May 3, 2024, 7:01 pm

Hội Nhà báo Việt Nam tổng kết các chuyên đề lớn năm 2023

Sáng ngày 16/11, tại thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 4 chuyên đề lớn của Hội Nhà báo Việt Nam năm 2023.

Tới dự về phía các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hoà Bình có đồng chí Nguyễn Phi Long – Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hoà Bình cùng các đồng chí đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Hoà Bình.

Về phía lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Lê Quốc Minh – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đồng chí Nguyễn Đức Lợi – Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo các ban chuyên môn của Hội và đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí của 25 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 20 Liên Chi hội và 100 Chi hội Nhà báo trực thuộc.

Đồng chí Lê Quốc Minh – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong ngày hôm nay, Hội nghị tổng kết 17 năm Giải Báo chí Quốc gia và Tổng kết công tác Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao năm 2022; triển khai chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao năm 2023, 2024.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Quốc Minh – Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập tại Chiến khu Việt Bắc  vào ngày 21/4/1950, đến nay đã có 73 năm trưởng thành và phát triển. Trải qua 11 kỳ Đại hội, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, sự quản lý và quan tâm của Nhà nước, tổ chức Hội không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng với gần 25.000 hội viên - nhà báo sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên Chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Hội Nhà báo Việt Nam. Hội Nhà báo Việt Nam đã thực sự trở thành “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết rộng rãi những người làm báo cả nước, tạo môi trường sinh hoạt nghề nghiệp bổ ích, thiết thực cho các cấp Hội, thúc đẩy phong trào nghiệp vụ, gìn giữ ngọn lửa say nghề, phát huy tinh thần cống hiến của hội viên, động viên đội ngũ người làm báo tuyên truyền thực hiện thắng lợi các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh kịp thời những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, góp phần xây dựng nền báo chí giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp và hiện đại vì lợi ích của đất nước và nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Phi Long – Uỷ viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hoà Bình phát biểu chào mừng Hội nghị

Đánh giá cao vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Hội Nhà báo Việt Nam trong đời sống kinh tế - xã hội, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện cho Hội phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ. Ngày 1/6/1999, Thủ tướng chính phủ ra Quyết định số 583/QĐ-TTg dành khoản kinh phí 10 tỷ đồng/năm, tài trợ trong 2 năm 1999-2000 để thực hiện một số mục tiêu hỗ trợ hoạt động sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật và báo chí. Ngày 25/4/2016 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 650/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án đã hoàn thành trọn vẹn, đạt được nhiều kết quả tích cực. Và tiếp nối những thành công đó, ngày 08/4/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 558/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương; hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2021 – 2025”.

Chương trình tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn, tập trung vào việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, định hướng tuyên truyền, khai thác các mảng đề tài quan trọng như: Đề tài về Đảng, về Bác Hồ, về tuyên truyền Nghị quyết Đại hội lần thứ  XII, XIII của Đảng,về các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc tại địa phương; về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, giữ gìn an ninh, chính trị; đề tài về lịch sử cách mạng, kháng chiến, về xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đề tài về công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, xóa đói giảm nghèo, về miền núi, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, v.v.. 

Mặc dù kinh phí được cấp hàng năm đã được tăng thêm nhưng vẫn còn hạn chế so với nhu cầu thực tế sáng tạo tác phẩm, nhưng từ nguồn hỗ trợ đó, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam có thêm điều kiện, động lực mới để tập hợp, đoàn kết, động viên hội viên hăng say sáng tác. Công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao đã tạo được sự đồng thuận, gắn kết thi đua trong báo giới, tạo nên những tác phẩm có chiều sâu, phản ánh đậm nét mọi mặt của đời sống xã hội. Nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo, thâm nhập thực tế sáng tác, trao đổi kinh nghiệm tác nghiệp được tổ chức hằng năm. Đặc biệt, các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo cách vừa làm vừa học đã giúp các hội viên cập nhật kiến thức, tiếp cận với những phương pháp và công nghệ làm báo hiện đại. Nhiều bài viết ngày càng giàu tính chiến đấu, tính giáo dục, định hướng tư tưởng chính trị cao, góp phần ổn định và phát triển xã hội, qua đó khẳng định rõ hơn vai trò, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đây cũng chính là nguồn để các địa phương tuyển chọn các tác phẩm chất lượng tham dự Giải Báo chí Quốc gia hằng năm và đạt nhiều giải cao trong những năm gần đây. 

Toàn cảnh Hội nghị buổi khai mạc

Trải qua 17 năm tổ chức, Giải Báo chí Quốc gia đã thu hút khoảng hơn 20.000 tác phẩm tham dự trong cả nước gửi về cho thấy sức hút của Giải ngày càng lớn, thu hút được sự quan tâm và tham gia của đông đảo giới báo chí và công chúng. Các tác phẩm đoạt giải cao là những tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc, công phu, nhiều cách thức thể hiện sáng tạo, sinh động, hấp dẫn bạn đọc, thể hiện rõ năng lực chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo báo chí. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, công nghệ làm báo ngày càng đổi mới đặt ra những yêu cầu, thách thức mới trong quá trình tổ chức Giải.

Năm 2022, Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng kết Công tác hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao giai đoạn 2016 – 2020; triển khai hướng dẫn thực hiện Quyết định 558/QĐ-TTg và Hướng dẫn 3824/HD-BVHTTDL ngày 15/10/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thực hiện Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 08/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ đối với 3 khu vực phía Bắc, Miền Trung – Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam. Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những vướng mắc, hạn chế trong việc thực hiện Đề án, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong 5 năm tiếp theo.

Hôm nay, tại Hòa Bình, Hội nghị sẽ phân tích, đánh giá kết quả đạt được qua 17 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, cũng như những khó khăn, vướng mắc và những bất cập hiện nay trong quá trình tổ chức Giải, để từ đó đặt ra những đề xuất, giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của Giải nhằm phù hợp với xu thế chuyển đổi số, nâng cao hơn nữa vị thế của Giải chuyên ngành lớn nhất cả nước. Đồng thời, Hội nghị cũng nhằm đánh giá kết quả 01 năm thực hiện Chương trình hỗ trợ chất lượng cao giai đoạn mới để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục quán triệt và thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ các tác phẩm báo chí chất lượng cao trong các năm 2023, 2024.

Việt Thắng 


Có thể bạn quan tâm