May 4, 2024, 1:32 am

Không mới, song vẫn còn là bài toán khó

Sẽ phải tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép, kiểm soát kỹ lưỡng về chất lượng các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động cấp phép tại các cuộc thi hoa hậu của địa phương… là những nội chính được rút ra trong cuộc họp tổng kết lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn. Tuy là những nội dung không mới, thậm chí đã được chỉ ra từ nhiều năm về trước. Song, cho đến thời điểm hiện tại, nhiều cuộc thi sắc đẹp, chương trình biểu diễn nghệ thuật diễn ra với tần suất lớn thì công tác quản lý vẫn còn là bài toán khó.

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc phân cấp quản lý nghệ thuật biểu diễn cho thấy đã làm tăng quyền lợi và trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý, giúp địa phương trực tiếp giám sát được chất lượng nội dung nghệ thuật của các đơn vị tổ chức, từ đó kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, nhanh chóng. Đồng thời, việc phân cấp quản lý theo địa bàn giúp địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn với sự sát sao trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm được kịp thời, thuận lợi... Nhờ đó các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày càng đi vào nề nếp, hạn chế những tiêu cực, lệch lạc trong việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở địa phương. Công bằng mà nói, đây là điểm cộng trong công tác quản lý cấp phép, nhưng vẫn không tránh khỏi  những hạn sạn đáng tiếc. Các biện pháp quản lý và xử phạt vi phạm hành chính đã được thực hiện đúng với sai phạm của đơn vị, cá nhân nghệ sĩ sai phạm phù hợp với hệ thống pháp luật của Nhà nước và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương, cũng như đối với người bị xử lý và người dân, công chúng đảm bảo công khai, minh bạch.

 

Ảnh minh hoạ

 

Tuy nhiên, độ vênh giữa lý thuyết và thực tiễn quản lý là điều dễ nhận thấy khi triển khai Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ (viết tắt NĐ144) Với mục tiêu chính là đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa các đơn vị có chức năng quản lý. Theo quy định tại Nghị định số 144 công tác chỉ đạo, điều hành và phân cấp, ủy quyền quản lý lĩnh vực biểu diễn nghệ đã được các địa phương trên cả nước thực hiện.

Trước đó, để nghị định hiểu đúng và thực hiện theo NĐ 144, Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định nói trên vào tháng 3 năm 2021… Ngay tại thời điểm đó, NĐ144 được xem là đã giải quyết được sự chồng chéo về thủ tục hành chính, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về công tác hậu kiểm, về con người và mức xử phạt hành chính có đủ sức răn đe để không có những sai phạm đáng tiếc.

Sau NĐ 144 của Chính phủ (có hiệu lực năm 2021), những bất cập về phân cấp quản lý có giảm nhưng không có dấu hiệu dừng lại. Thậm chí, việc vi phạm lại diễn ra ở một hình thái khác khiến dư luận hồ nghi về công tác hậu kiểm. Để nâng cao trách nhiệm của cơ quan quản lý tại địa phương, Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022 đã  tiếp tục khẳng định tính nhất quán trong phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi sắc đẹp. Với trọng tâm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ biểu diễn nghệ thuật theo đúng thẩm quyền được quy định tại NĐ 144.

Địa phương có toàn quyền trong cấp phép hay không là mỗi quan tâm lớn nhất được nêu ra tại hội nghị tổng kết lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói trên. Và câu trả lời là hoàn toàn có thể. Làm rõ hơn về điều này, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, trong những văn bản gửi về các địa phương, Bộ đều hướng dẫn rõ các tỉnh, các Sở Văn hóa có quyền lựa chọn các chương trình nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi hoa hậu sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội của địa phương để cấp phép, miễn sao đúng quy định của pháp luật. Có thể có 10-20 chương trình gửi hồ sơ đề nghị cấp phép nhưng địa phương chỉ quyết định chọn cấp phép cho 1,2 thậm chí không chọn chương trình nào nếu không phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội ở địa phương”. Về lý thuyết là vậy, nhưng thực tế lại khác. Có nhiều chương trình nghệ thuật, nhiều show diễn thời trang, cuộc thi sắc đẹp… không được cấp phép ở địa phương này, nhưng lại được cấp phép ở địa phương khác. Do đó, công tác hậu kiểm, thực thi bản quyền tác giả chưa được thực hiện nghiêm túc.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP hướng tới việc tăng cường hậu kiểm, tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng biên độ sáng tạo. Bởi, có nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, độc đáo, giá trị, thậm chí đến thời điểm này chưa xuất hiện, nhưng là xu hướng của tương lai và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới, cần được giới thiệu để công chúng thẩm định. Đồng thời, việc tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng sáng tạo chính là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển. Hậu kiểm làm cho chủ thể sáng tạo nghệ thuật, tổ chức biểu diễn nghệ thuật nâng cao ý thức bảo vệ cho chính doanh nghiệp, tổ chức của mình, tác phẩm của mình phải tuân thủ đúng pháp luật (cụ thể là tại Điều 3 NĐ144, Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn). Tuy nhiên, việc phân cấp này cũng đòi hỏi các địa phương cần nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn giải quyết thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn.

Để hạn chế những vấn đề này, hơn lúc nào hết, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các sở, ban ngành liên quan và Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đồng thời, kết nối giữa các Sở với nhau và với Bộ cần chặt chẽ hơn nữa. Trong đó, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần đẩy mạnh kết nối, để có mạng lưới vận hành nhịp nhàng, hiệu quả trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Hà An

Nguồn Văn nghệ số 4/2024


Có thể bạn quan tâm