April 28, 2024, 1:40 pm

Giọng điệu là điều cốt tử của nhà thơ

 

  1. Từ bản lĩnh nhà thơ/ nhà thơ bản lĩnh…

Bất cứ một lĩnh vực nào để đạt tới thành công thì một trong những yếu tố quan trọng nhất đó chính là bản lĩnh. Bởi bản lĩnh là sự hội tụ năng lực, sức mạnh nội sinh để vượt qua thử thách, khó khăn của cuộc sống đời thường để có thể chuyên tâm với thơ, bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”. Hầu hết các nhà thơ khó có thể sống được bằng nghề, bằng những đồng nhuận bút ít ỏi nhưng nhà thơ có bản lĩnh là sẵn sàng kiếm sống bằng nghề khác để có thể theo đuổi sự nghiệp thơ ca. Họ xác định hạnh phúc là sau khi về với đất, cái còn lại là những câu thơ neo trong trí nhớ người đọc.

Bản lĩnh nhà thơ còn là  ý thức tự giác/ tự trọng khi đề ra một kỉ luật nghiêm túc trong sáng tạo chữ nghĩa. Những nhà thơ đầy tài năng bao giờ cũng là người có tinh thần trách nhiệm, nặng lòng với con người, với đời sống. Ý thức sáng tạo là ý thức sống, bởi xét cho cùng thơ chính là thông điệp về đời sống. Thạch Quỳ có ý thức tự trọng nghề nghiệp khi tự đặt ra yêu cầu: “Cấm viết chữ người khác đã viết. Cấm viết ý nghĩ của người khác đã nghĩ. Cấm viết mông lung không dính dáng đến sự thật. Cấm viết sự trân trụi không cảm xúc và thiếu tính thẩm mỹ”.

Bản lĩnh nhà thơ được thể hiện ở sự lao động hết mình, tự tin, dấn thân cho nghệ thuật, dám vượt lên cái cũ để đổi mới, đột phá, kiên trì bền bỉ xác lập một hướng đi cho thơ mình, không phải bị vài bài báo phê bình là chùn bước, nhụt chí. Dám dò dẫm tìm đường, mở một lối đi riêng, chấp nhận sự chê bai hoặc phản ứng của công chúng, đồng nghiệp thì người đó cũng xem như là có bản lĩnh. Một số nhà thơ Việt Nam nhờ lao động chữ nghĩa hết mình, đã trải qua bao nhiêu lần dò đường, mở đường thất bại để rồi cuối cùng cũng tìm cho mình một con đường đi đến được trái tim độc giả. Lê Đạt ngay từ khi còn trẻ ông đã có ý thức cách tân thơ Việt. Ông xác định: “Thơ là một lạng cảm hứng cộng với một tạ mồ hôi” nên ông thực sự trở thành  một phu chữ để tạo ra những đột phá, tạo sinh ngữ nghĩa thơ để “chữ bầu lên nhà thơ”. Sự dấn thân làm mới thơ chính là bản lĩnh nhà thơ cũng được thể hiện qua hình tượng thơ của Nguyễn Lương Ngọc: “Đập vụn mình ra mà ghép lại/ Nung chảy mình ra mà tìm lõi/ Xé toang mình ra mà kết cấu”. Và những nhà thơ tiên phong “mờ đường” đổi mới ấy đã được nhà thơ Thanh Thảo  thay mặt các nhà thơ và độc giả ghi nhận giá trị và bày tỏ tình cảm trân trọng: “Người ta yêu những người cố mở đường mà thất bại, yêu những người biết thất bại mà dám mở đường. Bởi vì những người đó đã nghĩ đến sự tiến bô của nghệ thuật”[1]

Đọc những tập thơ của những nhà thơ đã thành danh, có phong cách riêng, chúng ta đều nhận thấy nỗi vất vả nhọc nhằn trong lao động chữ nghĩa. Nhà thơ Vladimir Mayakovsky (Владимир Маяковский) đã diễn giải hành trình sáng tạo ngôn từ đó trong bài thơ có nhan đề đặc biệt: “Thơ” (“Поэзия). Bài thơ này đã được Hồng Thanh Quang dịch từ nguyên bản tiếng Nga: “Để tinh luyện ra một từ duy nhất / Phải lấy nghìn tấn quặng chữ mà nung…” Trong thơ Trần Hùng, sự lao động “khổ sai” nhưng đầy tự nguyện này cũng được hiện lên qua cách diễn đạt: “Đêm đêm/ Muốn tắt mình mà không công tắc” và “Chữ chữ / Hút vào nếp nhăn / Trên những gương mặt/ Vừa nghẹn vừa nuốt/ Chữ chữ / Như tóc rối/ Trong ống nước / Như mắt cá/ Trong bùn/ (…)/ Vụm nước/ Trên mắt sàng/ Mắt sàng trên sa mạc / Mầm chữ trong cát (Phận chữ). Chúng ta thử hình dung, tóc rối trong ống nước thì sẽ dễ bị tắc, mắt cá trong bùn thì khó mà tìm thấy; nước chỉ có một “vụm” mà lại đựng bằng sàng thì đọng được bao nhiêu giọt, số giọt ít ỏi đó lại rơi trên sa mạc cát thì độ ẩm được bao nhiêu, gieo mầm chữ trong cát ấy thì bao giờ mới có thể nẩy thành cây? Qua những thi ảnh đó, người đọc hình dung và cảm nhận sâu sắc hành trình sáng tạo nghệ thuật ngôn từ quả là một công lực nhọc nhằn. Nếu nhà thơ không chịu nỗ lực học tập và sáng tạo không ngừng mà  chỉ sáng tác dựa vào năng khiếu bẩm sinh thôi thì thơ cũng không thể đi được xa.

Nhà thơ bản lĩnh là phải luôn ý thức được rằng: trong hoàn cảnh thế giới phẳng với những vấn đề toàn cầu hiện nay thì phải làm thế nào để tiếp thu văn hóa nhân loại mà không sa vào vọng ngoại, làm thế nào để giữ được bản sắc Việt, căn tính Việt để thơ Việt Nam có bản sắc riêng khác với thơ Trung Quốc, thơ Ấn Độ, Thơ Nhật Bản hay Hàn Quốc…

Bản lĩnh của nhà thơ còn là phải giữ vững lập trường khi xác định sứ mệnh của nhà thơ là phải chống lại cái ác và tôn vinh vẻ đẹp nhân văn; không một thế lực nào có thể bắt mình nói những điều giả dối, trái với lương tâm. Ta có thể thấy bản lĩnh này qua bài thơ “ Lời mẹ dặn” của nhà thơ Phùng Quán: “…Đi trọn đời trên con đường chân thật./ Yêu ai cứ bảo là yêu/ Ghét ai cứ bảo là ghét/ Dù ai ngon ngọt nuông chiều/ Cũng không nói yêu thành ghét/ Dù ai cầm dao doạ giết/ Cũng không nói ghét thành yêu./ Tôi muốn làm nhà văn chân thật/ chân thật trọn đời/ Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi/ Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã/ Bút giấy tôi ai cướp giật đi/ Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá”…

  1. … đến bản sắc nhà thơ/ nhà thơ có bản sắc

Bản sắc nhà thơ trong bài viết này được hiểu là cái tài năng thơ được kết tinh, có khả năng hấp thụ văn hóa nhân loại để biến thành năng lượng sáng tạo. Đó là nhà thơ phải có  giọng điệu, có phong cách tác giả, có “vân chữ” riêng biệt để không nhòe  lẫn với ai. Bản sắc là cái sống còn của người cầm bút. Nó gắn liền với việc kiến tạo diễn ngôn độc đáo, khác lạ nhưng có giá trị để làm nên tên tuổi nhà thơ (cũng cần nhấn mạnh rằng: không phải cứ cái gì khác lạ là có giá trị, phá cách đến mức loạn thẩm mĩ không thể gọi là sáng tạo). Nhà thơ có bản sắc sẽ được độc giả mến yêu trân trọng và được các nhà nghiên cứu phê bình định vị bằng một cụm từ có tính khái quát sự nghiệp thơ của họ. Mỗi nhà phê bình khi định danh một bản sắc, một gương mặt nghệ sĩ nào đó thì về cơ bản đã làm toát lên được sự độc đáo quan trọng nhất đủ để nhận diện khuôn mặt ấy trong vô vàn các gương măt khác của đời sống văn học. (Hoài Thanh và Hoài Chân đã phải đọc hàng nghìn bài thơ của hàng trăm tập thơ và nhiều bài in rải rác trên báo thì mới có thể nhận diện được 46 gương mặt thơ).

Thơ có bản sắc là thơ có thể đại diện được cho mỗi tộc người, mỗi dân tộc, cho đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi quốc gia khác nhau

Tạo được giọng điệu là điều cốt tử của nhà thơ. Nếu không tạo được giọng điệu đẳng cấp của họa mi giữa những tiếng hót của các loài chim thì coi như toàn bộ nỗ lực của nhà thơ trên cánh đồng chữ nghĩa sẽ bị phá sản. Sinh thời nhà thơ Trần Quang Quý luôn quan tâm đến vấn đề giọng điệu. Ông lo lắng băn khoăn: Đâu chiếc lưỡi của tôi có lạc vào ảo ảnh/ Trong cơn mơ có lạc giọng mình. Cũng cần nói thêm rằng hình ảnh chiếc lưỡi xuất hiện nhiều trong thơ Việt đương đại còn là biểu tượng cho tiếng nói, nhân cách, trách nhiệm của nhà thơ[2].

Tuy nhiên, bản sắc nhà thơ còn chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Đó là yếu tố địa văn hóa, môi trường sống và làm việc; đó là cách nghĩ cách cảm, cách tư duy, cách diễn đạt đặc trưng của tộc người; đó là trường từ vựng, đề tài, cách kiến tạo diễn ngôn, biểu tượng thơ… đủ để đại diện cho quê hương xứ sở, dân tộc, vùng miền, cá tính thơ. Mỗi nhà thơ bao quát một vùng hiện thực, một số chủ đề, đề tài riêng, một miền từ ngữ khác nhau. Tần số sử dụng một trường từ vựng nào đó cũng sẽ góp phần nhận diện phong cách tác giả. Chẳng hạn, một số nhà nghiên cứu có thể định vị được phong cách tác giả bằng những cụm từ tạm đủ để nhận diện bản sắc thơ của họ như: Hoàng Cầm – gã phù du Kinh Bắc, Nguyễn Bính- nhà thơ chân quê với giọng điệu dân gian, Đoàn Văn Cừ - nhà thơ của màu quê, Tố Hữu – nhà thơ trữ tình chính trị, Xuân Diệu – ông hoàng thơ tình, Thanh Thảo – ông vua trường ca, Phạm Tiến Duật – con chim lửa của Trường Sơn huyền thoại, Y Phương – nhà thơ của đá núi, Inrasara – tháp Chàm giữa nắng đơn ca  (hay người tái hiện giấc mơ Chăm), Nguyễn Quang Thiều – nhà thơ của những cách tân gây chấn động, Nguyễn Phúc Lộc Thành – nhà thơ lục bát sex- thiền với đề tài mang thiên tính nữ…. Tuy nhiên, bản sắc không bao giờ là một giá trị mang tính cố định và bất biến mà có sự chuyển động. Nhưng đó là sự chuyển động trên nền tảng của sự thống nhất. Nhiều nhà thơ sau khi đã thử nghiệm nhiều trường phái thơ ca, nhiều nhánh giọng để cuối cùng tìm ra một giọng chủ âm của chính mình và kết thúc với phong cách thơ giản dị hơn mang đậm căn tính Việt

Muốn tạo dựng bản sắc thơ thì nhà thơ phải có phong cách. Phong cách chính là cái tạng thơ của mỗi nhà thơ. Có người có sở trường với thơ lục bát, có người hợp thơ tự do; có người viết thơ ngắn hay hơn trường ca và ngược lại; có người hợp viết thơ tình, người hợp tạng thơ thế sự… Cùng có sở trường với thơ lục bát nhưng lục bát Đồng Đức Bốn khác lục bát của Nguyễn Duy, của Trần Lê Khánh, của Đặng Vương Hưng, của Nguyễn Phúc Lộc Thành……

Bản sắc nhà thơ có sự thống nhất với bản sắc dân tộc, quốc gia, với từng giai đoạn thơ… nhưng không đồng nhất. Trong mẫu số chung vẫn có những cái riêng. Chẳng hạn, cùng là hai nữ sĩ tài năng của văn học trung đại (giai đoạn cuối TK XVIII đến hết nửa đầu thế kỉ XIX) nhưng Bà Huyện Thanh Quan ưa dùng từ Hán Việt nên giọng thơ bà thuộc bè trầm, còn Hồ Xuân Hương ưa dùng từ nôm với đặc sản từ láy động từ, tính từ mạnh nên giọng thơ bà thuộc bè cao. Cùng nằm trong “dàn đồng ca” thơ chống Mỹ với chung một kiểu nghĩ, một trường thẩm mỹ nhưng các nhà thơ Thanh Thảo hay Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Mạnh Hảo…. được phân biệt là qua giọng điệu khác nhau.

Cùng có bản sắc vùng cao nhưng nhà thơ của mỗi dân tộc lại có một phong cách riêng. Nói đến bản sắc Tày, người ta nhớ đến Nông Quốc Chấn, Y Phương, Dương Thuấn... Nói đến dân tộc Dáy, ta nhớ ngay đến Lò Ngân Sủn. Nói đến dân tộc Pa Dí ta nhớ ngay đến Pờ Sảo Mìn đã đóng đinh ấn tượng với bài “Cây hai nghìn lá”. Nói đến bản sắc Chăm, độc giả nhớ ngay đến Inrasara với các biểu tượng tháp Chàm, vũ nữ Apsara, trống ba nưng, xương rồng trên cát, sông Lu…  Tuy nhiên, cùng là Thái nhưng bản sắc Thái trong thơ Lò Cao Nhum khác với Cầm Biêu. Cùng là Mường nhưng bản sắc Mường trong thơ Bùi Tuyết Mai khác với Phạm Tiến Triều….Cùng là bản sắc Tày nhưng với Dương Thuấn là Tày - Bắc Cạn (gắn với những địa danh như Bản Hon, sông Năng…) còn thơ Y Phương lại mang bản sắc Tày - Cao Bằng (được hiện ra với những địa danh như làng Hiếu Lễ, đèo Khau Liêu, đèo Mã Phục, rừng Phjia Bjooc, suối S’lao… với biểu tượng văn hóa như “cây đàn tính dây trong dây đục”, với “cơm lam mấy khúc”…)

Bản sắc miền Trung được phản ánh rõ trong thơ của Thạch Quỳ, Hoàng Trần Cương, Nguyễn Trọng Tạo… Cùng tả cái nghèo của người dân xứ Nghệ nhưng Thạch Quỳ trong bài “Cái nghèo” viết khác Hoàng Trần Cương trong bài “Miền Trung”. Yếu tố địa văn hóa với khí hậu nắng mưa khắc nghiệt của miền Trung đã ám ảnh Hoàng Trần Cương khiến cho không nhà thơ nào ở Việt Nam viết về nắng và mưa nhiều và ấn tượng độc đáo như ông.

Thơ Hoài Vũ lại mang bản sắc Nam Bộ, bởi môi trường sống của ông lúc “tay súng” khi “tay bút” đều gắn bó máu thịt với miền Nam. Trong thơ ông, các địa danh của miền Nam dày đặc, chỉ khảo sát riêng tập thơ “Thì thầm với dòng sông” (Nxb. Hội Nhà văn, 2023), tôi đã thống kê được 178 lần Hoài Vũ nhắc đến các địa danh bao gồm tên tỉnh, thành, tên huyện, tên xã; tên sông, tên biển, tên kinh, tên rạch, tên cầu, tên chợ, tên bến, tên vàm; … với những biểu tượng văn hóa Nam bộ như: cầu tre lắt lẻo, cánh rửng tràm thơm ngát, đầm sen Tháp Mười mênh mông, lục bình tím trôi, kinh rạch dập dềnh tôm cá, những mái nhà nép dưới rặng dừa, gạo Nàng Thơm, cá bống kèo, điệu lý thương nhau … Chính vì gắn bó sâu sắc với những địa danh, biểu tượng sinh thái đặc biệt của Nam bộ mà tên tuổi Hoai Vũ trở nên nổi tiếng. Nhớ đến ông là chúng ta nhớ tới những bài thơ được phổ nhạc: Vàm Cỏ Đông, Đi trong hương tràm...

 Cũng có thể nói thêm rằng: chỉ khi nào những địa danh được trữ tình hóa, nghệ thuật hóa để trở thành địa chỉ của nội cảm của nỗi nhớ; trở thành địa danh tâm hồn theo cơ chế chuyển hóa từ khách quan dến chủ quan thì lúc đó nó mới trở thành biểu tượng ghim vào trí nhớ người đọc. Chẳng hạn, địa chỉ của mỗi dòng sông sẽ gắn bản quyền cho mỗi nhà thơ: sông Đuống gắn với Hoàng Cầm, sông Đáy gắn với Nguyễn Quang Thiều, sông Vàm Cỏ gắn với Hoài Vũ, sông Lam như dải lụa của “miền Trung mỏng và sắc như cật nứa” là của Hoàng Trần Cương, dòng Hương Giang với cái nhìn “dìu dịu” là của Nguyễn Khoa Điềm, sông Thương là của Nguyễn Phúc Lộc Thành (dù không phải quê hương)…

Cùng là biểu tượng trăng nhưng trăng trong thơ Xuân Diệu khác trăng Hàn Mặc Tử. Cũng là biểu tượng mây nhưng làn mây tự do trong thơ Quang Dũng khác đám mây tâm linh của Nguyễn Quang Thiều. Cùng nói về màu sắc nhưng mỗi tác giả lại thiên về một màu khác nhau, người ưa màu nóng người thích màu lạnh. Thơ Hữu Thỉnh thích màu tím, Xuân Quỳnh ưa màu xanh dương tính, vui vẻ lạc quan, Dương Kiều Minh lại thích màu xanh âm tính buồn nhưng trong cảm quan của ông càng lạnh càng đẹp, càng buồn càng đẹp. Màu trắng trong thơ Lê Đạt luôn gợi dẫn đến sự trắng trong và hình hài trắng đẹp của thiếu nữ; màu trắng trong thơ của Trần Hùng thường là màu trắng siêu thực hoặc đa nghĩa, “trắng” có thể là màu trắng cũng có thể là không có gì, là khôi nguyên, trinh trắng. Biểu tượng tính dục trong thơ Hoàng Cầm là yếm, trong thơ Trần Hùng là tóc. Cùng miêu tả cái móng chân đàn bà nhưng trong thơ Nguyễn Quang Thiều là cái móng chân “tõe ra như móng chân gà mái” của những người đàn bà nông dân lam lũ, còn trong thơ Mai Văn Phấn lại là cái “móng chân sơn đậm màu trà” của thiếu phụ thị thành nhàn tản…

Tóm lại, từ bản lĩnh đến bản sắc nhà thơ là một quá trình lao động chữ nghĩa bền bỉ để tạo cho mình một giọng điệu riêng, vân chữ riêng, biểu tượng riêng, cấu trúc diễn ngôn riêng có giá trị độc đáo và để lại dấu ấn trong lòng bạn đọc yêu thơ.

Hà Nội, ngày 31/1/2024

      Hoàng Kim Ngọc

(Tham luận tại Tọa đàm )

*Tên bài viết do Văn nghệ đặt

 


[1] Thanh Thảo- Thơ chính là số phận

 

[2] Xem Hoàng Kim Ngọc, Vè một biểu tượng lưỡi trong thơ đương đại Việt Nam in trong Đi tìm dấu vân chữ, Nxb. HNV, 2022


Có thể bạn quan tâm