April 27, 2024, 1:26 pm

Họ đang sống và nghĩ như thế nào? (tiếp theo và hết)

Họ là những nhà văn, nhà thơ, những người luôn có khả năng chống lại sự tẻ nhạt của đời sống bằng chính cuộc sống thường nhật và tác phẩm của họ. Nhưng Covid-19 tràn tới; cả thế giới đã thay đổi. Sự thay đổi không lường trước này có thay đổi cuộc sống và suy nghĩ của các nhà văn, nhà thơ?

Báo Văn nghệ trân trọng mời một số nhà văn, nhà thơ chia sẻ cuộc sống và suy nghĩ của mình trong một ngày 6-9-2021. Ngày 6-9-2021 có gì đặc biệt? Không. Ðó chỉ là một ngày đầu tuần bình thường như muôn ngày đầu tuần đã đi qua cuộc đời của họ. Nhưng những ngày họ đang sống hiện nay là vô cùng khác biệt.

Có thể họ đang làm những việc khác thường và có những suy nghĩ khác thường so với những ngày mà cái tên Covid chưa xuất hiện. Cũng có thể họ vẫn sống và suy nghĩ về nhiều điều từng sống và suy nghĩ mà không gì có thể dễ dàng thay đổi họ. Những chia sẻ ở đây được ghi chép lại là nhật ký của một thời mà khi dịch bệnh qua đi, các thế hệ sau này sẽ hình dung ra các nhà văn nhà thơ đã sống thế nào trong những ngày Covid…

Văn nghệ xin trân trọng mời bạn đọc ghé thăm một số nhà văn, nhà thơ xem họ đang sống như thế nào và  suy nghĩ những gì trong một ngày cụ thể: ngày 6-9-2021.

NHIỀU NGÀY NHƯ MỘT NGÀY

Vũ Hồng

Mọi việc thay đổi kể từ chiều tối ngày 16-7 khi trong Tổ nhân dân tự quản (gọi tắt là Tổ Dân phố) có một người bị nhiễm Covid-19. Lúc đó, hàng xóm chỉ rỉ tai, thì thào với nhau vì chưa có ý kiến chính thức từ Trạm Y tế phường. Hàng đêm, không gian trong con hẻm Nhơn Nghĩa rất vui với những người đi bộ tập thể dục, những trẻ em chơi đùa…Ấy thế mà tối ấy đường phố lặng lẽ như tờ. Sự lo ngại đã hiện lên trên từng gương mặt khi bất ngờ con Covid-Delta từ đâu đó xa lắc xa lơ đã đến gần nhà mình.
Nhà văn Vũ Hồng (Bến Tre)  Cà phê một mình

Sau này mới biết gần như hơn 130 người của Tổ Dân phố đêm đó mất ngủ. Mà không lo sao được khi những bản tin trên truyền hình, tin trên các nền tảng mạng xã hội về tốc độ lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta được phát hiện ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Campuchia. Thế mà nay nó đã về thành phố Bến Tre, đã ở sát bên mình, cách chỉ khoảng vài chục thước.

Sáng sớm hôm sau, UBND Phường cho lực lượng cảnh sát khu vực và dân phòng đến lập 2 chốt ở 2 đầu để cách ly y tế “nội bất xuất ngoại bất nhập” với 39 hộ dân và thông báo sẽ test nhanh từng người. Không biết có một sự ngẫu nhiên hay không khi những con chim sẻ trên những vòm cây, những con chim chìa vôi trong khu vườn dừa nhỏ… cũng thôi hót líu lo như mọi ngày. Bọn chúng kéo đi đâu mất biệt đến hơn nửa tháng. Không khí ở Tổ Dân phố lúc đó rất nặng nề và “cô đặc sự cảnh giác Covid” giữa bà con làng xóm với nhau. Lại càng “đặc quánh” hơn khi lần thứ 1 test sàng lọc, phát hiện thêm 5 người nhiễm nữa, bao gồm 100% 2 hộ gia đình; đến ngày thứ 14 test sàng lọc lần thứ 2 lại có ca F0 nữa nên gia hạn cách ly y tế. Trong 10 điểm bị cách ly y tế đầu tiên ở thành phố Bến Tre, sau test sàng lọc, các tổ dân phố, khu phố khác không phát hiện có ca nhiễm mới nào, riêng Tổ Dân phố tôi ở bị xếp vào diện có nguy cơ lây nhiễm rất cao mà điều dễ nhận biết nhất là ngay cả rác cũng bị gọi là… rác y tế.

Thế là từ ngày đó, những ngày nối tiếp nhau của tôi bỗng hóa như một ngày cho đến hôm nay.

Việc gì chứ thực hiện nghiêm 5K và tuân thủ theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là việc phải nhớ đầu tiên khi đã ở vào “vùng đỏ”. Thời gian khoảng một tuần đầu, quà hỗ trợ gửi vào cho bà con trong Tổ Dân phố rất nhiều. Thông tin qua lại đều sử dụng Group Zalo do Trưởng Khu phố lập cấp tốc. Do từ lúc phát hiện trường hợp F0 cho đến khi lập chốt phong tỏa quá nhanh nên bà con không ai sắm sửa, tích trữ lương thực, thực phẩm gì cho những ngày dài “ai ở đâu ở yên đó”; thành thử những món quà từ những nhà hảo tâm chia sớt cho nhau, dù ít nhưng cũng trở nên vô cùng quý báu. Không nhiều nhỏ gì, chỉ là hạt gạo, hộp cơm, bó rau, cọng hành…, thỉnh thoảng có cả bánh mì ăn sáng. Những ngày sau nữa thì quà ít dần đi, bà con trong Tổ ngầm biết rằng đã có nhiều nơi bị cách ly y tế nữa trên địa bàn tỉnh nên số quà của các nhà hảo tâm cũng phải san sẻ sang nơi khác. Những ngày này, trên Group Zalo của Tổ Dân phố, dòng chữ xuất hiện thường xuyên trên màn hình là: “Nhà (ghi số nhà) đã có rồi, xin nhường lại cho người khác” hoặc “Nhà (ghi số nhà) đã ăn cơm rồi, xin nhường phần cơm cho bên khu nhà trọ”, v.v…

Tập tành cho một ngày ở nhà “triệt để phòng, chống Covid” riết rồi cũng quen. Buổi sáng thức dậy, sau giờ vệ sinh là ngồi nhìn mặt trời lên, dĩ nhiên là nhắm mắt nhìn cho đến khi có cảm tưởng rằng “bên trong trán của mình có một tivi đang chiếu một màn hình đỏ mịn”. Đây là bài tập phơi nắng sớm của trẻ sơ sinh; khi đối phó với virus Sars-CoV-2 ta bỗng trở nên như một đứa bé vừa mới ra đời và chưa kịp thích ứng gì cả.

Buổi tập thể dục “nhìn mặt trời lên” này trong khoảng dưới 60 phút và thường trước 8 giờ sáng. Sau đó là cữ cà phê G7 do con gái ở ngoài vùng cách ly chi viện. Dành 120 phút lướt web và facebook. Thói quen hay vào Group Zalo của đại gia đình, quan tâm xem tin tức về người thân trước; tiếp đó vào Group Zalo của Tổ Dân phố để biết tình hình Covid nơi gần mình nhất.

Rồi lướt qua các trang web trong nước như VANVN.VN của Hội Nhà văn Việt Nam, Tiền Phong, Nhân Dân, VietnamNet, VnExpress, Lao Động, Tuổi Trẻ TP.Hồ Chí Minh, Thanh Niên, Người Lao Động, Dân Trí, Dân Việt, SGGP, Báo Đồng Khởi…, rồi sang các kênh truyền thông của nước ngoài như The Gateway Pundit, Fox News, RT News, TASS, Daily Caller, Washington Examiner, Breitbart News; NewsMax Tivi; OAN Tivi; Jus The News; Taiwan News; Bangkok Post; Sky News Australia… Xem một số tin tức nóng lên như vụ kiểm toán pháp y bầu cử Mỹ 2020; vụ xung đột biên giới Ukraine – Nga; vụ Đài Loan - Trung Quốc; vụ Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế khi hành xử trên Biển Đông; vụ Chính quyền Biden gặp khủng hoảng ở biên giới Mỹ - Mexico và thất bại trong việc tổ chức sơ tán công dân ở Afghanistan... Buổi chiều thì tìm đọc lại những quyển sách cũ (trong thời gian cách ly y tế, bưu điện không nhận giao báo, tạp chí vào khu vực nhà tôi).

Và vụ phòng, chống Covid-19 ở nước mình không thể không quan tâm, nhất là ở 19 tỉnh – thành phía nam. Con đường còn dài, trên thế giới cũng vậy và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi có một sự kiện gì đó trên trái đất thì BỖNG có một biến chủng Sars-CoV-2 xuất hiện trở lại? Tôi tự hỏi con virus này không đến từ tự nhiên, vậy nó đến từ đâu? Tôi vẫn chưa có câu trả lời nhưng nghĩ rằng nó đến từ một nơi đó, chốn kia.

Bến Tre, 6/9/2021

SỰ HOÁN ĐỔI CỦA TƯỞNG TƯỢNG

Nguyễn Tham Thiện Kế

Không lẽ tôi bị sang chấn tâm lý?

Không chỉ hôm nay, khi dịch bệnh bùng phát, ngày của tôi từ 0 giờ hôm trước đến 0 giờ hôm sau là một vạch ngang câm tâm đồ. Thời Covid là cơ hội của cao cả và khốn nạn cùng đối mặt. Từ những vị điều hành xã hội đến cá nhân bỗng hiện ra trên sân khấu Covid với gương mặt mộc của phẩm hạnh và tài năng.

Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế (Việt Trì)  Dù thế nào ban mai vẫn đến

Tôi như lái chiếc xe trên hành trình rờ rẫm, không được phép dừng nghỉ, mọi biển báo không còn ý nghĩa, sau mỗi khúc ngoặt là vách núi là hẻm sâu? Trong sương mù đặc xịt ẩn sẵn hố sụt, thân cây chắn ngang, chiếc xe ủi chết máy hoặc đứa trẻ lạc lẫm chẫm giữa đường?

Một trạng thái chưa bao giờ tưởng tượng.

Con gái làm quản trị nhân lực trong ngành Logistic như gà nuốt dây chun vì giấy tờ công quyền, mù mờ đúng sai, chưa kể QR code và xét nghiệm nhanh chậm.

Điều mà con chưa bao giờ tưởng tượng.

Cháu nội học lớp Một- ngày tựu trường đầu tiên trong đời, ngồi ở nhà một mình đối diện với màn hình máy tính.

Đó là điều thầy cô và chúng ta chưa bao giờ tưởng tượng.

Bạn, bác sĩ nhãn khoa, hiện buộc phải tư vấn cho các bệnh nhân cũ của mình mắc Covid. Khuya nào, anh cũng thông tin công việc. Dải tin xám đen thi thoảng loe sắc xanh sinh hiệu tồn. Tôi biết thêm chỉ số SpO2, mạch, nhiệt, huyết áp. Covid-19 diễn bệnh trong ngày hoặc trở nặng sau vài tiếng nhưng cũng có thể lay lắt. Hầu như F0 được theo dõi, uống thuốc theo chỉ dẫn của Sở Y tế ngay từ đầu đều qua khỏi và ít chuyển nặng.

Là điều bạn chưa bao giờ tưởng tượng.

 Sài Gòn hơn 10 triệu dân, khi Covid bùng phát chỉ có 200 xe cứu thương.

Là điều bạn chưa bao giờ tưởng tượng.

Ngày bình thường cũ, thích thì tôi lái xe đi đâu đó: Hà Nội, Hòa Bình, Yên Bái… Ngả đường rẽ đã sẵn bạn chờ gầy độ nhậu.

Điều đó giờ tưởng tượng thôi, đã thấy không phải.

Tác phẩm văn học nghệ thuật ở lại với đời sống, đều thỏa mọi chiều kích tưởng tượng trong cảnh huống tự thân.

Không ít các nhà quản trị thao thao các kịch bản chống dịch. Nhưng kịch bản “phòng bị” giúp dân tộc vượt nghiệt cảnh thì bỏ trống. Sự thiếu tưởng tượng có trách nhiệm hay là căn tính ngạo nghễ khiến các vị không thể viết kịch bản ấy? Xin thưa, quá khứ ông cha luôn vượt thoát được tuyệt lộ, bằng tưởng tượng đến các khả năng tồi tệ nhất khi còn thanh bình.

Sự tưởng tượng đến từ đâu?

Từ trí tuệ và sự thấu đạt, thương yêu nhân quần.

Vận hạn nào rồi cũng qua. Giờ chỉ biết cậy vào Chúa vào hồng ân Dân tộc. Và sự tưởng tượng tẻ nhạt rằng: đại nạn Covid-19 là dịp để đất nước này, dân tộc này nhìn lại mình xác thực hơn, nhờ những sự tưởng tượng.

                                      6-9-2021

 

CHỌN MỘT CÁCH SỐNG

Ðoàn Văn Mật

Ngày 5-9, người bác ruột của tôi đã trở về thế giới bên kia một cách lặng lẽ và yên tĩnh. Bác nhằm đúng ngày giỗ của bà tôi để mất. Gần nửa thế kỉ lập nghiệp xa quê, cũng gần ngần ấy năm bác xa mẹ, nên chọn ngày giỗ của bà tôi để rời cõi tạm chăng? Bác mất vì tuổi già, vì trọng bệnh. Giữa những tháng ngày đại dịch Covid - 19 hoành hành khắp mọi nơi này, người nằm xuống sao mà thấy lẻ loi đến vậy! Con cái mỗi người một phương, bố mất cũng không về được. Người nhắm mắt xuôi tay, chỉ sau vài giờ đã được người thân, chính quyền, phường hội khâm liệm, chôn cất âm thầm và chóng vánh.

Thế thôi cũng một kiếp người!

Nhà thơ Đoàn Văn Mật (Hà Nội)  Nhìn từ một căn phòng nhỏ

Một ngày qua đi đã không trở lại. Một người nằm xuống rồi sẽ hòa mình vào cát bụi. Hôm nay, tôi đã suy nghĩ rất nhiều về người bác – một người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh – một công chức cần mẫn và thuần khiết đến lạ thường – người mà trước đây, tôi từng nghĩ rằng ông quá thủ cựu, và chính tôi đã phải hối lỗi về nhận thức ấy của mình. Bởi đơn giản, ai cũng có cách sống và chọn sống cho riêng mình. Có ai đó thấy đúng, thấy sai, thấy bằng lòng hoặc không bằng lòng. Nhưng đó là cách chọn sống của mỗi người. Thế thôi.

Nghĩ về bác, tôi không muốn kê khai ra một văn bản, lý lịch, cũng không muốn nói nhiều về cuộc sống của ông. Bởi với tôi mỗi dòng trích ngang lý lịch, mỗi gạch đầu dòng về cuộc sống ấy luôn ẩn trong đó cả ngàn trang văn bản và tôi muốn cất giữ nó cho riêng mình. Tôi chỉ có thể sơ lược về ông: từng là một người lính, từng là một cán bộ cấp tỉnh mẫn cán, chính trực và liêm khiết, từng làm bảo vệ thuê cho cấp dưới của mình khi về hưu. Gần hết cuộc đời, gia đình ông chỉ sống ở một căn hộ tập thể vài chục mét vuông. Nhà chật, người đông, kinh tế khó khăn, lại thuộc diện cán bộ, ông được tỉnh quan tâm muốn cấp cho nơi ở đẹp, nhưng đã nhất quyết không nhận. Đơn giản với ông là “mình sống thế này, ở thế này đủ rồi! Chỗ ở đó hãy dành cho người khó khăn hơn”. Ông sống thế và cả đời chỉ mãi như thế. Đơn giản mọi thứ nhất có thể. Làm việc cần mẫn nhất có thể. Người ta cũng làm cán bộ như ông, thậm chí nhỏ hơn ông mà nhà cao cửa rộng, con cái học hành được sắp đặt mọi bề. Còn ông cứ thế mà sống, con cái cứ thế mà tự bơi. Mấy chục năm qua tôi thấy ngôi nhà của ông gần như không có bất kì một thay đổi nào ngoại trừ việc con cái lớn lên, rồi dần dần rời xa ngôi nhà bé nhỏ ấy.

Bác đã chọn một cách sống đơn giản nhất có thể, đơn giản cả khi nhắm mắt xuôi tay.

 

AI SẼ LÊN TIẾNG VÌ NGƯỜI KHÁC

Nguyễn Thị Phước

Hôm nay, ngày 6-9-2021, Hà Nội giãn cách quyết liệt bước vào đợt thứ tư (tức là thực hiện phòng chống dịch Covid theo chỉ thị 16 tăng cường, còn gọi là 16+); cùng với đó là ban hành mẫu giấy đi đường mới. Còn thành phố Vinh, sau ba đợt giãn cách, trong đó có một đợt 16+; sau ba lần cho dân “ngoáy mũi”, trong đó, một lần đại diện tất cả các hộ gia đình và hai lần xét nghiệm đại trà; thì những phường/ xã hoặc khối xóm không có F0 được “xuống 16”, tức là từ “ai ở đâu ở yên đó” về mức, cứ ba ngày, mỗi hộ có một người được ra khỏi nhà một lần vào khung giờ 7-9h hoặc 15-17h, đến siêu thị ở trên địa bàn phường mình để mua thực phẩm. Nhà tôi may mắn ở trong “vùng xanh” này.

Nhà văn Nguyễn Thị Phước (Vinh)  Hoa vẫn nở

Mới 8h, Facebook đã tràn ngập ảnh Hà Nội ùn tắc, tràn ngập tiếng than vãn, la ó, chửi mắng cơ quan chức năng, mà theo họ, Hà Nội đã áp dụng những sai lầm để gây ra cái chết của hơn chục ngàn người ở Sài Gòn trước đó.

Các facebooker ở Vinh cũng không thua kém; họ đưa tin về giá cả, về phạt, về chuyện xin xỏ cãi vã, chuyện gọi điện nhờ vả; mô tả các siêu thị đông nghẹt, xếp hàng cả giờ vẫn chưa đến lượt vào. Cái khung giờ sẽ có khả năng khiến nhiều người ra về tay trắng,...

Tôi không nghĩ ra, phường mình có cái Vinmart+ nào. Thường tôi đi Big C, nó giờ chỉ có thể phục vụ bà con phường Quang Trung. Tôi mở cổng, xách túi đi, rồi lại mở cổng, xách túi vào, vì vẫn không nghĩ ra đi đâu. Sau khi ngắm giàn hoa giấy vẫn rực rỡ cả tháng nay chẳng ai ngắm, lại xách rổ cầm kéo ra vườn. Tôi chán ăn rau vườn nhà vì cả tháng quanh đi quẩn lại, hết luộc, xào, lại canh rau ba bốn năm thứ lá, dù chúng sạch và xanh non mướt mát, và may mắn có tôm có thịt chứ chẳng phải “không người lái”.

Khi hàng triệu người đang thèm đang đói rau, thì tôi lại chán rau, rau sạch! Lại nghĩ, báo chí và cả trên Facebook đã đưa, bà con vùng rau Nghi Lộc, Nam Đàn, giờ đang khóc vì rau cắt bỏ ngoài ruộng do không đem vào Vinh bán được; còn chị bạn ở “vùng đỏ”, nhờ “đi chợ hộ” thì chỉ tiền rau một bận đã hết tiền thức ăn cho một ngày.

Lại nhớ, hồi con gái út ở nhà, có hôm nó hỏi: “Mẹ, bữa nay nhà ta ăn canh chi?”. Chưa kịp trả lời, thì nó gài: “Mẹ đừng nói là canh rau vặt, nhá!”. Chưa kịp ừ, nó lại tiếp: “Mẹ cũng đừng nói là canh mướp, nhá”. Nhưng mới sang Nhật mấy tháng, nó đã than, con thèm rau quá! Đấy, có phải cứ muốn công bằng là được đâu, dù chỉ là rau thôi!

Nhìn vườn rau, tôi nghĩ, cứ ngăn sông cấm chợ mãi, thì với khả năng tự cung tự cấp như mình, câu nói của một ông lãnh đạo “Tiền nhiều để làm gì?” cũng chẳng đến mức phi lí mà phải xôn xao, nhỉ? Dù câu đó là ông dành cho các ông bà lãnh đạo, khi kêu gọi họ đừng tham, là hãy đặt danh dự lên cao!

Tôi thừa rau, tôi chán rau. Tôi cho mọi người xung quanh, vì họ quý; còn mình để nó cũng già cũng hỏng.

Nhưng chả ai chán tiền. Tiền nó biết sinh đẻ, nó có chỗ cất an toàn ở các ngân hàng nước ngoài với mọi thể chế, nó vào đất vàng, biệt phủ; họ có con nọ vợ kia, rồi chơi golf, rồi hộ chiếu thứ hai, hay cặp kè hoa khôi hoa hậu,... Thì bao nhiêu để họ thấy đủ?

Vậy thì lời kêu gọi ấy có ý nghĩa không nhỉ?

Những cú tham nhũng/ làm thất thoát hàng chục tỉ, trăm tỉ, ngàn tỉ; cũng có bao kẻ vào “lò”, mà tiền mồ hôi nước mắt xương máu của nhân dân có đòi lại được là bao! Công nhân lương không nuôi nổi con, phải gửi con cho ông bà nuôi hộ; nông dân được mùa mất giá được giá mất mùa. Nếu thu được tiền tham nhũng; nếu đừng đổ vào tượng đài hay các trò khuếch trương, thậm chí nguy hại như phun khử khuẩn đường phố,... thì đâu có người chết oan vì thiếu máy thở, vì không được chữa trị với các bệnh khác; cũng đâu khan hiếm vaccine đến nỗi “ông ngoại” phải ra tay, các lãnh đạo cao cấp phải đi xin viện trợ, trông chờ lòng tốt của người khác, còn các nhà văn nhà báo nhà ...vân vân, cùng các vị cao tuổi phải kêu ca, bức xúc vì chưa được tiêm? Mà những “nhà” được coi là trí thức tinh hoa, có vai trò tạo lập công luận, hầu hết chỉ biết ca thán trước hết vì chính quyền lợi của mình, chứ mấy ai nói vì người khác! Một người bạn bảo với tôi: “Nếu tiêm hết cho các bác ấy, liệu họ có còn quan tâm đến việc người cao tuổi bị đối xử bất công về vaccine?”

Đọc thấy bao lời mắng mỏ những người thiếu ý thức phòng chống dịch, đổ xô vào siêu thị, ra đường, gây ùn tắc và dễ làm lây lan dịch bệnh, tôi hiểu rằng, những người lớn tiếng ấy, nhà còn nhiều gạo, tủ lạnh còn đầy đồ ăn thức uống, túi còn tiền,...

Nhà thơ Hoàng Việt Hằng có lần bảo tôi: “Chị từng bị đói, nên giờ chị sợ đói lắm. Túng thiếu gì, thùng gạo nhà chị cũng cứ phải đầy”. Thế hệ tôi trở về trước, ở miền Bắc, có mấy ai không bị đói! Khi vào Nam dạy học, tôi hiểu vì sao người Nam bộ lại hào sảng, phóng khoáng thế. Họ chẳng chi chút, tích cốc phòng cơ, vì có biết đứt bữa là gì! Nhưng từ bây giờ thì họ đã biết. Là con corona nó dạy. Và ai trong chúng ta cũng được bài học, mọi sự phải dựa vào chính bản thân mình; nhưng đừng quên biết ơn những người đã giúp đỡ mình, luôn ở cạnh mình lúc khó khăn.

Những người tham mưu/ban hành các mệnh lệnh gây rất nhiều khổ nhọc cho dân có thật năng lực yếu kém đến mức ấy không? Tôi không tin thế. Chỉ là họ sợ không an toàn cho cái ghế đang ngồi mà thôi. Nhìn lại, vẫn có những người hưởng lợi từ những điều tưởng rất dở hơi ấy!

Đừng ai cho là, những ý kiến phản biện đều là của “thế lực thù địch”. Người dân ủng hộ Chính phủ chống dịch, không phải tất cả đều không biết có những mệnh lệnh của chính quyền các cấp là vi Hiến. Đó là tấm lòng của người dân Việt với đất nước. Người dân bỏ qua những cái sai ấy, vì quyền lợi của đa số, trong đó có họ. Nhưng nếu họ biết, cái sai nào chỉ vì quyền lợi một số ít, thì sẽ khác đấy. Những “công bộc” của dân cần hiểu điều này, để làm cho tròn chức trách của mình. Đó cũng là để bảo vệ tính chính đáng của chính quyền, và hơn thế!

Quyền căn bản nhất làm người, là quyền Nghĩ (dám nghĩ), quyền bày tỏ những điều thiết thân nhất, tâm huyết nhất; mà chúng ta- những người được học hành, làm công việc viết lách, còn chưa tự vượt qua nỗi sợ vô hình đã luôn phục trong ta, để thực hiện, để giành lấy; thì ta còn chưa thực sự trưởng thành, về cái ý thức công dân; chưa tự bảo vệ được cho mình, thì ai sẽ lên tiếng vì người khác?

Vinh, 6-9-2021

Nguồn Văn nghệ số 38/2021


Có thể bạn quan tâm