May 2, 2024, 7:20 pm

Không có "trạng thái", AI sẽ "nuốt" hết mọi giá trị của nghệ thuật

 

Là họa sĩ thuộc thế hệ trưởng thành trong giai đoạn đổi mới của nền mĩ thuật đương đại Việt Nam, Đào Hải Phong đã xác lập một phong cách, diện mạo độc đáo với bút pháp đầy sức gợi ở cả chiều sâu và bề rộng. Với “lối Phong” riêng có, sức ảnh hưởng từ các sáng tác của anh đã vượt ra khỏi phạm vi đời sống mĩ thuật trong nước để được tôn vinh tại nhiều triển lãm, trưng bày và nằm trong các bộ sưu tập nghệ thuật ở nhiều quốc gia trên thế giới: Mĩ, Singapore, Thụy Sĩ, Anh, Pháp… Từ những mảng màu sắc nét, ám gợi… ta gặp ở đó những luồng sáng diệu kì, mê hoặc như được pha trộn bởi chính nét phong lưu, trầm mặc mà mơ mộng trong con người, trong kí ức Đào Hải Phong - một nghệ sĩ Hà Nội đã trót “phải lòng” vẻ đẹp những miền quê.

"GU" NGHỆ THUẬT RẤT QUAN TRỌNG

- Thưa hoạ sĩ Đào Hải Phong, suốt hơn 30 năm qua, tôi thấy đề tài trong tranh của anh không có nhiều thay đổi. Vẫn là sự hiện hữu của những ngôi nhà, những vòm cây… được họa theo nhiều góc khác nhau, được phổ bằng những bảng màu khác nhau. Xuyên suốt đề tài ấy, anh muốn gửi gắm thông điệp gì?

+ Đó là thông điệp về sự sống. Ngôi nhà mang lại cho tôi cảm giác an yên, còn cái cây là sự vận động của đời sống. Nhưng cũng phải nói thật là từ bé, tôi đã thích vẽ thế rồi, mà chính xác là từ năm lên 6 tuổi, bố dắt tôi ra đền Quán Thánh, lúc đó ông ngồi đọc báo, còn tôi thì tập vẽ. Tôi vẽ vườn hoa Lý Tự Trọng với cây và nhà. Phong cảnh ở đó, phong cảnh từ đó như ám vào tôi và tranh của tôi. Sau này, khi học xong đại học, đi làm phim, tôi vào miền Trung và dừng lại ở Quảng Bình, những ngôi nhà nhỏ bé đứng trên mảnh đất “mưa bom, bão đạn” một thời đã hút vào tôi một cách ghê gớm, những ám thị không thể nào bứt ra được. Cũng từ đó, tôi nhận ra con đường hội họa của mình sẽ gắn bó với tranh phong cảnh.

- Điều đó chứng tỏ “gu” nghệ thuật của anh được hình thành rất sớm. Nhưng để biến niềm yêu thích tranh phong cảnh trở thành “gu”, chắc hẳn anh đã trải qua một quá trình dài khổ luyện, cùng với đó là dấu cộng về điểm nhìn - quan niệm thẩm mĩ?

+ Tôi có một may mắn khi bố tôi cũng là một họa sĩ. Vì ông là họa sĩ nên trong nhà luôn có rất nhiều sách, báo, tạp chí về hội hoạ. Hằng tuần, hằng tháng, ông thường mang về những cuốn tạp chí mĩ thuật của Liên Xô, cùng với cuốn tạp chí Polo có in rất nhiều tranh cả về đồ họa lẫn hội họa. Chính những ấn phẩm ấy đã góp vào định hình cho “gu” nghệ thuật của tôi. Ngoài sách, báo như vừa nói, tôi còn thường được bố đưa đi xem tranh ở các cuộc triển lãm. Vừa xem ông vừa phân tích về cái hay, cái dở, giá trị tinh túy, bình dân của tranh…, những nhận xét đó cũng đã tác động đến trường thẩm mĩ của tôi khá nhiều.

Bạn biết đấy, với một người trẻ thì việc tìm ra được “gu” trong sáng tạo nghệ thuật là rất quan trọng. Khi tâm hồn bạn đang trong sáng mà bạn nhìn thấy những cái xấu nhiều quá, những cái tồi nhiều quá thì dần dà những cái tồi, cái xấu sẽ ám vào bạn và trở thành “gu” thẩm mĩ trong bạn. Nói xa hơn, khi bạn treo một bức tranh đẹp trong nhà, khi bạn để những cuốn sách trên giá, cao hơn nữa là khi bạn bày biện, sắp xếp, trang trí đồ vật của một ngôi nhà mà ở đó luôn có sự gọn gàng, đẹp đẽ tinh tế thì không chỉ bạn mà con cái bạn sau này cũng sẽ nhìn đời sống qua những vẻ đẹp đó, nó trở thành “gu” trong đời sống. Và ngược lại, nếu cái xấu, cái tồi luôn hiện hữu trong con người bạn, trong ngôi nhà bạn thì nó sẽ tỏa ra một năng lượng không thật sự tốt.

Nhìn lại, tôi thấy, thế hệ mình có rất nhiều người giỏi, có tay nghề khéo nhưng “gu” nghệ thuật hạn chế, hay như các cụ ngày xưa nói là “gu nghệ thuật tầm thường” nên không thể phát triển lên được.

- Vâng, nghe anh kể, tôi thấy họa sĩ Đào Đức - không chỉ là người cha mà còn là người thầy đầu tiên để anh bước vào con đường hội họa…

+ Hồi nhỏ, tôi không nghĩ bố là người thầy, nhưng khi lớn lên, chiêm nghiệm lại những câu chuyện về hội họa mà bố thường nói thì đích thị ông là người thầy của tôi. Như có lần, khi thấy tôi vẽ người, dù không mấy hài lòng nhưng bố tôi chỉ nói: “Không nhất thiết cứ phải vẽ người nếu nó không làm bức tranh đẹp hơn”. Rồi ông dẫn chứng về tranh phong cảnh của các họa sĩ phương Tây và Việt Nam… Đó là những hoạ sĩ mang trong mình phong cách riêng biệt.

- Chia sẻ về các họa sĩ thế hệ trước như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Nguyễn Tiến Chung, Đào Đức, Nguyễn Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu,… một hoạ sĩ đã nói với tôi thế này: “Ngày xưa, khi vẽ các cụ thường quan tâm nhiều đến mối giao lưu giữa các nhân vật trong tranh với họa sĩ. Mối giao lưu này luôn tạo ra biểu cảm, cảm xúc cho người xem. Sau nhiều chục năm, ngắm lại tranh của các cụ, chúng ta vẫn thấy nguyên mối biểu cảm ấy, nỗi xúc động ấy. Còn bây giờ do họa sĩ quan tâm quá mức đến cảm xúc của riêng mình, rồi áp đặt lên nhân vật nên mối giao lưu ít dần đi”. Họa sĩ Đào Hải Phong đánh giá thế nào về nhận định này?

+ Như chúng ta đã thấy, thời các họa sĩ học Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, các họa sĩ học Lớp Mĩ thuật Kháng chiến đều tài hoa và vẽ chân dung cực giỏi. Bố tôi cũng là một họa sĩ vẽ chân dung tài tình, nhưng với ông, nếu không xúc động thì sẽ không bao giờ vẽ. Tôi cũng đã từng chứng kiến nhiều họa sĩ ngày xưa vẽ chân dung, đôi khi ở một địa điểm nào đó, họ bắt gặp được thần thái của nhân vật đang ngân lên cảm xúc trong mình. Thế là họ xin nhân vật được vẽ, dẫu chỉ 5 phút, 10 phút, hay 15 phút,… Chính vì thế, trong kho tàng tranh kí họa của các cụ, có những bức kí họa chỉ vẽ được đôi mắt, đơn giản là bởi nhân vật đã không ngồi cho vẽ nữa, hoặc đã “vút” qua khỏi trang giấy. Hồi bé, tôi được bố dắt vào bảo tàng, có đoàn họa sĩ của Ba Lan sang. Khi họ thấy bức tranh kí họa của Tô Ngọc Vân treo trên tường thì khẳng định luôn: “Đây chính là một tác phẩm nghệ thuật”. Vì sao? Vì họ thấy trong đó một nguồn cảm xúc toát ra từ bức tranh. Cùng với đó là những đường nét làm rung động tâm hồn người xem.

Bố tôi cũng dùng từ rung động rất nhiều. Không rung động thì không phải nghệ sĩ: “Cái này là bôi vào chứ không phải vẽ”; “Cái màu xanh này là màu sơn cửa chứ không phải màu của hội họa”…

Không ít họa sĩ bây giờ vẽ nhân vật chỉ là cái cớ cho bức tranh. Không cần biết nét đẹp của sự rung động ấy ở chỗ nào. Hoàn toàn phóng túng, hoàn toàn chủ quan. Người xem không phát hiện ra nét gì đặc biệt từ bức chân dung ấy, biểu cảm cũng hoàn toàn không.

Hoạ sĩ Đào Hải Phong đề cao yếu tố cảm xúc trong mỗi bức tranh. Ảnh: NVCC

NGHỆ SĨ HƠN NHAU LÀ AI NUÔI ĐƯỢC CẢM XÚC

- Chúng ta đang nói về mối giao lưu giữa nhân vật trong tranh và họa sĩ. Thế còn mối giao lưu giữa các họa sĩ ngày xưa với nhau thế nào, thưa anh?

+ Tôi chứng kiến các cụ nhà ta chơi với nhau chân thành lắm! Các cụ chơi theo nhóm, chung dòng, cùng sở thích và cùng “gu” nghệ thuật. Thân với nhau cũng từ những nhẽ ấy. Bởi thế, sự giao lưu không chỉ ở tác phẩm nghệ thuật mà còn từ các hoạ phẩm, sách báo… Đặc biệt khi các cụ bình bàn, nhận xét về ai đó thì vô cùng thận trọng, dù thấy trong một bức tranh có những điểm rất tệ đi chăng nữa cũng phải cân nhắc, rỉ tai rất kín đáo, chứ không oang oang để làm bẽ mặt nhau. Vượt qua tất cả những câu chuyện, sự nhận xét, bình phẩm, mối giao lưu gắn bó thì thấy toát lên tình bằng hữu rất lớn, tình thầy trò sâu đậm và yêu nghề, yêu nghệ thuật đến khủng khiếp. Khó khăn đến mấy họ vẫn tìm đến nhau, chia sẻ cho nhau, truyền cảm hứng cho nhau. Mảnh giấy bằng bàn tay cũng có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật về hội họa; một vỏ bao thuốc lá cũng được phổ lên sắc màu của chiều sâu cảm xúc, góc nhìn và bàn tay tài hoa…

- Trong sáng tạo nghệ thuật, cảm xúc là thứ vô cùng quan trọng. Có thể nói sự thăng hoa của mỗi người là nhờ vào những cung bậc cảm xúc. Chẳng hạn với thơ ca, cảm xúc có thể đến rất nhanh và cũng trôi đi rất vội. Vậy cảm xúc trong sáng tạo hội họa với anh thì thế nào và cảm xúc ấy sẽ dừng ở anh bao lâu, khi với người họa sĩ một bức tranh được hoàn thành vốn không phải một lúc một nhát, một sớm một chiều?

+ Tôi nghĩ, cảm xúc/ cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật của ngành nghề nào cũng như nhau, nếu có khác cũng chỉ là một chút ít, không đáng kể gì. Cái quan trọng là sau “cảm xúc ban đầu” ấy, anh sẽ phải tiếp tục nuôi nó, rung động với nó cho đến khi hoàn thành xong tác phẩm. Ngay cả khi hoàn thành xong rồi, lúc xem lại mà vẫn thấy dâng lên niềm rung động, xúc động thì tác phẩm ấy mới có thể được gọi là thành công. Nếu anh xem lại mà thấy nó cứ “trơ mắt ếch” là thất bại thảm hại rồi.

Lúc cảm hứng vẽ đến thì tôi phải ghi nhanh trước. Điều đó là rất quan trọng trong việc tạo ra thành công cho tác phẩm. Với một bức tranh sơn dầu, tôi thường dùng bốn giờ đầu tiên để vẽ bằng những rung động ban đầu và thích gì thì đánh dấu vào đã, không có là không thể hình thành tác phẩm. Rồi dần dần lên bố cục, màu, nhân vật hiện hữu trong đó. Nghệ sĩ hơn nhau là ai nuôi được cảm xúc. Khi vẽ nửa chừng mà thấy hụt hơi là nên chuyển sang tranh khác. Tranh hiện đại không vẽ kéo dài nhiều thời gian nhưng có thể vài tháng mới vẽ được một bức tranh.

Có nhà sưu tập hỏi tôi: Anh vẽ bức tranh này mất bao nhiêu thời gian? Có lẽ câu trả lời họ mong chờ nhất là một khoảng thời gian đủ dài để hoàn thành tác phẩm, để tăng tính giá trị cho tác phẩm, để thêm lần nữa khẳng định họa sĩ phải phải khổ sở, khó nhọc nhiều lắm. Nhưng tôi trả lời: “Quan trọng nhất là mất bao nhiêu lâu tôi mới có cảm xúc để có thể vẽ bức tranh này”. Bức tranh tôi vẽ lâu nhất không quá hai tuần, nhưng có thể sau rất nhiều tháng tôi mới lại tìm thấy nguồn cảm hứng để sáng tạo. Không có cảm xúc/ cảm hứng thì không vẽ được.

Hoạ sĩ Đào Hải Phong trong không gian hội hoạ của mình. Ảnh: NVCC

TÔI CHỈ THAY ĐỔI TRẠNG THÁI

- Những năm 1990 thấy anh vẽ nhiều bằng chất liệu bột màu, màu sắc ở những bức tranh đó có vẻ hơi nặng và buồn. Nhưng càng về sau, đặc biệt là khi chuyển đổi sang chất liệu sơn dầu thì thấy đời sống trong tranh tươi vui, lộng lẫy và… tinh tế hơn nhiều. Đó là sự thay đổi đến từ chất liệu, đến từ trạng thái (tâm trạng, tình cảm) của họa sĩ, hay do sự tác động của đời sống xã hội?

+ Cả ba điều anh vừa nhắc đã tác động tới tôi. Thời đó, cá nhân tôi sống và sáng tác trong trạng thái xã hội mới mở cửa với rất nhiều sự thay đổi. Người nước ngoài sang Việt Nam nhiều. Họ đi trên các con phố quanh bờ hồ, tìm đến các điểm di tích, thắng cảnh, rồi vào các quán ăn, các cửa hàng lưu niệm… Phòng tranh ngày đó chưa nhiều nhưng khá nhộn nhịp khách nước ngoài đến mua tranh. Với nhạy cảm của một người trẻ mới ra trường, muốn có cơ hội mưu sinh nên tôi tự hỏi: “Tại sao mình lại không thử vẽ để giao lưu, hợp tác với các phòng tranh kia?” Thế là tôi vẽ. Hối hả vẽ. Vẽ không kịp bán. Bột màu là chất liệu hữu hiệu nhất và tôi có thể vẽ được nhanh nhất lúc này. Ngày nào cũng thế, buổi sáng trước khi ra khỏi nhà là tôi phải cầm cọ vẽ, tôi vẽ lên giấy đã được bôi lót, rồi dùng cảm xúc đẩy lên, lúc nào về nhà là lại tiếp tục vẽ đè lên cho đến khi hoàn thành tác phẩm.

Phải nói là ngày xưa các cụ bị chất liệu “đè” lên, còn đến thời chúng tôi thì mang cảm giác bị chất liệu “uy hiếp”. Bột màu rẻ, có hỏng cũng không tiếc. Chính điều ấy khiến mình dũng cảm trong lúc vẽ. Tôi đã vẽ bột màu trong một thời gian tương đối dài. Mọi người nói lối vẽ của tôi rất gần với sơn dầu, vậy thì sao không vẽ bằng sơn dầu. Tôi thì nghĩ vẽ bằng chất liệu gì chả được, miễn là hiệu quả.

Năm 1993 một người Anh sang Việt Nam tìm đến tôi và mua hết toàn bộ số tranh bột màu. Mua xong, ông ta nói: “Với số tranh này, chỉ cần là 15 bức sơn dầu thì ngay tuần sau anh sẽ sang Luân Đôn với tôi. Dù anh có vẽ đẹp đến mấy, cũng chỉ là tranh bột màu mà thôi”. Đúng là lời nói của ông ta đã có sức nặng tác động đến tôi rất ghê. Tôi bắt đầu chuyển sang vẽ tranh bằng sơn dầu và phải mất một năm mới làm quen được với chất liệu. Tranh bột màu có thể vẽ ào ào nhưng với sơn dầu mà vẽ kiểu ấy thì hỏng bét và sai hoàn toàn. Vẽ sơn dầu, anh phải từ tốn, dần dần làm chủ nó. Đến khi làm chủ được chất liệu sơn dầu rồi thì tranh sơn dầu thật sự đã mê hoặc, làm cho tôi thấy mình vẽ đến đâu ngọt đến đấy, thỏa thê đến đấy. Lúc mình bị chất liệu mê hoặc thì sự thăng hoa của cảm xúc cũng đạt đến độ cao nhất, năng lượng sáng tạo trong mình cũng được giải phóng nhiều nhất.

Anh có nói màu sắc ở những bức tranh bột màu thời đó của tôi có vẻ nặng và buồn ư? Khách quan mà nói đó là việc anh nhìn những bức tranh khi nó đã trải qua nhiều năm tháng. Nghĩa là bức tranh đã có thời gian. Vì thường, tranh bột màu qua thời gian sẽ bị khô, bạc đi đến vài độ, đấy là chưa tính đến thời tiết, khí hậu và chế độ bảo quản của tranh. Khí hậu ở ta rất dễ làm cho tranh bị mốc hoặc dễ bị bong tróc, từ đó làm giảm đi sắc độ, ánh sáng rất nhiều. Thế nên, bây giờ mà anh nhìn thì sẽ thấy tranh có vẻ nặng hơn. Sơn dầu thì lại rất khác…

- Tranh phong cảnh là một thế mạnh, trở thành “lối Phong” rất riêng của hoạ sĩ Đào Hải Phong. Nhưng cũng có vài nhận định rằng: “Tranh phong cảnh vốn ít chất nghệ thuật hơn những tranh khác, đồng thời nó gần với tranh décor hơn”. Anh nghĩ sao về quan điểm đó?

+ Với tôi, tranh nào thì cũng phải có vai trò đầu tiên là trang trí (décor). Khi qua thời gian, bức tranh của tác giả đó vẫn còn được lưu giữ thì đấy là tác phẩm mang đến giá trị.

Trước khi đến với tranh phong cảnh tôi đã từng vẽ người, vẽ chân dung, vẽ trừu tượng, vẽ siêu thực... và cảm thấy không đi xa được, bởi vì mình vẽ mà cứ phải lệ thuộc vào người cần vẽ. Tôi thấy tranh phong cảnh luôn có tính ứng dụng rất cao và được treo nhiều. Đó là một thực tế. Cộng với việc tôi vô cùng yêu thích phong cảnh làng quê Việt nên tôi vẽ tranh phong cảnh. Còn cho tranh phong cảnh là ít tính nghệ thuật, gần với décor thì đó là cách nhìn nhận riêng của mỗi người. Nghệ thuật thường không có tính nhất thể trong việc nhìn nhận: người này bảo thích, người khác bảo không thích; người này bảo hay bảo đẹp người khác cho rằng không hay, không đẹp… cũng là chuyện thường. Điều quan trọng là anh làm tốt cái gì thì hãy làm cái đó cho tốt hơn nữa. Không nên mất thời giờ đi tìm cái khác. Thậm chí, các họa sĩ trẻ, lứa sau mình, nếu họ làm tốt những việc mình đang định làm rồi thì mình cũng không nên làm nữa.

Tôi có thể bị coi là thực dụng nhưng cuộc sống là như thế. Không dại gì mình lại bỏ cái mà mình đang làm rất tốt để theo đuổi thứ còn ở rất xa mình. Người ta chỉ thay đổi khi người ta đã thừa mứa và chán nó. Sáng tạo nghệ thuật, tối kị là nói dối hoặc làm cái không đúng với mình. Thế nên tác phẩm sẽ bộc lộ hết mọi thứ của con người anh ở trong ấy. Màu sắc nói lên trạng thái, không khước từ được. Nhân vật trong tranh thể hiện tư tưởng tình cảm của anh, không thể khác được. Có một câu hỏi dành cho tôi: Là một họa sĩ đã rất thành công với tranh phong cảnh, vậy tại sao anh không thay đổi đề tài và phong cách? Tôi trả lời: Tôi chỉ thay đổi trạng thái. Không thể mất thời gian làm lại một cuộc đời khác. Khi tôi vui thì con đường rất đẹp. Khi tôi buồn, thất bại cũng con đường đó nhưng nhìn nó đã khác lắm rồi. Vâng! Con đường vẫn nguyên, chỉ trạng thái là khác. Nghệ thuật là trạng thái. Không có trạng thái, AI (Artifical Intelligence - Trí thông minh nhân tạo) sẽ “nuốt” hết mọi giá trị của nghệ thuật, bởi AI có thể tập hợp và sử dụng được tất cả tinh hoa của nhân loại. Nhưng rốt cuộc, AI cũng chỉ là AI bởi mãi mãi không có trạng thái ở trong đó. Cuộc đời tôi thuộc về tranh phong cảnh thì việc gì tôi còn phải làm khác cuộc đời mình cơ chứ!

Nghệ thuật là trạng thái. Không có trạng thái, AI (Artifical Intelligence - Trí thông minh nhân tạo) sẽ “nuốt” hết mọi giá trị của nghệ thuật, bởi AI có thể tập hợp và sử dụng được tất cả tinh hoa của nhân loại. Nhưng rốt cuộc, AI cũng chỉ là AI bởi mãi mãi không có trạng thái ở trong đó.

- Hoạ sĩ Đào Hải Phong - 

MUỐN BIẾT NỀN MĨ THUẬT ĐANG Ở ĐÂU HÃY NHÌN VÀO CÁC NHÀ SƯU TẬP

- Trước đây, anh từng quan niệm nghệ thuật là vô đích. Bây giờ quan niệm ấy có thay đổi không?

+ Tôi vẫn nghĩ thế. Nếu nghệ thuật mà có đích thì cần gì những người làm nghệ thuật sau này nữa. Tôi chỉ nghĩ đến tuổi thọ của người làm nghệ thuật, khi nào thấy hết sinh lực rồi thì không nên vẽ nữa, nên đi xem sự sáng tạo mới mẻ của người khác. Họa sĩ Bùi Xuân Phái có nói trong triển lãm mĩ thuật năm 1988 với ý thế này: “Tôi đã làm xong công việc của mình. Bây giờ tôi rất muốn đi xem tác giả nào có lối thể hiện mới để được thưởng thức”. Câu nói ấy khiến tôi giật mình và càng khâm phục tài năng hội họa cũng như con người của ông.

- Anh có quan tâm đến thị trường tranh hiện nay không? Theo anh, thị trường tranh nghệ thuật ở ta đã phản ánh đúng chất lượng của tác phẩm và tài năng của họa sĩ chưa?

+ Thị trường với tôi là rất quan trọng. Nếu như không có người nước ngoài sang, sẽ không có thị trường tranh theo nghĩa tích cực. Thời trước (tính từ lúc nước ta thực hiện chính sách mở của) người nước ngoài mua tranh như một món đồ mang về nước làm kỉ niệm, mà chỉ điều ấy thôi cũng đã đủ khuấy động nền mĩ thuật Việt Nam. Tôi phát hiện ra rằng, người nước ngoài thường mang theo một số tiền rất ít, nếu số tiền ấy ở nước họ dùng để mua tranh thì sẽ không bao giờ chạm được vào tranh thật của tác giả. Nhưng với số tiền đó, họ mua tranh ở Việt Nam thì sẽ được một bức tranh thật có yếu tố nghệ thuật. Chính những người mua tranh ấy đã làm cho những họa sĩ như tôi cực kì háo hức, thấy bản thân mình có giá trị và cần phải vẽ.

Thú thực, thị trường bây giờ khiến tôi hơi thất vọng! Không có chuẩn mực, nhiều cảm tính và chưa đánh giá đúng giá trị của tác phẩm, của tài năng hoạ sĩ. Rất ít nhà sưu tập tranh có đủ tinh tế để nhìn nhận đúng mực về hội hoạ. Thế nên nếu chúng ta nhìn vào bộ sưu tập của một số người thì sẽ thấy nó không khác gì cửa hàng bán tranh. Một điều nữa là bạn muốn biết nền mĩ thuật đang đứng ở đâu, hãy nhìn vào các nhà sưu tập, chứ không hẳn là nhìn vào họa sĩ. Nhìn vào nhà sưu tập sẽ thấy sự khách quan nhất để phản ánh sự phát triển của xã hội: ai là những người sưu tập tranh của họa sĩ này, hoạ sĩ kia, dòng tranh này, dòng tranh khác; ai là người sưu tập theo gu thẩm mĩ phù hợp với thời đại… Chứ không phải cứ thấy tranh đèm đẹp là mang về, mua theo bản năng. Cuối cùng ra chỉ thành một phòng tranh chơi vui. Không chỉ ở họa sĩ mà ở cả những người sưu tập, tôi luôn đánh giá rất cao những người có phong cách. Phong cách mới làm nên diện mạo của một xã hội, một con người hay một nền nghệ thuật.

- Trước đây, các nhà sưu tập nước ngoài đã sang Việt Nam mua rất nhiều tranh của thế hệ họa sĩ từng học Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương, Trường Mĩ thuật Gia Định, Lớp Mĩ thuật Kháng chiến,… với giá rẻ. Bây giờ nhiều người muốn sở hữu những bức tranh ấy lại phải tìm tới họ và mua về Việt Nam với giá rất cao. Anh cảm nhận câu chuyện “quay vòng” này thế nào?

+ Tôi cảm thấy xót xa khi nghĩ về điều này. Chúng ta thực sự kém xa họ. Không phải thời đó ta không có khả năng để giữ lại tranh. Thời ấy khó khăn thật! Tuy nhiên nhiều người vẫn có tiền và có thể mua được rất nhiều tranh quý của các thế hệ họa sĩ đi trước, nhưng họ đã không nghĩ xa được như các nhà sưu tập nước ngoài. Cũng có những họa sĩ, cũng có những nhà sưu tập vì nghèo khó nên phải đánh đổi tranh lấy tiền. Giờ đất nước giàu mạnh hơn, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật cao hơn, muốn sở hữu tranh quý của cha ông nhiều hơn thì bị họ (nhà sưu tập nước ngoài) quay sang “đô hộ ngược”. Cha ông không giữ thì con cháu phải mua lại rất đắt. Cuối cùng thì đó là câu chuyện của văn hóa, tri thức và lợi ích thôi.

- Trân trọng cảm ơn họa sĩ Đào Hải Phong đã mang đến cuộc trò chuyện thú vị này!

ĐOÀN VĂN MẬT thực hiện

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm