May 5, 2024, 5:39 pm

Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Liên hiệp các hội Văn học – Nghệ thuật Việt Nam

 

Chiều ngày 5/1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ban tuyên giáo Trung ương, Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học, nghệ thuật, hoạt động của liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Hội nghị đã đánh giá các hoạt động trong năm 2023, từ đó định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm mới nhằm triển khai nhiều hoạt động văn học nghệ thuật có ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả.

 

Đại biểu tham dự Hội nghị

 

Đến dự hội nghị có các đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (Liên hiệp Hội) chủ trì Hội nghị, bên cạnh đó có sự góp mặt đại biểu các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo 10 Hội VHNT chuyên ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan liên quan.

2023 là năm mà văn học, nghệ thuật nước nhà có nhiều hoạt động, kỷ niệm quan trọng. Trên cả nước, hoạt động sáng tạo, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật diễn ra sôi nổi, với các hình thức phong phú, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của công chúng. Các hoạt động văn học, nghệ thuật ở cơ sở được quan tâm, đầu tư. Hoạt động của các đơn vị nghệ thuật tiếp tục được phục hồi. Các loại hình nghệ thuật có những tìm tòi, đổi mới đáng ghi nhận. Các Hội VHNT ở Trung ương và địa phương tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, chủ đạo trong tổ chức các hoạt động, sự kiện, động viên đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực tham gia hưởng ứng sáng tác.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Trên cơ sở điều kiện thực tế, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, năm 2023, Liên hiệp và các hội đã chủ động, linh hoạt theo yêu cầu, tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt, trong sáng tạo, tổ chức; triển khai nhiều chương trình hoạt động văn học nghệ thuật có ý nghĩa, thiết thực, hiệu quả, hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, với nhiều nỗ lực, đạt được nhiều thành tích.

Nhiều hội đã có sáng kiến đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các chương trình phối hợp, liên kết theo nhóm, hoạt động hướng về cộng đồng, đưa tác phẩm văn học, nghệ thuật đến với công chúng, nhất là giới trẻ, đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được Liên hiệp và các hội, các đơn vị nghệ thuật hưởng ứng, tham gia tích cực. Công tác chuyển đổi số cũng được các hội đầu tư triển khai.

Bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt hạn chế như công tác tổ chức thực hiện pháp luật, quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các hoạt động văn học, nghệ thuật ở một số tỉnh thành, địa phương, trong một số lĩnh vực (hoạt động triển lãm, biểu diễn nghệ thuật...) còn chưa kịp thời, hiệu quả. Tình trạng vi phạm bản quyền trong văn học, nghệ thuật, việc quản lý, ngăn chặn, xử lý các thông tin, sản phẩm độc hại, gây hủy hoại đạo đức xã hội trên không gian mạng còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu.  Việc quy hoạch đội ngũ cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ 2025-2030, kiện toàn tổ chức, lãnh đạo của các đơn vị trực thuộc chậm được triển khai, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển trong tình hình mới.

Việc xây dựng thể chế, hoàn thiện chính sách pháp luật đã có nhiều nỗ lực triển khai nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống pháp luật liên quan tới lĩnh vực văn học nghệ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, và nhanh lạc hậu. Một số cấp ủy đảng, ban lãnh đạo các hội, đơn vị có liên quan chưa thực sự quan tâm đến chất lượng, chiều sâu của các hoạt động, chưa gắn các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ đời sống tinh thần hàng ngày của nhân dân, chưa thực sự bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực để linh hoạt, chủ động, sáng tạo cụ thể hóa thành chương trình hành động, đề án, dự án, kế hoạch công tác.

Hội nghị cũng đề ra một số mục tiêu cần phải phấn đấu đạt được trong năm 2024. Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật. Quán triệt các ý kiến kết luận, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trọng tâm là phát biểu chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, từ đó vận dụng, cụ thể hóa thành các chương trình, đề án, kế hoạch hoạt động của đơn vị.

Liên hiệp và các hội chủ động, tích cực trong phối hợp triển khai, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; có kế hoạch cụ thể để triển khai Kế hoạch số 390-KH/BTGTW ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất, xác định rõ nhiệm vụ, nội dung, sản phẩm cần thực hiện, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông qua các hình thức phù hợp, để phát động phong trào thi đua trong toàn khối hưởng ứng sự kiện quan trọng này.

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam ( thừ 4 bên phải) nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh Nguyễn Hà Phương

 

Tại hội nghị, Hội Nhà văn Việt Nam cùng một số đơn vị, Hội chuyên ngành đã được Ban Tuyên giáo Trung ương tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2023.

Hà Phương

 


Có thể bạn quan tâm