April 27, 2024, 4:34 pm

Gỡ thế “bỏ kho” của phim Nhà nước đặt hàng

Nhân những câu chuyện xung quanh một số bộ phim của các hãng phim Nhà nước và hãng phim tư nhân chiếu trong dịp trước và sau Tết Giáp Thìn, dư luận lại nóng lên vấn đề: Làm thế nào để “phim Nhà nước” (đặt hàng) kéo được khán giả đến rạp?

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

Đây là một vấn đề lớn nhưng không mới, thậm chí đã tồn tại qua rất nhiều năm rồi. Tình trạng chung là phim được Nhà nước đặt hàng, sản xuất xong thì nộp Cục Điện ảnh, nhà sản xuất hết trách nhiệm. Cục Điện ảnh sẽ dùng bộ phim đó để chiếu vào những dịp lễ lớn, hoặc tuần lễ phim kỉ niệm... Đó là quyền của Cục. Nhà sản xuất chỉ biết cố gắng hết mình để làm sao sản xuất ra một bộ phim thật hay trong khả năng có thể. Sau đó các bộ phim (được Nhà nước đặt hàng) này nếu như không có đời sống trên các rạp chiếu trong cả nước thì cũng phải chịu. Bởi lẽ, Nhà nước đã xã hội hóa hoàn toàn việc xây các cụm rạp cho người nước ngoài và các doanh nghiệp tư nhân trong nước (khoảng hơn 300 rạp) kinh doanh, trừ mỗi Trung tâm chiếu phim Quốc gia là còn trực thuộc Bộ VH,TT&DL. Tư nhân được bỏ tiền xây rạp thì Nhà nước không có quyền “bắt” họ chiếu không công cho mình! Và cũng không thể “bắt” họ phải chiếu “miễn phí” để phục vụ nhiệm vụ chính trị được. Như vậy thì khán giả cả nước làm gì có điều kiện để xem những bộ phim đó, để biết chất lượng của chúng nó như thế nào? Dòng phim này từ lâu đã bị mang tiếng rất đau khổ là phim “cúng cụ”, phim “cất kho” hoặc “đắp chiếu”(!)

Nguyên tắc chung là các nghệ sĩ điện ảnh muốn được hưởng ngân sách trong kế hoạch đặt hàng của Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) thì kịch bản phải tuân thủ viết theo các đề tài sau đây: ca ngợi sự hi sinh to lớn của các anh hùng dân tộc, các liệt sĩ, chiến sĩ trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; khắc họa được các nhân vật lịch sử xa xưa hoặc cận đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ… Đương nhiên kịch bản phải có chất lượng cao mới được Hội đồng duyệt kịch bản Quốc gia lựa chọn. Tiếp đó là Hội đồng duyệt giá “liên bộ” mới vào cuộc để thẩm định giá, nâng lên đặt xuống từng hạng mục và trải qua nhiều lần họp hành bàn thảo theo quy định của các luật áp dụng vào, mới quyết định được mức giá cụ thể cho từng bộ phim. Tóm lại, từ một “miếng bánh” ngân sách rất nhỏ của Nhà nước dành cho điện ảnh hằng năm, những người quyết giá phải “chia” sao cho hợp lí là được.

Cảnh trong phim " Mùi cỏ cháy".  Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Những bộ phim được Nhà nước đặt hàng thường là có đề tài lớn, rất khó làm mà nếu người làm không am tường mảng đề tài này hoặc không yêu, không hiểu thì khó có thể dấn thân được. Hoặc có thể họ hiểu, họ yêu... nhưng lại ngại vất vả khó nhọc thì cũng dễ chùn bước. Ấy là chưa kể dòng phim “chính luận”, sử thi... thường rất tốn kinh phí mà lại khó hay và cũng rất kén khán giả. Phim mang đề tài “chính thống” để phục vụ nhiệm vụ chính trị thì Nhà nước phải đặt hàng. Vì ngoài Nhà nước ra chẳng tư nhân nào có đủ khả năng để làm bộ phim lịch sử tốn kém và công phu như vậy. Nếu họ có đủ vốn đi chăng nữa để làm cũng khó thu hồi vốn được. Thực tế thị trường điện ảnh Việt Nam vài chục năm nay đã chứng minh như vậy. Đây cũng là lí do các nhà điện ảnh phía Nam hiện nay chuyên sản xuất phim về cuộc sống đời thường, những vấn đề của xã hội đương đại, phim tâm lí xã hội... để hướng tới đông đảo người xem ở mọi lứa tuổi. Những bộ phim ấy thường dung dị về những nhân vật bình thường, đầy nguyên mẫu trong xã hội, với những mối quan hệ đời thường, yêu đương mùi mẫn chút, trái khoáy chút... Ai cũng thấy những chuyện đó có ở quanh ta nên dễ được chấp nhận. Hơn nữa, thời đại 4.0, kĩ thuật số tiến triển không ngừng đã góp phần rất lớn làm hình ảnh của phim đẹp lung linh. Âm thanh 7.1 nâng cao phần hòa âm phối khí cho âm nhạc... khiến tai và mắt người xem đều được thỏa mãn. Xem xong những bộ phim như thế, tâm trạng khán giả thư thái ít phải nghĩ ngợi băn khoăn gì... Thế là ổn. Nhà sản xuất dòng phim này vì thế dễ thu hồi vốn và có lãi, thậm chí lãi lớn.

Các nhà sản xuất phim thị trường ở phía Nam lại dễ kiếm được nhà đầu tư, hoặc họ tự bỏ vốn, hoặc góp cổ phần... nên phim họ làm đề tài cũng như nội dung được tự do “tung tẩy” hơn. Đề tài đương đại lại dễ viết, dễ quay, đỡ tốn kém phục trang bối cảnh... Phim của tư nhân chỉ qua mỗi khâu duyệt nội dung, phân loại độ tuổi (theo Luật Điện ảnh) để được phát hành là xong. Do trường vốn và tự chủ hoàn toàn nên công việc PR, quảng cáo, marketing… được họ vô cùng quan tâm và chăm chút, đổ tiền của vào khâu này khá nhiều, nghe nói cũng xấp xỉ tài chính bỏ ra làm phim kể từ khi phim chuẩn bị bấm máy cho đến khi ra rạp. Công đoạn PR này rất bài bản và chuyên nghiệp, huy động tối đa các kênh truyền thông, thậm chí cả mạng xã hội... nên ai ai cũng biết phim X phim Y sắp chiếu ở các rạp trên cả nước có các diễn viên “hot” đóng... Ai nấy nôn nóng chờ đón để được xem.

Ngược lại, với dòng phim Nhà nước, ngoài khoản tài chính đầu tư cho sản xuất thường là rất khiêm tốn, chỉ có một khoản ngân sách dành cho quảng cáo rất nhỏ, đủ để họp báo ra mắt phim, làm pano, áp phích... Còn thì muốn “đánh trống gõ mõ” thật to để quảng bá cho phim của mình là... bất khả thi. Hơn nữa, nhà sản xuất dù có muốn kí kết với các công ti phát hành lớn để họ chiếu phim mình ở hệ thống rạp của họ, lại cũng không được phép vì bản quyền phim thuộc về Nhà nước. Nhà nước muốn tự phát hành “ăn chia” theo tỉ lệ quen thuộc của thị trường lại cũng không làm được vì cơ chế chưa cho phép. Phim lấy nguồn vốn từ ngân sách nên chiếu được bao nhiêu phải nộp vào ngân sách hết. Đúng là... bó tay luôn!

Hai bộ phim Nhà nước đặt hàng là Hồng Hà nữ sĩ và Đào, phở và piano chiếu trước và sau dịp Tết Giáp Thìn 2024 vừa qua ở Trung tâm chiếu phim Quốc gia là một bước đột phá thể nghiệm mới của Cục Điện ảnh và Bộ VH,TT&DL. Đây được coi như một phép thử. May sao khán giả Việt Nam hiện nay cũng chưa hẳn “quay lưng” lại với đề tài lịch sử và danh nhân! Dòng người xếp hàng mua vé đến nỗi có hiện tượng “cháy” vé (phim Đào, phở và piano). Cả hai phim mỗi ngày đều có 3 suất chiếu, từ mùng 1 Tết cho đến giữa tháng 3, cả hai phim vẫn trụ được ở rạp,  chưa có dấu hiệu ngưng nghỉ. Một số trung tâm văn hóa - điện ảnh ở các tỉnh cũng xin được chiếu bán vé (nộp ngân sách) để phục vụ nhu cầu xem phim ở tỉnh nhà... Trong đó, phim Hồng Hà nữ sĩ đã được 6 tỉnh/thành (Đà Nẵng, Hải Dương, Nghệ An, Đắk Lắk, Hòa Bình, Lạng Sơn) kí với Cục Điện ảnh để mang về chiếu.

Rõ ràng, phim Nhà nước đặt hàng rất cần được lãnh đạo các cấp, các nhà quản lí ra tay tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế đang tồn tại từ rất lâu rồi. Đó là Nhà nước đã đầu tư cho sản xuất phim thì đồng thời đầu tư luôn cho cả lĩnh vực quảng bá bộ phim đến đông đảo công chúng điện ảnh. Cùng đó là tháo gỡ cơ chế tỉ lệ ăn chia với các công ti phát hành phim, dù bộ phim đó làm bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Phải như vậy mới tránh được tình trạng phim “bỏ kho” hoặc “đắp chiếu”(!) Nếu tháo gỡ được hai vấn đề trên đây, các nhà làm phim Nhà nước đặt hàng sẽ càng cố gắng hơn nữa để không chỉ phục vụ các ngày lễ lớn, hoặc chiếu trong các tuần phim như trước... mà còn được trình chiếu phục vụ đông đảo khán giả. Phim hay hoặc chưa hay sẽ được minh chứng ngoài rạp với việc “mở hầu bao” mua vé của công chúng khán giả.

Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát

Nguồn Văn nghệ số 12/2024


Có thể bạn quan tâm