May 3, 2024, 9:16 am

Hoa xương rồng trên cát

Nhận được lời mời tham gia đoàn nhà văn đến Chu Lai THACO, tôi không thể bỏ qua cơ hội hiếm hoi này. Máy bay hạ cánh xuống sân bay Chu Lai.

 

Khu công nghiệp cơ khí ô tô THACO - CHULAI

 

Tôi nào ngờ Chu Lai lại có một sân bay tầm cỡ đến thế này, Từ sân bay, xe chở chúng tôi về khu Biệt thự của Tập đoàn, tôi không khỏi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên  khác. Còn nhớ cuối tháng 3 năm 1975, vừa dứt điểm xong trận đánh trên núi Vàng, huyện Thăng Bình Tỉnh Quảng Nam, tiểu đoàn chúng tôi nhận lệnh của Lữ đoàn, di chuyển ra đường số 1, tiến thẳng về Thành phố Đà Nẵng. Chúng tôi đi qua căn cứ Chu Lai, một căn cứ khổng lồ của Mỹ Ngụy, khét tiếng hung hãn, giảo quyệt. Lúc đó, khói đen khói đỏ còn ngùn ngụt bốc lên lan khắp một vùng. Một Chu Lai với vô số những lô cốt lớn nhỏ, xe pháo, súng đạn ầm ĩ suốt ngày đêm giờ im lìm, chỏng chơ. Không còn bóng một thằng địch nào. Nhà tôn, lều bạt, hầm hố, chòi cu, rải khắp một vùng cát trắng bao la, giờ hoang hoải, trống hoác. Chiều muộn và cảnh tượng tan hoang của căn cứ Chu lai còn mãi theo tôi đến tận bây giờ. Hôm nay trở lại Chu Lai tôi không khỏi sững sờ. Những bãi cát nóng ran, ngập ngụa tàn dư chiến trận không biết đã biến đi từ bao giờ. Xe chúng tôi đang bon trên những con đường rải nhựa phẳng phiu, hai bên rợp màu xanh hoa lá. Có một đoạn dốc ngắn hiện ra trước mặt, cô Lựu, nữ cán bộ truyền thông của Tập đoàn THACO nói: “Tập đoàn đã bỏ ra 600 tỷ để hoàn thành con dốc này”. Một đoạn dốc ngắn đã thế, còn bao nhiêu con đường đẹp như mơ mở ra dọc ngang trên cát trắng Chu Lai? Tiền. Bao nhiêu là tiền? Phải là một tập đoàn kinh tế mạnh cỡ nào mới có thể bao được một hạ tầng cơ sở tốn kém đến nhường này. Qua những ngã ba, ngã tư, xe đi chậm lại. Anh lái xe vô tình hay cố ý đã để chúng tôi được xem cách “làm dáng” của một kiểu xây dựng hiện đại. Những cây xương rồng tượng trưng, màu xanh, bên trên là một đài hoa đỏ rực như nhắc nhớ một thời đã qua. Một thời, nơi đây chỉ là cát nóng, cằn khô, thiên tai khắc nghiệt. Hiếm có một cây gì sống được ở đây như cây xương rồng. Biểu tượng cây xương rồng nở hoa trên cát đã toát lên sự kiên cường, bền bỉ chiến thắng mọi thử thách của những con người của Tập đoàn THACO trên đất Chu Lai toàn cát bỏng và nắng gió khốc liệt này. Họ đã biến một vùng cát trắng bao la thành một đô thị màu xanh với những hàng cây rợp mát bên những nhà cao tầng nối nhau, những khu biệt thự xinh đẹp. Đường vào các nhà máy, chúng tôi bắt gặp những chàng trai, diện quần xanh, áo trắng tinh tươm, đứng nghiêm trang giơ tay chào khách. Cũng là một biểu hiện của Văn hóa THACO vậy.

Chúng tôi tham quan bên trong các nhà máy bằng ô tô điện. Nếu đi bộ, không biết đến khi nào mới xem hết toàn bộ các công đoạn của các nhà máy làm nên một chiếc ô tô. Một rừng ô tô đang quá trình lắp ráp. Một rừng ô tô đang sơn màu. Một rừng ô tô đã hoàn hảo bóng lộn, chuẩn bị xuất xưởng… Xe chúng tôi cứ chạy và công nhân cứ mải mê với công việc của mình. Mỗi nhà máy không nhiều người làm như chúng tôi hình dung, thậm chí có những nhà máy chỉ còn thấy và nghe lục cục, lích kích, ràn rạt cần mẫn của máy móc tự động. Không kể những cỗ máy mới cũ nối nhau dọc ngang ngút ngàn trong nhà máy, chỉ tính nhà cửa, lán trại, công xưởng cho người và máy làm việc đủ ngợp, đủ kính nể khối tài sản khổng lồ tập đoàn đã tạo ra trên vùng cát trắng mênh mông hồi nào. Trong mỗi nhà máy sự gọn gàng, ngăn nắp, nề nếp, khoa học đã chứng tỏ ông chủ tập đoàn và ban lãnh đạo ở đây là những con người như thế nào. Tôi chú ý đến những khẩu hiệu đẹp treo ở vị trí trang trọng của các nhà máy, Chẳng hạn: “Hãy trở về căn bản” hay: “Hãy làm đúng ngay từ đầu”, hoặc: “Khi bạn nhìn thấy lỗi mà không sữa thì đấy chính là lỗi của bạn…”. Có những khẩu hiệu chi tiết hơn như một lời khuyên bảo về đạo đức, phẩm chất của cán bộ công nhân viên làm trong nhà máy: “Thành tâm, trung thực, tự tin, tôn trọng, trung tín, tận tình, thuận tiện… “Đây thực sự là những khẩu hiệu hữu ích, hiệu quả, khác với những gì tôi thường thấy ở đâu đó. Mọi sự sắp xếp trong nhà máy dù nhỏ dù lớn vẫn nói được nhiều điều về con người về phong cách làm việc của cán bộ nhân viên của Tập đoàn. Cô Lựu nói với tôi: “Bọn em có trách nhiệm trình bày những câu khẩu hiệu trong nhà máy, còn nội dung là của chủ tịch hội đồng quản trị Trần Bá Dương”.

Tôi chưa gặp Trần Bá Dương lần nào. Trong một clip được xem trong văn phòng trường cao đẳng của tập đoàn, anh xuất hiện không nhiều, ngay cả trong cuốn Tạp chí: THACO; Hành trình mới - Tâm thế mới” tháng 2 - 2023 Xuân Quý mão, đăng thư chúc tết của anh cũng không có hình anh. Đăng lên Tạp chí nhà một bài viết như thế của một chủ tịch Tập đoàn lớn, cỡ như anh thường kèm theo một ảnh chân dung. Ở đây chắc không phải ý của người trình bày. Tôi nghĩ, Trần Bá dương là người kín tiếng, khiêm tốn, không muốn bộc lộ mình. Anh xuất thân từ một gia đình nghèo. Chả thế, thuở khó khăn, nhọc nhằn anh từng mơ có một miếng đất nhỏ cho riêng mình. Và thế đấy. Trên mảnh đất chúng tôi đang có mặt hôm nay, không dưới 130. 000 ha đất là của Tập đoàn THACO mà anh là người đứng đầu. Trong các nhà máy, công xưởng, có hàng nghìn cán bộ công nhân viên của Tập đoàn THACO mà anh là người chịu trách nhiệm chính. Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Hải (THACO) của anh có đến 6 lĩnh vực hoạt động: nào là ô tô, nào là cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nào là nông nghiệp, nào là đầu tư xây dựng nào là thương mại, dịch vụ và một lĩnh vực nữa rất quan trọng, đó là dịch vụ logisitic: Hiện nay cảng Chu Lai đã có các tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp đến các cảng lớn trên thế giới và các cảng nội địa Việt nam. Một miếng đất nhỏ anh từng ước ao giờ không chỉ là những dải đất bao la từ Nam đến Bắc mà cả trên đất Lào, đất Căm Pu Chia… những vùng đất Tập đoàn của anh đã ươm mầm, đang phát triển, những miền đất ghi dấu ẩn tài năng trí tuệ và ước mơ  của anh. Anh đang làm gì, ở đâu vậy, anh Trần Bá Dương? Tôi có ý nguyện muốn gặp anh, được hiểu thêm về anh! Cô Lựu nói: “Anh Trần Bá Dương đi miết, lúc ở Nam, lúc ở Bắc, lúc ở miền Trung, trên cao nguyên, chưa kể những chuyến đi công tác nước ngoài, với lại anh không muốn nói về anh đâu” Tất nhiên là thế, tôi biết, người đức độ, tài năng thường khiêm nhường, không muốn mọi người nói về mình, lặng lẽ giấu mình nhưng âm thầm tỏa hương và ngời sáng như những vì sao lấp lánh. Tôi nghĩ nhà văn, nhà báo nào may mắn được gần anh, hiểu cuộc đời anh, hiểu công việc của anh… chắc chắn sẽ viết được những trang sách sáng giá để lại những bài học quý cho đời.

Trong năm 2022 THACO  đã nạp ngân sách Nhà nước hơn 32.500 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 130 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội. Trong giai đoạn bùng phát dịch covid 19 đã tập trung nghiên cứu phát triển và sản xuất kịp thời các sản phẩm xe chuyên dụng y tế phục vụ phòng chống dịch và đã tài trợ cho dịch vụ này trên 1100 tỷ đồng.  Với Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia (Nic) THACO đã tài trợ trên 250 tỷ đồng và ký kết hỗ trợ trên 500 tỷ đồng cho các hoạt đông an sinh xã hội trong vòng 5 năm tới… Còn nhiều lắm những con số biết nói, không thể kể hết ở đây. Điều đáng suy nghĩ là cái gì đã làm nên những con số đó.

Có nhiều nguyên nhân nhưng những thành quả to lớn mà THACO đạt được phải kể đến con người, những con người mà Trần Bá Dương tìm đến ngay từ đầu. Với một Tập đoàn không phải của nhà nước đã cho Trần Bá Dương được quyền lựa chọn những cán bộ tài năng, tâm huyết theo cách nghĩ, cách cảm của riêng mình. Người đầu tiên đại diện lãnh đạo THACO tiếp chúng tôi là anh Phan Tiềm - Hiệu trưởng cao đẳng THACO. Anh nói: “Ấn tượng đầu tiên của tôi là khi Chủ tịch Trần Bá Dương đặt vấn đề mời tôi về làm ở Cao đẳng THACO khi tôi còn là Hiệu trưởng của một trường Nhà nước ở Đà Nẵng. Tôi đã rất cảm kích vì anh Dương là người ở xa đến mà đã xây dựng được nhà máy, giải quyết công ăn việc làm, tạo nguồn thu cho Tỉnh Quảng Nam. Còn tôi là người Quảng Nam, chẳng lẽ lại không đóng góp được gì cho Quảng Nam. Thế là còn 10 năm là đến tuổi hưu, tôi quyết định xin nghỉ trường nhà nước và về làm cho Cao đẳng THACO”. Một con người như thế, suy nghĩ hành động như thế không thể nào chất lượng, uy tín, hiệu quả công việc lại không như mong muốn của ông chủ Trần Bá Dương. Anh Phan Tiềm còn nói: “THACO có ấn tượng với tôi còn là sự quan tâm của THACO đối với vấn đề đào tạo. Đào tạo là đáp ứng nguồn nhân lực phát triển cho đội ngũ đa số là người địa phương. Những người lao động tay lấm, chân bùn quanh năm cày cấy ở thôn quê giờ đến với công việc khác, máy móc, công nghiệp, không thể không qua trường lớp”.

Một trường hợp khác: Ông Nguyễn Hoàng Tuệ, Tổng giám đốc THADICO viết trên Tạp chí THACO số xuân: “Cuộc gặp của tôi và chủ tịch diễn ra trong vòng 15 phút tại một văn phòng công trường ở Thủ Thiêm, và cuộc gặp gỡ định mệnh này đã giúp tôi tìm được ước mơ và khát vọng của đời mình… Tôi luôn hy vọng tìm được một đàn anh, một doanh nhân có cùng mong muốn xây dựng các công trình đạt chất lượng và thẩm mỹ. Và hôm ấy khi tôi gặp Chủ tịch Trần Bá Dương, tôi biết mình đã tìm được người đó…”.

Xin được nêu thêm một trường hợp khác: Ông Thái Duy Hùng Cố vấn chủ tịch Hội đồng quản tri THACO. Trong dịp kỷ niệm 25 ngày thành lập THACO, ông viết: “Tôi làm việc với chủ tịch Trần Bá Dương hơn 10 năm tại doanh nghiệp nhà nước. Sau đó, anh Dương thành lập công ty trách nhiệm hửu hạn Ô tô Trường Hải, tôi nghỉ việc ra làm cùng anh… tôi rất hãnh diện, tự hào và cảm động. THACO đang phát triển vững mạnh, đa ngành, đa lĩnh vực. THACO đã mang lại niềm tự hào, ấm no và hạnh phúc cho hàng ngàn gia đình, trong đó có gia đình tôi, tạo việc làm, nâng cao trình độ nghiệp vụ, khoa học công nghệ, kỹ năng cho hàng chục ngàn công nhân viên nhất là tại các vùng quê nghèo khó…”. Còn nhiều, nhiều nữa, những cán bộ tâm huyết với chủ tịch, với công việc, khát vọng, ước mơ của Tập đoàn. Cái thế mạnh của THACO là ở đó. Trong chuyến đi này, chúng tôi cũng được gặp nhiều cán bộ công nhân viên của THACO dưới cơ sở. Họ ùa vào phòng khách của trường cao đẳng THACO rối rít tươi vui như vào một cuộc hội hè. Gương mặt nào cũng bừng sáng, thỏa nguyện. Họ chỉ là con số nhỏ đại diện cho hàng nghìn người lao động nơi đây, đại diện cho hàng trăm cán bộ công nhân viên mẫn cán, đại diện cho những người luôn lấy công việc chung và hiệu quả lao động làm niềm vui hạnh phúc cho đời mình. Họ là những người tiên phong, bứt lên hàng đầu trong lao động, trong miệt mài sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đem lại lợi nhuận và thành quả lao động đáng khâm phục. Phần đông trong số họ là người lao động bình thường ở nông thôn, thành thị, long đong, lao đao vì miếng cơm manh áo. Là thế, trình độ học vấn hầu hết thấp nhưng vào THACO, nhiều trong số họ được học nghề bài bản, chu đáo nên đã đồng hành cùng THACO vượt qua gian nan, khốn khó, trụ vững và bay đến những chân trời mới tươi sáng, thay đổi cuộc đời. Tôi chú ý nhiều đến chị Nguyễn Thị Quý. Chị là người lớn tuổi nhất trong số cán bộ, công nhân viên đang tiếp chuyện chúng tôi. Tuổi đôi mươi, ai cũng có những khát vọng và những giấc mơ đẹp. Từ quê hương Thanh Hóa, chị xin làm công nhân may tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nào ngờ nơi đây vẫn đeo đẳng những ngày khốn khó của đời chị. May thay, chị đã gặp được một chàng trai quen biết trước đây. Hai người bén duyên và cùng chia sẻ cuộc sống chật vật thiếu thốn, vô cùng vất vả của mình. Thế rồi vợ chồng chị lại gặp may, có người mách bảo, hai vợ chồng quyết định về Chu Lai. Họ gắn bó với công ty từ những ngày đầu THACO đầu tư vào khu kinh tế mở này. “Đất lành chim đậu”, anh chị không những mua được đất xây nhà mà còn nuôi hai con học đến tốt nghiệp đại học. Chồng chị, anh Ngô Văn Uyên hiện là đội trưởng chăm sóc - phòng thi công cây xanh công ty xây dựng công nông nghiệp THACO, Chị làm quản lý nhà khách (khu biệt thự) Nhận thấy có cơ hội làm việc, sinh sống ổn định tại Chu Lai, chị Quý đã khuyên vợ chồng 3 người em gái đang làm công nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh về Chu Lai làm việc cho THACO. Cuộc sống của gia đình chị và gia đình các em gái đã đổi thay lớn nhờ công việc và sự giúp đỡ tận tình của công ty.

Tôi cũng muốn nêu trường hợp của anh Ninh Ngọc Hiền. Quê anh ở Tỉnh Quảng Nam, huyện Phú Ninh, xã Tam Thái. Hiền sinh ra trong một gia đình thuần nông, nghèo khó, cuộc sống bấp bênh. Học xong cấp 3, không có điều kiện học lên nữa, muốn đi làm nhưng cũng không tìm được việc làm. Anh cưới vợ và sinh được hai con, cuộc sống càng chật vật, bế tắc. Nơi đã cứu anh và gia đình anh là THACO. Anh tìm đến công ty và được công ty đưa đi đào tạo nghề tại Đồng Nai. Có cơ hội được học tập, rèn luyện, nâng cao năng lực, anh nói: “Cả đời tôi không thể quên công đức của công ty, tôi tự dặn mình phải hết sức cố gắng mang hiểu biết, sức lực, đóng góp cho THACO. Mà dù đóng góp đến mấy cũng không trả đủ công ơn sâu nặng này”. Có lẽ từ suy nghĩ như thế nên  ban đầu chỉ là một công nhân mới ra nghề, từng bước anh đã đảm nhận rất nhiều công việc, ngành nghề khác nhau: công nhân ghép film, cao áp, xưởng đóng thùng, công ty SX và LR Ô tô Tải Chu Lai Trường Hải; Nhân viên tổ cải tiến kỹ thuật…; Chuyền phó xưởng Bus; Chuyền trưởng xưởng Hàn…; Chuyền trưởng - Bộ phận Kế hoạch…; Chuyền trưởng Tiền xử lý - chuyển Kính ghép…; Phó giám đốc xưởng Sản xuất, công ty SX Kính Ô tô… công việc thay đổi đến vậy, nhiều đến vậy nhưng anh có 6 năm được xếp loại giỏi, và trở thành một quản đốc uy tín. Có công việc và thu nhập ổn định, anh đã đủ sức chăm lo cho cả gia đình, nuôi dạy con cái nên người. Khi Cô Lựu nhắc chúng tôi: “Anh còn là người đạt giải nhất trong cuộc thi viết: “THACO trong tôi” mặt anh đỏ lên và vội vã chuyển sang chuyện khác. Chắc anh nghĩ, đấy chỉ là chuyện nhỏ. Điều anh quan tâm hơn là toàn tâm toàn ý cho công tác chuyên môn của mình.

Xin được nói sang một chàng trai khác, đó là Nguyễn Luyến. Anh ở xã Tam Hiệp huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Trước khi đến công ty, anh mới học hết lớp 9/12. Năm 2016 anh là công nhân Hàn, đến năm 2020 anh đã là Tổ trưởng Tổ hàn mảng sàng trước, Xưởng hàn, Công ty THACO Kia. Trông anh hiền hậu, mặt ngượng ngịu khi chúng tôi hỏi chuyện, vậy nhưng 6 năm liền (2016-2022) đạt thành tích xếp loại giỏi. Anh có 11 đề tài sáng kiến cải tiến trong năm 2022. Trong đó đề tài: “Thiết kế jig hàn bu long dòng xe K5 giúp gia tăng năng suất, tiết kiệm hơn 410 triệu đồng theo kế hoạch sản xuất năm. Đề tài này đạt giải nhất trong phong trào sáng kiến cải tiến THACO TOAU năm 2022. Anh là nhân sự tiêu biểu có nhiều sáng kiến cải tiến, được Liên đoàn Lao động Tỉnh Đồng Nai tặng bằng khen. Còn nhiều lắm những tấm gương tiêu biểu như vừa kể. Họ gần như cùng một hoàn cảnh: Nhiều khó khăn ban đầu. Đến THACO, những khó khăn đó đã được tháo gỡ. Các công ty của Tập đoàn đã tạo điểm tựa cho họ vượt lên, làm chủ đời mình, làm chủ công nghệ mới, cùng Tập đoàn vươn tới những đỉnh cao trí tuệ.

 

Dây chuyền sản xuất - lặp ráp Ô Tô THACO

 

Có thể nói rằng từ khi thành lập cho đến nay, Tập đoàn THACO đã thu nhận về mình hầu hết những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, éo le. Tưởng như điều này trước hết là một việc làm nhân văn chứ không hoàn toàn là đòi hỏi cấp bách của các nhà máy. Nhưng rồi chính những con người này được học hành, đào tạo trong trường cao đẳng của tập đoàn và qua thử thách rèn luyện trong công việc, họ lại là những người tâm huyết, những tấm gương lao động quên mình, thông minh, sáng tạo, làm chủ công nghệ có nhiều đóng góp quý báu cho thành công của Tập đoàn.

Có thể nói cách chọn người, dùng người của Trần Bá Dương cùng Ban lãnh đaọ của Tập đoàn THACO là rất nhân văn, rất phù hợp với tình hình hiện nay. Đây vừa là đòn bẫy vừa là sức bật để Tập đoàn THACO tiến xa hơn nữa. Chủ tịch Trần Bá Dương đã nói trong dịp kỹ niệm 25 hình thành và phát triển của Tập đoàn: “Điều mà tôi tâm đắc nhất trong hành trình và phát triển của THACO như ngày hôm nay là sự phát triển của nhân sự, lớn lên, song hành cùng với Tập đoàn… Chúng ta phải tập trung để nâng cấp quản trị và hỗ trợ nhân sự phát triển hơn nữa để đưa Tập đoàn lên một tầm cao mới…”. Tôi tin: Tập đoàn tới đây sẽ còn đạt được những kỳ tích to lớn hơn. Tôi mong Đất nước có nhiều Tập đoàn THACO hơn nữa. Đất nước sẽ giàu mạnh biết bao, nhân dân sẽ no ấm hạnh phúc biết bao khi có được điều này.

Ghi chép của Nguyễn Bảo

Nguồn Văn nghệ số 29/2023


Có thể bạn quan tâm