April 28, 2024, 5:15 pm

Hỗn độn hư ảo lảo đảo tha nhân

 

1. Khi khép trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết vừa đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023, tôi thấy mình như vẫn lưu lạc ở một khúc sông nào đó của đời mình. Khi lật trang sách đầu tiên, lúc trời đã vào những ngày cạn chạp, thời điểm ai cũng chộn rộn và nao nức với Tết. Nhưng, tôi vẫn tin chắc từ trong hối hả đó, người ta cũng sẽ dành riêng những khoảnh khắc lắng lòng mình lại, nghĩ suy về quãng đường 365 ngày vừa qua, để soi chính mình. Và tôi chọn Tuyệt không dấu vết cho khoảnh khắc này, khoảnh khắc tôi tìm mình giữa hai bờ sông hư và thực.

Nguyễn Việt Hà đã xác tín hành trình văn chương mình từ lâu bằng hàng loạt tác phẩm khiến ông ghi đậm dấu ấn trong lòng công chúng. Người ta có thể gọi ông là nhà “Hà Nội học” khi đọc các tạp bút tản văn của ông về Hà Nội. Hoặc gọi ông là “tiểu thuyết gia kể chuyện thị dân”. Nhưng có lẽ với Tuyệt không dấu vết, lần này, lắm khi mọi người lại gọi nhà văn thành “Ông biết tuốt”. Bởi sự vạm vỡ của cuốn tiểu thuyết này không nằm ở ngôn ngữ như một sở trường mà nhiều người thán phục ông mà còn ở những kiến thức uyên bác ẩn trong câu chuyện, tựa thể ông chỉ mượn nhân vật thám tử Tuấn để dẫn đắt độc giả một hành trình khám phá ra những hàm nghĩa ẩn sâu từ tình tiết lẫn câu thoại.

Gần 400 trang sách gói thông điệp to. Thông điệp to bao bọc những thông điệp nhỏ. Thông điệp nhỏ lại như những mạch rễ bám sâu vào trí não người đọc để nhắc nhớ những điều tưởng chỉ là tiểu tiết nhưng hóa ra cần thiết khắc cốt khảm tâm. Lồng lộng những câu chữ mà người đọc tin chắc sẽ khựng lại một nhịp và nghĩ suy rồi thở. Thở những nhịp thở dài để rồi lại cắm cúi đọc. Giữa những quãng thở dài đó luôn là những nụ cười giễu nhại thâm thúy để độc giả tấm tắc gật gù sự tài tình lẫn tinh quái của “Ông biết tuốt”. Bất cứ chuyện gì, giữa đạo và đời, Nguyễn Việt Hà bày ra trong Tuyệt không dấu vết luôn có chủ đích chuyển tải một thông điệp sống. Sống giữa đôi bờ luôn là cái sống khó khăn, nhì nhằn, nhưng lại lí thú và cuốn hút. Sống như một hành trình truy tìm chính mình. Để rồi khi gõ cánh cửa tận cùng sẽ chẳng thể truy ra dấu vết. Bởi, chắc chắn cuộc đời này đâu ai hạnh ngộ những tàn dư của mình. Có chăng là khi đã về một bến bờ nào đó trong tâm thức, ngó lại nỗi đời, mới thấy nỗi mình. Như chính Nguyễn Việt Hà đã viết trong tiểu thuyết: “Người chết có biết mơ không? - Có, người chết thường mơ được mình là đang sống”. Một câu văn khiến độc giả như nắm được sợi dây để bắt mạch truyện mà đi suốt hành trình truy tìm cùng Nguyễn Việt Hà.

2. Tuyệt không dấu vết chắc chắn không dành cho những ai đọc vội. Bởi cái tài tình trong dẫn dắt của nhà văn cần một sự chậm rãi và chiêm nghiệm. Ngay chính kết cấu của cuốn tiểu thuyết cũng cho thấy Nguyễn Việt Hà kén chọn và thử thách độc giả mình. Với 3 tuyến truyện chính, đảo lộn những ngôi kể, tung mảng miếng và úp mở những cài cắm, vậy thôi, đủ để thấy sự dụng công của nhà văn. Dĩ nhiên với sự đầu tư tâm sức này, Nguyễn Việt Hà vừa làm mới mình mà cũng vừa thử thách độc giả đi suốt hành trình truy tìm dấu vết. Thám tử Tuấn của văn phòng thám tử Tam Tuấn là nhân vật chính, được tạo dựng như một cốt lõi của câu chuyện và sự bủa vây của hàng loạt nhân vật phụ. Và điều quan trọng là không một sự xuất hiện nào hời hợt hoặc vô nghĩa. Từ thằng Tuấn Anh, thằng Anh Tuấn, Nguyễn Sơn Linh, Mai Siêu Phong (Nguyễn Thị Diệu Phong - Thiếu phụ số 7) rồi lần lượt là Thành, Bách, Du, hồng y thiếu phụ, bà đồng Thanh Thủy, thằng Ti, bố Thuận, cho đến Thầy Phúc, Ma dam An Na Kha Lệ Minh, Vô Danh đại sư… Tất cả một hệ thống nhân vật được xử lí kĩ càng, đan cài như mắc lưới, giăng người đọc trong một biên độ không gian và thời gian vô cực. Vì lẽ đó, Tuyệt không dấu vết kích thích người đọc đi từ hồi này qua tới hồi khác một cách biên miên. Mỗi một hồi đi qua lại thắc thỏm liệu hai người phụ nữ đi tìm hai người đàn ông của cuộc đời mình đã mất tích có tìm ra được? Manh mối như tơ vò, trong tù mù đó đâu là hư, nào là thực?

Bằng cách thay đổi liên tục giọng kể, Nguyễn Việt Hà chủ đích làm nhiễu đi sự chú ý vào giọng văn, buộc người đọc phải hóa thân theo mình, đi sâu vào sự thay đổi liên tục của bối cảnh. Lắm lúc độc giả phải lật lại trang sách cũ, dò tìm ngôi kể để tin chắc rằng mình không đọc nhầm. Chính sự lật lại đấy sẽ cho độc giả ghim vào trí nhớ mình những tình tiết quan trọng được cài cắm mà có khi chỉ một lần đọc không hiểu ý đồ của nhà văn. Có khi ngôi kể đang là người đàn ông hiện hữu trên cõi đời, thoắt sang trang lại là của những người phụ nữ mang bí danh và rồi trang sách kế lại là nỗi niềm của hồn ma. Hoán chuyển, nghịch đảo như một kĩ thuật sắp xếp khéo léo mang tính dẫn dụ nhưng kì thực khi đi trọn đến hồi mười chín mang tên “u u minh minh” độc giả như hạnh ngộ một sự đồ sộ nhưng giản đơn. Bởi khi thấu hiểu thì mọi lẽ đời, mọi sự việc, thậm chí mọi nghĩa ẩn tựa như thác nước ồ ạt chảy tràn trong tâm khảm người đọc.

Nhưng, nếu vì thế cho rằng tiểu thuyết này nặng nề bởi kết cấu như tấm lưới chằng chịt chi tiết hoặc quá nhiều nhân vật thì phải nhắc đến sự tinh quái khi biết khống chế cảm xúc người đọc bằng thủ pháp viết rất hay của Nguyễn Việt Hà. Giữa mê lộ hành trình, anh vẫn tạo ra những quãng nghỉ để độc giả thở và cười. Thở ra rồi hít vào tái tạo một sinh khí mới mẻ và mê đắm theo dõi con chữ của nhà văn. Ở tiểu thuyết này, Nguyễn Việt Hà vẫn giữ thói quen pha sự giễu nhại vào thế thái nhân tình thậm chí cười cợt như hư danh trong xã hội, hủ lậu trong nếp nghĩ. Thậm chí có những đoạn văn đọc lên cười đó nhưng, ngẫm lại thì đau đó ngay tức thì. Ngay như cái cách Nguyễn Việt Hà giễu nhại ở hồi mười ba (the confession) về tổ nghề mại dâm cũng cho thấy một kiến văn sâu và đầy để dẫn dắt từ thời Xuân Thu, nước Tề, có Quản Trọng và lí giải rõ ràng về “Nữ lữ”. Đọc và ngẫm sự dắt dây từ thời đại đó cho đến nay mới thấy Nguyễn Việt Hà hay đến mức nào. Tích xưa - chuyện nay, quá khứ - hiện tại, mơ - thực… nhiều lắm những đối cực được bày biện ra và người đọc chính là dùng bản năng chính mình, trải nghiệm hành trình sống, và căn cơ thiện thành để đi tìm chân lý sống? Dấu vết có tồn tại không? Thế nhưng rốt cuộc “mình” là ai? Cứ cho là thám tử đã bịa ra “Lãng tử”. Vậy ai đã bịa ra “Thám tử?”. Câu hỏi này chính là thách thức của nhà văn dành cho độc giả trong Tuyệt không dấu vết.

3. Rất nhiều bài viết đã nói về cuốn sách ở mảng “trinh thám - kiếm hiệp”, ở cách sử dụng văn phong nửa Tây nửa Tàu, nửa cổ nửa kim, thậm chí có bài dẫn luôn tóm tắt tiểu thuyết với hành trình chu du của thám tử Tuấn và chuyện hai người thiếu phụ 7 và thiếu phụ 9. Nhưng, thiết nghĩ đó là điều mà trên bề mặt chữ hiện rõ mồn một, độc giả có thể thấu cảm. Riêng cá nhân người viết bài này, đọc cuốn sách trong những ngày mà năm đã hết, Tết đã đến, cảm nhận một sự lắng sâu mầu nhiệm ở triết lí sống trong hành trình gá thân mình nơi cõi tạm này rất rõ nét thông qua câu chữ của nhà văn Nguyễn Việt Hà. Có 2 điều mà anh không cần dụng công nhưng chính 2 điều ấy khiến cuốn tiểu thuyết lần này chinh phục độc giả và gây một dấu ấn mạnh mẽ trên văn đàn đó là bản năng minh triết và tính bản xứ trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Song khi cuốn sách trong tôi cứ vang lên dòng chữ: “Đã thật là văn sĩ thì chẳng có ai “chín chắn” cả. Hình như càng ngu ngốc, văn họ lại càng hay”. Trong giễu nhại này là một sự thâm thúy mà có lẽ phải đau đáu với nghề và nếm trải những gieo neo với chữ nghĩa mới viết lên câu chữ này được.

Hành trình truy tìm dấu vết có thể tuyệt không, nhưng với độc giả là tuyệt có. Rất tuyệt bởi trong hỗn độn hư ảo vẫn còn có những thao thiết thực tại; trong lảo đảo tha nhân vẫn còn có chính trực cuộc người.

Tống Phước Bảo

Nguồn Văn nghệ số 9/2024


Có thể bạn quan tâm