April 29, 2024, 4:30 am

Học trường nào?…

Muốn trở thành Chủ tịch nước, Tổng Bí thư thì học trường nào?”. Câu hỏi này của một học sinh đã làm “nóng” sân khấu Chương trình Tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp diễn ra tại khuôn viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu của tỉnh Nghệ An sáng 11 tháng 3 vừa qua. Có thể ở đâu đó và lúc nào đó, câu hỏi trên đây sẽ bị coi là “phạm thượng”, thiếu khiêm tốn, không nghiêm túc… hoặc ít ra cũng chỉ là một câu “đùa vui”. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể trên đây, câu hỏi ấy của một học sinh trước ngưỡng cửa của cuộc đời, đang băn khoăn lựa chọn cho mình một con đường lập nghiệp, rõ ràng là một câu hỏi nghiêm túc và đặt ra những vấn đề hết sức nghiêm túc, lớn lao.

Có danh ngôn rằng: Bất kỳ người lính nào cũng có quyền ước mơ trở thành Thống chế! Ước mơ là một trạng thái tinh thần hết sức cần thiết và quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân và rộng lớn hơn là mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc. Cao hơn ước mơ là khát vọng. Đó là mơ ước đạt được những điều lớn lao, tốt đẹp trong cuộc sống. Khi con người có khát khao mãnh liệt, nó sẽ là động lực thôi thúc con người nỗ lực phấn đấu để làm được, đạt được điều mơ ước đó. Ước mơ và khát vọng chân chính của mỗi cá nhân luôn hài hòa với ước mơ và khát vọng của cộng đồng, của dân tộc và xu thế của thời đại. Đó là những ước mơ và khát vọng lớn. Làm người chân chính phải có ước mơ và khát vọng lớn, đặc biệt là với tuổi trẻ càng phải có ước mơ và hoài bão lớn lao, phải khát khao cống hiến và khát vọng vươn lên, đồng hành cùng khát vọng của dân tộc, bởi vì tuổi trẻ là chủ nhân tương lai của đất nước.

Tất nhiên, những ước mơ tích cực, những khát vọng lớn lao… phải được ươm trồng và vun đắp thông qua giáo dục và rèn luyện. Để ước mơ và khát vọng trở thành hiện thực, bản thân phải có tài năng, cùng đó là nhiều yếu tố chủ quan và khách quan hỗ trợ cho tuổi trẻ trong bước đầu khởi nghiệp. Chưa bao giờ như hiện nay, hai tiếng “khởi nghiệp” được nhắc nhiều đến vậy trên các phương tiện truyền thông, trên các diễn đàn hội nghị và trong sinh hoạt cộng đồng. Thực tế đang sôi nổi một tinh thần khởi nghiệp và hình thành một trào lưu khởi nghiệp ở Việt Nam. Thuật ngữ “Khởi nghiệp” (Startup) thực ra là một khái niệm đã có từ xa xưa trong tâm thức người Việt. Truyền thuyết về 50 người con theo cha Lạc Long xuống biển vươn ra đại dương, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng khẩn hoang gieo trồng; Rồi sự tích bánh chưng, bánh dày của Lang Liêu; sự tích quả dưa hấu của Mai An Tiêm v.v… cùng nhiều tấm gương thành đạt của không ít doanh nhân Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ 20, là những minh chứng sinh động cho truyền thống khởi nghiệp của dân tộc Việt Nam chúng ta. Ngày nay, trong quá trình phấn đấu để trở thành một “quốc gia khởi nghiệp” như nhiều nước đã “hóa Rồng, hóa Hổ” trong khu vực và trên thế giới, Đảng và Nhà nước ta đã và đang tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp và toàn xã hội chung tay tháo gỡ những khó khăn, vượt qua những thách thức để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mới ở Việt Nam. Cùng với những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, ban hành các chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, kiện toàn hành lang pháp lý…, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Khoa học & Công nghệ nghiên cứu xây dựng “Quỹ đầu tư mạo hiểm” để hỗ trợ cho giới khởi nghiệp trẻ. Những chủ trương, chính sách và giải pháp ấy, cùng với những lợi thế về nguồn nhân lực và tinh thần khởi nghiệp của toàn xã hội, là những yếu tố rất quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp mới trên đất nước Việt Nam.

Trở lại với câu hỏi “nóng” mở đầu bài viết này. Còn nhớ, trong số 121 cá nhân được Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum - WEF)  vinh danh là “Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2016” có một cô gái Việt Nam. Đó là Phạm Thị Ngân, đồng sáng lập doanh nghiệp xã hội đã triển khai hơn 150 sân chơi nghệ thuật miễn phí tại 11 Trung tâm bảo trợ xã hội và 3 trường tiểu học ở vùng sâu, vùng xa trên cả nước. “Lãnh đạo trẻ toàn cầu” (Young global leaders) là danh hiệu được WEF tổ chức bình chọn hằng năm. Năm 2016, Phạm Thị Ngân của Việt Nam được xếp cạnh một số nhà lãnh đạo trẻ cùng thời trên thế giới, như: Bộ trưởng di sản Canada, Giám đốc chiến lược toàn cầu HSBC, Phó Chủ tịch Facebook, Bộ trưởng kinh tế Pháp, Bộ trưởng tài chính Đức v.v… Trước đó, một số tài năng trẻ của Việt Nam cũng đã được WEF tặng danh hiệu trên đây, như: GS Ngô Bảo Châu, KTS Võ Trọng Nghĩa, Jimmy Phạm (GĐ doanh nghiệp KOTO), Lê Thị Thu Thủy (GĐ điều hành Vingroup) v.v… Rõ ràng, tiếp nối truyền thống của các tài năng lãnh đạo trẻ trong lịch sử dân tộc, đặc biệt trong sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tài năng trẻ Việt Nam ngày nay đang chứng tỏ năng lực lãnh đạo trên nhiều lĩnh vực, được các tổ chức quốc tế uy tín tôn vinh, góp phần đưa “dân tộc Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời dạy của Bác Hồ.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở nước ta, việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp ở không ít ngành và địa phương còn khá nhiều bất cập và hạn chế; mặc dù Đảng ta luôn luôn coi trọng công tác cán bộ trẻ và điều đó được thể hiện trong các Chỉ thị và Nghị quyết về công tác cán bộ từ Trung ương đến cơ sở. Có rất nhiều nguyên nhân của thực trạng “khó khăn” trên đây, nổi cộm nhất là sự thiếu tin tưởng vào thế hệ trẻ của không ít cán bộ lớn tuổi quá câu nệ vào “chủ nghĩa kinh nghiệm”. Bên cạnh đó cũng có cả những tiêu cực “vô tình” hoặc cố ý, là hệ lụy của những bất cập, hạn chế trong “qui trình” phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sắp xếp cán bộ hiện nay. Bởi vậy, các cấp ủy phải quán triệt sâu sắc hơn nữa chủ trương của Đảng về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ trẻ nói riêng; mạnh dạn bố trí, sắp xếp cán bộ vào các chức danh lãnh đạo chủ chốt. Phải mạnh dạn tin tưởng giao trọng trách cho cán bộ trẻ thì họ mới có cơ hội thể hiện được bản lĩnh, năng lực của mình. Bên cạnh đó, cần “đột phá” đổi mới cơ chế tuyển dụng, bố trí, đề bạt cán bộ thông qua hình thức thi tuyển. Tuy nhiên, phải luôn luôn giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo công tác cán bộ. Các cơ quan tham mưu phải tính toán khoa học qui trình phát hiện, lựa chọn và quy hoạch bồi dưỡng, đề bạt và giám sát; tạo điều kiện để cán bộ trẻ rèn luyện và trưởng thành trong thực tiễn.

Trẻ hóa cán bộ là qui luật khách quan của sự nghiệp cách mạng. Vấn đề trẻ hóa cán bộ không phải ở một cơ quan, tổ chức mà cần được triển khai trong toàn hệ thống chính trị. Bởi đó là một nội dung của “khâu then chốt” trong công tác xây dựng Đảng và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngày nay, việc thu hút và chăm lo bồi dưỡng nhân tài đang được xã hội hóa, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài. Điều đó được hoan nghênh và khuyến khích. Rất nhiều sinh viên giỏi đã được các doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài săn đón từ những năm đầu đại học, với những khoản ưu đãi rất lớn kèm theo điều kiện sau khi tốt nghiệp về làm việc tại các doanh nghiệp và tổ chức ấy. Dư luận đã từng băn khoăn gọi đó là hiện tượng “săn đầu người”, là “chảy máu chất xám”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến hơn chục năm qua, mặc dù các ngành và địa phương các cấp đã có chính sách “trải thảm” nhưng chỉ thu hút được khoảng 10% thủ khoa các trường Đại học và cao đẳng về công tác.

Trong thời đại ngày nay thì làm việc ở đâu cũng đều là một hình thức cống hiến cho xã hội, cho đất nước. Tuy nhiên, nếu những tài năng trẻ được cống hiến trực tiếp cho đất nước, tại các cơ quan nhà nước, tại các doanh nghiệp và tổ chức trong nước… thì vẫn thiết thực và ý nghĩa hơn. Đây là một trong những “chỉ dấu” để nhận chân những “hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Nhân tài là những người có năng lực xuất sắc, có khả năng làm giỏi và có sáng tạo trong một công việc, một ngành, một lĩnh vực cụ thể. Còn hiền tài là người tài cao, học rộng và có đạo đức, một lòng một dạ vì lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc. Hiền tài không bao giờ hành xử kiểu tham bát bỏ mâm, “cạn tàu ráo máng”, thực dụng, vụ lợi… Hiền tài là người tài, có đức, có trách nhiệm và chỉ những người có tài, có đức, có trách nhiệm mới thực sự là “nguyên khí của quốc gia”.

Đất nước ta có được như hôm nay là nhờ những người có tài, có đức, “vừa hồng, vừa chuyên”, đã chung tay góp sức vì dân vì nước; cùng dân tộc vượt qua biết bao thăng trầm cam go. Và ngày nay, đất nước ta đang rất cần những người như thế chung tay góp sức cùng làm “những việc ích nước lợi dân”; góp phần đẩy lùi những trì trệ, tiêu cực, quốc nạn… để hội nhập và phát triển; trong đó có cả việc đấu tranh đẩy lùi những hạn chế, bất cập, tiêu cực trong tuyển dụng và trọng dụng nhân tài. Chỉ những nhân tài lúc này dám chấp nhận khó khăn, cản trở; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì nghiệp lớn của dân tộc, thì mới xứng đáng là hiền tài! Và tất nhiên, cần kíp những giải pháp và biện pháp hữu hiệu để bảo vệ những nhân tài dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; đừng để họ trở thành nạn nhân của những hẹp hòi, đố kỵ, phe nhóm… và những bất cập của cơ chế, luật lệ hiện hành.

Nhà thơ Mai Nam Thắng

Nguồn Văn nghệ số 13/2023


Có thể bạn quan tâm