April 27, 2024, 2:49 pm

Gương lệch. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

Vừa mở được mắt, gã đã nhìn thấy hình ảnh méo mó của mình trong gương. Đầu gã phình ra, miệng ngoác dài. Cái bụng ỏng chảy xệ, đôi chân bé co lại teo tóp. Hình ảnh gã như bức tranh biếm họa lộn ngược. Gã hoảng loạn nhận ra gã đang soi mình trước cái gương lệch.

Ai treo cái gương lệch thế này? Mọi thứ trong nhà gã đều phải đúng trật tự, quy củ, kể cả từ cái lọ tăm. Gương thì càng phải treo hay dựng ngay ngắn. Tuyệt đối không được để tuỳ tiện, xiêu vẹo, nghiêng lệch. Hôm vợ gã treo cái gương trên tường không ngay ngắn gã đã muốn nổi xung. Nhỡ nó rơi vỡ thì sao? Con Nguyệt cầm cái gương con soi xong vứt đầu giường đã không xong với gã. Nhỡ ai vô tình dẫm phải thì sao? Gương vỡ là điều xui xẻo nhất trong những điều xui xẻo. Là điềm xấu nhất trong những điềm xấu. Những mảnh gương vỡ sẵn sàng giương mũi nhọn lên chọc vào da thịt gã. Những mảnh gương vỡ sẽ chọc vào lớp màng kí ức nhàu nát của gã. Những miếng vỡ thuỷ tinh nhọn hoắt trồi lên như những mũi chông. Chúng nhằm gã lao đến theo chiều xiên nghiêng. Gã muốn kêu nhưng cổ họng khô khốc. Những lúc cổ họng tự dưng kiệt nước thì gã cũng bặt tiếng.

Minh họa: Lê Trí Dũng

Gã nhắm mắt lại để không phải thấy những mũi thuỷ tinh đang lao về gã theo chiều xiên nghiêng. Nhưng hình như chúng vẫn cứ lao tới. Gã muốn ngồi dậy để chạy trốn nhưng đôi chân rã rời không chịu nghe gã chỉ đạo. Gió vút qua tai mang theo mùi máu tanh. Gã vung tay chống cự một mũi thuỷ tinh nhọn đang rí sát mặt, miệng gã há ra muốn kêu cứu. Từ cánh tay vung ra, một vạt nước tạt lên mặt gã. Vài giọt đã rơi vào cổ họng đang khô khốc của gã, mấy mẩu rong rêu dính lên mép gã. Gã bật tiếng kêu ú ớ:

“Mọi người đâu! Sao lại để cái gương lệch thế này?”.

Tiếng kêu khá dài. Gã cũng không ngờ nhờ vài giọt nước mà gã đã kêu được dài như thế. Nhưng nước ở đâu? Gã cố mở mắt nhìn lần nữa. Hình ảnh gã biến dạng vẫn lộn ngược. Gần phía cái đầu bị kéo dài, một mảng màu xanh thẫm trông vừa giống như mây trời vừa giống cỏ, vừa giống đám rễ bèo, thứ đó đang bết lên nhau và bết lên đầu gã. Đầu gã lại giật binh binh như thể có tiếng búa đóng đinh vào. Gã lặp lại:

“Sao lại để cái gương lệch thế này?”.

Gã muốn quát to cho vợ con đến dựng cái gương lại, treo ngay ngắn trên tường nhưng gã không sắp được các chữ thành từ. Gã cũng chẳng còn hơi để đẩy chúng thàng tiếng.

Gã phều phào: “Cái gương”,… “Lệch”...

Vợ gã không ả ơi. Cũng không thấy xuất hiện. Giờ này Yến đã rời cơ quan. Yến đi chợ hay tạt vào làm mặt, hay rẽ về bà ngoại, hay…Cái Nguyệt cũng không thấy bóng dáng đâu. Nó còn trong xưởng vẽ hay đã lượn phố với thằng người yêu mới? Thằng Khang vẫn còn chúi mặt trong trang trại nhặt trứng gà làm sản phẩm OCOP hay đã ra đồng Bún xem nước đổ về ao cá…Không có ai chạy lại chỗ gã. Chỉ có những mũi chông thuỷ tinh vẫn đang lừ lừ tiến về phía gã, tấn công gã, muốn giết gã. Gã nhắm mắt dồn sức lực cho đôi tay vung lên chống trả lần nữa. Lại một làn nước mạnh tạt lên mặt gã. Nước ở đâu không biết. Nước vã vào miệng gã. Cơn khô miệng trôi mau. Mớ ngôn ngữ hỗn độn lại hiện về. Tiếng gã bật ra, dài hơn cả lần trước:

“Sao lại để cái gương lệch thế này?...Muốn giết người à?”.

Gã thấy dễ chịu hơn một chút. Kể ra mà quát được to hơn nữa thì khoái hơn nhưng gã vẫn còn mệt, việc đó quá sức gã.

“Ai giết người? Ai bảo cái gương lệch?”.

Một giọng đàn bà lạ lầm bầm bên tai. Gã hoang mang. Mở mắt nhìn, mấy đám xanh, thâm, đen vẫn bệt dính lại phía mang tai. Phía trên có một đám xanh thẫm cứ rung rinh chuyển động. Gió thoảng ra từ đấy nhưng không phải quạt. Gã lơ mơ nhận ra, đây không phải nhà gã, không phải cái giường hay tấm thảm trải nhà chết tiệt. Gã cố chống tay ngồi dậy nhưng không thể. Mang tai trái gã giật liên hồi. Tất cả những gì gã nhìn thấy lại quay lô lô. Đám xanh thẫm quay, đám xanh đen quay, cái gương lệch nghiêng quay. Gã lâm vào tình huống trớ trêu. Có thể còn là một tình huống nguy hiểm. Nhưng đã từ lâu, trong mọi tình huống, gã luôn kiềm chế, giữ sức và giữ cái lưỡi ở tư thế thẳng giữa hai hàm răng. Gã biết không giữ được cái lưỡi để nó múa máy nhiều còn nguy hiểm hơn các bộ phận khác trên cơ thể múa máy.

“Ai giết người? Sao bảo cái gương của ta…”.

Từ đám màu xanh, khuôn mặt đàn bà trắng đen nhem nhuốc, mớ tóc buộc xác như xơ mướp, đôi mắt to hoang dại hiện ra trước mặt gã. Gã lắp bắp:

“Cô là ai?”.

Có một cái gì đó vừa rơi nhẹ xuống ngực gã, người đàn bà cầm lên phe phẩy quạt:

“Ta là lá”.

Gã nhận ra đó là một chiếc lá bàng. Đôi mắt hoang dã chợt long sòng sọc lên:

“Ngươi là ai? Ở đâu đến đây đòi soi gương của ta, ta bóp cho lòi ruột tuột gan quân chết tử chết tiệt!”.

Gã rùng mình, tưởng những ngón tay cáu cóc, khẳng khiu với những cái móng dài quặp xuống đang miết lên cổ mình. Đây là đâu? Sao gã lạc đến đây? Cái gương lệch nghiêng kia nữa. Không phải cái gương trên tường nhà gã ư? Gã đã soi gương của người đàn bà hoang dại này ư? Những chiếc gương luôn phản chiếu linh hồn của chủ nó. Thảo nào hình ảnh gã méo mó, biến dạng và lộn ngược.

Hai bàn tay với những cái móng dài khượt của người đàn bà tiến lại phía cổ gã:

 “Đừng!”.

Tiếng cười man dại vang lên. Gã trông thấy hàm răng trắng nhe ra:

 “Ngươi dám bảo chiếc gương của ta lệch à?”.

Gã bị mụ dựng ngồi dậy, lưng tựa vào gốc cây. Mấy cái bướu ở gốc cây va vào đầu gã đau điếng. Hai bên thái dương vẫn lên cơn giật liên hồi. Gã mở mắt, lại nhắm mắt. Tiếng mụ rít lên:

“Mở mắt ra mà coi, chiếc gương của ta không nghiêng, không lệch, quân ăn cướp lừa đảo kia!”.

Gã đành phải mở mắt. Những đám màu vàng, xanh, trắng, tro chấp chới trước mặt gã:

“Thấy chiếc gương của ta đang treo ngay ngắn giữa những cánh đồng lúa chưa?”.

Tiếng người đàn bà lại rít lên giận dữ. Hai bàn tay mụ vung qua mặt gã như muốn cào vào mắt gã lôi cho được con ngươi ra nếu gã không nhìn ra điều ấy. Sự đe doạ đó làm cho đầu gã bớt quay cuồng. Mắt gã nhìn thấy dòng sông trước mặt. Dòng sông tách cánh đồng lúa làm đôi. Dòng sông nước trong xanh như mặt gương. Dòng sông đang chảy nghiêng nghiêng. Dòng sông chứ không phải cái gương.

“Ta đã treo gương rất cẩn thận. Mắt không mù, tai không điếc, mồm không câm thì đừng có nói xằng bậy nghe chửa?”.

Những ngón tay lại như những móng vuốt chìa về phía cổ gã.

“Cha tổ cái bọn nốc rượu cho lắm vào đến đây làm ô uế tấm gương của ta”.

 Mụ đàn bà quệt tay vào miệng chửi và nhổ nước bọt phì phì. Gã thấy vòm họng tự dưng đầy ứ nước bọt. Gã không dám nhổ, gã nuốt vào. Họng đỡ khô hơn. Mỗi khi bị áp lực từ phía đối diện miệng gã hay tứa ra nước bọt, nhưng chẳng bao giờ gã dám nhổ như mụ, gã toàn nuốt. Nuốt cho an toàn. Kể cả lúc nhìn sếp phát biếu phòi cả nước bọt ra hai bên mép, miệng gã cũng tứa nước bọt. Gã muốn ra ngoài nhổ nhưng rốt cuộc lại nuốt vào. Như thể nuốt từng lời vàng ý ngọc đang lã chã tuôn ra từ miệng sếp. Chỉ có thể là điên loạn, là ngu dại mới nhổ phì phì như rắn thế kia.

Mụ ta cười rú lên. “Mà quân chết tử chết tuyệt từ đâu đến? Ai định giết ngươi?”.

Gã từ đâu đến?

Gã từ đâu đến nhỉ? Từ cái nhà mà mọi người thường gọi là tổ ấm chăng? Liệu gã còn ở nhà đấy hay gã rời bỏ đấy từ lâu rồi? Chiều qua về nhà muộn mà vợ vẫn chưa về. Chắc cô ta lại đang ở chỗ nào đấy với đám đàn bà sồn sồn giật ngực lắc mông, cái mà người ta gọi rất mĩ miều là câu lạc bộ dân vũ. Gã gọi vợ về nấu cơm để gã mang sang cho bà nội ốm liệt giường. Vợ gã choa choả cãi, bảo gã tự đi mà nấu cơm, mẹ ốm mà không nấu được bữa cơm mang cho mẹ thì còn nói gì ai. Gã nhìn cái điện thoại ngùn ngụt căm hờn, họng gã lại khô khốc. Gã như bị cấm khẩu. Nhìn lên chiếc gương treo tường gã thấy mặt gã từ đỏ chuyển sang màu tía. Vội lấy viên thuốc tống vào mồm rồi nằm vật ra giường cho dịu cơn bốc hoả.

Mỗi lần vợ chồng to tiếng, gã thường là kẻ thất bại đầu tiên. Gã không muốn hàng xóm láng giềng thấy vợ chồng gã xô xát. Gã không muốn mẹ gã biết chuyện lại rên rẩm nói gã là không biết dạy vợ. Mà đời gã mấy chục năm có vợ, gã chưa dạy vợ được gì ngoài việc treo gương. Mấy ông bạn bảo gã vì bị lép vế nên đâm ra sợ vợ. Gã cũng không thèm đôi co với họ. Cái nhà ba tầng cao chềnh ềnh bố mẹ vợ cho như cái bóng đè khiến gã cứ phải nhún nhịn mãi. Cái ghế nhỏ ở cơ quan gã đang ngồi cũng nhờ bố vợ quan hệ mà có nên gã lại tiếp tục nín nhịn. Vợ vì đẻ được hai đứa con cho dòng họ nhà gã mà tàn phai nhan sắc cũng khiến gã phải ngậm tăm. Lí lẽ của vợ sắc nhọn hơn mũi dao luôn chực cứa vào tim gã. Ở nhà nhún nhịn vợ, đến cơ quan nhún nhịn đồng nghiệp. Cứ thế gã ít nói hẳn. Duy chuyện mấy cái gương mà treo lệch trong nhà thì vợ con không xong với gã. Vợ biết vậy nên chẳng mấy khi cự lại gã chuyện treo gương.

Gã từ đâu đến?

Từ cái phòng họp của cơ quan ư? Gã nhớ lại buổi họp vừa diễn ra. Tất cả vẫn diễn ra theo trình tự như bao cuộc họp khác. Nó diễn ra lớp lang, chương hồi như một vở kịch. Những người dự họp vừa là diễn viên vừa đảm nhiệm vai trò khán giả. Có vài người kiêm luôn vai đạo diễn. Những tiếng vỗ tay đan xen giữa những bài phát biểu. Những ưu điểm đan xen với hạn chế, những thái độ nhận thức đan xen với hành động thực tiễn. Những nụ cười tới độ đan xen với nét chau mày suy tư vừa tầm. Những bộ quần áo giống nhau. Gã cứ ngồi nghe và nuốt nước bọt như nuốt từng lời. Gã vỗ tay, và gã cũng phát biểu. Chỉn chu đến từng nhịp nhả chữ, cách đánh mắt nhìn xuống, nhìn quanh, nhìn lên…Xong nhiệm vụ gã lại ngồi về chỗ và nhìn, nghe. Gã nhận ra trong cái phòng này đến không khí cũng như đã vào trạng thái đồng phục.

Chợt một giọng nói vang bên tai gã:

“Dối trá!”.

Hai tiếng ấy phát ra như tiếng sét rạch bên tai gã. Gã tái mặt. Chắc là ai nói chứ không phải gã. Gã quay sang bên có tiếng nói. Tay B ngồi cạnh mặt lạnh tanh nhìn lên. Gã thấy mồ hồi toát ra hai bên mang tai. Những tiếng nói lại vang bên tai gã:

“Dối trá! Dối trá!”.

Tiếng nói phát ra từ tai gã. Gã nhận ra nó. Gã muốn kìm lại. Gã đã kìm nó bằng thuốc cả năm nay. Gã âm thầm uống thuốc mà không một ai biết cũng như chẳng một ai biết đã một năm nay gã nghe thấy những tiếng nói bất trị, những tiếng nói phản kháng luôn phát ra bên tai mình. Gã mò mẫm tìm hiểu trên mạng. Chỗ bảo bị trầm cảm, chỗ bảo bị hoang tưởng, chỗ bảo bị tâm thần phân liệt dấu hiệu của bệnh thần kinh. Gã lo lắng mất ăn mất ngủ, mất tiếng, mất cả cười. Nói cách khác, gã nhận thấy gã đã không cười được nữa. Dần dần, gã thấy mình đánh mất cả tiếng nói. Trong cơ quan, trong gia đình, trong các cuộc họp, hội thảo, hay trong cả những lúc vợ chồng cãi nhau. Mất tiếng nói từ miệng thì gã càng nghe thấy tai gã cất tiếng nhiều hơn. Những tiếng nói bất mãn, thật chí là những câu nguyền rủa độc ác mà bình thường gã chỉ dám nghĩ trong đầu thì nay nó phát ra đằng tai. Đầu gã nghĩ gì thì tai cất tiếng nói ấy. Trái ngược với tai thì miệng gã ngày một căng cứng, câm nín.

Gã tìm đến bác sĩ tư có tiếng. Bác sĩ bảo phải dùng thuốc, rồi phải tự điều chỉnh ý thức, cần bền gan. Gã bền gan theo lời bác sĩ. Nhưng những tiếng nói như con ngựa bất kham vẫn vang lên qua tai gã những lúc cần im lặng.

“Bản báo cáo vừa rồi đầy dối trá!”.

Kinh hoàng. Gã ôm hai tai, dúi mặt xuống bàn, định che đi tiếng nói. Nhưng tiếng nói đã vang khắp phòng họp. Tiếng nói trắng trợn, ngạo nghễ, khiêu khích:

“Tôi phản đối bản báo cáo thành tích vừa rồi. Không thể nêu gương anh ta được!”.

Phòng họp lặng ngắt như trong một phút mặc niệm. Rồi ồn ào, nhốn nháo kinh khiếp. Gã định thần lại, nhận ra không phải tiếng nói từ tai gã. Nó bật lên từ mồm tay B. Tay B đã đứng bật dậy và đang vung tay, vung chân. Mồm đang há ra tạo một lỗ đen ngòm như lỗ cống. Tay này nghiện thuốc lá, cả thuốc lào và đủ các loại thuốc tây khác.

Gã run rẩy kéo tay B xuống thì B vung tay qua mặt gã, ba đầu ngón tay B in trên mặt gã:

“Anh có dám nói không?”.

Gã ôm đầu nhăn nhó. Mặt B đỏ tía như gà chọi trong xới:

“Anh hèn. Anh chọn là thằng câm thì để mặc tôi. Hôm nay có thể là ngày cuối cùng của tôi ở cơ quan này nhưng tôi phải nói. Sự dối trá cần phải lên án. Đề tài ấy không phải do anh ta nghĩ ra…mà do tiền anh ta mang lại. Anh ta là kẻ dối trá nhất trong những kẻ dối trá!”.

Phòng họp nhao nhao. Không biết người ta lên án tay B hay nên án T đang đứng như phỗng trên bục kia. Mặc kệ, gã thấy người gã phừng phừng, cổ họng khô khốc. Gã biết, lúc này mình không chỉ mất tiếng nói mà còn đang mất trọng lực. Gã lao ra khỏi phòng như thể có người đuổi theo phía sau để giết gã. Trông gã nghiêng ngả như chiếc lá úa lìa cành.

Ai định giết gã?

Gã có thù oán với ai đâu mà sau đợt lên núi về lúc nào gã cũng cảm thấy có kẻ định giết gã. Kẻ đó lúc mặc áo choàng màu trắng, mặc trắng bệch cầm con dao trên tay đứng từ xa nhìn gã như đợi gã sơ hở là đâm ngay. Kẻ đó lúc lại biến thành đàn bà, tóc xoã, quần thâm đu ngược trên cành cây lè lưỡi dài như con rắn chờ gã đi qua là há miệng nuốt chửng. Những cây có tán xoà gã đi qua khi ấy đều biến thành cây keo lá tràm hoa vàng nhức nhối mắt. Màu vàng ấy làm gã đau đầu. Gã chỉ cần nhìn thấy một bông mướp vàng cũng đã như có nắm thuốc nổ đặt trong đầu. Những cảm giác ấy xâm lấn gã kể từ  lúc trở về trong rừng keo lá tràm trổ hoa ấy. Thứ rượu men lá tay A Sau rót mãi vào cái bát của gã làm gã mất tỉnh táo. Gã đã nói về công trình nghiên cứu “Keo lá tràm” của gã. Đất Cẩm Dương sẽ trổ vàng hoa. Keo lá tràm sẽ làm đổi màu đất, đổi đời người dân. Chủ nhà A Sau vừa nâng chén vừa nói:

“Chẳng hiểu hai thằng nói chuyện gì, công trình hay trồng keo thì khác gì nhau mà cứ làm to chuyện”.

A Sau lăn ra chiếu đánh điếu thuốc lào rồi nhắm mắt, gáy khò khò. Anh T lim dim mắt, khen gã chọn được đề tài thiết thực. T hỏi về công việc của thằng Khang. T lắc đầu khi gã chấp nhận cho thằng Khang tự do múa máy ở ngoài đồng:

“Vậy thì cái bằng đại học của nó và địa vị của chú để làm gì?”

 Gã cười cười:

“Thằng Khang nói không thích dựa dẫm vào bố mẹ, thích tự do, không thích gò bò trong khuôn khổ”.

“Khang trẻ người non dạ. Con người như cái cây, cây nào chẳng phải cắt tỉa uốn nắn mới ra hình ra bóng ra tán. Cho làm việc cơ quan để vào khuôn khổ, sau mới tiến lên được. Cứ ở ngoài đồng như dây muống mọc lan tuỳ tiện rồi cuối cùng chẳng ra cái gì chỉ bận cắt nhổ đi”.

Chỉ cái cây tùng trồng trong chậu trước cửa nhà A Sau, anh T hạ giọng chiêm nghiệm:

 “Đến giống tùng bách cứng đầu thế mà còn uốn nắn làm cây cảnh bon sai”.

Anh T nắm tay gã:

“Công trình này của chú vẫn trên dạng bản thảo nghiên cứu, chưa ai biết chứ?”

 Gã gật đầu. Anh T hạ giọng:

“Tôi rất thích công trình này!”.

Anh T nói vài câu gì đó nữa mà tai gã đã ù đi. Anh T rút trong túi quần ra đặt vào tay gã một vật nhỏ khá nặng, dưới ánh trăng nó hơi ánh lên màu vàng.

Cuống họng gã khô khốc.

Màu vàng có làm cho gã loá mắt? Màu vàng có làm cho gã mất tiếng nói? Và mất cả trí tuệ? 

Sau đấy, gã vẫn dày công tìm đọc tài liệu để tìm đề tài nghiên cứu nhưng chữ không mở ra được.

“Đồ tham tiền tài, địa vị!”. Đêm mất ngủ gã nghe thấy tiếng nói vang bên tai mình. Có một thằng trong não gã nói qua tai gã. Gã tự nhủ, cứ chửi đi, rồi ngủ đi. Có ai không tham tiền tài, địa vị chứ? Có chăng chỉ là gã bán một công trình nghiên cứu với giá không phải rẻ. Còn chỗ làm cho thằng Khang... “Tao sẽ tung hê cho mọi người thấy”. Gã nắm chặt tai, vặn như muốn trả thù thằng tàng hình đã chui vào làm tổ trong não gã. Nhưng tai gã đau nhức nhối. Rõ ngu, gã cười một mình. Sợ gì, ai tin thằng không có hình mà có tiếng. Đến hình người lù lù như gã và khối kẻ khác đây mất tiếng còn chưa làm được cái trò gì ra hồn. Vợ gã chợt tỉnh dậy hỏi gã có bị mộng du không mà lảm nhảm gì đấy? Gã đành nằm im, tay bịt chặt tai, bịt cho tiếng nói không phát ra nữa. Gã không bị mộng du. Gã xem phim, kẻ mộng du thường thức dậy giữa đêm và đi lại vật vờ như một thây ma cơ.

Màu vàng làm cho gã mất trí khôn. Không phải thằng trong não gã chõ mồm qua tai nói, mà gã, trong một phút liêng biêng khi đi giữa màu vàng của rừng keo lá tràm với tay B, gã đã ngu muội kể cái công trình sơ khai là của gã. Rồi biết mình lỡ lời, gã vội vã delete lời nói vừa rồi. Gã tự an ủi, tay B ngãng tai. Nhiều lúc, B cũng có hình mà như vô hình…

Im ắng rợn người. Mụ đàn đà đâu rồi? Gã đưa mắt nhìn quanh, những vòm xanh nhảy nhót giữa nắng. Hay là nắng nhảy nhót giữa những vòm xanh. Mặt sông lấp lánh. Đám bèo tây đang trôi phập phềnh. Bên kia sông vẫn còn mấy cánh đồng. Đi qua cánh đồng ấy, qua khu công nghiệp là tới nhà gã, gã phải về. Mà chẳng hiểu sao gã lại ở đây được. Gã định đứng dậy, nhưng cơn phừng phừng dồn lên não nhanh hơn, đầu gã lại chóng tít. Gã gục đầu vào gốc cây. Mấy con kiến gió bò nhồn nhột lên sau gáy. Có ngón tay chạm lên gáy gã:

“Cha vạn họ mày, lắm chân để leo lên ăn não người khác hả?”.

Mụ đàn bà xuất hiện. Mụ ném mấy con kiến ra xa. Mồm mụ lụng bụng nhai như nhai trầu. Tay mụ vừa cầm cái que đâm phía trước mặt gã chửi:

“Chẳng phải đầu đường xó chợ mà cũng bố láo ăn cắp. Mày đến đây rình rập để cướp nhà bà thì bà chọc tiết. Bà xiên cho phòi ruột tuột gan. Bà móc lòi óc tróc tim. Bà chặt, bà băm, bà vằm, bà nghiền cho tan xương nát thịt. Cho vụn như cám nát như tương. Bà đem rắc cho chó cho lợn. Chó lợn chán thì bà hót ném xuống sông làm mồi cho cá, cua”.

Gã xây xẩm mặt mày. Mụ đàn bà vứt cái que xuống, dí sát mồm vào mặt gã. Mụ há mồm. Mùi hôi tanh nồng lên khiến gã buồn nôn. Chưa bao giờ gã ngửi phải cái mùi hỗn độn kinh tởm như thế. Gã nhăn mũi. Mụ lập tức chửi:

 “Tông ti củ tỉ nhà mày. Có những tờ giấy bẩn thỉu kinh như máu thừa thì mày ngửi. Có những cái ghế thối hơn rắm xịt thì mày ôm. Có những cái gương nhuốc nhơ hơn nước cống thì mày soi. Có những bữa ăn đầy thịt người thì mày đớp”.

Mụ thè lưỡi đẩy ra một mớ xanh đen lẫn nước bọt. Một tay mụ bóp mồm gã cho há ra, một tay mụ tống cái nắm xanh đen nát vụn lẫn nước bọt ấy vào mồm gã. Gã trợn mắt, ú ớ:

“Không…”. Không cũng chẳng được. Mụ lại bóp chặt mồm gã và bóp cả mũi. Gã phải nuốt. Tanh, đắng, chát.

“Con cá diếc đã chết sáng nay do mấy thằng mất dạy đến câu bỏ lại với mấy cây cỏ ta vừa hái. Thuốc đấy”.

Giọng mụ bỗng dịu lại, ngân nga như hát:

“Bồ công anh bay theo làn gió. Đâu biết cỏ mật toả hương thầm”.

Gã giật mình. Gã nhìn trừng trừng mụ đàn bà. Tanh đắng chát nồng nặc tới cuống họng. Có mũi chông nhọn hoắt đang xiên vào tim gã:

 “Diệp ư?”.

Mụ đàn bà cười ré lên, cầm cái que lên, chọc xiên xẹo vào không khí:

“Ta là lá”.

Phía ngực trái gã rực lên nhói thắt. Gã đưa tay lên ôm ngực. Đầu gã như bửa ra một vũng máu đỏ tươi. Những mảnh gương vỡ lởm khởm trên vũng máu. Những mảnh gương vỡ xiên về phía gã. Diệp đã chết rồi. Diệp còn sống hay hồn ma Diệp hiện về chửi gã, ám gã?

Sau này, có lần gã mò sang sông hỏi thăm về người con gái tên Diệp, có người bảo mẹ con Diệp đã bỏ đi đâu không ai biết, có người bảo Diệp bị ma chửi ám nên bị mắc bệnh điên chửi, có người bảo Diệp đã chết. Không. Gã không cố ý giết Diệp. Gã yêu Diệp bằng chín, bằng mười người khác yêu. Gã giấu giếm tình yêu đó với mọi người. Trưa vắng rỗi việc, gã thường bơi qua sông hẹn gặp Diệp ở trong cái điếm canh đê đã bỏ hoang. Nhờ thích tắm sông mà gã đã cứu Diệp khỏi bàn tay hà bá khi Diệp ra bờ sông mò trai bị chuột rút.

Trưa vắng, nắng rát vàng rát bạc cho điếm canh thành lâu đài tình ái chỉ có hai người. Khi ấy, Diệp vừa mười sáu. Diệp ngây ngô, hoang dã, rạo rực. Gã mười chín, lóng ngóng và hung hăng, hồng hộc như chú trâu buổi vực cày đầu tiên. Tóc Diệp đen mướt phủ kín mặt gã. Mùi lá bưởi quyện với mùi mồ hôi dầu toả khắp căn điếm. Diệp run rẩy trong đê mê:

“Ai mà biết thì chết!”. Gã nghĩ đến bà mẹ già hơi gàn dở của Diệp. Không biết bà ấy có kiếm Diệp trong một điếm canh đê như thế này không. Dọc bờ đê, thỉnh thoảng lại có một điếm canh bỏ hoang.

“Chẳng ai biết đâu. Nhưng vẫn có người chết?”.

“Ai chết?”.

“Anh”. Vạt nắng qua lỗ thủng bức tường rọi vào đúng khe giữa vòm ngực Diệp, gã vục mặt xuống uống nắng.

Nhưng gã không chết mà Diệp chết. Chiều ấy, gã mượn được chiếc xe Cup 80 của ông Diên hấp bảo vệ ngoài chợ. Đó là chiếc xe của người đi chợ quên mấy hôm chưa lấy. Gã ướm trước, ông Diên bảo lúc nào cần thì lấy, chìa khoá treo trên tường. Gã lấy xe, phóng đến chỗ hẹn, đằng sau chằng một cái gương. Tới gốc cây si thì Diệp chạy ra. Gã phanh lại. Diệp lên xe ôm chiếc gương ngồi phía sau:

“Anh kiếm đâu ra cái gương to thế? Em tưởng chỉ bằng bàn tay”.

Gã không nói đã lấy cái gương từ sau quán cắt tóc bỏ hoang cạnh chợ. Gã cười, với tay cấu vào đùi Diệp:

“Gương thần tình yêu phải to chứ”.

Gã vẽ ra cảnh hai đứa nhìn thấy cảnh yêu nhau nồng nàn trong điếm canh đê qua gương. Gã sẽ để chiếc gương sát bức tường, phía trên có một vạt nắng rọi vào như xối lên chỗ nào đó Diệp. Diệp sẽ đẹp mê hồn, và cảnh hai đứa yêu nhau… Diệp rúc vào lưng gã. Gã lại vòng tay bóp lên eo Diệp. Chẳng ngờ chiếc xe máy chồm lên, đâm thẳng vào chân cột điện cũ. Gã kinh hoàng bỏ tay lái nhảy khỏi xe. Tiếng xe đổ, tiếng gương vỡ, tiếng Diệp kêu. Vài phút sau, hoàn hồn, gã ngồi dậy. Chiếc xe máy đổ bên một vũng máu đỏ tươi. Những mảnh gương vỡ giữa vũng máu. Diệp rơi xuống rệ sông, giữa đám bèo tây. Gã khiếp sợ khi phát hiện ra Diệp đã chết, đầu dính máu. Cổ họng gã tắc nghẹn. Trời bỗng kéo mây đen đến và đổ mưa dữ dội. Nước dềnh lên, đám bèo tây chờm lên Diệp. Tiếng sét đập vào màng nhĩ gã. Đằng nào thì Diệp cũng đã chết. Gã không thể chết theo Diệp được. Gã run rẩy bò lên đường. Vũng máu đã loang ra theo dòng nước mưa chảy xuống sông. Gã hấp tấp nhặt những mảnh gương vỡ ném xuống cái hố sâu sau bụi tre rồi bới cát lấp đi. Dựng chiếc xe máy lên, đạp máy vẫn nổ. Gã chạy về chợ để vào chỗ cũ. Màn mưa thẫm đen cả đất trời che chắn cho những hành động tội lỗi của gã. Về nhà, gã vội vã thay quần áo rồi vác ba lô đi. Mẹ gã hỏi đi đâu, gã lí nhí, lên chỗ anh trai đi làm thuê và ôn thi lại.

Gã đi tuốt không một lần về lại bến sông có căn điếm canh bỏ hoang. Diệp đã mờ dần trong gã chỉ còn lại ám ảnh về những mảnh gương vỡ nhọn hoắt. Diệp chưa chết hay hồn ma Diệp hiện về? Chẳng lẽ Diệp ngày xưa ngây ngô, hiền lành ít nói đã biến thành người đàn bà điên dại này? Người đàn bà điên bỗng ngửa cổ lên trời, cười khanh khách:

“Ngươi vừa từ đống rác thối ra, bẩn thỉu, tanh tưởi. Phải xuống sông tắm cho sạch”.

Mụ ta lao tới kéo gã xuống sông. Gã giẫy giụa, gã kêu cứu. Tiếng không thoát ra mà gã nghe thấy bên tai trái có tiếng đứt vỡ phựt phựt, tiếng ong óc ùa vào như tiếng nước.

Ba ngày sau, gã tỉnh dậy trong bệnh viện, khoa đột quỵ.  Người đánh lưới đang kể với vợ gã đã nhìn thấy gã nằm co giật bên mép sông lúc trời đổ nắng.

Gã bị liệt hoàn toàn, không nói được, cũng không còn nghe thấy những tiếng nói phát ra từ tai nữa.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng

Nguồn Văn nghệ số 34/2023


Có thể bạn quan tâm