April 28, 2024, 4:21 am

Hành trình nội tâm bằng ngôn ngữ điện ảnh

Khởi chiếu trong nước từ ngày 11/08, Bên trong vỏ kén vàng - bộ phim vừa mang về cho đạo diễn Phạm Thiên Ân giải Camera d’Or tại Liên hoan phim Cannes 2023 - đã dẫn khán giả vào hành trình khám phá thế giới bên trong tâm hồn mình, bằng một ngôn ngữ điện ảnh pha trộn giữa mộng và thực một cách nhuần nhuyễn.

Bộ phim khởi đầu bằng cuộc sống thường nhật của Thiện, một thanh niên kiếm sống bằng nghề quay phim đám cưới tại Tp. Hồ Chí Minh. Ghi hình những mâm cỗ ngồn ngộn thịt mỡ vào ban ngày, và tiêu khiển ở quán nhậu, phòng tắm hơi, phòng massage ban đêm, Thiện tiêu pha năm tháng đời mình trong cảm giác hoài nghi, cô đơn và trống rỗng. Chuỗi ngày lặp lại này chỉ kết thúc khi chị dâu Thiện bất ngờ qua đời vì tai nạn, đặt vào tay cậu câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, cùng trách nhiệm cưu mang đứa cháu nhỏ và tổ chức một đám tang. Cùng bé Đạo đưa linh cữu chị về mai táng ở vùng cao nguyên Lâm Đồng phủ sương, Thiện bước vào hành trình tìm về quá khứ của bản thân – nơi nhà thờ ở quê nhà, người yêu cũ đã xa cách, và người anh trai từng bỏ đi không rõ lý do lần lượt hé mở con đường để cậu hoà giải với thời gian, với cuộc sống.

Hành trình đó đã lôi cuốn nhiều nhân vật trong phim khi họ kẹt giữa hai lựa chọn đối nghịch: một bên là guồng quay tiêu thụ hứa hẹn danh vọng, nhưng lại biến con người thành những món hàng vô danh; bên kia là đời sống tinh thần thầm lặng, nhưng lại mở ra khoảng trống mênh mông cho những phép màu cá nhân của kỷ niệm, tình yêu, sự sáng tạo và sự an tĩnh. Dạo bước trong một thế giới phân mảnh của những món hàng dùng một lần, những tiếc nuối trong quá khứ, những câu hỏi không lời giải và một thiên nhiên vừa dịu dàng, vừa đáng sợ, Thiện tìm lại từng mảnh lòng mà mình từng cho neo đậu vào ngoại vật, để dần ghép lại thành bản thân vẹn nguyên. Câu nói của bà lão ven đường – rằng “Không ai có thể cảm thông hoàn toàn cho một linh hồn” – dường như đã thôi thúc Thiện ngừng chất vấn hay biện hộ cho sự hiện tồn của bản thân, để hiện tồn một cách trọn vẹn hơn trong dòng chảy vô thuỷ vô chung của sự sống.

Một cảnh trong phim “Bên trong vỏ kén vàng”

Để thuật lại hành trình tinh thần ít nhiều mang tính phổ quát vừa kể, Phạm Thiên Ân đã kết hợp nhuần nhuyễn nhiều điển tích Kito giáo, mà anh tiếp nhận từ đức tin của gia đình và bản thân. Trên hành trình đi theo tiếng gọi từ bên trong, Thiện bắt gặp cuộc khổ nạn của Chúa Jesus trong câu chuyện của những con người xung quanh cậu – từ đứa cháu nhỏ tên Đạo đến ông già cựu binh tên Lưu, cả hai đều mang vết thương ở mạng sườn, đúng vị trí mà Jesus bị đâm bằng giáo. Nếu bé Đạo bước qua bài học đầu đời bằng cách tập khóc thương rồi chấp nhận cái chết của người thân và con thú cưng nhỏ, từ đó giảm dần lòng níu giữ và sở hữu, thì cụ Lưu vĩnh viễn tiếp tục công việc khâm liệm người chết mà mình từng đảm nhiệm trong chiến tranh. Cuộc cống hiến thầm lặng này là cách để cụ, người lính từng tìm cách né quân dịch, có thể sám hối cho bản thân và cho cuộc chiến – vì khâm liệm là hành động cuối cùng để bảo toàn nhân tính trong chiến tranh, và nhân tính này biện minh cho hành động né quân dịch trước mọi lời phán xét đạo đức. Cứ như vậy, khi bị cảnh sinh ly tử biệt đưa đẩy đến câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, những con người khác nhau trong phim đã tìm về nhân tính và sự tỉnh táo theo những cách khác nhau, đôi khi mang vẻ bề ngoài đối lập nhau. Sự đa dạng này làm nên tính sống động, phi giáo điều của bộ phim, và giúp những khán giả rất khác nhau có thể tìm thấy bản thân mình trong câu chuyện của nhân vật.

Để biểu đạt cùng lúc mặt vật chất và mặt tinh thần trong đời sống của nhân vật Thiện – theo đó hành trình hồi hương trùng khớp với hành trình khám phá các tầng sâu của nội tâm – đạo diễn Phạm Thiên Ân đã sử dụng một ngôn ngữ điện ảnh đặc biệt, ở đó hiện tại, ký ức và giấc mơ hoà quyện với nhau như bóng mây trên nước. Người xem không biết hành trình đi tìm anh trai của Thiện là một giấc mơ khi ngủ quên dọc đường, là một ẩn dụ Kito giáo về hành trình tìm kiếm Chúa Cha để rồi nhận ra linh hồn mình trong hình thù đứa trẻ, hay là một thực tại song song với cảnh Thiện tỉnh dậy và tắm suối – không khác câu chuyện Trang Chu hoá bướm hay bướm hoá Trang Chu. Có lẽ Phạm Thiên Ân đã học hỏi lối biểu đạt này từ những đạo diễn chủ trương hợp nhất ngôn ngữ siêu thực và hiện thực, như Apichatpong và Tarkovsky – hai người mà anh mô phỏng một cách không che giấu trong nhiều cảnh quay. Trong một nền điện ảnh chưa quen với phim chậm, và ưa chuộng việc tìm kiếm sự độc đáo hơn là nhẫn nại học hỏi tiền nhân, có thể xem đây là một lựa chọn can đảm của đạo diễn.

Để đảm bảo sự chân thật mà phong cách phim mình chọn đòi hỏi, Phạm Thiên Ân chủ yếu dùng ánh sáng tự nhiên thay vì ánh sáng trường quay, và đã đưa vào phim một lượng lớn các chất liệu thực tế. Anh cũng dùng các cảnh quay dài, đôi khi dài gần nửa tiếng, để khán giả được trải nghiệm đời sống trong phim theo thời gian thực, thay vì đơn thuần nghe lời kể khô cứng của nhà làm phim. Chẳng hạn, để quay cảnh Thiện ghé thăm nhà cụ Lưu dài 25 phút, đoàn làm phim đã mất bốn tuần để chờ đợi các yếu tố tự nhiên mà cảnh quay đòi hỏi – như mưa, gió, động vật, lũ trẻ chơi ngoài ngõ, hay những người láng giềng ghé thăm… Đây cũng là cảnh quay mang tính chất phim tài liệu, vì cụ Lưu là nhân vật có thật kể lại chuyện đời mình, và gửi lại những nguyện vọng riêng tư khi sắp khuất. Nhờ đó, bộ phim đã dẫn khán giả vào những trải nghiệm tinh thần có thật của nhân vật và nhà làm phim, từ đó tạo ra sự chuyển hoá nằm ngoài khả năng của mọi lời thuyết giảng.

Dù vậy, không thể nói rằng bộ phim không có sạn. Khi đọc những lời thoại liên quan đến đức tin, một số diễn viên phụ trong phim đã thể hiện một cách khá gượng gạo hoặc cường điệu, từ đó tạo nên những điểm đứt gãy với phong cách tổng thể của bộ phim, và làm gián đoạn mạch cảm xúc của khán giả ngoài Kito giáo. Có lẽ điều này đã khơi dậy một số than phiền trong dư luận, rằng bộ phim chứa những lời thoại quá “gồng” khi bàn về đức tin. Tuy nhiên, nếu nhìn cấu trúc tổng thể của bộ phim, chúng ta có thể có một cách cảm nhận khác. Cuối phim, nhìn nghi lễ tẩy trần mà Thiện tình cờ trải qua khi ngả lưng trong lòng suối, khán giả hoàn toàn có quyền tự hỏi ai đang đến gần hơn với điểm thức tỉnh – bà lão luôn khao khát đi tìm và thuyết giảng hay cậu trai trẻ lần đầu ngừng tìm kiếm, ngừng khao khát, ngừng định nghĩa để nằm xuống nghỉ ngơi.

Theo cách này, “Bên trong vỏ kén vàng” là một phim hay, vì nó dùng hình ảnh để khuyến khích khán giả tự đặt câu hỏi và tự bắt đầu những hành trình nhận thức riêng tư - điều nằm ngoài khả năng của những lời thuyết giáo kinh viện.

Nguyễn Vũ Hiệp

Nguồn Văn nghệ số 38/2023


Có thể bạn quan tâm