April 29, 2024, 1:56 am

Kết nối với Thiên nhiên, giáo dục hướng tới sự phát triển bền vững, kiến tạo để thay đổi “Trường học Hạnh phúc” quận Ba Đình

Trong 03 ngày, từ 3/8 đến 5/8/2023, trong khuôn khổ dự án Trường học Hạnh phúc tại quận Ba Đình, kết hợp với đơn vị đối tác, Phòng GDĐT quận Ba Đình đã tổ chức đợt tập huấn nâng cao năng lực cho các giáo viên nòng cốt tại các trường công lập trong quận về Học phần 3 – Kết nối với Thiên nhiên thành công tốt đẹp.

Giảng viên Trần Minh Khánh chia sẻ về Vai trò kết nối với thiên nhiên trong sự phát triển của trẻ

Mục tiêu chính của đợt tập huấn là giúp các giáo viên nhận thức về tầm quan trọng của việc tái kết nối với thiên nhiên trong sự phát triển bền vững, hiểu rõ vai trò của việc tái kết nối với thiên nhiên đối với phát triển của trẻ em, đồng thời khuyến khích ý thức và hành động cụ thể để chăm sóc thiên nhiên và môi trường trong cuộc sống hàng ngày, tích hợp những khoảnh khắc kết nối với thiên nhiên vào trong hoạt động giảng dạy và học tập, lấy cảm hứng từ những công việc tái kết nối và Kiến tạo để thay đổi.

Bài học về “Hội đồng muôn loài“ Giảng viên Phương Thảo - Chuyên gia về Sinh thái và Phát triển bền vững hướng dẫn giáo viên thực hành bài “Hội đồng muôn loài”

Trong suốt thời gian khóa học, các học viên đã được cùng nhau đi qua ba nội dung rất thiết thực gắn với thiên nhiên: Kết nối với Thiên nhiên trong tiến trình phát triển của trẻ; Giáo dục hướng tới sự phát triển bền vững; Kiến tạo để thay đổi. Chương trình đã thiết kế các hoạt động trải nghiệm ngoài trời thú vị như Đi bộ soi gương, Hội đồng muôn loài, trải nghiệm nghệ thuật hoa đạo Nhật bản Ikebana, học cách quan sát thiên nhiên, làm các tác phẩm từ thiên nhiên...để giúp giáo viên thực hành một cách tự nhiên (Thân), từ đó cảm nhận (Tâm) và rồi được đúc kết lại thông qua phần chia sẻ lý thuyết (Trí). Những hoạt động này không chỉ giúp các giáo viên có trải nghiệm về những phương pháp học tập mới mẻ, mà quan trọng hơn cả là giúp cho giáo viên tự mình nhận ra sự học xuất phát từ TÂM – cảm thấy đồng cảm sâu sắc với những sinh thể trong tự nhiên, đồng cảm với những học sinh của mình, thấy kết nối hơn với chính bản thân mình và những người đang cùng học với mình. Để rồi tới phần TRÍ, những bài trình bày bao gồm hệ thống lý thuyết và đúc kết từ thực tiễn về “Vai trò của kết nối Thiên nhiên trong sự phát triển của trẻ” đã chỉ ra hệ quả của việc thiếu hụt thiên nhiên sẽ ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển về thể chất, tinh thần, năng lực của trẻ và các lợi ích có được khi cho trẻ được hòa mình vào thiên nhiên. Tiếp đó, bài trình bày “Giáo dục hướng tới sự phát triển bền vững” đã giúp người học được mở ra góc nhìn mới mẻ về quan điểm vị sinh thái, hiểu rằng con người là một phần, nằm trong hệ sinh thái này chứ không nằm trên muôn loài. Do đó, chỉ có thể có sự phát triển bền vững nếu lấy sinh thái làm chân đế. Để rồi cuối cùng, công cụ Kiến tạo để thay đổi với bốn bước thiết thực và nhân văn (Cảm nhận - Tưởng tượng - Hành động - Chia sẻ) sẽ là lời giải cho việc làm thế nào để học sinh hành động để bảo vệ môi sinh xuất phát từ tình thương thay vì chỉ làm theo phong trào.

Hướng dẫn thực hành Quan sát thiên nhiên - giảng viên Nguyễn Phước Hải từ Eurasia

Kết thúc đợt tập huấn, một số giáo viên đã chia sẻ những cảm nhận của mình:

“Các hoạt động trải nghiệm, kết nối với thiên nhiên cần cho sự phát triển của trẻ được cụ thể hóa, rõ ràng và phù hợp, mở ra cho tôi cảm xúc và mong muốn thực hiện những hoạt động tiếp theo cho học sinh”.

“Tôi rất ấn tượng với cách tổ chức các hoạt động đều bắt đầu với việc chậm lại để người học có thời gian và ko gian quan sát kĩ hơn bản thân và môi trường xung quanh.”

“Kết nối với thiên nhiên để thay đổi chính mình.”

“Tôi muốn cho học sinh có nhiều thời gian tiếp xúc trực tiếp với thiên nhiên bằng tất cả các giác quan.”

“Tôi có thể áp dụng các phương pháp, tổ chức hoạt động cho con trai mình để mong muốn con tiếp nhận được giá trị giáo dục về phần “cảm”, cho học sinh của mình lồng ghép trong các tiết học và giáo dục trải nghiệm.

Bài học về làm vườn và tác động của việc làm vườn đối với trẻ - Giảng viên Ngô Văn Hùng - chuyên gia về biodynamic của Tịnh Trúc Gia

Qua khóa tập huấn này, các học viên đã được trang bị các kiến thức và công cụ cần thiết để thúc đẩy việc kết nối lại với thiên nhiên trong giáo dục và cuộc sống hàng ngày. Sự kết hợp giữa việc hiểu rõ về tầm quan trọng của việc kết nối với thiên nhiên, những hoạt động trải nghiệm thú vị và trang bị công cụ Kiến tạo để thay đổi đã tạo nên một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho cả cộng đồng và thế hệ trẻ sau này.

Trải nghiệm cảm nhận thiên nhiên bằng các giác quan

Đây cũng là học phần cuối cùng trong chuỗi tập huấn 3 Module của Dự án trường học Hạnh phúc triển khai dành cho các trường tham gia giai đoạn 1. Theo tiến trình của Dự án, trong 2 năm tiếp theo, các nhà trường sẽ xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể cho cả 3 học phần  dựa trên thực tế nhu cầu mong muốn thay đổi của từng trường để học sinh được tham gia và đồng hành cùng các Thầy Cô trong quá trình kiến tạo môi trường học tập bền vững, hạnh phúc và an lạc cho chính mình. 

Việt Thắng


Có thể bạn quan tâm