đơn giản là lấy cuốn này lớp này của một bộ sách, rồi lấy cuốn khác   lớp khác của các bộ sách khác ghép lại thành bộ sách của Bộ.  Vì rằng tiêu chí để lựa chọn không đơn giản. Chọn A, nhưng A không hơn hẳn B. A hay ở khâu này nhưng dở ở khâu khác so với B. Không thể lấy phần tốt của A ghép với phần tốt của B. Vì cấu trúc mỗi cuốn sách rất chặt chẽ.  Đây là một bài toán nan giải, có thể coi là bất khả giải. Ấy là chưa kể sẽ tạo ra sự mâu thuẫn giữa tập thể tác giả các bộ sách.

Thứ bảy – Dù có phép thần thông cũng không thể tạo ra một bộ sách mới trong vòng hai ba năm, khi năm học mới 2023 -2024 đã sắp sửa bắt đầu. Các nhà trường có dừng lại để đợi bộ sách mới được không? Câu trả lời dứt khoát là không!

Cuối cùng là thông tin của Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn:

"Nếu quay lại chỉ một bộ sách giáo khoa, xã hội sẽ thiệt hại hàng chục nghìn tỷ cho hệ thống sách giáo khoa đã được xuất bản trong những năm tháng vừa qua" (nguồn: https://vnexpress.net/them-bo-sach-giao-khoa-cua-bo-giao-duc-gay-ton-kem-4638143.html).

Với những lí do trên, chúng tôi kiến nghị không nên soạn một bộ sách mới.

                                                           

PGS.TS. Vũ Nho

Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Giáo dục & Đào tạo


Có thể bạn quan tâm