April 27, 2024, 10:29 pm

Hậu ngày thơ, bàn chuyện ngâm thơ...

Kể từ năm 2003, nước ta bắt đầu tổ chức Ngày thơ Việt Nam, bỏ qua mấy năm vì đại dịch Covid-19, đến nay chúng ta đã tổ chức được hai mươi lần tưng bừng Ngày thơ Việt Nam khắp cả nước; từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí có nơi cấp xã cũng tổ chức Ngày thơ Việt Nam. Tôi dùng hai chữ “tưng bừng” để chỉ âm thanh vang động và màu sắc sặc sỡ của ngày hội đó, ngày mà thể loại thơ được tôn vinh dưới nhiều hình thức, như: trưng bày, triển lãm, hội thảo, trao đổi… và đặc biệt là trình diễn thơ.

NSƯT Nguyễn Hồng Liên ngâm tác phẩm Tiễn xuân của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Ngày thơ Hà Nội 2024. Ảnh: Báo Người Hà Nội

Chỉ nói riêng hình thức “trình diễn thơ” cũng muôn hình vạn trạng. Tôi cũng từng tham dự nhiều Ngày thơ Việt Nam ở Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh khác và có nhận xét rằng, về mặt trình diễn thơ, có khi có nơi người ta quá chú ý tìm tòi mới mẻ về “diễn”, mà ít chú ý khai thác những cách “trình” hiệu quả xưa nay. Ở các tiết mục ấy, người ta chú ý nhiều đến động tác hơn là âm thanh, nghĩa là phục vụ mắt, nhiều hơn tai. Và trong những chương trình này, nghệ thuật ngâm thơ thưa vắng, có khi chỉ xuất hiện ở màn khai mạc công phu với bài thơ Nguyên tiêu mà thôi. Hầu hết các bài thơ trong chương trình được tác giả tự đọc. Tôi không nghĩ rằng tác giả tự đọc thơ mình thì hay hơn để người khác trình diễn. Trong thực tế, có không ít nhà thơ tài danh, nhưng khi tự đọc thơ mình thì rất ít hiệu quả. Thế thì sao không chọn bài thích hợp và nhờ nghệ sĩ ngâm? Có người nói rằng sân khấu thơ ngoài trời, ồn ào không phù hợp với ngâm thơ. Tôi không tin như thế. Ồn ào hay không do chất lượng âm thanh và chất lượng biểu diễn thơ tạo nên. Cứ tưởng tượng trên sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội, khi người xem đã ngồi kín sân đang chờ đợi, nữ nghệ sĩ ngâm thơ khăn xếp, áo mớ bảy mớ ba bước lên cúi chào khán giả và tiếng đàn dân tộc ngọt ngào của nghệ sĩ đệm đàn cất lên, thì tôi tin mọi âm thanh trên sân đều nín bặt, để lắng vào không gian thơ. Tiếng đàn, tiếng ngâm như con thuyền bập bềnh đưa hồn người về lại một vùng kỷ niệm…

Ở nước nào cũng có chuyện đọc thơ biểu diễn trước công chúng, đặc biệt là trong thời hiện đại, việc trình diễn thơ được hỗ trợ, cộng hưởng bởi các thiết bị âm thanh và ánh sáng tối tân. Nhưng hình như rất ít quốc gia - dân tộc có hình thức ngâm thơ như người Việt Nam, ở Việt Nam. Bởi thế, ở các nước khác không có động từ ngâm, nên ngâm thơ được dịch là hát (kể) thơ (chant of recite a poem). Không ai biết được đích xác ở nước ta ngâm thơ có từ thời nào, chỉ biết có từ rất lâu đời cùng với dân ca, ca dao và những lời ru con. Tôi nghĩ rằng, ngâm thơ manh nha từ lối ngâm nga ca dao và giọng điệu ru con, nên có thể nó ra đời còn sớm hơn cả… thơ!

Ngâm thơ thật hiệu quả khi thể hiện các thể thơ truyền thống, như thơ tứ tuyệt, thơ thất ngôn… và đặc biệt là thể thơ lục bát. Có bài thơ, ta đã thuộc lòng từ lâu, thế mà khi nghe qua giọng ngâm của nghệ sĩ, lòng vẫn cảm thấy xốn xang bởi những tình ý như mới gặp lần đầu. Điều ấy chẳng khác gì nỗi buồn thêm một lần vây bủa ta khi nghe câu ca dao đã thuộc qua giọng ru con của người mẹ trẻ: Nàng về nuôi cái cùng con/ Để cho anh trẩy nước non Cao Bằng...

Chỉ riêng thể thơ lục bát, ở nước ta đã có nhiều cách ngâm khác nhau, Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du có một kiểu ngâm riêng, điều ấy chứng tỏ ngâm thơ ở nước ta phong phú đến chừng nào! Ngâm thơ là một cách hát thơ, nhưng nó khác hát các ca khúc ở chỗ người ngâm tự tạo lấy nhạc điệu và tiết tấu; mỗi lần ngâm là người nghệ sĩ tự sáng tạo nên nhạc điệu và tiết tấu riêng, không lần ngâm nào giống lần ngâm nào. Nói cách khác, “lý thuyết” ngâm thơ không ký âm được như trong nhạc lý. Đó là lý do không có một trường lớp chính quy nào dạy cách ngâm thơ như các trường thanh nhạc, bản thân người nghệ sĩ phải tự mày mò tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước thông qua truyền khẩu và năng khiếu cảm nhận (cảm thụ) của bản thân.

Cách đây trên nửa thế kỷ, cả làng tôi chỉ có một chiếc loa công cộng tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam. Tối thứ tư, đến tiết mục Tiếng thơ, dân làng ai đang làm việc gì cũng ngừng tay, học sinh đi ra khỏi bàn học… để tập trung dưới chiếc loa bắc trên cây bạch đàn cạnh ao làng mà nghe giọng ngâm của các nghệ sĩ ngâm thơ của nhà đài. Có thể nói rằng, nghệ thuật ngâm thơ ở nước ta được phát triển có phần đóng góp to lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam trong tiết mục Tiếng thơ, qua giọng ngâm của các nghệ sĩ Châu Loan, Trần Thị Tuyết, Vũ Kim Dung, Văn Thành, Linh Nhâm, Kim Cúc, Lài Tâm, Hoàng Thanh, Hà Vi… và sau này là Hồng Ngát, Văn Chương và Vương Hà... Trong đó Nghệ sĩ Ưu tú Trần Thị Tuyết là một điển hình. Ngoài việc xuất thân từ một gia đình có truyền thống ca hát, có giọng tốt, bà luôn “lao tâm, khổ tứ” về nghệ thuật ngâm thơ. Theo bà, muốn ngâm thơ hay, trước hết phải hiểu bài thơ và điều tác giả muốn gửi gắm, sau đó nghĩ ra cách truyền cảm xúc đến với người nghe. Mặc dù làm việc lâu năm ở Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng trước khi được giao ngâm một bài thơ nào đó, bà luôn đọc kỹ nhiều lần, có khi trao đổi với biên tập viên để rõ thêm ý tứ bài thơ, dùng bút chì đánh dấu vào những chỗ cần lưu ý… rồi tự ngâm thử nhiều lần trước khi bước vào phòng thu. Nhìn cách làm việc của nghệ sĩ Trần Thị Tuyết, có cán bộ cùng công tác đã thốt lên: “Ngâm thơ cũng lắm công phu!”

Từ tiết mục Tiếng thơ của Đài Tiếng nói Việt Nam, do sự đòi hỏi của khán, thính giả, có một thời tiết mục ngâm thơ được đưa vào các chương trình biểu diễn của các đoàn văn công. Những năm hoà bình từ năm 1954 đến năm 1964 là những bài thơ của Lưu Trùng Dương, những năm chống Mỹ là thơ viết về chiến tranh và người lính của các nhà thơ tên tuổi, đặc biệt bài thơ Quê hương của nhà thơ Giang Nam là “bảo bối” của nghệ sĩ Linh Nhâm (Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị) trong mọi đêm biểu diễn.

Rõ ràng ngâm thơ là một món ăn tinh thần của đông đảo khán, thính giả. Nhiều nhà thơ nổi tiếng cũng muốn thơ của mình được ngâm, như nhà thơ Tố Hữu thích ngâm theo giọng Huế và rất mến mộ các nghệ sĩ gốc Huế như Châu Loan, Lài Tâm… Bài thơ Mẹ Suốt của Tố Hữu đã đến với thính giả qua giọng ngâm của hai nghệ sĩ này, khi kết hợp hài hoà giữa ngâm thơ truyền thống với hò Huế và dân ca Bình Trị Thiên. Bài thơ Mẹ Suốt qua giọng ngâm quen thuộc đến nỗi, một thời gian dài, mỗi khi gặp hai câu mở đầu Lặng nghe mẹ kể ngày xưa/ Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình thì ngay một độc giả người Bắc cũng thích đọc theo âm Huế!

Khá nhiều nhà thơ Việt Nam thích thơ mình được các nghệ sĩ đọc diễn cảm trên nền nhạc, nhất là đối với các bài thơ tự do. Không mấy nhà thơ thành kiến với nghệ thuật ngâm thơ, nhưng họ đòi hỏi nghệ sĩ ngâm thơ ngoài giọng tốt ra, phải tìm cách thể hiện thích hợp với từng bài thơ. Đáng tiếc là một số nghệ sĩ ngâm thơ hiện nay chưa làm được việc này, nên nhiều khi người nghe có cảm giác như nghệ sĩ ấy “khoe giọng”, hơn là làm việc truyền cảm xúc của tác giả và ý tứ bài thơ đến người nghe. Đó là chưa kể một số nghệ sĩ do thiếu khâu chuẩn bị, nghiên cứu tác phẩm nên đã ngâm sai thơ, không chỉ làm tác giả bực mình mà còn gây phản cảm đối với những thính giả đã thuộc lòng bài thơ ấy.

Ngoài tiết mục Tiếng thơ quen thuộc ra, Đài Tiếng nói Việt Nam còn có tiết mục Tìm trong kho báu, một tuần nửa tiếng bắt đầu vào mười giờ tối ngày thứ sáu trong tuần, bằng cách lần lượt trích ngâm từng đoạn trong Truyện Kiều, kèm theo lời phân tích, giảng giải của những người am hiểu tác phẩm này. Chương trình này được thính giả cả nước đặc biệt hoan nghênh. Có thính giả trên tám mươi tuổi đã viết thư: “Cám ơn Đài cho tôi được nghe ngâm Kiều để những năm cuối đời có thêm ý nghĩa!” Rõ ràng, ngâm thơ nói chung và ngâm Kiều nói riêng rất có ý nghĩa trong đời sống tinh thần của người Việt Nam ta!

Cùng với việc đọc diễn cảm thơ trên nền nhạc thông dụng, ngâm thơ là một hình thức biểu diễn thơ hết sức đặc sắc của dân tộc ta. Và, dù mai đây có thêm nhiều hình thức biểu diễn thơ nữa, thì chúng ta vẫn tin rằng, nghệ thuật ngâm thơ không bao giờ mất đi, bởi nhân dân yêu mến, bởi còn có những nghệ sĩ ngâm thơ tâm huyết, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Vương Trọng

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm