April 27, 2024, 7:05 pm

Hương Hoàng Lan. Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn

1.

Trăng hai mốt lành lạnh. Cũng đã sang canh. Không gian yên ắng. Tưởng như trong cái yên ắng ấy không có gì tồn tại. Vân Hương vẫn nằm nguyên dưới đất. Cảm giác khoái cảm dường như chưa ngoai nguôi. Đêm đang dấy lên mùi hương của hoa hoàng lan. Dưới ánh trăng khuya, tấm thân trắng ngà của cô bỗng như ngọc ngà hơn. Vân Hương không thấy xấu hổ. Vân Hương không thấy ăn năn. Vân Hương không thấy hối tiếc. Chỉ một nỗi niềm chia xa chợt đến làm cô thấy chạnh buồn. Cứ như vạn vật sắp bước vào tan biến.

Minh họa: Tô Chiêm

Đang tiết thu phân, hơi lạnh từ đất như có bàn tay mát đang thoa nhè nhẹ suốt từ sau lưng lên trên bụng. Vân Hương mỉm cười, cô đang toại nguyện.

- Anh thật có lỗi với em – Vân Phong lắp bắp - Anh đã làm cái điều phạm vào giới luật.

- Anh Phong sướng thật đấy – Vẫn giữ nguyên tư thế nằm, Vân Hương đáp ngỡ chẳng ăn nhập với câu xin lỗi của Vân Phong – Anh sẽ được vào miền Nam đánh Mỹ.

- Ừ - Vân Phong thở phào nhẹ nhõm, anh đã nghĩ Vân Hương có ý trách móc mình - Mai anh đi bộ đội rồi. Chỉ lo em ở lại...nhỡ nhỡ có gì thì biết trông cậy vào ai.

- Được… được cho anh là… là em thấy mãn nguyện rồi.

Không gian yên ắng trở lại. Ngồi ngay bên cạnh chỗ Vân Hương đang nằm là sư thầy Thích Vân Phong với nét mặt hân hoan pha chút lo lắng, từ sáng nay anh không còn là “sư thầy” nữa tuy vẫn giữ họ tên Thích Vân Phong. Từ buổi vào chùa đến nay anh được sư cô Đàm Vân đặt tên là vậy. Một cái tên “nhà chùa” rồi gọi thành quen. Từ sáng hôm qua, sau khi được sự chấp thuận của sư cô Đàm Vân, người mà cả anh và Vân Hương đều tôn kính gọi là “Mẹ chùa” cho phép, sư thầy Thích Vân Phong được làm lễ hoàn tục. Anh trở thành một chàng trai làng đích thực như mọi trai làng Thạch khác. Anh sẽ cùng bọn trai trẻ trong làng ấy lên đường nhập ngũ. Chỉ ít giờ nữa thôi, anh và mọi trai làng sẽ cùng mang một tên chung “Anh bộ đội”.

Và người trai tuổi hai mươi chín ấy đang ngồi như một kẻ vừa mắc lỗi bên cạnh Vân Hương, anh lúng túng cài cúc áo. Hé mắt nhìn thấy vẻ mặt tồi tội ấy khiến Vân Hương suýt cười nhưng cô kìm lại được. Cô nhắm mắt lại, trong đầu cô đang hiện lên những nỗi niềm sâu kín.

Tuy cùng sống trong chùa nhưng ngay từ khi biết cảm nhận về giới tính Vân Hương đã có chút ngượng ngùng mỗi khi hai anh em giáp mặt nhau. Mỗi ngày cảm giác ngượng ngùng ấy lại tăng lên. Nó tăng lên bao nhiêu thì Vân Hương lại “thèm” được giáp mặt nhau nhiều hơn. Ở cô gái bắt đầu bước vào tuổi cập kê này cảm giác ấy lớn mạnh hơn nhiều phía chàng trai. Những lúc nhìn Vân Phong xoay trần cuốc đất vườn chùa là những lúc con tim của Vân Hương đập thôi thúc. Cô đứng núp bên bụi chuối nhìn trộm Vân Phong. Nhìn những giọt mồ hôi tứa ra ướt đẫm tấm lưng trần vạm vỡ làm cô chỉ muốn được đến bên đưa khăn lau giúp. Phải nói rằng Vân Phong là một chàng trai tốt tuy hơi ít nói. Vân Phong càng ngày càng ít nói chuyện với Vân Hương, anh thường cố tình lảng mắt quay vội đi mỗi khi hai người chạm nhau tình cờ, dường như anh đang cố tránh điều gì đấy.

Đặt hai tay lên bụng, Vân Hương thầm nở nụ cười, cô vừa thấy xấu hổ với chính mình lại vừa thấy toại nguyện. Chỉ vừa nãy thôi, bàn tay của cô đã ghì bấu vào tấm lưng trần vạm vỡ của Vân Phong. Chỉ vừa nãy thôi những giọt mồ hôi của Vân Phong chạm rơi xuống mặt cô. Thứ vị mằn mặn đã làm cô thích thú. Cô vẫn còn thấy dư vị đậm đà ấy quanh quẩn đâu đây.

Vân Phong ghé đầu liếc trộm Vân Hương rồi anh lại vội vàng quay đi lảng nhìn chỗ khác. Ánh trăng thật vô duyên khi cứ làm lồ lộ khuôn ngực tròn căng nẩy của người con gái.

- Anh Phong sướng thật đấy – Vân Hương nhắc nói câu cô đã nói.

- Sao lại sướng?

- Vì anh được thỏa nguyện đi chiến đấu như bao đàn ông con trai khác.

- Ừ. Cũng sướng – Vân Phong ngước mắt nhìn lên vòm lá – Năm bảy mươi hai rồi. Anh nghe nói ở trong ấy ta đang đánh lớn – Rồi Vân Phong cúi xuống nhìn Vân Hương, anh nói đầy vẻ tự tin - Con trai thì phải xông pha nơi lửa đạn mới đáng chứ.

- Nhưng…

- Nhưng sao?

- Em không nói nữa. Sợ nói gở lắm.

- Gở thế nào?

- Thì em nghe người ta bảo “Nếu trước khi đi vào trận mà gặp gái thì ...”

- Anh chả sợ. Chỉ lo cho em thôi. Mẹ chùa thể nào cũng biết chuyện. Mẹ chùa sẽ phạt em. Hơn nữa chuyện chúng mình …thật vô cùng xấu xa.

- Em không ân hận.

Ánh trăng tỏ mờ đang làm gương mặt thanh tú của Vân Hương bừng lên sáng hồng. Ánh mắt của Vân Hương như có lửa, ngọn lửa mê mải cháy. Đặc biệt gương mặt ấy lại được bao bọc bởi một mái tóc đen dài, mái tóc đang tôn thêm gương mặt. Vân Hương hình như cũng đoán được tình cảm của Vân Phong qua cái nhìn không chớp mắt của anh. Cô đưa tay lên hất những lọn tóc đang xòa qua mặt. Rồi Vân Hương vuốt vuốt mái tóc một cách nhẹ nhàng, một cách chậm rãi, cô cũng muốn được tự nhiên hơn và thoải mái hơn về mái tóc của mình.

 

2.

“Cũng sắp tới giờ thỉnh chuông rồi” sư cô Đàm Vân vội vàng khoác thanh y nhưng không phải để lên Chính điện mà bà lại cúi đầu theo lối cửa vòm để bước sang gian phòng kế cạnh. Gian phòng đó vốn là nhà kho nhưng kể từ khi đón thằng Phong về thì phòng kho đó là nơi cho nó ngủ. Sư cô Đàm Vân đến bên chõng tre, bà nhấc chiếc ghế đẩu lại gần rồi ngồi cạnh đầu chõng để quạt cho thằng Phong.

Chợt mơ hồ vọng từ ngoài vào tiếng gào oe oe. Tiếng gào oe oe mỗi lúc một rõ ràng hơn. Sư cô Đàm Vân nhíu mày, lẫn trong tiếng côn trùng ồn ào như là có tiếng con mèo cái gào gọi con mèo đực.

Chùa Thạch tịch vắng. Chùa nằm ở cuối làng và tách hẳn với làng Thạch, mạn ấy đìu hiu, ít người lui tới, bởi chùa cách làng một thôi ruộng lúa xen những vạt khoai nước mọc hoang trên những mảnh ruộng nước ngập sâm sấp nên lối vào chùa cỏ dại mọc che vệt chân đi.

Sư cô Đàm Vân cẩn trọng đi từng bước từng bước tới cổng chùa, tới cổng bà dừng lại, hơi nép bên cổng bà áp tai vào cánh cổng nghe ngóng. Tuy là chốn u tịnh nhưng dù sao vẫn là thân đàn bà con gái nên bà vẫn phải trông chừng. Cánh cổng vào chùa tuy được ghép từ mấy tấm gỗ nhưng nó chỉ được cài sơ một thanh ngang bằng tre.

- Ai đấy? Ai ở ngoài ấy đấy? – Sư cô Đàm Vân dè dặt lên tiếng. Phía bên ngoài cổng im ắng – Ai có việc gì mà mới sớm đã lên chùa vậy?

Vẫn không có đáp trả, chỉ tiếng lũ chuột thấy động đạp cỏ chạy xoe xóe. Sư cô Đàm Vân chợt rờn rợn khi tiếng oe oe kêu ré lên rồi nhỏ dần nhỏ dần, tựa như có ai đang rình trêu vậy “Chắc là tại mình cả lo nên thấy nát thôi”, sư cô Đàm Vân tự an ủi nhưng trong lòng vẫn chưa thấy hết rờn rợn. “Nhà chùa đâu có gì để kẻ gian nẩy ý tham” tự vấn an như vậy nên sư cô Đàm Vân yên tâm gỡ gióng tre gài cổng. Bà nhẹ tay từ từ đẩy cánh cổng chùa, tiếng cánh cổng rít kèn kẹt làm bà giật mình. Từ bên ngoài, gió đồng đưa vào thứ hương ngai ngái của lá cỏ bị giập. Sư cô Đàm Vân nhắm mắt lại vài giây, bà hít hơi thật sâu như muốn lấy lại cân bằng sau những lo lắng.

- Có ai đấy không? – Lại câu hỏi nữa cất lên, cái chính là để tự trấn tĩnh. Bà bước hẳn ra ngoài – Có ai đấy không? 

Sư cô Đàm Vân vội đặt tay lên ngực, “Mô phật!”, bà thốt lên nén cơn hú vía. Ngay trước mặt bà, ngay dưới chân bà tức là ngay trước cổng chùa có một chiếc làn đan bằng mây, loại làn dành cho những cô những bà trên phố xách tay đi chợ. Sư cô Đàm Vân cúi xuống nhìn kỹ, bên trong chiếc làn mây tròn tròn một bọc vải lụa màu hồng nhạt, thoạt trông đã biết ngay đó là bọc tã. Tiếng oe oe đang phát ra từ đấy. “Mô phật!”, sư cô Đàm Vân nhắc lại, tiếng oe oe bỗng ngừng bặt như là nó đã nhận ra có người đến?

Sư cô Đàm Vân chưa vội động đến chiếc làn mây, trong thâm tâm bà đang phân vân mà tự hỏi bằng cách nào mà chiếc làn mây đựng hài nhi này lại xuất hiện ở đây “Chắc là có người cố ý đem đến? Người đó chắc phải tin cậy lắm mới đem bỏ hài nhi ở đây? Chắc là họ trông cậy vào nhà chùa?”. Một loạt những giả thiết được bà chắp nối lại thành một khẳng định “Người ta đã nhờ cậy tới mình”.

- Mô phật! - Sư cô Đàm Vân nhắc lại câu cửa miệng, bà nhìn hút theo lối ngõ, hỏi vớt – Ai ở đấy đấy? Có việc gì cần đến cửa chùa thì cứ nói, cửa chùa luôn rộng mở.

Lại đưa mắt nhìn xung quanh, tuyệt nhiên không có gì, không gian tịch vắng thêm tịch vắng, sư cô Đàm Vân từ từ ngồi xuống bên chiếc làn mây, Một thoáng ngần ngừ, mồ hôi lạnh lưng, sư cô Đàm Vân run run động tay vào chiếc làn mây, tiếng oe oe lại ré lên. Bất giác sư cô Đàm Vân ngóng về phía nội thành “Cũng có khi gia đình người này vội di cư vào Nam nên dứt bỏ giọt máu để đi cho đành?”.

 

3.

- Nhà chùa chỉ có thứ nước giải nhiệt này thôi.

Ni cô trụ trì đến gần bàn khách, hai tay nâng cốc nước, động tác thể hiện sự tôn trọng người cao tuổi, bà đặt cốc nước xuống bàn. Đó là một vị sư nữ tuổi chừng gần năm mươi nhưng nét đài sang được giấu trong bộ quần áo nâu dân dã. Một người đàn bà đẹp, tôi thầm nhận xét, không hiểu duyên phận gì đã đưa chân tới cửa chùa?

- Mời ông xơi nước cho mát – Ni cô nhẹ nhàng nhắc lại - Trời đã chuyển thu mà vẫn nóng.

- A di đà phật – Tôi mỉm cười đáp lễ - Vâng cũng thấy nóng thật. Được cốc nước giải nhiệt thế này thì tốt quá.

Những câu nói giao đãi chỉ vừa đủ để cho tôi đỡ khách khí thì bất chợt từ phía trong vọng ra tiếng nhạc. Tôi không cần chú tâm nghe cũng biết tiếng nhạc đó phát ra từ một chiếc điện thoại nào đó. Âm thanh to dần, rồi tiếp theo là giọng hát Mỹ Tâm. Lời bài hát có đoạn “Người hãy quên em đi/ Và đừng yêu em nữa/ Nếu anh không còn gì để vương vấn/ Người hãy quên em đi/ Đừng chờ mong chi nữa/ Tiếc thương gì cho lòng thêm xót xa/ Vì tình yêu nay sẽ chẳng lâu bền/ Vậy coi như mình kết thúc êm đềm/ Tình yêu như làn gió thoáng qua thềm/ Người hãy quên em đi”.

Dường như nhận ra vẻ hơi ngạc nhiên của tôi mà ni cô trụ trì quay đầu nói với vào trong.

- Tắt nhạc đi con. Mẹ đang tiếp khách.

Tiếng “vâng ạ” đáp ngay. Nghe giọng nói vọng ra đó tôi biết ngay là một cô gái trẻ. Rất trẻ, chừng mười bốn mười lăm. Vẻ ngạc nhiên của tôi bây giờ mới thực sự biểu lộ.

- Cháu gái đó là con của ni cô?

- Mô phật. Ông hiểu nhầm rồi.

- Hiểu nhầm?

- Mô phật. Năm con bé được hai tuổi thì một bữa mẹ nó đưa nó cho tôi, cô ấy là công nhân và trọ ở trong làng. Đưa con bé cho tôi cô ấy nói “Con về quê có đám tang. Mang con bé về không tiện. Con gửi nhà chùa trong hộ vài bữa.”

- Tôi xin lỗi.

- Mẹ con bé nói thế nhưng đã mười ba năm rồi không thấy quay lại. Liên lạc điện thoại thì được báo là cắt. Hỏi qua mấy người gần nơi cô ấy trọ thì họ cũng chịu – Ni cô trụ trì buông tiếng thở dài ngắn nhẹ. Bà đã ngồi xuống bên ghế đối diện – Nó đang học lớp 9. Được cái cũng chăm chỉ và biết nghe lời – Ni cô sư trụ trì nhìn thẳng vào tôi, bà hỏi.

- Ông đến chùa vãng cảnh hay có chuyện gì khác?

- Sao thầy lại hỏi vậy?

- Mô phật. Ông đừng gọi tôi là thầy. Tuổi ông đã cao nhẽ ra tôi phải gọi ông như thế mới đúng.

- Cám ơn ni cô. Thực ra tôi cũng có việc muốn tỏ nhưng vừa nẫy ni cô nói không nên gọi nhà sư là thầy. Tôi thấy mọi người lên chùa gặp các sư đều gọi như thế mà. Một cách biểu lộ sự trọng mà thôi.

- Thưa ông. Thứ nhất, theo tôi hiểu thì ông không phải là người trong đạo giới nên không nhất thiết phải gọi như thế. Chúng tôi chỉ khác người thường bởi chiếc áo nâu thôi. Chứ thực tình chúng ta đều là người với người cả. Cách xưng hô tốt nhất là tôn trọng tuổi tác. Thứ hai, là ngay trong đạo giới chúng tôi việc gọi thầy hay xưng thầy cũng phải có lề có lối. Những vị cao tăng đạt tới trình độ nào đó ví dụ như vị đó có khả năng thuyết giảng cho học trò thì mới được gọi là thầy. Mà ông nói cũng đúng, nhiều người vì ngộ nhận hoặc cũng vì quá nể trọng mà gọi thầy khiến chúng tôi phải thấy ngại. Làm thầy và được gọi là thầy khó lắm ông à. Mà ông nói có việc, việc ấy là việc gì? Không biết nhà chùa có giúp được ông không?

 

4.

Sư cô Đàm Vân khẽ phẩy phẩy tay vạch vạch lớp tã đang quấn bọc hài nhi. Bà đã nhận ra đó là một bé gái mới sinh với cái miệng cứ chúm chúm chứng tỏ nó đang khát sữa. Bốn bề chung quanh vẫn tuyệt nhiên vắng vẻ. Dấu hiệu có người mới tới chỉ là mấy vết chân chắc là vì vội nên vướng víu làm giập đám cỏ vệ đường. Dấu chân cho thấy người mới tới chỉ là đơn lẻ và đã lâu bởi mấy lá cỏ bị đè giập đang he hé ngóc lên.

- Ai ở đấy mà sao không nói? – Sư cô Đàm Vân hỏi thêm một lần nữa, hy vọng có được câu trả lời - Nhà chùa luôn rộng cửa từ bi.

 Vẫn không có hồi đáp, sư cô Đàm Vân biết rằng người đến đã đi xa, người ấy đã biết thể nào nhà chùa cũng sớm phát hiện ra cái làn mây cùng đứa trẻ nên dứt quyết rời đi. Bà quan sát chiếc làn mây kỹ hơn. Xếp gọn ghẽ ở hai bên cạnh hài nhi là hai gói vải nhỏ. Một gói màu hồng và một gói màu vàng. Sư cô Đàm Vân thận trọng mở gói vải màu hồng, người đem hài nhi đến cổng chùa đã chu đáo để ở đó chút tiền “Vậy là người ta đã chủ ý nhờ cậy”. Bà gấp gói màu hồng lại và mở tiếp gói vải màu vàng. “Mô phật!” sư cô Đàm Vân thốt lên, trong gói là núm ruột của hài nhi “Hẳn người này muốn con mình gửi thân ở đất này”.

Bất chợt sư cô Đàm Vân ngoái lại trong chùa, bà đang nghĩ đến thằng Phong. Một chút lưỡng lự, một chút hoài nghi, một chút đắn đo, một chút ngài ngại nhưng rồi bà quyết định đón nhận “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa. Chẳng đức Phật đã dạy đó sao?”.

Lại cẩn thận gài gióng tre khi cánh cổng chùa được đóng lại. Sư cô Đàm Vân luồn tay vào trong chiếc làn mây, bà bế hài nhi lên ôm chặt vào lòng truyền cho nó hơi ấm sau khi đã vén vạt áo dài nâu lên quấn thêm cùng lớp tã “Con sinh ra chắc là ở chốn giàu sang nhưng chốn ấy chối bỏ. Ta nhận con. Ta sẽ đặt tên con là Vân Hương. Con là thứ hương cỏ từ trời gửi tới nhà chùa”. Sư cô Đàm Vân chợt nao nao, ở vào cái tuổi bốn mươi ba thì đây là lần đầu tiên bà được bế một đứa trẻ mới sinh. Cảm giác gần gụi chợt nhói nhói trong bụng.

Ở ngay trước sân chùa đã thấy thằng Phong đứng im như phỗng, đôi mắt nó tỉnh khô. Thằng Phong nín lặng nhìn sư cô đi từ ngoài cổng vào, nó đã nhận ra sư cô đang bế trên tay một đứa trẻ. Ánh mắt của thằng Phong không tỏ ra ngạc nhiên, không hồ hởi và cũng không dò hỏi. Sư cô Đàm Vân hơi thột người, bà nhìn thằng Phong.

- Ta đem em bé này về làm anh em với con –Thằng Phong gật gật, nó đã hiểu chuyện gì đang xẩy ra. Sư cô lưỡng lự giây lát rồi nói tiếp - Con đem gói màu vàng này sang bên vườn giúp ta.

- Nhưng…nhưng – Thằng Phong lưỡng lự - Bên đó là vườn cụ Bá?

- Ta biết. Con cứ đem sang bên vườn đó chôn cho ta – Rồi sư Đàm Vân cúi xuống nựng nựng hài nhi – Vườn bên ấy cứ đêm về là thơm hương hoàng lan.

 

5.

Lớn lên trong chùa, ngay từ nhỏ Vân Hương đã phải giấu mái tóc của mình sau vành khăn nâu. Sáng sáng ngủ dậy, Vân Hương ngồi trên giường chải tóc, cô không có gương để ngắm nhưng cô biết mái tóc của mình cứ dài ra đen nhánh. Vân Hương nhiều bận khao khát được ngắm mái tóc ấy qua gương. Vân Hương nhiều lần ước được thả dài mái tóc ấy. Nhưng mẹ chùa không cho cô được thỏa điều khao khát ấy. Sư cô Đàm Vân bước vào, bà nhắc.

- Con cột tóc lên rồi trùm khăn vào cho mẹ.

- Vâng. Nhưng mẹ chùa ơi – Vân Hương có chút giãi bầy – Con xin mẹ chùa cho con được thả tóc.

- Không được. Đợi đến khi thích hợp thì con sẽ xuống tóc. Con phải làm quen với chuyện mình sẽ không còn mái tóc nữa.

- Thưa mẹ chùa. Có cách nào cho con được giữ lại mái tóc không?

- Không – Sư Đàm Vân cương quyết – Cửa chùa ai cũng như ai một khi đã vào giới xuất thì đều phải cắt bỏ mái tóc của mình.

Vân Hương rùng mình. Cô lo sợ nghĩ đến ngày mái tóc đen dài của mình sẽ không còn nữa. Vẫn biết phật pháp là như vậy mà cô vẫn có cảm giác được níu kéo.

- Tóc em thơm quá – Vân Phong nói khe khẽ - Thơm như hương hoàng lan vậy.

Câu khen nhỏ thôi của Vân Phong nghe như thoảng bên tai đã cắt ngang dòng suy nghĩ của Vân Hương. Vân Hương mỉm cười đón nhận câu khen.

- Anh nhớ ra rồi - Giọng Vân Phong như reo lên – Đúng là chỗ này rồi.

- Nghĩa là sao? – Vân Hương ngơ ngác.

- Dưới lưng em. Đúng rồi, chỗ ấy chính là chỗ năm xưa anh đã chôn…đã chôn…

- Anh chôn gì?

- Dưới lưng em là chỗ ngày trước anh đã chôn...chôn cái núm ruột của…của…em

- Úi!

Vân Hương kêu lên bảng hoảng, cô ngồi bật dậy, chiếc áo nâu vắt ngang ngực tuột rơi. Cô quay phắt đầu sang bên trái để cố nhìn về phía sau lưng. Động tác nhanh và mạnh ấy đã vô tình hắt mái tóc vắt qua bờ vai chảy suôn xuống khuôn ngực. Mái tóc dường cũng vô tình mà nằm trọn giữa khe hở của đôi bồng đào. Ánh sáng lạnh trắng của trăng lúc nửa đêm về sáng đủ để mái tóc trông tựa như một dòng suối nước mầu đen thăm thẳm mà lại êm ả đổ xuống giữa hai bên sườn núi phủ đầy tuyết trắng. Vân Phong ngây người sững sờ, anh đang được chiêm ngưỡng một tuyệt tác. Vân Hương sau phút giây hốt hoảng thì trấn tĩnh trở lại. Cô ngồi bất động, chỉ có dòng thác thăm thẳm đổ xuôi xuống là không ngừng trôi chảy, nó thật sống động qua từng nhịp thở.   

Vân Phong đưa bàn tay đặt nhẹ vào dòng thác mái tóc của Vân Hương. Từ dòng thác thăm thẳm ấy đang có thứ gì đó rất lạ lan lan vào lòng bàn tay Vân Phong. Anh rụt tay lại đưa sát vào mắt để nhìn, vẫn chỉ là lòng bàn tay chứ không có gì hơn. Vân Phong lại đưa tay rờ rờ mái tóc của Vân Hương. Lần này anh để bàn tay lâu hơn và áp chặt hơn vào mái tóc. Vân Hương mở to đôi mắt, cô nhìn sâu vào mắt của Vân Phong, nửa khích lệ anh, nửa thích thú trong lòng. Trong đời con gái, Vân Hương giờ mới hiểu rõ sự đắm đuối yêu thương của người con trai qua bàn tay của người ấy đang vuốt ve mái tóc của mình. Cô lại rùng mình nhưng là cái rùng mình của cảm xúc đang dâng. Khuôn ngực của Vân Hương như nhún nhẩy nhanh hơn, gấp gáp hơn.

Không còn rụt rè, không còn lo sợ kiểu như vụng trộm, không còn cảm giác xấu hổ như lần trước nữa, Vân Phong mạnh dạn đặt tay vào nơi chốn bấy lâu nay anh ước thèm. Vân Hương không nói gì, cô cũng đặt tay mình lên bàn tay của Vân Phong ghì mạnh bàn tay ấy vào ngực của mình.

 

6.

Gà đã gáy canh tư, sư cô Đàm Vân vẫn ngồi nguyên, bà im lặng, chỉ thỉnh thoảng lại cất hơi thở kéo dài. Trai phòng yên ắng, ánh ngày nhờ nhờ ngoài song cửa sổ, chẳng cần bước tới thì sư cô Đàm Vân cũng biết trên giường của Vân Hương không có người nằm. Bà không có ý định đứng dậy đi tìm và cũng không có ý nghĩ là Vân Hương đang làm gì.

Buổi sáng hôm qua, sau lễ hoàn tục cho sư thầy Thích Vân Phong bà đã nhận thấy trong đôi mắt của Vân Hương ánh lên niềm vui. Linh cảm của một người đã vào tuổi sáu mươi và trên hết là linh cảm của một người đàn bà nên sư cô Đàm Vân hiểu chuyện gì đang xẩy ra.

Sư cô Đàm Vân lại khẽ thở dài. Bà nhớ lại một ngày nắng gắt của cái năm Ất Dậu. Bữa trưa ấy bà trên đường từ chợ Đường về chùa. Ở chỗ gốc gạo cuối chợ bà thấy có một đứa trẻ đang cố lay gọi một người đang nằm bất động, người ấy còn ôm chặt một đứa nhỏ. Nó khoảng bốn năm tuổi gì đó nhưng người bé tỏng teo, trên gương mặt đen gày của nó hai đôi mắt thồi lồi như con ốc. Trên tay nó vẫn còn cầm một mẩu bánh đa nướng. Dường như nó chưa kịp ăn hoặc cũng có thể nó định dành mẩu bánh đa đó cho người đang nằm co quắm bất động. Nghe tiếng bước chân người đi tới, đứa trẻ ngẩng lên, ánh mắt nó vô hồn. Sư cô Đàm Vân dù chưa lại gần nhưng bà cũng biết người đang nằm bất động, dáng co quắm kia chính là người mẹ và đứa em của nó đã chết từ khi nào. Bà chợt tủi lòng. Không hiểu mẩu bánh đa nhỏ là do người mẹ xin được mang về cho con của mình hay là người đi chợ về qua thấy thằng bé đang đói lả mà đưa cho nó. Thằng bé chắc không hiểu chuyện xẩy ra, nó chắc ngỡ mẹ nó cùng em nó ngủ thiếp đi nên cố lay gọi. Sư cô Đàm Vân bước lại bên, bà luôn miệng lẩm nhẩm “Mô phật. Mô phật”.

Cũng phải mất chừng nửa giờ, sau khi mấy người trong chợ mang cuốc đến. Họ cuốn xác người mẹ vào một chiếc chiếu cũ rách rồi chẳng rằng chẳng nói, họ mang xác người đã mất đi hút xuống cánh đồng. Thằng bé đứng trân trân, mắt nó khô khốc. Mẩu bánh đa tuột rơi xuống đất mà nó vẫn không cúi nhặt. Sư cô Đàm Vân thấy dấy lên niềm thương cảm. Bà dúi vào tay thằng bé chiếc bánh khoai mà bà tính mang về chùa cho bà vãi già trong xóm.

Thằng bé bấy giờ mới ngước mắt nhìn lên. Sư cô Đàm Vân cúi thấp người, bà mỉm cười khích lệ. Thằng bé chợt nhoẻn cười. Nó vừa đi theo sư cô Đàm Vân vừa ăn vội vàng chiếc bánh khoai.

Gió sớm làm sư cô Đàm Vân rùng mình. Cũng có thể chuyện xưa khiến bà chạnh buồn. Bà tuy biết ngoài cửa không có ai nhưng vẫn rướn mắt nhìn ra. Lâu sau bà nói với chính mình “Cửa chùa luôn rộng cửa”.

 

7.

Từ phòng trong lại vẳng ra tiếng hát của Mỹ Tâm. Lần này “cô hát” nhỏ nhẹ hơn “Đêm nay là đêm cuối hai ta gần nhau/ Có biết bao nhiêu điều em muốn nói/ Khi nhìn vào đôi mắt em thấy niềm đau/ Em biết anh đang buồn lắm đúng không?/ Anh siết chặt thân xác em trong lặng im/ Nước mắt anh thay lời anh muốn nói/ Em sẽ thật mạnh mẽ sẽ cố mỉm cười/ Chỉ là ta tạm xa nhau chút thôi”. Ni sư vội quay vào trong ý bà như định nhắc. Tôi vội xua tay:

- Không sao đâu. Cứ để cho cháu nó nghe nhạc – Tôi nhìn thẳng vào ni sư – Lời ca nghe buồn nhưng cũng thấy... Tôi bỏ lửng câu nói ở đấy. Ni cô không đáp lời, bà hơi cui cúi, hình như tận trong sâu thẳm lòng mình bà cũng đang ghìm nỗi niềm nào đấy?

Tôi chờ cho giây phút lắng đọng dần qua rồi hỏi:

- Xin lỗi ni cô. Mải chuyện quá mà tôi chưa hỏi pháp danh của ni cô.

- Không có gì. Ông cứ gọi tôi là ni cô Hoàng Lan là đủ.

- Hoàng Lan? – Tôi ngập ngừng vài giây rồi hỏi nhỏ - Nghĩa là…là …

- Mô phật – Ni cô nói rất nhanh. Giọng nói vẻ như hơi lạc đi - Ni tôi sinh ra từ cái núm ruột chôn trong vườn hoàng lan.

Nói rồi Ni cô Hoàng Lan đưa hai bàn tay úp vào nhau, bà hướng ánh mắt nhìn lên bức tường ngay sau lưng chỗ tôi ngồi. Trên bức tường ấy là tấm bằng “Tổ quốc ghi công” và bên trên tấm bằng Tổ quốc ghi công là tấm bằng “Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Tôi vội đứng dậy, xoay mặt vào bức tường, chắp hai tay rồi cũng ngước mắt nhìn lên.

Một làn gió từ ngoài sân chùa đưa tới.

Thoảng mùi hương của hoa hoàng lan.

Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn

Nguồn Văn nghệ số 19/2023


Có thể bạn quan tâm