May 2, 2024, 10:07 pm

Khi nghệ sĩ từ chối nhà bảo trợ nghệ thuật

Một trong 10 bí ẩn nhất mọi thời đại của nghệ thuật là danh tính của nàng Mona Lisa. Người ta từng đưa ra những giả thuyết rằng nàng là vợ của một người Ý; chân dung của chính họa sĩ, hay học trò của ông; người mẹ được họa sĩ vẽ lại từ trí nhớ… Nhưng một giả thuyết cũng khá thuyết phục, rằng đó là chân dung của Isabella d’Este, người bảo trợ nghệ thuật của Leonardo da Vinci. Ta có một câu hỏi: Nhà bảo trợ nghệ thuật là những ai, quyền lực nhường nào, mà không ít trong số họ được vẽ trong các kiệt tác nghệ thuật?

Ngày nay, những kiệt tác nghệ thuật đồ sộ mà cả thế giới ngưỡng vọng và thưởng lãm đều có được nhờ các thiên tài nghệ thuật. Nhưng những Master (danh hiệu cao quý nhất dành cho các bậc thầy nghệ thuật) vĩ đại như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Jan van Eyck hay Caravaggio... sẽ không thể có cơ hội tạo ra những tuyệt tác ấy nếu không có những nhà bảo trợ. Họ là những ai?

 

“Vườn xuân”” - kiệt tác của Sandro Botticelli, cho thấy tầm quan trọng của các nhà bảo trợ đối với nghệ thuật

 

Từ thế giới cổ đại trở đi, sự bảo trợ của nghệ thuật rất quan trọng trong lịch sử nghệ thuật. Nó được biết tại châu Âu thời Trung cổ và Phục hưng, mặc dù sự bảo trợ cũng có thể được bắt nguồn từ Nhật Bản thời phong kiến, các vương quốc Đông Nam Á truyền thống và những nơi khác. Sự bảo trợ nghệ thuật có xu hướng xuất hiện ở bất cứ nơi nào hệ thống hoàng gia hoặc đế quốc và tầng lớp quý tộc thống trị một xã hội và kiểm soát một phần đáng kể các nguồn lực. Hay nói cách khác, là giới tinh hoa. Giới này nắm giữ quyền lực về chính trị và những khối tài sản đồ sộ. Họ sử dụng một phần tài sản để đầu tư cho nghệ thuật. Từ đó, những công trình nghệ thuật, những kiệt tác vĩ đại như nhà thờ, tượng, phù điêu, tranh, bích họa… đã ra đời và như ngày nay, loài người đã thấy. Những nhà bảo trợ này giữ vai trò quan trọng, nuôi sống nghệ sĩ và phát triển nghệ thuật trong suốt nhiều thế kỷ.

Ngày nay, các nghệ sĩ thường vẽ những gì họ muốn vẽ, hy vọng kiếm sống bằng cách bán tác phẩm của họ tại các cuộc triển lãm hoặc thông qua các đại lý. Nhưng trong thời kỳ Phục hưng, các họa sĩ vẫn được coi là thợ thủ công hơn là nghệ sĩ. Họ được hay bị cai trị bởi các quy ước, phải theo lệnh của khách hàng hoặc người bảo trợ. Người bảo trợ đôi khi có thể cho phép họa sĩ của họ độc lập, nhưng họ thường khắt khe và nhiều đòi hỏi. Các hợp đồng thường phác thảo chi tiết chính xác những gì họa sĩ phải thể hiện trong tác phẩm của mình và đưa ra các điều kiện rõ ràng về chất lượng vật liệu được sử dụng, ngày giao hàng và số tiền mà họa sĩ sẽ được trả.

Chẳng hạn, người bảo trợ đầu tiên của Leonardo da Vinci là gia đình Medici. Medici trên thực tế là những nhà lãnh đạo của Florence, những người đã giúp định hình thời đại Phục hưng thông qua sự bảo trợ của họ về nghệ thuật. Nhờ có thế lực và tiền bạc khổng lồ, họ đầu tư cho nghệ thuật, nhưng cũng vì thế mà hoặc là họ yêu cầu được xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật mà họ đầu tư (như một cách để nhắc nhở rằng ai là người đã trả tiền cho bức tranh này, với những bức tranh tôn giáo còn là một cách thể hiện lòng sùng kính, mộ đạo) được thực hiện bởi những nghệ sĩ danh tiếng. Hoặc, các nghệ sĩ đã tìm kiếm sự bảo trợ của họ. Ví dụ, Botticelli đã kiếm được sự bảo trợ bằng cách đưa các thành viên của gia đình Medici vào các bức tranh lịch sử và kinh thánh.

Các nhà cai trị, quý tộc và những người rất giàu có đã sử dụng sự bảo trợ của nghệ thuật để xác nhận tham vọng chính trị, vị trí xã hội và uy tín của họ.

Chỉ với sự trỗi dậy của các hình thức xã hội tư sản và tư bản vào giữa thế kỷ 19, văn hóa châu Âu đã chuyển khỏi hệ thống bảo trợ của nó để chuyển sang hệ thống bảo tàng, nhà hát, khán giả đại chúng và tiêu dùng đại chúng quen thuộc hơn trong thế giới đương đại được hỗ trợ công khai hơn.

Loại hệ thống này tiếp tục trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật. Mặc dù bản chất của các nhà tài trợ đã thay đổi - từ nhà thờ sang các tổ chức từ thiện, và từ quý tộc thành các nhà tài phiệt - thuật ngữ bảo trợ có ý nghĩa trung lập hơn là trong chính trị. Nó có thể chỉ đơn giản là hỗ trợ trực tiếp (thường là tài chính) cho một nghệ sĩ, chẳng hạn bằng các khoản tài trợ. Vào cuối thế kỷ 20, phân ngành học thuật của các nghiên cứu về bảo trợ bắt đầu phát triển, để ghi nhận vai trò quan trọng và thường bị bỏ quên của hiện tượng bảo trợ trong đời sống văn hóa của các thế kỷ trước.

Mặc dù hệ thống bảo trợ xác định sự nghiệp của các nghệ sĩ thời Phục hưng, những người bảo trợ đã giúp nghệ thuật phát triển và giúp những người thợ thủ công vô danh trở thành những nghệ sĩ vĩ đại, song có thể họ hay thay đổi và thường bị thúc đẩy bởi sự cạnh tranh xã hội hơn là theo đuổi kiến ​​thức hoặc cái đẹp. Bất kể động cơ là gì, qua nhiều thế kỷ, các nghệ sĩ đã nghĩ ra nhiều phương pháp để đặt câu hỏi - và trong một số trường hợp, làm suy yếu - các cá nhân và tổ chức hỗ trợ công việc của họ. Những nghệ sĩ chống lại những người sưu tập tự đề cao, những người bảo trợ cho sự nghiệp chính trị và các tổ chức gây ra bất công xã hội. Họ đưa ra các mô hình về cách các nghệ sĩ có thể tham gia vào một thế giới nghệ thuật ngày càng rối ren vì lợi ích cá nhân và các mối quan tâm về đạo đức.

 Leonardo da Vinci, mặc dù được rất nhiều nhà bảo trợ nghệ thuật giúp ông tạo dựng tên tuổi ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng mặt khác, ông không thỏa hiệp công việc của mình để có được sự ưu ái của chính quyền. Người ta cho rằng đây là cá tính đặc biệt đã ăn sâu vào con người nghệ sĩ của Leonardo. Trong suốt cuộc đời của mình, ông tìm kiếm và thu tiền từ những khách hàng quen, nhưng chỉ cho công việc mà ông thấy hứng thú. Ông không ngại để các nhà bảo trợ phải chờ đợi trong khi ông tìm ra cách thích hợp để tiếp cận một phần công việc hoặc bỏ qua chúng hoàn toàn nếu công việc họ muốn ông làm không hấp dẫn.

Bậc thầy nghệ thuật Michelangelo cũng nhận được nhiều lợi ích cho danh tiếng và tiền bạc nhờ các nhà bảo trợ, thế nhưng khi gia đình Medici – nhà bảo trợ nghệ thuật của Michelangelo trong suốt một thời gian dài bị chế độ cộng hòa lật đổ, ông đã chống lại họ. Michelangelo cũng nổi tiếng với việc bí mật vẽ khuôn mặt của nhà bảo trợ trong các kiệt tác đồ sộ, mà ngày nay người ta hiểu đó là một kiểu “chơi khăm”.

 Elvis Costello, ca sĩ, nhạc sĩ người Anh, khi trên đỉnh cao của một ngôi sao tầm cỡ quốc tế đã từng tuyên bố về nhà bảo trợ của mình: “Tôi muốn cắn bàn tay nuôi tôi thật đau.”

Mặc dù sinh kế và thành công của nghệ sĩ thường phụ thuộc vào những ý kiến tích cực và lòng tốt của những người bảo trợ, nhà phê bình và người kinh doanh của họ, nhưng có lẽ sự nổi loạn như vậy bắt nguồn từ khuynh hướng tự nhiên, một khuynh hướng đã góp phần vào sự nghiệp sáng tạo của họ ngay từ đầu. Có thể đó là điều mà những người bất đồng chính kiến thường làm: không chấp nhận những giáo điều đang thịnh hành, họ thay đổi quan điểm theo những cách mới lạ. Bởi họ là những nghệ sĩ.

Thanh Thu

Nguồn Văn nghệ số 53/2022


Có thể bạn quan tâm