April 27, 2024, 3:15 pm

Hồn thơ Nhật qua hai tập cổ thi kinh điển

Nguyễn Nam Trân là một tên tuổi quen thuộc với bạn đọc yêu văn học Nhật Bản. Ông sinh năm 1945 tại Đà Lạt, tốt nghiệp Đại học Todai, Đại học Paris và là tiến sĩ khoa học truyền thông. Ông đã giảng dạy nhiều năm trong các trường đại học ở Pháp và Nhật, hiện sống tại Nhật Bản. Bước chân vào con đường chuyển ngữ bằng tình yêu văn học và am hiểu văn hóa Nhật Bản, Nguyễn Nam Trân đã đưa nhiều tác phẩm kinh điển đến bạn đọc Việt. Ông chia sẻ với bạn đọc báo Văn nghệ về con đường dịch thuật cũng như quá trình chuyển ngữ hai tập cổ thi được coi là suối nguồn thi ca Nhật Bản.

Dịch giả Nguyễn Nam Trân

- Học tập và làm việc không liên quan đến dịch thuật, vậy con đường nào đã đưa ông đến với văn học Nhật Bản?

- Thoạt kỳ thủy, xin tưởng tượng ra một đứa học trò tiểu học yếu toán và các môn khoa học nhưng rất yêu văn. Hắn mải mê đóng góp vào những tập lưu bút ngày xanh và phần văn nghệ của các tờ bích báo nhà trường, từng dám tự nguyện ở lại lớp một năm cấp ba để được đổi từ ban Toán qua ban Văn chương. Rồi từ đó niềm đam mê văn học và một chút may mắn đã đưa hắn vào ban Việt Hán, Đại học Sư phạm Sài Gòn.

Nói về Nhật Bản lúc đó, kiến thức của bản thân tôi chỉ qua phim ảnh, chẳng hạn loại phim kiếm hiệp với nữ diễn viên Yamamoto Fujiko nhưng cũng có những cuốn phim lấy cảm hứng từ tác phẩm văn học. Cuối thập niên 1950, trên màn ảnh thành phố, tôi đã được xem Bạc trắng lửa hồng phóng tác Konjiki Yasha (1897-1902) của Ôzaki Kôzô và Cay đắng mùi đời phóng tác Sanshô Dayu (1915) của Mori Ogai, hai nhà văn nổi tiếng thời Minh Trị.

Tình yêu đối với văn học Nhật Bản đã được nhen nhúm trong hoàn cảnh đó và thực sự bùng nổ từ khi đặt chân lên đất nước Nhật Bản vào tháng 3 năm 1965 rồi sau đó hòa mình vào trong bầu không khí của xã hội Nhật Bản bên cạnh các đàn anh đàn chị sang trước.

Cảm mến một đất nước mới kinh qua một thảm họa chiến tranh và thời chợ đen, tem phiếu mà đã cố thắt lưng buộc bụng tiếp đón những du học sinh đến từ các nước Đông Nam Á nhằm đền đáp phần nào những hành động tiêu cực họ mới gây ra, tôi bèn rắp tâm tìm hiểu về những con người có tinh thần phục thiện và từng làm nên kỳ tích của một cuộc Duy Tân thay đổi được vận mệnh của mình, thông qua văn học, tấm gương lớn phản chiếu được tư duy và tâm tình của họ.

Rồi từ đó dù đã phải học nhiều ngành khác không dính líu gì đến văn chương để mưu sinh nhưng khi có cơ hội là tôi trở lại ngay với giấc mộng ban đầu.

- Hai tập cổ thi Bách nhân nhất thủ và Vạn diệp tập do ông dịch và chú giải đã giới thiệu tới bạn đọc Việt tinh hoa thơ ca Nhật Bản. Điều gì khiến ông bỏ tâm sức ra làm công việc dịch thuật, chú giải ấy?

- Tôi biết đến sự tồn tại của hai tập thơ cổ nói trên trong giờ văn học Nhật Bản khi đang theo học năm thứ hai tiếng Nhật ở trường Đại học Ngoại ngữ Đông Kinh (Gaigo-dai) với thầy tôi, cố giáo sư Kunimatsu Akira, vào khoảng năm 1966. Sau hai năm rưỡi được đào tạo tiếng Nhật chính quy ở Gaigo-dai, tôi mới được phép vào học chuyên ngành giáo dục ở Đại học Todai. Đọc đến được một lượng đáng kể để có thể dịch thì phải chờ đợi đến nhiều năm về sau, khi trình độ Nhật ngữ của tôi đã khấm khá hơn, cùng sự hỗ trợ song song của nhiều bản dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp của các nhà Đông phương học Âu châu, đặc biệt là giáo sư René Sieffert, người thầy dạy tôi ở ban Cao học văn chương Nhật (Diplôme Supérieur) ở trường Viễn Đông Sinh Ngữ Paris (INALCO) vào thời điểm sau 1970, năm tôi sang Pháp.

Sau này tình cờ tôi mới biết là các nhà báo của chúng ta như hai cụ Phan Khôi và Đào Trinh Nhất trong những cuốn sách hay bài giới thiệu về đất nước Nhật Bản (1937) từng nhắc đến Vạn diệp tập hay Truyện kể Genji. Hóa ra ở Việt Nam, vào khoảng cuối thập niên 1930 cũng đã biết đến Vạn diệp tập.

Khi đọc hai tác phẩm này, tôi cảm thấy trong Vạn diệp tập có một sự dàn trải, Bách nhân nhất thủ có một sự cô đọng. Tuy nhiên cả hai đều là nguồn cội của thi ca Nhật Bản, đúc kết được tình tự của người dân nước này từ nhiều thế kỷ trước thời Nara (đầu thế kỷ thứ 8) cho đến thế kỷ 13 (lúc Bách nhân nhất thủ ra đời). Có thể nói không có Vạn diệp thì không có Waka của Kokin (Kokin Waka-shuu = Cổ kim hòa ca tập) thì sẽ không có Bách nhân nhất thủ về sau. Và nếu Renga, Haikai, Haiku… có cơ hội ra đời thì chúng cũng phải được chắt lọc từ suối nguồn của Vạn diệp tập và Bách nhân nhất thủ. Ngay truyện kể Genji, truyện thơ Ise, tuồng Nô, kịch Kabuki, kịch Bunraku, thơ mới, văn xuôi của các văn hào Tanizaki, Kawabata và Mishima hay ca nhạc đương đại như Enka cũng có nhiều chỗ toát ra phong vị Nhật Bản đến từ một trong hai tập thơ này.

Tôi rất tiếc vì thời lượng hạn hẹp nên không thể đi xa hơn để nêu vài ví dụ cụ thể nhưng cứ xem niên hiệu Lệnh Hòa (Reiwa) của đương kim thiên hoàng thì ta biết nó cũng đã đến từ một chữ dùng trong Vạn diệp tập.

- Sau những lần đọc đầu tiên đó, ông có thường xuyên đọc lại hai tập thơ này không?

- Từ giữa thập niên 1970, vì “cơm áo gạo tiền” tôi đã phải chuyển sang các ngành thực dụng như kế toán và toán thuật trong kinh tế đồng thời làm việc bán thời gian và sau đó là toàn thời gian ở Viện Quản trị xí nghiệp (IAE, thuộc Đại học Paris I), dạy ở ban Việt Ngữ (Đại học Paris VII) cũng như trở thành Kế toán trưởng chi nhánh Paris của Tập đoàn tài chính quốc tế Nomura. Do đó, câu chuyện thi phú bắt buộc phải chìm vào quên lãng. Chỉ đến năm 1996, khi sang Nhật trở lại để nhận nhiệm sở mới ở khoa Kinh doanh quốc tế ở Đại học quốc tế Jôsai (J.I.U.), tôi mới thăm dò các văn bản Nhật, Anh, Pháp của Vạn diệp tập và Bách nhân nhất thủ trong thư viện nhà trường.

Lúc ấy, tôi có thêm một nguồn động lực là việc Hideo Levy (một người có hai dòng máu Mỹ-Nhật) vốn là giáo sư Đại học Hôsei đã dịch toàn văn Vạn diệp tập ra tiếng Anh và hơn nữa, trong số các giáo sư hằng năm được mời thỉnh giảng ở trường J.I.U., nơi tôi dạy học, có ông Joshua Mostow, người chuyên trị Bách nhân nhất thủ ở Đại học British Columbia (Canada). Dù vậy, tôi chỉ chớm có ý định dịch Vạn diệp tập và Bách nhân nhất thủ sang tiếng Việt sau 2001, khi công việc nhà trường đã ổn định và bản thân nhiều thời giờ rảnh rỗi hơn. 

Đã có cơ sở như thế rồi, tôi bèn tìm mua bộ Vạn diệp tập của Nhà xuất bản Ôbunsha gồm 4 tập với đầy đủ 4.516 bài thơ cũng như tập Bách nhân nhất thủ, cả hai đều có phần dịch sang kim văn và chú thích của các dịch giả. Đồng thời tôi đọc các lời bình của học giả Nhật Bản như nữ giáo sư Uemura Etsuko, một học giả chuyên môn về thơ Waka và bà Shirasu Masako, một nhà văn hóa rành rẽ Bách nhân nhất thủ.

Tôi lại theo dõi những bài giảng trong giờ quốc văn trên làn sóng của Đại học Phóng Thanh (Hôsô Daigaku) và tìm đọc những lời bình luận từ các sách giáo khoa cấp 2 và cấp 3 trung học rồi tuyển lựa khoảng 450 bài của Vạn diệp tập tức 1/10 để dịch và chú thích. Dĩ nhiên, trong khi làm việc, tôi phải giữ sao cho các thể thơ và các chủ đề thơ có một thế quân bình. Còn Bách nhân nhất thủ thì tôi đã dịch toàn văn 100 bài, không những thế, còn chua thêm các bản Anh và Trung văn.

- Người Nhật Bản đọc Bách nhân nhất thủ và Vạn diệp tập như thế nào? Tác phẩm kinh điển này trong nhà trường như thế nào?

- Người Nhật đọc Vạn diệp tập và Bách nhân nhất thủ như bộ phận của sách giáo khoa quốc văn trong trường lớp. Tùy trình độ, nó có mặt từ bậc tiểu học đến đại học, khái lược hay chi tiết. Không những thế, trong dân gian, Bách nhân nhất thủ còn là cơ sở của một trò chơi “bắt quân bài” (Karuta) để giải trí nhưng cũng để so tài phản xạ. Điều đó chứng tỏ hai thi tập nói trên là niềm tự hào của người Nhật và chúng đã thẩm thấu trong mọi giai tầng xã hội và mọi lứa tuổi ở Nhật.

- Ông gặp khó khăn gì khi dịch Bách nhân nhất thủ và Vạn diệp tập?

- Khó khăn trước tiên là khả năng thông hiểu tiếng Nhật của bản thân người dịch. Tôi đến Nhật năm 1965 để theo học một ngành khoa học nhân văn là Quản trị học đường và Tâm lý sư phạm nên không hề được đào tạo về văn phạm cổ văn ở nhà trường mà thơ Nhật thì dù cổ hay kim, kiến thức cổ văn lại rất cần thiết.

Sau năm 1970, tôi có học văn phạm cổ văn với bà Fujimori Keiko ở INALCO nhưng trong một thời gian quá ngắn ngủi nên sau đó phải mày mò từng bước một, mượn cả một nữ sinh viên người Nhật để dạy thêm cho mình, nghĩa là hầu như tự học. May thay người Việt chúng ta đã có truyền thống tự học rất tốt. Các cụ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Đào Duy Anh, Trương Tửu, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Duy Cần, Giản Chi, Nguyễn Bạt Tụy… là những bằng chứng hùng hồn. Đó là những tấm gương sáng tôi phải noi theo tuy rằng khoảng cách giữa các tiền bối ấy với tôi còn cách xa diệu vợi.

Khó khăn thứ hai là sự mù mờ đa nghĩa trong tiếng Nhật cổ mà ngay người Nhật có lúc cũng bó tay. Chẳng hạn sự thiếu vắng chủ từ và túc từ hay sự thay đổi ý nghĩa của một từ nào đó theo dòng thời gian. May thay, đã có các bản dịch sang văn nói, văn hiện đại kèm theo những lời bình luận sáng giá của các nhà sư phạm. Các dịch giả dịch Vạn diệp tập và Bách nhân nhất thủ sang tiếng nước ngoài thường là những vị khoa bảng, những nhà truyền giáo, nhà nghiên cứu uyên thâm nên các công trình tiên phong của họ cũng đã giúp tôi tìm ra những cách diễn tả tạm gọi là tương xứng trong tiếng Việt.

Khó khăn thứ ba, tiếng Việt của tôi là tiếng Việt của một người đã xa quê gần 60 năm nên trong quá trình làm việc, tôi cũng phải đọc lại các áng văn cổ của ta nhưng đồng thời cập nhật tri thức về tiếng nói hiện tại của nước nhà để khỏi bị ngăn cách với thế giới các độc giả đang sống.

- Khó khăn là vậy, trong quá trình dịch cổ thi, ông tìm thấy niềm vui gì?

- Nói là để đóng góp một phần nào và sự hiểu biết hay thông cảm giữa hai dân tộc thì có thể gọi là cường điệu như phải nói là tôi mang tâm sự và niềm vui của một người đi khai phá. Khai phá nhưng không phải là người duy nhất vì trong nước cũng đã có nhiều vị chú ý đến hai tác phẩm này và giới thiệu với độc giả bằng cách này hay cách khác. Tôi rất trân trọng các đóng góp của họ.

Sau nữa, vốn là một người yêu thơ từ tấm bé, tôi muốn bắt gặp hồn thơ của người Nhật mà tôi nghĩ rằng nó có một sự hòa điệu với tâm hồn của người Việt Nam, một dân tộc phương Đông cũng rất yêu thơ. Rộng hơn nữa là một hồn thơ nhân loại tuy chưa ai định nghĩa được hồn thơ nhân loại là gì.

Tôi còn nghĩ là mảng văn học cận, hiện đại đã có nhiều người quan tâm nhưng mảng cổ văn cổ thi thì chưa. Xuất thân là nhà giáo, tôi muốn làm được một điều gì đó để phục vụ cho tầng lớp sinh viên học sinh. Để rồi mai sau đây sẽ có những nhà nghiên cứu chăm chỉ hơn tôi, tinh thông hơn tôi có thể nối chí mình đi trên con đường gai góc này.

Trong Vạn diệp tập, tôi thích thú trước tính cách dân chủ của nó vì thơ đến từ mọi giai tầng xã hội cũng như tính mộc mạc, đời thường. Thế nhưng hơn cả Tanka, tôi thích nhất là bộ phận trường ca (Chôka, gồm cả Banka tức thơ ai điếu) của thi tập và rất tiếc là nó đã không được tiếp nối vì quá nhiều quy luật, khó áp dụng cho đại chúng. Về Chôka, khi đọc thơ khóc vợ (một Vãn Ca = Banka) của cụ Hitomaro trong Vạn diệp tập tôi liên tưởng tới Trường ca Đam San của đồng bào Tây Nguyên hay những bài văn đầy chất thơ của Xuân Diệu (Phấn thông vàng, Mùa hoa phượng), Hàn Mặc Tử (Chơi giữa mùa trăng) hay những bài thơ, bản nhạc dài của Văn Cao (Những người trên cửa biển), Phạm Duy (Con đường cái quan), Nguyễn Bính (Bài hành ca phương Nam)… và mong sao có một sự hồi sinh của loại hình văn nghệ này bởi vì nó có một giá trị đích thực.

Còn trong Bách nhân nhất thủ, tôi kinh ngạc với vai trò của các nữ thi nhân và số lượng những bài thơ tình diễm lệ, giàu nhục cảm nhưng tinh tế đã được viết ra. Hình thức “thi tuyển 100 bài thơ, mỗi người một bài” đó, tuy bị phê bình là hạn hẹp và thiếu khách quan nhưng nó vẫn có muôn màu muôn vẻ, đã chứng minh tính cách tập đoàn của người Nhật ngay cả trong lĩnh vực thi ca. Nó sẽ là khuôn mẫu cho những tuyển tập thi ca cho Tanka, Senryuu, Haiku… của các thời kỳ đến sau chẳng hạn.

- Ông có biết người đọc Việt Nam đọc Bách nhân nhất thủ và Vạn diệp tập như thế nào không?

- Tôi không rõ hay nói cho đúng hơn, tôi chỉ mường tượng ra cách họ đọc. Tôi xin thưa là Vạn diệp tập có tầm cỡ của những bộ sử thi hay thi tập của Hy Lạp (Odyssey, Iliad), Ấn Độ (Ramayana, Mahabharata) và Trung Quốc (Kinh thi) với sức lan tỏa vừa sâu vừa rộng. Còn Bách nhân nhất thủ là một thi tuyển cổ xưa rất sáng giá không thua kém một thi tuyển nào trên thế giới. Nếu độc giả Việt Nam chúng ta nhìn nhận hai quyển sách này là tác phẩm thật sự có giá trị, dễ tiếp xúc và lý thú là tôi đã đủ thấy vui rồi. Tôi chỉ e rằng với những bất cập của bản thân, tôi đã không truyền tải được hồn thơ Nhật Bản trong hai kiệt tác ấy vào tâm hồn người Việt. Hy vọng là sẽ có những người đến sau đi trọn con đường mà tôi chỉ là một kẻ hãy còn đứng mấp mé ở điểm khởi hành.

- Trong các nước Đông Á, các tác giả Nhật Bản thường góp mặt với văn đàn quốc tế và thu lượm nhiều thành quả cũng như vinh dự. Đâu là lý do của sự khai hoa đó và viễn tượng một thành tựu nổi bật của văn học Việt Nam trên trường quốc tế có còn xa vời lắm không?

- Đây là một câu hỏi lớn nên không dễ trả lời. Nó sẽ còn được đông đảo các bên liên hệ khai thác lâu dài. Tôi chỉ xin đưa ra cảm nghĩ cá nhân vào thời điểm này thôi.

Tôi nghĩ nếu các tác giả Nhật Bản thành công (không phải vì họ có được hai, ba giải Nobel văn học), họ có tự do trong biểu đạt, được hậu thuẫn bởi một nền văn hóa đẹp, sâu sắc và đồng thời cũng rất hoành tráng, thu hút tia nhìn của thế giới.  Từ đó, người ngoại quốc đã nô nức tìm đến với họ, đầu tiên có thể vì lòng hiếu kỳ, nhưng sau khi đã hiểu được tường tận thì niềm đam mê đã nảy sinh. Ngoài ra, Nhật Bản còn có một hệ thống truyền thông lớn và mạnh mẽ, một lực lượng xuất bản hùng hậu, quy củ, và trên hết là một quần chúng hết sức ham mê đọc sách, xem phim.

Nhật Bản đã vượt qua được khó khăn về ngôn ngữ. Ngoài Ishiguro (người không hẳn là Nhật thuần túy), những Tanizaki, Kawabata, Mishima, Endo Shusaku… đều đã phải nương dựa vào tài năng của các dịch giả để đến với thế giới. Nói về khía cạnh này thì tiếng Nhật cũng như tiếng Việt đều ngang nhau vì độ phổ biến của hai thứ ngôn ngữ này đã gây cho họ lẫn ta nhiều sự thiệt thòi khi phải góp mặt với đời. Thế nhưng nếu họ đã vượt qua được cái ải đó thì tại sao chúng ta không thể vượt qua?

Để có thể chen chân với thế giới, chúng ta hẳn cần có một bầu không khí sáng tác thoải mái, một đội ngũ dịch thuật hùng hậu, một hệ thống “hậu cần” đầy năng lượng, trong đó có các cơ quan truyền thông, các nhà xuất bản và quần chúng độc giả.

Một câu sau cùng mà tôi muốn hỏi là: Văn học Việt Nam là gì? Một nền văn học viết bằng tiếng Việt hay một nền văn học trong đó có những nhà văn gốc Việt nhưng có thể trực tiếp diễn tả bằng cả tiếng nước ngoài? Nếu như đó là trường hợp thứ hai thì cánh cửa bước ra vũ đài thế giới sẽ còn khoáng đãng cho chúng ta hơn nữa.

Vậy thì xin chúng ta hãy khoan mơ mộng nhưng cần nhất là phải đặt những viên đá lót đường kể từ hôm nay.

Nam Tử thực hiện

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm