May 13, 2024, 5:23 am

Hướng dẫn xây dựng phương tiện giao thông công cộng (GTCC), bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng không khói thuốc lá

 

PHÒNG CHỐNG TÁC HẠI (PCTH) THUỐC LÁ:

Những người không hút thuốc là những người chiếm đa số trong cộng đồng. Họ có quyền được hít thở một bầu không khí trong lành không bị ô nhiễm bởi khói thuốc lá. Đây là một trong những nội dung của “Quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khỏe cao nhất” được quy định trong Hiệp ước về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và trong Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá

Phương tiện giao thông công cộng không khói thuốc là phương tiện mà tại đó không có hiện tượng hút thuốc, quảng cáo, tiếp thị, mua, bán, các sản phẩm thuốc lá

Phương tiện giao thông công cộng bao gồm xe buýt, taxi, xe chạy đường dài, tàu hỏa, tàu thủy, tàu điện, tàu bay và các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng khác.

Bến tàu, bến xe, nhà ga bến cảng không khói thuốc là nơi không có hiện tượng hút thuốc, kinh doanh, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trong toàn bộ khu vực “trong nhà” của các địa điểm này.

Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc lá hoàn toàn bao gồm: Ô tô, tàu bay, tàu điện.

Phương tiện giao thông công cộng cấm hút thuốc nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc bao gồm: tàu thủy, tàu hỏa.

Mục tiêu của việc thực hiện phương tiện giao thông công cộng, bến tàu, bến xe, nhà ga, bến cảng không khói thuốc:

Tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo quyền của những người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc; giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá cho mọi người.

Các bước triển khai “phương tiện giao thông công cộng, nhà ga, bến tàu, bến xe, bến cảng không khói thuốc”

Bước 1: xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo phụ trách và phân công bằng văn bản (bắt buộc) (VD: lãnh đạo là trưởng ga đường sắt, Giám đốc ban quản lý bến xe…)

Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách giao nhiệm vụ cho

+ Công đoàn.

+ Đoàn thanh niên

+ Bộ phận chức năng có liên quan đến nhiệm vụ giám sát, kiểm tra như lực lượng bảo vệ của đơn vị.

Nhiệm vụ của Lãnh đạo đơn vị được phân công phụ trách và các bộ phận chức năng liên quan:

+ Xây dựng nội quy về việc thực hiện môi trường không khói thuốc tại các địa điểm do mình phụ trách

+ Lập kế hoạch thực thi phương tiện Gtcc, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng không khói thuốc, phổ biến các quy định của pháp luật của ngành và nội quy cơ quan đến toàn thể cán bộ, nhân viên, bảo vệ, an ninh của cơ sở và khách hàng, người dân tới hoạt động tại cơ sở.

+ Phân công cán bộ chịu trách nhiệm trong việc triển khai, tuyên truyền, giám sát và duy trì các hoạt động trong kế hoạch thông qua

+ Chỉ đạo việc thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động.

- Ra quyết định và hướng dẫn xử lý những trường hợp vi phạm.

Bước 2: Khảo sát thực trạng, xác định những khu vực cấm hút thuốc và những khu vực cấm hút thuốc nhưng cho phép các khu vực dành riêng cho người hút thuốc trước khi triển khai hoạt động thu thập những thông tin cần thiết để lập kế hoạch thực hiện sát với thực tế và xây dựng nội quy phù hợp với điều kiện của cơ quan, đảm bảo quy định cấm hút thuốc được tuân thủ một cách nghiêm túc.

- Lập danh sách: những khu vực cần thực thi cấm hút thuốc lá hoàn toàn, những khu vực cấm hút thuốc nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc; số lượng các phương tiện vận tải theo chủng loại (ví dụ số lượng xe taxi, xe buýt, xe khách đường dài…); các địa điểm/đơn vị kinh doanh dịch vụ đăng kí trên địa bàn đơn vị quản lí. (bắt buộc)

- Rà soát các quy định đã được ban hành liên quan đến môi trường không khói thuốc và tình hình thực thi. (bắt buộc)

Đã có đủ hệ thống biển báo và nội quy/quy định được niêm yết chưa? Nội dung, vị trí và chất lượng thông tin của biển, nội quy có phù hợp không? (vị trí treo, dán có dễ quan sát không? chất lượng biển báo và nội quy còn tốt hay đã/hoặc sắp hỏng? Nội dung nội quy có ngắn dọn dễ hiểu không?...). xác định nhu cầu về số lượng và kích thước biển báo. (bắt buộc)

- Hiện tại có bao nhiêu cán bộ, nhân viên của đơn vị còn hút thuốc, nơi thường hút thuốc là nơi nào? Ở những nơi được treo biển báo, tình trạng hút thuốc còn xảy ra không? Nếu còn thì nguyên nhân là gì? (không bắt buộc)

- Kiến thức của cán bộ, nhân viên quản lý nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng về tác hại của hút thuốc và hút thuốc thụ động như thế nào? (không bắt buộc) Ai/bộ phận nào được phân công trách nhiệm giám sát/ kiểm tra/ nhắc nhở?

Bước 3: Xây dựng nội quy và kế hoạch thực hiện (Bắt buộc)

Nội quy và kế hoạch hoạt động phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan sẽ góp phần quyết định thành công của hoạt động. Việc xây dựng cần căn cứ vào các văn bản pháp luật hiện hành và kết quả khảo sát thực trạng đã được tiến hành ở bước 2.

Việc xây dựng nội quy cần bám sát vào tiêu chí đánh giá phương tiện GTCC, bến xe, bến tàu, nhà ga, bến cảng không khói thuốc và những nội dung cơ bản sau:

+ Quy định cấm hút thuốc trên các phương tiện GTCC và tại các khu vực trong nhà của nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng.

+ Quy định về những hình thức xử phạt người vi phạm. hình thức xử phạt đối với người vi phạm là hành khách và cán bộ nhân viên nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng sẽ được đưa vào sau khi có nghị định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. các hình thức xử lí có thể bao gồm các biện pháp hành chính như tiêu chuẩn bình xét thi đua/khen thưởng cuối quý hoặc cuối năm. (Sử dụng các quyền hạn mà cơ quan, đơn vị có để ban hành các biện pháp bắt buộc phải thi hành).

+ Quy định cấm các hình thức mua bán, quảng cáo tiếp thị các sản phẩm thuốc lá trên các phương tiệng GTCC, và tại khu vực nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng.

+ Quy định về việc cấm tài trợ của các công ty thuốc lá dưới mọi hình thức.

+ Phân công tổ chức/ cá nhân chịu trách nhiệm giám sát thực hiện nội quy.

+ Xác định rõ hiệu lực về thời gian của nội quy.

+ Xây dựng kế hoạch thực hiện: Kế hoạch thực hiện cần bao gồm những nội dung sau:

+ Mục tiêu của hoạt động

+ Các hoạt động cụ thể cần thực hiện để đạt được mục tiêu

+ Thời gian thực hiện từng hoạt động

+ Tổ chức/ cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện

+ Kinh phí triển khai hoạt động

+ Kết quả/sản phẩm mong đợi của từng hoạt động

+ Những hình thức hỗ trợ, khen thưởng,

Bước 4: Phổ biến nội quy (bắt buộc)

+ Thông báo chính thức tới mọi công nhân viên chức, người lao động, hành khách và nhân viên các đơn vị cung cấp dịch vụ làm việc tại nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, trên các phương tiện giao thông về việc triển khai thực hiện “Phương tiện GTCC, nhà ga, bến tàu, bến xe, bến cảng không khói thuốc” qua hình thức họp giao ban hoặc bằng văn bản, bảng tin. tận dụng các nguồn truyền thông sẵn có của nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng (loa truyền thanh) để có thể tuyên truyền rộng rãi và nhanh chóng nhất tới mọi đối tượng

+ Niêm yết biển báo và nội quy cấm hút thuốc tại các địa điểm có quy định cấm.

+ Có thể yêu cầu các cá nhân, tập thể ký cam kết không hút thuốc trên các phương tiện GTCC và tại các địa điểm cấm hút thuốc của nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng.

+ Yêu cầu người quản lý nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, người điều khiển phương tiện Gtcc thường xuyên nhắc nhở hành khách, người bán hàng về quy định không hút thuốc trên các phương tiện GTCC, và nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng.

+ Ở những nơi được phép có khu vực dành riêng cho người hút thuốc cần có hướng dẫn và biển báo tại khu vực dành riêng.

Bước 5: Triển khai các hoạt động hỗ trợ thực hiện nội quy

+ Gắn biển báo “cấm hút thuốc” ở những vị trí dễ quan sát tại những địa điểm cấm hút thuốc

+ Loại bỏ các vật dụng liên quan đến thuốc lá như gạt tàn, bật lửa… tại các địa điểm cấm hút thuốc.

+ Tập huấn cho thanh tra giao thông, các cán bộ được phân công nhiệm vụ làm công tác truyền thông vận động và giám sát việc thực hiện nội quy không hút thuốc nơi làm việc về kỹ năng theo dõi, giám sát, viết báo cáo.

+ Cập nhật và phổ biến nội dung các văn bản của nhà nước về phòng chống tác hại thuốc lá cho cán bộ nhân viên.

+ Định kỳ tổng kết kết quả của việc thực hiện môi trường không khói thuốc trong đơn vị/ngành. Đánh giá kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và giải pháp khắc phục.

Bước 6: Kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện

Việc giám sát được thực hiện bởi tổ Giám sát theo sự phân công của lãnh đạo. Nội dung giám sát gồm:

+ Có hệ thống biển báo cấm hút thuốc, nội quy/quy định tại các địa điểm giám sát không?

+ Biển báo cấm hút thuốc có được gắn tại các vị trí dễ thấy và đông người qua lại không? có theo đúng mẫu quy định của bộ y tế không?

+ Có gạt tàn thuốc lá và đầu mẩu thuốc lá tại địa điểm quan sát không?

+ Cán bộ nhân viên, khách trên các phương tiện GTCC, nhà ga, bến xe, bến tàu, bến cảng, còn hút thuốc trong các khu vực cấm không? Bao nhiêu trường hợp vi phạm.

+ Có hiện tượng kinh doanh, quảng cáo, khuyến mại thuốc lá trong khu vực bị cấm không? Những trường hợp vi phạm đó được xử lý như thế nào?

P.V

Nguồn Văn nghệ số 25/2017

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm