April 29, 2024, 6:21 am

Hiểm họa từ những “Chuồng cọp”, “Lồng chim”…

Những ngày hè nắng nóng, điện đóm phập phù. Người ngợm mệt mỏi, lơ đãng, ngủ quên… Bao nhiêu hiểm họa mất an toàn rình rập, trong đó có hỏa hoạn đang là nỗi lo khi cứu hộ gặp phải ma trận “lồng chim”, “chuồng cọp”.

Giữa tháng 5 vừa qua, xảy ra hai vụ cháy lớn gây hậu quả rất đau thương. Một vụ ở quán bar phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền (TP Hải Phòng) làm 3 nữ nhân viên thiệt mạng. Một vụ ở phố Thành Công, quận Hà Đông (TP Hà Nội) làm 4 bà cháu tử vong…

Cháy, nhưng công tác cứu hỏa nhà ở phố Thành Công rất khó khăn bởi toàn bộ mặt trước và các mặt tiếp giáp 2 bên với nhà hàng xóm bên cạnh đều được chủ hộ rào chắn bằng hệ thống khung sắt, bịt kín phía trước giống như những”chuồng cọp”, “lồng chim”để chống trộm. Cách đây hai năm, vụ cháy nhà ở phố Tôn Đức Thắng (Hà Nội) làm 4 người chết rất thương tâm. Hàng xóm dùng búa tạ phá khóa cửa tầng một, không thể băng qua “biển lửa” bốc ngùn ngụt, các nạn nhân chạy lên tầng tum thì bị mắc kẹt bởi lồng sắt quây kín, không có lối thoát hiểm.

Cơi nới quây “lồng chim, chuồng cọp” ở đô thị tựa như tự giam nhốt mình cùng thần chết là tiếng chuông cảnh báo không phải bây giờ mới gióng lên. Cháy nhà, chết người do không có lối thoát hiểm đã từng xảy ra nhiều lần trên phạm vi toàn quốc. Cũng cách đây 2 năm, vụ hỏa hoạn ở Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh xảy ra cháy nhà cấp 4 làm 6 người chết thảm. Nhà cấp 4 thôi, mà đêm ngủ, cửa khóa trong, 5 cái xe máy dựng chắn cửa trước cùng bốc cháy như một hàng rào lửa trong “biển lửa” khiến các nạn nhân không có lối thoát hiểm. Lại nhớ cuối năm 2019, ngôi nhà cấp 4 nằm sâu trong ngõ 143 phố Nguyễn Chính, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) bốc cháy dữ dội làm ba bà cháu tử vong. Người dân nghe tiếng kêu cứu xông đến cứu hộ nhưng đành bất lực bởi “chuồng cọp” kiên cố quá, khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp đến giải cứu thì mọi sự đã quá muộn mằn…

Trên đây chỉ là một vài ví dụ trong số hàng ngàn vụ hỏa hoạn hàng năm, ngoài thiệt hại vật chất tiền bạc không tính xuể là cái chết của nhiều người. Hầu như vụ hỏa hoạn nào cũng để lại những điều đáng tiếc, dễ nhận thấy nhất là… người dân không những không làm lối thoát hiểm, mà còn hàn lồng sắt “chuồng cọp” tự giam nhốt mình cho bà hỏa tấn công.

Có lẽ bắt đầu từ những năm 60 của thế kỉ trước, khi các khu nhà tầng ở Hà Nội được xây dựng để phân chia cho cán bộ, nhân viên nhà nước. Mỗi phòng chừng 30m2, thế cũng ấm áp, đổi đời. Năm tháng thời gian qua đi, người lấy vợ, kẻ lấy chồng, hoặc đưa gia đình từ quê lên sinh sống. Nhu cầu tăng cao, mà diện tích ở không đổi. Vả lại, những năm bao cấp vất vả lam lũ, nghèo khó, “bần hàn sinh đạo tặc”, những kẻ chôm chỉa trèo theo đường ống nước, từ nhà bên leo sang lan can vào trộm cắp, khi có cơ hội dù là đêm hay ngày. Bọn đạo chích rất manh động, có khi chủ nhà phải lặng im để chúng vơ vét của nả, rồi ung dung trở ra, chứ hô hoán lên thì chúng liều lĩnh xiên cho một nhát, “người ngay sợ kẻ gian” là thế. Nhu cầu tăng diện tích sinh sống và phòng gian bảo mật là hiện hữu và cần thiết. Trong cái khó, ló cái khôn, chẳng hiểu từ ai có sáng kiến làm các “lồng chim” và “chuồng cọp” từ lan can đua ra. Chỉ thêm mấy mét vuông thôi, nhưng nó có ý nghĩa giải quyết tình trạng cấp bách. Chỗ ấy vừa để phơi quần áo, cất đồ đạc, treo vài giò phong lan, thậm chí cái diện tích chật hẹp ấy được quây kín chống mưa gió thành phòng ngủ êm đềm. “Chuồng cọp” còn có chức năng phòng chống trộm cắp. Tràn lan chuồng cọp các khu chung cư cũ ở Nghĩa Tân, Thanh Xuân, Vĩnh Hồ, Trung Kính, Thành Công…

Rõ là “lồng chim” và “chuồng cọp” là nhu cầu thiết yếu và trở thành phong trào, lan rộng khắp các đô thị cả nước. Có thể nói: Cứ nơi nào có khu chung cư cũ là có… “lồng chim” và “chuồng cọp” lơ lửng trên không. Thậm chí, có khu đô thị mới hiện đại, chủ đầu tư vừa bàn giao nhà xong, thì chủ hộ cũng khởi công… chuồng cọp. Ai cũng biết tác hại của “chuồng cọp” là làm mất mỹ quan, làm xấu bộ mặt đô thị. Chúng chẳng khác như những cái mụn ruồi lồi lõm, sần sùi làm bẩn không gian đô thị sống. Chúng như những miếng vá víu chẳng đụp trên cái áo lành đẹp của đô thị phát triển hiện đại. Nhưng, điều khủng khiếp hơn là… mất an toàn cho tính mạng cư dân. Người dân tự ý xây dựng chuồng cọp thì tự đục tường, khoan lỗ, tự hàn… vô tình làm thay đổi kết cấu xây dựng tòa nhà, làm yếu các liên kết giằng néo. Nguy cơ vỡ, sụt, sập nhà cũng bắt đầu từ việc làm chuồng cọp một cách tùy tiện. Ấy là chưa kể khi xảy ra cháy nổ thì như đã dẫn ở phần trên…

Ai cũng biết “lồng chim” và “chuồng cọp” là tự giam nhốt mình cùng bà hỏa, là sống chung hàng ngày với thần chết, thế mà vẫn cứ làm. “Lồng chim” và “chuồng cọp” như là một nhu cầu tự thân, là niềm thích thú khi được mở rộng chỗ ở, khi không còn nơm nớp lo trộm cắp xông vào nhà lúc đi vắng hay ngủ mê mệt. Nhưng, người ta vẫn chưa giải bài toán: lo chống trộm hơn hay là lo thoát hiểm, cứu người hơn? Quây “chuồng cọp” và “lồng chim” càng kiên cố bao nhiêu, thì hậu quả càng nặng nề bấy nhiêu. Sau nhiều vụ hỏa hoạn chết người, các cơ quan chức năng đều chỉ ra rằng: nếu không quây “lồng/ chuồng”, hoặc làm “lồng/ chuồng” bằng sắt nhưng thiết kế lối thoát hiểm, thì các nạn nhân vẫn còn cơ hội sống sót.

TP Hà Nội và nhiều đô thị khác đã từng có phong trào tuyên truyền tự tháo gỡ “lồng chim” và “chuồng cọp”, thậm chí dùng cả biện pháp cứng rắn cưỡng chế tháo dỡ để bảo đảm mỹ quan và an toàn. Tuy nhiên, mọi cố gắng vẫn cứ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Nơi này tháo dỡ, thì nơi kia vẫn cứ xây. Biết có thể chết người khi hỏa hoạn mà vẫn cứ làm “lồng-chuồng” để tự giam nhốt mình. Rõ ràng hiên nay, câu chuyện “chuồng cọp” và “lồng chim” không chỉ là hiện tượng “lồng- chuồng” của các gia đình nữa, mà thực tế đã là vẫn đề xã hội rộng lớn hơn. Hiện nay, đời sống con người đã khá hơn, nhu cầu tăng diện tích ở từ làm lồng sắt đã bớt đi, có nghĩa là nhu cầu không còn cấp bách nữa. Nhưng, nhu cầu làm lồng sắt để an toàn thì lại là cấp bách. Làm lồng sắt để trẻ nhỏ không trèo rào lan can, rơi xuống đất. Làm lồng sắt để chống trộm đột nhập… đang cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chúng ta ai cũng biết rằng: một khi đời sống bình yên, an lành, cửa quên khóa không mất trộm, của rơi trên đường có người nhặt tìm chủ nhân trả lại, xe máy không khóa để quên ở bờ Hồ Hoàn Kiếm từ sáng đến trưa không có người dắt đi v.v… thì lúc ấy cũng chẳng ai hơi đâu bỏ công sức và tiền của để làm “lòng chim” và “chuồng cọp” nhằm tự nhốt mình. Nếu các khu nhà cao tầng mới mọc lên gần đây được thiết kế an toàn, trẻ con chơi nghịch không bị rơi từ tầng cao mấy chục mét xuống đất thì cũng chẳng ai rỗi hơi làm “lồng/chuồng” bảo vệ. Cơ mà, vấn đề an sinh, an toàn xã hội để người dân không còn nhu cầu tự thân làm “chuồng cọp” và “lồng chim” nữa, thì lại thuộc về nhà nước (!)

Xã hội ngày càng hiện đại, thì hỏa hoạn càng có nguy cơ xảy ra và quy mô càng lớn. Các gia đình đã có “lồng chim” và “chuồng cọp” chưa tháo dỡ được vì nhiều lý do khách quan và chủ quan, thì cũng nên thiết kế thêm chỗ thoát hiểm. Như ông bạn tôi vừa rồi “mất bò mới lo làm chuồng”. Có điều anh ta là dân viết văn mà cũng khôn ra phết, cứ nhất quyết thuê thợ thiết kết một ô thoát hiểm, có bản lề đỡ cánh cửa mở ra đóng lại, an toàn bằng một cái khóa. Chìa khóa để nơi thuận tiện dễ nhìn, dễ thấy. Khi có biến thì lấy chìa khóa mở, hoặc lấy cái búa tạ ở gầm giường choang vào cái khóa để mở cửa thoát hiểm.

Dân gian có câu “người ta là hoa đất”. Con người đã đẹp lại còn quý giá hơn mọi giống loài khác trên trái đất này. Con người có tồn tại, có sống thì mới thực hiện được ý muốn, ý tưởng của mình và xây dựng gia đình, xã hội tươi đẹp. Sống trước hết là tự bảo vệ mạng sống của mình. Bị chết oan uổng một cách tức tưởi ngay trong ngôi nhà của mình vì hỏa hoạn là thật đáng tiếc và... đáng trách!

Nhà văn Sương Nguyệt Minh

Nguồn Văn nghệ số 27/2023


Có thể bạn quan tâm