May 5, 2024, 6:29 pm

Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố

Sáng 20/4/2023, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (Số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội), Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố (20/4/1893 - 20/4/2023) với sự tham dự của đông đảo các thế hệ nhà văn, đại diện gia đình và độc giả.

Nhân dịp này, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cũng giới thiệu tác phẩm “Cẩm Hương đình” của Tống Lang, do Ngô Tất Tố dịch - ấn bản kỷ niệm 100 năm bản dịch đầu tiên ra mắt. “Cẩm Hương đình” đề cập đến nỗi khổ đau và khát vọng hạnh phúc của con người trong một thời đại tao loạn, cũng như giá trị sống đích thực của con người. Cuốn sách được nhà văn Ngô Tất Tố dịch năm 1915, in và phát hành tại Hà Nội lần đầu năm 1923.

Nhà văn Ngô Tất Tố được nhiều thế hệ độc giả biết đến với tác phẩm “Tắt đèn” qua chương trình sách giáo khoa phổ thông trung học, và sau này tác phẩm được chuyển thể thành phim truyện với tên “Chị Dậu”. Tiểu thuyết “Lều chõng" của ông rất nổi tiếng, ngày nay vẫn còn nguyên giá trị xã hội và văn học. Ông xuất thân trong gia đình nhà Nho có truyền thống hiếu học tại phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, nay là huyện Đông Anh, Hà Nội. Trong suốt cuộc đời của mình, ông luôn lựa chọn “dấn thân” trên con đường viết lách. Ông đã cho biết bao thế hệ độc giả thấy được sức sáng tạo của một nhà văn tiên phong sáng lập và phát triển trào lưu văn học mới - văn học hiện thực; một nhà báo mang tư tưởng tân tiến góp phần thúc đẩy sự chuyển mình mạnh mẽ của báo chí nước nhà, đồng thời, ông là một học giả dồi dào những công trình nghiên cứu và dịch thuật.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 130 ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố (Ảnh: Hoàng Hoàng).

Tại lễ kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã nhấn mạnh: Ngô Tất Tố là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa, học giả lớn của dân tộc. Ông đã xác lập con đường đi của mình từ khi còn rất trẻ và kiên định, bản lĩnh, trí tuệ, quả cảm trên con đường đó, trở thành người viết luôn đứng về phía nhân dân, về phía ánh sáng lương tri để chống lại bóng tối. Tất cả những trang viết, tác phẩm dịch của ông đều trở thành di sản của nền văn học, văn hóa Việt Nam và vẫn còn giá trị lớn trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam đương đại. Cuộc đời và sự nghiệp của ông mãi xứng đáng được ngưỡng mộ, tôn vinh và là tấm gương để các thế hệ nhà văn, nhà báo, thế hệ trẻ học tập và đi tới.

G.S Hà Minh Đức tại lễ kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố (Ảnh: Hoàng Hoàng).

Theo Giáo sư Hà Minh Đức: “Tác phẩm của Ngô Tất Tố là ranh giới giữa văn hóa cổ và hiện đại. Ông đã từng dịch và giới thiệu Nho giáo, Lão Tử, Mạnh Tử, Kinh dịch, thơ Đường, tác phẩm “Hoàng Lê nhất thống chí”… Tuy nhiên, nhà Nho lão thành cũng lại vô cùng sắc sảo quan tâm đến nhiều vấn đề xã hội. Một Ngô Tất Tố hiện đại qua hàng loạt bài báo với tinh thần đấu tranh bảo vệ chân lý, quyền sống cho người nông dân bị áp bức khổ cực. Một Ngô Tất Tố hiện đại với những tiểu thuyết phóng sự phản ánh sâu sắc, chân thực những bức tranh quê, những đổi đời của văn hóa phong kiến suy tàn”...

Cũng tại buổi lễ kỷ niệm này, các đại biểu là các nhà văn, nhà nghiên cứu uy tín đã làm rõ hơn những nhận định về tài năng, đóng góp của nhà văn Ngô Tất Tố đối với văn học Việt Nam nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung mà còn góp phần khẳng định tư cách nhà văn hóa, tư cách một nhân vật lịch sử Ngô Tất Tố trong tiến trình hiện đại hóa nền văn học, nền báo chí và nền văn hóa Việt Nam.

PV.

 


Có thể bạn quan tâm