May 2, 2024, 12:13 am

Hơi hướm đàn bà trong Phố núi mù sương*

Văn của Y Nguyên (sinh năm 1965 tại Phú Yên) đến tập thứ 4 Phố núi mù sương này vẫn thế (3 tập truyện ngắn đã in: Những đứa con của gió, 2002; Người không có nơi về, 2004; Thiên đường không có tòa án, 2022).

Vẫn như gã làm văn xứ Nẫu tự nhận là mơ và thực nhập nhòa, vẫn luôn bị ám ảnh bởi các sinh thể giống cái, vẫn là trường hấp dẫn đầy âm tính… Tóm lại văn Y Nguyên, diễn đạt cụ thể và chính xác là truyện ngắn Y Nguyên, chủ yếu mang hơi hướm đàn bà. Chỉ xin sơ phác đôi chút về điều đó trong tập truyện ngắn mới nhất của tác giả, Phố núi mù sương như đã giới thiệu ở trên.

Phố núi mù sương của Y Nguyên khá dày dặn (264 trang khổ 14,5 x 20.5) gồm 34 truyện ngắn sáng tác trong mấy năm gần đây. Y Nguyên hầu như không coi trọng cốt truyện, chỉ chú ý đến văn. Câu văn. Giọng văn. Mạch văn. Cũng là một cách viết vậy. Văn tải nội tâm nhân vật trong những cảnh huống chọn lọc tinh tế và mang những sắc thái, cung bậc tình cảm khác nhau. Văn nhiều cảm xúc, nói cách khác giàu chất trữ tình của thơ. Theo tôi, cái thu hút trong truyện ngắn của Y Nguyên là văn chứ không phải cốt truyện nhiều tầng lớp, nhiều đan xen, nhiều quanh co, nhiều bí hiểm như ta từng gặp ở những tác giả khác. Văn dựng nên phong cách truyện ngắn Y Nguyên. Đây nhé: “… Nụ hôn chệch đường, phớt qua trên má. Nhẹ nhàng gỡ tay Hiền, tôi quay đầu lảo đảo bỏ đi. Sau lưng, tôi biết Hiền đang khóc. Không ngoảnh lại tôi vẫn biết Hiền khóc. Cứ khóc đi em, Hiền, chị Hiền. Dại dột nào cũng sẽ qua. Mù lòa nào cũng sẽ qua. Sau cơn quị ngã, nếu mà chưa chết, dù muốn dù không, con người cũng sẽ vẫn phải thu hết sức tàn mà gượng dậy, mà góp nhặt những gì còn có thể, và tiếp tục cuộc hành trình…” (Phố núi mù sương)

Cũng như văn giàu chất thơ, đàn bà làm nên truyện ngắn của Y Nguyên. Trước hết phải nói với bạn đọc điều này; nhân vật chính trong phần lớn truyện ngắn của Y Nguyên là đàn bà. Đàn bà dựng nên chuyện. Đàn bà sung sướng và khổ đau. Đàn bà hạnh phúc và bất hạnh. Đàn bà mong manh, lãng đãng, hư thực hòa trộn. Có đàn bà mới có những khúc đoạn nội tâm đầy day dứt trong những hợp - tan, yêu - ghét, cao cả - thấp hèn rất đời thường. Đàn bà như là nguyên cớ gốc của nhiều nguyên cớ khác tạo nên sóng gió cuộc đời. Sóng gió trong chính cuộc đời mình, sóng gió của người khác. Đàn bà, muốn nói khác đi cũng không được đâu; đó là phần lớn cuộc sống của nhân loại. Và mặc nhiên họ xứng đáng, rất xứng đáng được yêu thương, tôn trọng, nâng dìu, bênh vực trong cả chiến tranh và hòa bình, trong cả trời yên biển lặng và bão táp phong ba, trong cả bình an thanh nhẹ và đại dịch kinh hoàng. Tôi đọc được thông điệp ấy trong những truyện ngắn của Y Nguyên. Như sợi chỉ màu tím xuyên suốt chuỗi truyện ngắn đậm đặc mùi vị đàn bà của gã nhà văn đa tình này vậy.

Đàn bà. Hơi hướm đàn bà. Đó là những Hiền và Hạ trong truyện Phố núi mù sương; bà cụ đi ăn xin trong Đồng tiền lẻ; là người mẹ trong Góc khuất chiến tranh; là một nàng (chán chồng) trong Thẳm sâu lòng biển; là tôi trong Không chỉ là nụ hôn; là N. trong Về N; là một nàng khác “xấu, xấu lắm” trong Người tình xấu xí; thêm một nàng khác nữa xách gói theo một gã mù lòa trong Hạnh phú mù lòa; là cô giáo dạy vật lý trong Thầy trò; là cô giáo Hà trong Lân xóm núi; thêm một cô giáo hoa khôi cấp trường nữa  trong Vòng xoay A Ráp; là Nhã Thụy trong Khúc thụy du; là cô hàng trẻ trong Sách cũ nhưng cô hàng thì không; là cô Nguyễn Thị H. trong Bánh mì bẻ đôi; là nàng Iron Lady (quý bà sắt đá) trong Mưa bụi; là cô Năm, bà Tám, chị Tư trong Cấy dặm mùa xuân; là Hậu trong Hậu Đậu, anh yêu em; là Nga trong truyện ngắn Nga…Tất cả họ đã dựng nên một thế giới đàn bà khá sinh động trong truyện ngắn của Y Nguyên. Một thế giới đang tồn tại với những con người, những cảnh ngộ ta từng gặp đâu đó.

Có những mối quan hệ tình cảm oái oăm và éo le. Lấy người mình không yêu và yêu đến mê mệt mụ mị người mình không thể lấy. Tình yêu đôi khi là ác mộng. “Hiền là chị tôi (chị họ)… Có điều, trong những giấc mơ, tôi hay quên bẵng điều đó… Trong mơ, kì cục chưa, tôi thấy tôi bá vai bá cổ Hiền. Tôi thấy tôi nũng nịu, vòi vĩnh cùng Hiền. Tôi thấy tôi cầm tay dắt Hiền đi chơi; thậm chí… bồng bế Hiền trên tay, hay những cảnh tượng khùng điên hơn” (Phố núi mù sương). Khi chợt nhận ra những đường cong thiếu nữ lồ lộ sau chiếc áo mưa dán sát người chị họ cùng hai cái núm màu hồng lấp lánh mơ hồ trên chóp núi đôi và vệt đen mờ ẩn hiện giữa cặp đùi gói trong chiếc quần lụa trắng dính bết vì mưa thì thằng em họ trong truyện ngắn Phố núi mù sương đã vĩnh viễn đánh mất tuổi thơ của mình. Cái ám ảnh mang nhiều ẩn ức yêu thương và nhục cảm đó không hề mất đi khi chàng trai (Thục) lấy vợ (Hạ) và Hiền cũng đã có chồng. Cuối cùng, người đàn ông si tình đành chọn một cuộc ra đi, phải rời xa phố núi. Không thể khác được, khi Hiền đang có một tổ ấm. Trong buổi chia tay được sự đồng lõa của bóng tối Hiền đã thực hiện trọn vẹn cái nghĩa cử đẹp của tình yêu đích thực: “Bất ngờ, Hiền choàng ôm lấy tôi. Ôm chặt! Tôi lịm người, mê đi trong tiếng thở gấp gáp của Hiền, trong mùi thịt da của Hiền. Cái mùi thịt da hằng bao nhiêu năm ám ảnh hồn tôi, nhận chìm tôi trong những cơn ác mộng khùng điên mà tôi chưa bao giờ dám hé răng cùng ai…Khoảnh khắc đầu đời tôi nếm trải hương vị sở hữu trong vòng tay thực sự một tình yêu…” (Phố núi mù sương). Tôi tin người đọc không nỡ lên án hay phê phán ai cả trong tình cảnh này. Chỉ biết chia sẻ và cảm thông cho cả ba người: Thục, Hiền, Hạ. Và, cuộc đời vậy đó, cái ta có chưa hẳn là có thật, nên hoặc là chấp nhận hay biết vượt qua bằng sự hi sinh của mình.

Những người đàn bà không giống nhau về cảnh ngộ hiển hiện trong trang sách. Đó cũng là trang đời thôi. Những sinh thể cái có ý thức dường như đang bất ổn, bất an trong chính sự tồn tại của mình. Tình yêu và hôn nhân đối với họ luôn là sự trả giá. Giá không hề thấp. Họ trốn chạy khỏi sự sắp đặt của thượng đế để các nhà văn có cớ và cả chất liệu tạo dựng nên các câu chuyện ngoại tình. Ngoại tình có phải đang là hiện tượng phổ biến của xã hội hiện đại không? Và, người phụ nữ luôn bị giằng xéo, xáo trộn, chìm nổi giữa những mối quan hệ phức tạp. Hình như truyện ngắn của Y Nguyên quan tâm nhiều đến điều đó. “Trời ạ! Sao lóng rày người ta chen nhau ngoại tình lũ lượt thế không biết. Ngoại tình xong cãi vã, uýnh lộn, li hôn, tái kết hôn. Rồi lại ngoại tình” (Thẳm sâu lòng biển). Một nàng chán chồng, chán đến cực điểm đi yêu một người khác (nhân vật tôi trong truyện Thẳm sâu lòng biển) và yêu đến cực điểm. Nhưng rồi, cái thứ tình yêu “ngoài luồng” này không làm cho họ sống nhẹ nhàng, hạnh phúc hơn trái lại đầy sự mệt mỏi. “Phải, em mệt mỏi. Chuyện chẳng vui vẻ gì, tôi biết. Ký ức làm người ta mệt mỏi; nhất là ký ức buồn...”. Nhưng “Tôi còn mệt mỏi gấp trăm lần em. Tôi mệt mỏi đi tìm căn nguyên sự mệt mỏi của em…”. Cuối cùng thì người tình của cô gái cũng nhận ra được kiếp nạn đàn bà để tự lên án mình. Điều ấy là gì nếu không phải là sự cảm thông, chia sẻ của người cầm bút “Tôi ôm nàng, bất lực cảm nhận sức nặng của cây thập - giá - kiếp - đàn - bà đang trĩu đè khủng khiếp xuống bờ vai thon. Sức nặng ấy đang từ từ lôi tuột nàng xuống, tuột ra khỏi vòng ôm tôi đang tuyệt vọng níu giữ, đang cố sức nâng nàng lên…” (Thẳm sâu lòng biển)

Sau ngoại tình là ly hôn. Câu chuyện ly hôn cũng chẳng là cái gì lạ lẫm, hiếm hoi trong xã hội hiện đại cả. Truyện của Y Nguyên cũng không nói khác điều đó. Người ta từng yêu nhau, yêu si mê, yêu say đắm, yêu tới nghiêng núi lở sông nhưng khi ly hôn thì cái cơn cớ, nguyên do cho họ chia tay nhau thường là rất đơn giản. Câu nói thường gặp nhất ở các phiên tòa là chúng tôi không hợp nhau. Nhưng trời đâu dễ cho họ ghét nhau đến chết. Trong thân phận người được cho là vô thường thì hoặc anh, hoặc chị có thể gặp nạn, có thể không còn được sống trên đời nữa. Có người phụ nữ thể hiện cái tâm lành của mình, sự tốt đẹp của họ chưa bao giờ mất đi. Trên ranh giới sinh tử cuối cùng, người chồng cũ lại được đón nhận tình yêu…

Truyện về đàn bà của Y Nguyên luôn hướng tới những điều tốt đẹp. Tác giả không muốn họ bị mất tất cả, cái phần tốt được lưu lại trong tâm hồn, tính cách họ nhiều nhất. Ước mong hạnh phúc cho những người phụ nữ là điều nhà văn quan tâm. Ta dễ nhận ta điều đó trong các truyện ngắn Người tình xấu xí; Hạnh phúc mù lòaVòng xoay A RápKhúc thụy duBánh mì bẻ đôi… Họ biết tìm căn nguyên để chia tay thì cũng lụy tình huống để hòa hợp. Đừng đẩy tình yêu con người đến thảm họa, đến vòng xoáy hận thù mà trái lại phải biết gìn giữ nó, níu kéo nó về mình, cho mình dù đôi khi vô cùng mong manh. Bởi tình yêu mới là cái đáng giá nhất của cuộc sống. Đó là cái đẹp cứu rỗi thế giới này. Người đàn bà thua cuộc trong mối quan hệ phu thê đã biết rung động trước một nửa ổ bánh mì chồng đưa cho mình trước khi bước vào phiên tòa xử ly hôn “… Trời đất, các người nghĩ sao, còn ăn chung được một ổ bánh mì mà toan tính chuyện ly hôn ??? ” (Bánh mì bẻ đôi). Phiên tòa kết thúc mà không có quyết định ly hôn, sự hòa giải vẫn phải tiếp tục cho hai người cùng ăn chung chiếc bánh mì ấy.

Hòa hợp mới là cái cần thiết cho cuộc sống. Yêu thương mới mang lại những điều tốt đẹp cho con người. Hãy yêu đàn bà như yêu thế giới này. Thông điệp ấy không của riêng ai cả, có phải như thế không nhà văn Y Nguyên và bạn đọc của anh?

__________

* Truyện ngắn Y Nguyên. Nxb Hội Nhà văn, 2023

Nguyễn Hữu Quý

Nguồn Văn nghệ số 50/2023


Có thể bạn quan tâm