May 5, 2024, 8:33 pm

Khi truyền thống là mạch nguồn sáng tạo

Tôn vinh những giá trị truyền thống, coi giá trị truyền thống không chỉ là mạch nguồn, bồi đắp nên những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao mà còn góp phần khẳng định giá trị trường tồn của văn hóa nghệ thuật trong công cuộc chấn hưng Văn hóa và phát triển đất nước. Đây cũng được xem là chỉ dấu quan trọng trong hành trình minh định những hệ giá trị trường tồn của dân tộc đã được trui rèn qua thực tiễn, để đời sống sáng tạo nghệ thuật vừng vàng hơn trước sự lấn lướt của  dòng nghệ thuật thị trường

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Trở về với truyền thống, sử dụng chất dân gian trong sáng tác ca khúc không còn mới trong đời sống âm nhạc hiện nay. Nhưng sử dụng thế nào cho hiệu quả lại là câu chuyện không phải nhạc sĩ nào cũng tìm được câu trả lời tròn trịa. Bởi muốn sử dụng chất dân gian trong sáng tạo nghệ thuật, đời hỏi người nhạc sĩ phải thấu cảm và hiểu rất rõ về chất liệu dân gian ấy trước khi viết ca khúc mới mang âm hưởng dân gian, hoặc lồng ghép yếu tỗ dân gian vào tác phẩm nghệ thuật. Để minh định chất gian gian trong sáng tạo ca khúc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức một Hội thảo khoa học để làm rõ hơn xu hướng mới: Đưa chất liệu dân gian vào tác phẩm âm nhạc hiện đại. Theo nhà Lý luận phê bình Âm nhạc, Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, thì việc đưa chất liệu nhạc cổ vào sáng tác mới là đề tài mở. Có nhiều cách thức khai thác chất liệu âm nhạc dân gian: cải biên làn điệu có sẵn, hoặc chỉ mượn nét nhạc ngắn của dân ca, hoặc chỉ sử dụng nét đặc trưng của tiết tấu, quãng, thang âm… sẽ là chất liệu nâng cao chất lượng nghệ thuật trong việc kế thừa di sản dân tộc, tạo nên bản sắc riêng khi hòa nhập quốc tế.

Thực tế, xu hướng đưa chất liệu dân gian vào âm nhạc đã xuất hiện từ nhiều năm nay và được người yêu âm nhạc đón nhận nồng nhiệt. Có thể điểm qua vài cái tên như: Để Mị nói cho mà nghe của ca sĩ Hoàng Thùy Linh; Hết thương cạn nhớ của ca sĩ Đức Phúc, và gần đây là Thị Mầu của ca sĩ Hòa Minzy… cho tới những sản phẩm âm nhạc sử dụng chất liệu dân gian như Bánh trôi nước của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương, các làn điệu Dạ cổ Hoài lang… đã thực sự làm mới đời sống âm nhạc.

Theo nhạc sĩ Đức Trịnh, gìn giữ chất liệu âm nhạc dân gian để bảo tồn, lưu giữ, chắt lọc, cảm nhận, hiểu biết được lời cổ và đặt thêm lời mới, sử dụng cung quãng, tiết tấu làm sao để sáng tác được các tác phẩm âm nhạc mới chất lượng chính là nhiệm vụ của các nhạc sĩ.

Sáng tác những ca khúc mang âm hưởng dân gian có thế mạnh là rất dễ đi vào lòng người. Còn nhớ, thời điểm ra đời tác phẩm âm nhạc Để Mị nói cho mà nghe đi đâu cũng bắt gặp những câu nói vui “Mị nói cho mà nghe”; “Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi”… thanh xuân tươi đẹp của Mị với khát vọng sống giống như một làm gió mới thổi vào đời sống âm nhạc, vốn đang tràn ngập những sản phẩm mì ăn liền. Và tại thời điểm ấy, người ta nghĩ rằng, phàm những sản phẩm âm nhạc có đầu tư nghiêm túc, bài bản, sử dụng chất liệu dân gian, hay tác phẩm văn học kinh điển sẽ được người yêu âm nhạc đón nhận. Sự tôn vinh chỉ giành cho những tác phẩm xứng đáng.

Tại tọa đàm, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, ông cha ta đã để lại một kho tàng khổng lồ âm nhạc dân gian về nội dung ca từ, giai điệu. Phần lớn mọi người cho rằng đây là sử dụng trong bài hát (có hai phần ca từ và giai điệu), chúng ta có thể sử dụng giai điệu thang âm, đặc tính của mọi thể loại âm nhạc. Tiềm ẩn là chất liệu dân gian nằm trong tâm thức của người nhạc sĩ sáng tạo, được chuyển hóa từ những giai điệu dân gian, ý, lời, phong cách… với kho tàng âm nhạc dân gian của 54 dân tộc anh em, chúng ta đã sử dụng trong lĩnh vực âm nhạc như thế nào, và áp dụng vào nhạc không lời là một vấn đề đáng quan tâm. Còn nhiều vấn đề tranh luận, có thể chỉ ra rõ rằng nhiều tác phẩm âm nhạc dân ca hiện nay của các tác giả mang một giai điệu chung chung, không rõ ràng. Cần nhận thức và thức tỉnh trong thực tế hiện nay, vận dụng sáng tác âm nhạc cũng nằm trong sự phát triển toàn bộ nền văn hóa theo đường lối: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng…

Đứng ở góc độ địa phương, nhạc sĩ Lê Xuân Hoan (Chi hội Nhạc sĩ Việt Nam tỉnh Gia Lai) cho rằng, vai trò của âm nhạc dân gian là vô cùng quan trọng, các nhạc sĩ đều nhận thức một cách rõ ràng, 54 dân tộc là 54 kho tàng âm nhạc dân gian đa sắc màu, nhưng làm thế nào để viết được dân ca các vùng miền như một số nhạc sĩ đàn anh đã xử lý một cách tài tình, khéo léo, chúng ta cần học tập và sáng tạo hơn nữa.

*

Hẳn nhiên, có một thời, người yêu âm nhạc thường được cung cấp những tác phẩm âm nhạc được phối khí lại thậm chí làm mới hoản toàn. Nhưng lại cảm thấy có gì đó chưa ổn, thậm chí không còn thấy cái hồn cốt của tác phẩm mà nguyên gốc vốn có. Nhiều người khi ấy cho rằng đó là sản phẩm mới, món ăn mới thì thường hợp với khẩu vị người này nhưng chưa chắc đã hợp với khẩu vị người còn lại. Sự thể nghiệm trong đời sống sáng tác là cần thiết và cần có thời gian để kiểm chứng. Và quả thực, thời gia đã đưa ra những câu trả lời khiến công chúng yêu âm nhạc thực sự hài lòng. Đối với những tác phẩm được làm mới, sử dụng chất liệu dân gian  nhưng chưa “Nhuần nhuyễn” có một phần nguyên nhân từ chính người sáng tác. Họ chưa có nhiều cơ hội được sống trong môi trường văn hóa thuần chất Việt. Nhưng cũng lại có người được tắm mình trong dòng chảy dân gian thì lại mang vào tác phẩm âm nhạc đậm đặc chất truyền thống, khiến cho tác phẩm của họ trở thành khó hiểu, khó thẩm thấu với không ít người, thậm chí với ngay cả những nhạc sĩ cùng thời. Sử dụng chất dân gian truyền thống nên ở mức có thể dung hòa được tính dân dã, nhưng không kém phần sâu sắc, thâm thúy.

Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Phạm Quang Long, đời sống âm nhạc hiện nay đã và đang thịnh hành xu hướng dựa vào vốn truyền thống dân tộc không chỉ trong âm nhạc mà còn văn học, thơ ca, trang phục, văn hóa truyền thống... Việc khai thác có thể là đậm màu sắc âm nhạc, cũng có khi chỉ khai thác yếu tố văn hóa, trang phục...

Không bó hẹp ở ca từ mà có thể chỉ mượn chất liệu truyền thống để hình thành nên tác phẩm âm nhạc đã trở thành sự lựa chọn của cả nhạc sĩ lẫn ca sĩ trẻ. Người nghe cảm thấy thú vị khi được nhắc nhớ về một vùng kí ức tưởng đã ngủ sâu trong tâm hồn mỗi con người lại được đánh bằng âm nhạc với sự thể nghiệm hoàn toàn mới phù hợp và mang yếu tố thời đại. Sự biến hóa của ca từ, của làn điệu và cả những vũ đạo (nếu có) đã thực sự đánh thức những giá trị truyền thống vốn được coi là chuẩn mực của đời sống âm nhạc trước đó.

Tại hội thảo, nhiều câu hỏi cũng được đặt ra  xuất phát từ những nhìn nhận, đánh giá khách quan về việc đưa chất dân gian vào sáng tác âm nhạc. Dựa trên cơ sở thống nhất chung là đã và đang có sự kế thừa giữa các thế hệ nhạc sĩ. Tuy nhiên, với đời sống âm nhạc trẻ, thì người trẻ đang tiếp nhận văn hóa truyền thống bằng lăng kính đương đại. Họ thể hiện văn hóa truyền thống bằng hơi thở thời đại với sự cảm nhận riêng có. Và những cái riêng ấy đã, đang và sẽ làm nên những giá trị cốt lõi của đời sống âm nhạc.

Trước đó, nhiều quan điểm cực đoan cũng đã cho rằng, cần đặt ra những giới hạn cho sự sáng tạo, không thể để những sản phẩm âm nhạc vốn kinh điển trở thành một thứ hổ lốn (trường hợp Chiếc Khăn piêu do ca sĩ Tùng Dương thực hiện) bị thế hệ khán giả sinh vào thập kỷ 40-50, thậm chí 60 tẩy chay vì cho rằng ca sĩ đã đánh mất sự mượt mà, duyên dáng của Chiếc khăn piêu, nhưng cũng lại có không ít người cho rằng, đó chính là một cách tiếp cận làm mới Chiếc khăn piêu nghe lạ và mới. Việc thổi những luồng gió mới hay đưa chất liệu dân gian vào sản phẩm âm nhạc chắc chắn sẽ không dừng lại. Bởi chúng ta đang sở hữu kho tàng dân gian khổng lồ mà cha ông ta truyền lại. Không lẽ gì chúng ta không tiếp tục đánh thức nó, biến nó trở thành món ăn tinh thần giống như liều thuốc xóa tan những mệt nhọc hàng ngày trước thử thách của cơm áo, gạo tiền… Và hội thảo nói trên cũng đã thêm một lần cụ thể hóa Đề cương phát triển văn hóa, trong đó chú trọng đến tính dân tộc, bản sắc dân tộc của âm nhạc trong sáng tác ca khúc hiện nay. Khi đời sống âm nhạc đã chọn sự kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, chắc chắn âm nhạc sẽ có một vị trí quan trọng trong lòng công chúng yêu âm nhạc. Bởi nói gì thì nói, khai thác, vận dụng chất liệu dân gian trong quá trình sáng tác ca khúc là góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong âm nhạc Việt Nam hiện nay. Đồng thời, đó cũng là sự trở về của những khuôn mẫu trong đời sống âm nhạc đương đại.

Hà An

Nguồn Văn nghệ số 28/2023


Có thể bạn quan tâm