May 3, 2024, 4:39 am

Khai mạc Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành lần thứ Nhất

 

Có lẽ viết văn là một trong số ít những nghề mang tính đặc trưng nhất. Tính đặc trưng ở đây không phải là tính chất công việc, bởi mỗi nghề đều có một đặc điểm riêng, đều có những khó khăn, những thuận lợi, những vinh quang và khổ cực nhất định.

Tính đặc trưng của nghề văn đó chính là tuổi đời sáng tác. Có người cầm bút và thành danh khi còn là một cậu bé nhưng cũng có người đến chặng cuối của cuộc đời mới bắt đầu cầm bút. Có lẽ chính vì vậy mà trong giới văn chương người ta không câu nệ vào tuổi tác. Người ta đánh giá nhau qua tác phẩm. Nếu như ai đó chỉ nhìn mặt xem tuổi mà phê phán người này người kia, chẳng cần biết họ viết gì và viết ra làm sao thì hẳn là điều vô cùng hạn chế. Đừng tưởng anh đang còn trẻ mà đã viết sung sức bằng các nhà văn già, nhưng cũng đừng tưởng người ta “trẻ người non dạ” mà không viết hay. Chung quy vẫn là khả năng và tài năng của người cầm bút.

 

Con người ta đến cái tuổi nghỉ hưu coi như chấm dứt con đường sự nghiệp. May ra có một số lĩnh vực, người ta có thể đi làm thêm chỗ này chỗ nọ bằng khả năng và kinh nghiệm của mình, nhưng cũng chỉ là hình thức vận động bổ trợ cho cuộc sống khi đã đến tuổi nghỉ hưu. Còn phần lớn các cụ khi đã nghỉ hưu thì an nhàn tĩnh dưỡng với tuổi già. Đối với người viết văn, quy luật đó dường như không phải. Có nhiều nhà văn chỉ mong đến tuổi nghỉ hưu để được ngồi nhà mà viết lách. Khi đó họ có nhiều thời gian và tĩnh tâm với ngòi bút của mình. Rất nhiều nhà văn khi nghỉ hưu viết nhiều hơn thậm chí hay hơn lúc còn đang công tác. Có nhiều người bảo Hội nhà văn Việt Nam là Hội người cao tuổi. Về nghĩa đen là vậy. Điều này có thể là hạn chế về lực lượng nhưng không hẳn đáng buồn về sức sáng tạo. Chính vì vậy mà việc quan tâm đến những người cao tuổi là việc cần phải làm và đã làm rất tốt của Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm qua. Hội Nhà văn liên tục có những hoạt động hỗ trợ sáng tác, hỗ trợ in ấn tác phẩm, hỗ trợ khó khăn, tổ chức trại sáng tác, đi thực tế… cho các nhà văn cao tuổi. Và để bày tỏ sự trân trọng đối với các nhà văn cao tuổi, mới đây, Ban Chấp hành Hội đã quyết định tổ chức Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ Nhất.

Hội nghị nhằm đánh giá những thành tựu to lớn của các nhà văn lão thành đối với nền văn học Việt Nam trong 50 năm qua. Đồng thời, tôn vinh các thế hệ nhà văn đã cả đời hy sinh, cống hiến cho dân tộc cho tổ quốc, giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, xây dựng đất nước trên mọi mặt cũng như xây dựng một nền Văn học, văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Hội nghị tiếp tục khẳng định con đường văn hóa văn nghệ của Đảng trong từng giai đoạn của lịch sử đất nước và đặc biệt trong một thời đại mới. Từ đó xác lập con đường đi tới tương lai của các nhà văn ở các thế hệ tiếp theo và của nền Văn học Việt Nam trong thời đại mới.

Vì số nhà văn cao tuổi chiếm tỷ lệ rất cao trong Hội nhà văn cùng với hạn chế điều kiện tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam chỉ tổ chức được Hội nghị Đại biểu với các nhà văn tham dự Hội nghị là những nhà văn có tuổi đời trên 70 tuổi, được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà Nước về Văn học nghệ thuật, giải thưởng của Hội Nhà văn hàng năm và một số giải thưởng uy tín khác. Đồng thời là những nhà văn là hội viên Hội nhà văn nhiều năm có đóng góp cho sự phát triển văn học và của Hội Nhà văn. Số đại biểu tham dự Hội nghị khoảng 300 nhà văn.

 

Tới dự Hội nghị có ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Lê Khánh Hải- Ủy viên trung ương Đảng, Chủ nhiệm văn phòng Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Lâm – Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam; ông Lê Tiến Châu -Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Hải Phòng; ông Đỗ Mạnh Hiến, Phó bí thư thành ủy Hải Phòng. Về phía Hội Nhà văn có Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm – Nguyên Ủy viên Bộ chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung ương, Nguyên Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương; Nhà thơ Hữu Thỉnh – Cố vấn Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Bí thư đảng đoàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Phó Chủ tịch Hội; Nhà văn Nguyễn Bình Phương – Phó Chủ tịch Hội, các nhà thơ nhà văn trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X; và đặc biệt là sự có mặt của 300 đại biểu nhà văn cao tuổi đến dự Hội nghị. Tới dự còn có đại diện của các cơ quan ban ngành, của Trung ương và thành phố Hải Phòng, các cơ quan thông tấn trong cả nước. Hội nghị cũng đã vinh dự đón nhận những bó hoa và lời chúc mừng được gửi đến từ Thủ tướng Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư, Trương Thị Mai; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

 

Sau bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cùng các nhà văn nhà thơ trong Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã trân trọng cảm ơn và tặng quà Chủ tịch nước là cuốn sách Một con người, một con đường và một lịch sử - Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình ấy, văn nghệ sĩ, nhà văn luôn được đặt ở vị trí trung tâm, có vai trò quyết định sáng tạo ra giá trị tinh thần cao đẹp cho xã hội. Các nhà văn Việt Nam qua từng thế hệ, nhất là các nhà văn lão thành đã không phụ sự ủy thác của nhân dân, của đất nước và của Đảng, đã có mặt trong từng bước thăng trầm của đất nước, thấu cảm với từng niềm vui, nỗi buồn của nhân dân, đã sáng tạo ra những tác phẩm còn mãi với thời gian, góp phần tạo nên nền văn học chân chính, đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Mỗi trang viết, mỗi tác phẩm của các nhà văn mang nhịp đập trái tim của dân tộc mình, của thời đại mình và đồng thời phản ánh chân thật, sâu sắc về con người; góp phần khẳng định dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nền văn hóa lâu đời, có tình thương yêu con người vô hạn, với khát vọng hòa bình lớn lao và ý chí không gì có thể khuất phục, sẵn sàng hy sinh tất cả cho nền độc lập của dân tộc, cho tự do và hạnh phúc của Nhân dân.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cũng khẳng định: Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Trước đó, trong diễn văn khai mạc hội nghị, Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, thay mặt Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, các đồng chí lãnh đạo thành phố Hải Phòng đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hội nghị cũng như sự quan tâm đến các nhà văn cao tuổi. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cảm ơn sự có mặt của 300 đại biểu nhà văn cao tuổi đến dự và góp phần thành công cho Hội nghị lần thứ Nhất. Trong sự xúc động, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, biết ơn của mình đối với các thế hệ nhà văn cao tuổi đã cống hiến tài năng của mình để góp phần phát triển nền văn học nước nhà, bồi đắp, giàu có thêm cho tâm hồn người Việt, giá trị nhân văn, nhân bản của dân tộc, góp phần tôn vinh những giá trị văn hóa của dân tộc, góp phần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước.

Bày tỏ sự phấn khởi và vinh dự là địa phương được chọn tổ chức Hội nghị, ông Lê Tiến Châu – Bí thư thành ủy Hải Phòng đã gửi lời chúc sức khỏe đến tất cả các nhà văn lão thành đã đến với thành phố biển Hải Phòng luôn có sức khỏe dồi dào để tiếp tục sáng tạo, cống hiến cho nền văn học nước nhà.

Hội nghị Nhà văn lão thành lần thứ Nhất được tổ chức không chỉ để nhìn lại những thành tựu và bài học kinh nghiệm sau 35 năm đổi mới văn học mà còn là dịp để Hội Nhà văn Việt Nam nhìn nhận, đánh giá vai trò và sứ mệnh của nhà văn cao tuổi. Tại hội nghị, các nhà văn đã lắng nghe tham luận của  Nhà Lý luận Phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp với tiêu đề “Các nhà văn lão thành và dấu ấn của các thế hệ nghệ sĩ đấn thân nhập cuộc” đã  góp phần khẳng định hầu hết các nhà văn lão thành là những người được sinh ra và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Trong số họ nhiều người đã từng trực tiếp cầm súng chiến đấu, có mặt ở nhiều chiến trường ác liệt0, thường xuyên đối mặt với đạn bom, cái chết. Từ thực tiễn sinh động của cách mạng và kháng chiến, họ đã viết nên được nhiều tác phẩm gây được sự chú ý của công chúng. Các nhà văn lão thành bằng thành tựu và kinh nghiệm nghệ thuật của mình đã trở thành tấm gương lao động nghệ thuật cho thế hệ trẻ. Họ xứng đáng được tôn vinh và ngưỡng mộ. Bởi đó là những nhà văn chân chính cao đẹp về nhân cách và văn cách.

Tiếp đến, hội nghị đã lắng nghe tham luận của các nhà thơ: Hữu Thỉnh, Vũ Quần Phương, Trần Văn Tuấn. Đặc biệt, nhà thơ Hữu Thỉnh cũng bày tỏ: Năm tháng trôi qua, sự sàng lọc của thời gian thật là khắc nghiệt, nhưng những gì thực sự là tâm huyết, là sự thăng hoa sẽ còn lại như những kí thác nóng bỏng của một thế hệ nhà văn về một thời đoạn lịch sử nhiều bão táp, dữ dằn với tinh thần dung cảm phi thường, những hy sinh to lớn và chiên thắng vĩ đại không bao giờ quên.

Nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã thay mặt Hội Nhà văn Việt Nam giới thiệu và đánh giá thành tựu và sự cống hiến của 3 nhà văn tiêu biểu: Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Ma Văn Kháng. 

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã lên tặng hoa, bằng tôn vinh cho nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và Nhà thơ Hữu Thỉnh; Vì lý do sức khoẻ, nhà văn Ma Văn Kháng đã không thể đến tham dự Hội nghị.

Cuối buổi lễ Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã tặng hoa, bằng tri ân và gửi lời cảm ơn đến Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thaco, ông Vũ Văn Tiền – Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Geleximco. Đây là 2 đơn vị luôn đồng hành cũng hội Nhà văn Việt Nam trong những dự án phát triển văn học.

Trong khuôn khổ Hội nghị, tối ngày 30/9/2023, đêm gala thơ nhạc đã diễn ra trong không khí vui vẻ ấm cúng và mang giá trị nghệ thuật cao giữa các nhà văn lão thành.

Trần Thị Tuệ Anh


Có thể bạn quan tâm