May 3, 2024, 11:47 am

“Haiku thị giác” và sự tối giản trong nghệ thuật

Nghệ thuật thị giác đã không còn xa lạ với công chúng yêu nghệ thuật ở Việt Nam nhưng “haiku thị giác” hẳn còn nhiều mới mẻ. Giữa mảnh đất mênh mông mà các nghệ sĩ thị giác vẫy vùng sáng tạo ngày nay, “haiku thị giác” không chỉ là phong cách hướng đến sự tối giản trong nghệ thuật thị giác…

Từ nghệ thuật thị giác đến “haiku thị giác”

Nghệ thuật thị giác (visual art), còn gọi là nghệ thuật trực quan, là hình thức nghệ thuật tạo ra những tác phẩm có tác động trực tiếp tới thị giác. Nghệ thuật thị giác đã ra đời từ khi con người biết vẽ/ viết tượng hình lên vách hang động trong buổi ban sơ của loài người. Nhưng phải đến khoảng nửa cuối thế kỷ 20, cùng với sự ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại và sự xuất hiện của hàng loạt các khái niệm mới của nghệ thuật đương đại trong lĩnh vực mỹ thuật, thuật ngữ “nghệ thuật thị giác” mới thực sự đi vào đời sống. Cho đến nay, nghệ thuật thị giác đã ngày càng phát triển, mở rộng đa hướng, đa phương tiện và vươn xa qua nhiều loại hình khác nhau như kiến trúc, hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, hình xăm nghệ thuật, sản phẩm mỹ thuật ứng dụng, sản xuất video, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang, nghệ thuật sắp đặt… Có thể nhắc tới một số nghệ sĩ thị giác đương đại của Việt Nam như: Trần Lương, Trần Trọng Vũ, Hoàng Tường Minh, Trần Văn Thảo, Nguyễn Thế Sơn… Ngành nghệ thuật thị giác cũng đã được đưa vào đào tạo tại một số trường ở nước ta như Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nghệ thuật – Đại học Huế.

“Haiku thị giác” (visual haiku) là một thuật ngữ vẫn còn khá mới mẻ với công chúng Việt Nam. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu độc lập Nguyễn Vũ Hiệp (Hà Nội), “haiku thị giác” là những thực hành thị giác hiện đại hoặc đương đại chịu ảnh hưởng thẩm mỹ của thơ haiku. Đó là những tác phẩm thực hành thị giác mô tả không quá ba đối tượng - giống như tinh thần không dài quá ba câu của thơ haiku.

Nghệ thuật đương đại trên thế giới đã có nhiều thực hành “haiku thị giác” như trong các tác phẩm “nhiếp ảnh haiku” của Yamamoto Masao, Kajioka Miho, Kobayashi Nobuyuki…; “tranh haiku” (haiga) của Katja Fox…; hay là những thực hành và cuộc thi làm “phim haiku” trong 3 phần với độ dài chỉ 20-30 giây của Hiệp hội Cinéhaïku (Pháp) do Clara Molloy (nhà sáng lập Memo Paris) tổ chức… Tại Việt Nam, có thể thấy “nhiếp ảnh haiku” là cách gọi khác và phần nào được thực hành/ thể hiện ở một số tác phẩm trong trào lưu #chupdongian hay #streetphotography…; “phim haiku” được thể hiện ở tác phẩm “Em Cá” của Trần Ngọc Sáng (workshop Haiku Happens, Hanoi Doclab, 2014). Trái lại, ta dễ dàng bắt gặp tinh thần tối giản và thẩm mỹ haiku quen thuộc trong các bức tranh thủy mặc từ xa xưa (sự tối giản của cảnh và sắc nhưng vẫn mang nhiều sức gợi mãnh liệt).

Dường như ở lĩnh vực nghệ thuật cổ điển như hội họa, tinh thần tối giản và mỹ cảm haiku vốn đã xuất hiện ở dòng tranh thủy mặc. Cho đến khi công nghệ đa phương tiện phát triển, thẩm mỹ này tiếp tục chịu ảnh hưởng và xuất hiện rộng hơn. Như vậy, thuật ngữ “haiku thị giác” đã hình thành một cách tự phát khi những thử nghiệm và xu hướng tối giản trong các hình thức nghệ thuật đương đại tạo thành một hiện tượng.

“Haiku thị giác” và sự giao hòa Đông - Tây

Nghệ thuật thị giác đang phát triển mạnh mẽ ở thời đại đa phương tiện ngày nay. Những tìm tòi thử nghiệm và thực hành của các nghệ sĩ thị giác chưa bao giờ dừng lại - Từ các thực hành về hình khối, nghệ thuật sắp đặt đến trò chơi của màu sắc và ánh sáng trên mọi chất liệu khả dĩ… Và ta thường thấy, sau tất cả các trào lưu, những thực hành/ nỗ lực làm mới, làm khác trong bất cứ lĩnh vực nào, trở về sự tối giản là xu hướng tất yếu, bởi “đơn giản là đỉnh cao của sự tinh tế”. Nhất là trong nghệ thuật.

Nghệ thuật thị giác được thực hành trên đa phương tiện đã chịu tác động lớn từ sự phát triển công nghệ kỹ thuật của phương Tây. Song, thẩm mỹ “haiku thị giác” lại dẫn cảm giác gợi đến tinh thần phương Đông nhiều hơn. Đây là một cuộc gặp gỡ Đông - Tây đáng kể. Cùng lúc, thế giới đã qua giai đoạn điên cuồng theo đuổi sự phát triển của phương Tây. Những năm gần đây, thực tế cho thấy mối quan tâm toàn cầu đang được chuyển hướng về bí ẩn văn minh phương Đông nói chung và châu Á nói riêng. Có thể thấy một con đường tìm về phương Đông sau bao lâu nền văn minh này bị coi nhẹ hay bỏ lỡ chăng?

Hiệp hội Cinéhaïku (về thực hành “phim haiku”) được thành lập vào năm 2016, gồm những người có chung tình yêu với phim ngắn và thơ, đặc biệt là thơ haiku. Trong một chia sẻ công khai, người sáng lập Cinéhaïku là Clara Molloy đã cho biết ý tưởng thành lập Cinéhaïku sau khi cô đọc La Préparation du Roman của Roland Barthes, trong đó tác giả có đề cập đến một số bài haiku là cách giải thích hiện tại tốt nhất. Đó chính là “khoảnh khắc của sự thật”, cũng là bản chất của haiku.

“Haiku có những quy tắc riêng, đây là điều tôi thấy thú vị nhất. Những bộ phim rất ngắn có thể nói về bất cứ điều gì, đó là cách kể chuyện ngắn gọn và đặc biệt một cách tinh tế”,  người sáng lập Cinéhaïku chia sẻ.

Thường khi nhắc tới thẩm mỹ haiku và tinh thần tối giản, ta sẽ nghĩ ngay tới tinh thần Nhật Bản. Nhưng trước hết, Nhật Bản là nước đồng văn với Trung Quốc và chịu ảnh hưởng sâu sắc từ văn hóa Trung Hoa, trong đó có tư tưởng, tôn giáo.

Trong nghiên cứu “Từ thuyết vô vi đến haiku thị giác”, Nguyễn Vũ Hiệp cũng chỉ ra rằng, các nghệ sĩ thực hành “nhiếp ảnh haiku” như Yamamoto Masao, Kajioka Miho, Kobayashi Nobuyuki… thừa nhận họ chịu ảnh hưởng lớn từ Đạo giáo hoặc Phật giáo Thiền tông. “Đó là những khái niệm như “hư không” (Yamamoto Masao và Margaret Lansink), “thuận theo tự nhiên” (Albarrán Cabrera), hay “wabi-sabi” (Kajioka Miho)…”, anh nhấn mạnh.

Đạo giáo và Phật giáo đều là những điểm nhấn trong văn minh phương Đông. Dù cách diễn giải hay mục đích hướng đến khác nhau, nhưng tinh thần “vô vi” của hai tư tưởng này cũng dẫn đến một điểm giao tương đối. Hiểu một cách nôm na, điểm giao ấy là sự giản đơn của vô cùng, là khoảng trống của tĩnh lặng và cân bằng lại vừa là sức gợi sáng tạo, khoảng trống ấy vừa là tính “không” lại vừa mang tính độc lập, chủ động… và được gói gọn trong “khí” và “đạo”.

Và đồng thời, khi nhắc tới triết lý “thuận theo tự nhiên”, “vô vi” của phương Đông nói chung hay “khoảnh khắc của sự thật”, “khoảnh khắc của hiện tại” trong mỹ cảm haiku nói riêng, ta không thể bỏ quên thành ngữ “Carpe diem” kinh điển trong văn minh La Mã cổ đại (phương Tây). “Carpe diem” - thành ngữ Latinh này có nghĩa là “Hãy sống với hiện tại”, “Hãy tận hưởng/ nắm bắt hiện tại”.

“Haiku thị giác” mang những đặc trưng về tối giản, vô vi với thẩm mỹ trên tinh thần “nắm bắt hiện tại” cho các tác phẩm thực hành thị giác. Đó là sự giao hòa Đông - Tây thú vị, và cũng là tình cờ mà ngẫu nhiên rất phù hợp trong thực hành nghệ thuật ở bối cảnh thế giới “không đường biên” như hiện nay.

Yến Ly

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2024


Có thể bạn quan tâm