April 27, 2024, 7:31 pm

Khi văn hào Natsume Soseki chữa lành bằng văn chương

Theo các thống kê vào năm 2021, “How to heal?” (Làm sao để chữa lành?) là câu hỏi được nhiều người trên thế giới tìm kiếm nhất trên công cụ Google.

Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy ở thời điểm lúc bấy giờ, con người đang chịu những chấn thương về cả thể chất lẫn tinh thần một cách trầm trọng? Từ những chấn thương ấy, con người đang dần cố gắng mạnh mẽ hơn trong việc tìm cách thích nghi để sinh tồn? Kể từ sau đại dịch Covid-19, trên các diễn đàn về văn hóa, mọi người bàn tán sôi nổi về những bài hát chữa lành, những cuốn sách chữa lành, những tác phẩm văn học chữa lành và cả những món ăn chữa lành như những phương cách tự đi tìm câu trả lời cho những chấn thương mà bản thân đang gặp phải. Đáng chú ý, không ít người tìm đến các bài thơ chữa lành hay những truyện kể chữa lành với tầm đón đợi mong rằng bản thân sẽ được chia sẻ để vơi bớt phần nào áp lực qua những trang sách. Cũng có người tìm đến thể loại sách này để mong bồi dưỡng sức khỏe tinh thần. Bởi họ xem văn học như một liều giả dược tự thân trong quá trình tiếp nhận.

Văn hào Natsume Soseki

Tuy nhiên, không phải chỉ đợi đến khi đại dịch xuất hiện hay đợi đến thời đương đại, văn học chữa lành mới xuất hiện và được chú ý. Ngược lại, sự ý thức về vấn đề chữa lành vốn đã có sẵn trong văn chương từ cổ chí kim như một giá trị cố hữu. Đặc biệt, trong những giai đoạn cuộc đời, khi con người phải đối mặt với nỗi cô đơn, trải qua những chấn thương về thể xác lẫn tinh thần hay thậm chí đứng trước sự lựa chọn giữa sự sống và cái chết, giá trị chữa lành của văn chương mang lại cho người đọc những trạng thái tích cực, giúp họ có cảm giác được an ủi, thấu cảm, sẻ chia qua mỗi trang viết. Chữa lành giờ đây không chỉ được nhìn nhận như một thể loại sách thông thường mà còn là mục tiêu tiếp nhận của người đọc, đặc biệt nhìn nhận ở phương diện người sáng tác, không ít tác giả còn xem việc viết như một phương cách tự chữa lành. Có thể nói, Natsume Soseki là một trong những nhà văn có định hướng viết như vậy.

Được biết đến là nhà văn được đọc nhiều nhất ở Nhật Bản, cũng là “một trong ba trụ cột của văn học Nhật Bản hiện đại”, Natsume Soseki (1867-1916) đã sống một cách trọn vẹn trong thời đại đầy biến động của “đất nước Mặt Trời mọc” thời kì Minh Trị (1868-1912). Xuất phát từ chính thời đại đầy bất toàn với những giấc mộng dang dở của bản thân, văn hào vẫn luôn lựa chọn dấn thân, trải nghiệm trong tâm thế tiến lên để sống, để viết về những trải nghiệm chấn thương của cả một thời đại nói chung và cuộc đời ông nói riêng. Vậy những trải nghiệm chấn thương ấy đến từ đâu? Một phần đến từ bối cảnh thời đại và phần còn lại đến từ chính cuộc đời của văn hào. Xuất thân trong một gia đình đông con và nghèo khó, tuổi thơ của Soseki sớm chịu nhiều nỗi bất hạnh, tủi hổ khi mới lên hai tuổi đã bị gửi làm con nuôi tại một gia đình không mấy êm ấm. Lớn lên, ông cưới vợ nhưng người vợ chẳng may mắc chứng trầm cảm nặng, vì thế đời sống vợ chồng của cả hai thường rơi vào bế tắc. Sau đó, để tự giải thoát bản thân khỏi nghịch cảnh, ông quyết định du học Anh nhưng lại không thể nguyện ý vì sớm vỡ mộng trước những khác biệt văn hóa và nỗi lo về vấn đề tiền bạc. Quyết định trở về Nhật làm giảng viên đại học nhưng khi vừa được chút danh tiếng thì Soseki lại bỏ giữa chừng, để rồi lựa chọn dấn thân vào con đường viết báo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, đương thời kì sáng tác sung sức thì chẳng may ông lại đổ bệnh nặng và qua đời. Có thể nói, cuộc đời của đại văn hào Natsume Soseki là một chuỗi dang dở: tuổi thơ dang dở, tình duyên dang dở, sự nghiệp dang dở và tương lai dang dở… Sự nghiệp sáng tác của văn hào chỉ kéo dài vỏn vẹn trong khoảng mười năm cuối cuộc đời. Bắt đầu từ tiểu thuyết Tôi là con mèo (1905-1907) - tác phẩm đã mang lại danh tiếng bất ngờ cho tác giả ngay khi vừa mới công bố - và kết thúc với tác phẩm đồ sộ nhưng cũng dở dang bởi chưa hoàn thành thì đã giã từ trần thế: Meian (1916).

Tuy nhiên, chính những dở dang của cuộc đời và những trải nghiệm chấn thương ấy đã giúp nhà văn có cái nhìn sâu sắc về thời đại cũng như con người Nhật Bản lúc bấy giờ. Qua những trang viết của mình, Soseki như dẫn dụ độc giả không ngừng trải nghiệm và chiêm ngưỡng thế giới đa sắc, đa âm từ niềm vui khôn xiết đến nỗi buồn da diết, từ tình trạng bấp bênh, bế tắc đến tinh thần tự quyết và tự chịu trách nhiệm của con người. Đặc biệt, dù sống và ý thức được thời đại bất toàn đương thời, Soseki vẫn luôn tiềm tàng ý thức về những cuộc nổi loạn trong văn chương và những thử thách mới cho chính mình. Đó là liều thuốc chữa lành mà ông đã chọn và định hướng cho bản thân, cũng như đối với bất cứ nghệ sĩ nào sống vào thời ấy: “Vượt lên chính mình và những nỗi đau khổ của mình bằng cách tìm ra điều gì đó lớn hơn chính mình để theo đuổi, cho đến khi anh ta có thể cảm thấy chính mình tự vượt khỏi ra những mối bận tâm vị kỉ”.

Một số tác phẩm của Natsume Soseki

Đọc tiểu thuyết của Soseki, độc giả không chỉ được sống lại những năm tháng rực rỡ mà bất toàn của lịch sử cận đại Nhật Bản mà còn có thể trải nghiệm được thứ văn chương cao sang mà thanh bần, cổ điển mà hiện đại, vừa bình yên lại vừa bão tố, vừa chấn thương lại vừa chữa lành. Đó là hành trình rời vùng quê lên Tokyo của chàng trai trẻ Sanshiro (Sanshiro) khi mang trong mình những lo toan và hoài nghi về mọi thứ nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận vạn sự. Đó là cuộc nổi loạn của Botchan (Cuộc nổi loạn ngoạn mục) xuất phát tự ý thức tự nhiệm, bất chấp hoàn cảnh và tha nhân để sống một cuộc đời đậm đà bản sắc cá nhân. Đó là những lo âu, chiêm nghiệm đầy uyên áo về bản thể tồn tại của con người trước thời kì biến động lịch sử trong Mười đêm mộng. Đó là niềm bi cảm và sự tịch tĩnh trong cõi lòng của người lữ khách trên hành trình chữa lành và tìm kiếm cái đẹp trong Gối đầu lên cỏ. Đó là cuộc thử thách leo núi trong ngày giông bão tuy chóng vánh, nguy hiểm nhưng đầy xoa dịu của đôi bạn Rei và Roku trong Ngày 210. Đó còn là cõi lòng chất chứa nỗi cô đơn nhưng đầy nghĩa khí, đẹp đẽ của Tiên Sinh về một thời đại huy hoàng đang dần chìm vào bóng hoàng hôn trong Nỗi lòng… Có thể thấy, trong hầu hết các tác phẩm của mình, Soseki xây dựng cốt truyện không quá phức tạp, thường theo motif hành trình trải nghiệm, chiêm nghiệm và nhận thức. Đặc biệt, ông không chỉ chú ý một kiểu nhân vật cố định mà thường hướng đến đối tượng phản ánh đa dạng như: trẻ em, sinh viên, giáo viên, võ sư, họa sĩ, thiếu phụ, hòa thượng, người giúp việc… Điều này giúp những tác phẩm của ông trở nên gần gũi với hầu hết tầng lớp người dân Nhật Bản. Độc giả có thể bắt gặp nét ngây ngô, tinh nghịch của tuổi trẻ qua nhân vật Botchan, có thể trầm ngâm về nỗi bất an tự thân một cách sâu sắc mang tính thời đại qua chàng thư sinh Sanshiro, có thể suy tư về vấn đề giữ gìn cái đẹp truyền thống cũng như bản sắc dân tộc trong Gối đầu lên cỏ, hay có thể chiêm nghiệm về nỗi cô đơn của con người và những cái chết gắn liền với văn hóa dân tộc được đề cập trong Nỗi lòng. Văn chương, suy cho cùng chính là phương tiện để Soseki tự chữa lành, cứu rỗi chính mình trước những bất toàn của bản thể và cuộc đời. Cũng như thông qua việc tiếp nhận các tiểu thuyết của ông, chúng ta dễ nhận thấy vấn đề này có thể được xem như quan niệm sáng tác độc đáo mà quen thuộc của văn hào. Từ đó, người đọc khi tiếp nhận các tác phẩm của Soseki dễ dàng đồng cảm với những câu chuyện mà ông viết từ các tình huống truyện, sự phát triển tâm lí nhân vật đến những chiêm nghiệm về cuộc đời. 

Natsume Soseki đã sống và viết như thế trong bốn mươi chín năm ngắn ngủi với những niềm đau và nỗi bất an, đặc biệt là mười năm cuối đời hết sức rực rỡ nhưng cũng lắm chông gai trên con đường văn nghiệp. Vượt qua một thời đại bất toàn, một cuộc đời bất toàn, văn hào đã trải nghiệm đủ đầy một kiếp hiện sinh tuy dở dang nhưng rất giá trị. Đó là cách để tác giả tự vượt lên chính mình và vượt qua những khổ đau giữa chốn phù thế bất toàn; cũng là cách giúp người đọc tự chữa lành thân tâm bằng những giá trị tích cực bên trong mỗi trang tiểu thuyết.

Nguyễn Hữu Minh

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm