April 27, 2024, 7:55 pm

Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp

TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024

- Có đây, có đây… Ga xứ Cùa ngày ăn mối, tối ngủ cây, thịt thơm, da thơm, xương thơm,… cái chi chi cũng thơm… Có ngay… có ngay…

Vừa đặt đĩa gà vàng xuộm lên bàn, người đàn bà da sạm nâu vừa lên giọng xuống giọng ngân nga, nói mà như đang ca bài ca về đặc sản gà quê mình. Con gà luộc trên đĩa được tréo cánh, gác đầu rất khéo, da vàng ướt mượt, nhìn đã ngon.

- O ơi! Cho thêm lá chanh xắt nghiến!

- Có ngay… Có ngay!

Cái nết mau miệng liền tay của O bưng bê da sạm làm cho thực khách trong quán thấy thích thú. Thỉnh thoảng lại có tiếng cười vui ở các bàn và tiếng chọc ghẹo nhau: “Địa gà bự rứa mà eng ngoẻn xí bơ hết!”. Quả thật chưa bao giờ Thinh ăn món gà Cùa lại thấy ngon như trưa nay, phần cũng do lâu lắm rồi ông mới được ăn món ngon quê mình, cứ gọi là “ăn quê, ăn ký ức”, vừa ăn vừa nhớ vừa thương. Người xứ Cùa vừa đi qua đèo Cùa đã nhớ, huống là ông, biền biệt gần nửa thế kỷ rồi, nỗi nhớ thương quê đã nhiều lần cháy ruột cháy gan ông. Gia đình ông đùm túm đi khỏi xứ Cùa trong những ngày chiến tranh nổ ra ác liệt nhưng lý do mưa bom bão đạn trong vùng đất “cài răng lược”, ngày bên này đêm bên kia chỉ là một phần…

Minh hoạ: Vũ Đình Tuấn

Gọi là gia đình nhưng chỉ có ba mạ con. Ông Thinh lúc ấy mười tuổi, gầy nhom như que củi. Chị Thoa tay mang túi quần áo tay nắm tay ông lúp xúp chạy theo mạ. Qua hết con dốc cao, ba mạ con mới “quá giang” được chiếc xe ben chở gỗ từ trong rừng ra. Mạ con ngồi co rút, chùm nhum trong cabin trống huơ trống hoác, phải ôm cứng lấy nhau mỗi khi chiếc xe lắc mạnh, không sẽ bị văng xuống đàng hoặc dọng trốc lên những khúc gỗ lớn gác thẳng ra trước đầu xe. Ông Thinh nhớ mãi hình ảnh bác tài có nụ cười rất hiền, ngược với vóc người to lớn, râu ria rậm rạp, và giọng nói như tiếng chuông đồng, những lúc có xe khác đến gần, ông cứ oang oang “Mụ ni mần chi mà như bị ma nẹt rứa? Mụ nớ… trấp, trấp! Lay cay quá! Đọa!... ”. Đến ngã rẽ, ba mạ con lục tục trụt xuống xe, thấy mạ ôm đỡ Thinh suýt té ngã, ông nheo mắt với Thinh và oang oang: “Con có mạ như thiên hạ có vua”, nói xong lại cười ha ha vang lộng. Mạ bảo chị em đứng yên ở lề đường chờ, mạ với bác tài xế xe be vào bìa rừng có chút chuyện. Chả biết hai người chuyện gì mà lâu lắm mới thấy mạ thất thểu đi ra, vừa cài lại nút áo vừa vuốt vuốt mái tóc đang bị xõa tung. Chị Thoa chăm chăm nhìn mạ hỏi “Chuyện gì?”, mạ quay mặt ngập ngừng “Trả... tiền xe...”.

Suốt đoạn đường quá giang, khi được hỏi gia cảnh mạ chỉ trả lời bác lái xe đúng một câu, lúc ấy, đôi mắt sậm nâu của mạ nhìn lên trời miệng bâng quơ: “Mần bạn với đòn triêng, đòn triêng đè cổ, mần bạn với người, người dộ chồng đi”. Chỉ vậy thôi mà hai người dường như đã hiểu nhau lắm. Thinh đoán mạ và bác ấy trò chuyện với nhau bằng ánh mắt, thứ ngôn ngữ mà bọn trẻ con như chị em Thinh không tài nào hiểu nổi… Cũng chính câu nói chợt nhớ kia đã như một cơn gió ướt lạnh hiu hắt vừa thổi tràn qua tâm hồn ông, nó làm sống lại những ngăn ký ức đời sống gia đình tưởng đã nguôi ngoai, tưởng đã giấu sâu ẩn kín từ lâu. Chuyện của mạ ông buồn đến mức người dân xứ Cùa lan truyền câu nói: “O Tho gió Cùa”. Người xứ này ai cũng gọi mạ ông là O Tho và so sánh cuộc đời đa sầu đa cảm của mạ như cơn gió ướt lạnh quặn thắt thổi từ đèo Cùa lùa xoắn vào thung lũng mỗi khi đông về. Ở xứ Cùa đa phần thời gian trong năm là gió Lào nóng khô thổi từ dãy Trường Sơn xuống, chỉ khi đông về mới có những cơn gió ướt lạnh, quặn thắt lòng người và lạ lùng khi nói đến gió Cùa là người ta lại nói đến những cơn gió se sắt gợi nhiều cảm xúc và hồi ức này…

Ông Thinh đã mang theo mình cơn gió ấy, câu chuyện buồn thương ấy của mạ đi cùng trời cuối đất bao nhiêu năm rồi như mang theo dòng máu buồn thương trong huyết quản của mình...

Ông dừng đũa từ lúc nào, đang miên man trở về vùng ký ức xa xăm chợt giật mình vì nghe tiếng nói sát bên tai:

- Chẳng ngon cũng rượu Kim Long gọi là…

Vừa rót cốc rượu cho khách O bơng (bưng bê) da sạm lại vừa nói như hát, có vẻ như O  nớ đang cố tình gây chú ý, cố tình níu ánh mắt sương giăng, bần thần kia quay về thực tại hoặc cố tình nhờ ly rượu khuyến mãi của quán bắt chuyện với người mà O thấy hao hao với ai đó. Nhưng rồi O nhanh chóng biết rằng cố gắng của mình là vô ích, ly rượu Kim Long thơm lừng vẫn bất động trên bàn. Ông khách sang trọng xa lạ kia chỉ khẽ giật mình, ánh mắt loáng thoáng lướt qua khuôn mặt O thay lời cảm ơn lịch sự, rồi đâu lại vào đấy, xa xăm, xa xăm, xa xăm…

*

… Ooo… o… o… Rò… roo… roo… ooo… Bao nhiêu thời gian trôi qua rồi, biển thời gian đã nuốt chửng bao nhiêu sự kiện sự cố trong đời rồi mà tôi vẫn còn nhớ rõ những âm thanh đánh mất sự yên tĩnh của đêm, ấy là tiếng ngáy rền của cha tôi mỗi khi ông ngủ ở nhà. Có lúc tôi hình dung cha như cái bao chứa đầy hơi phình lên xẹp xuống liên tục, còn mũi miệng thì lại gắn những cái kèn cực nhạy, khi thì cái kèn ấy phát ra tiếng trầm già ồm ồm như tiếng còi tàu hỏa, khi lại vút vút rút rút như tiếng gió bão rít lồng rít lộn ngoài mái hiên. Thường, trong đêm, giữa những tiếng ngáy vang động ấy thỉnh thoảng lại xen tiếng thở dài của mạ cùng với tiếng sột soạt, ì ạch, có vẻ như mạ đang cố hết sức để lật nghiêng cơ thể của cha. Nhưng chỉ một thoáng yên lặng đâu lại vào đấy, có thể nói nguyên một thời thơ ấu và niên thiếu, đêm của chị em tôi luôn vang động tiếng ngáy ro ro ấy. Lẽ ra nó phải là những giấc mơ đẹp nối nhau trong làn âm nhạc bay bổng, dịu nhẹ hay âm thanh đồng quê rả rích hiền hòa, là sau này tôi đã nhiều lần nghĩ vậy, cũng không hẳn là trách cứ, nó như một thứ buộc phải chịu đựng, không được quyền chọn lựa cũng không được quyền can thiệp. Tiếng ngáy của người cha hằng đêm là một phần ký ức của người con, chuyện không to tát gì nhưng nhớ, nhớ lâu.

Cha làm quân tiếp vụ, cấp bậc trung sĩ, tôi chỉ biết vậy, còn ở đó ông làm cụ thể việc gì thì tôi chịu. Mạ một nách hai con, liền tay liền chân suốt ngày đêm, vừa dạy con học hành, vừa cơm cơm cháo cháo cho gia đình, lại vừa lo công việc gì đó với những người bí mật. Mạ chơi thân với dì Sông suốt từ thời con gái đến khi lấy chồng, hai người như hình với bóng, ngoài giờ đi làm ở trung tâm hành chánh, dì Sông quấn lấy mạ, khi thì vừa ngồi bắt chấy vừa trò chuyện say sưa, khi thì ở lại cùng nấu cùng ăn cơm với cả nhà.

Dì Sông là con thứ năm của nhà ông giáo Lâm, một gia đình đông con và nổi tiếng nho giáo trong xứ Cùa. Vườn nhà dì Sông với vườn nhà tôi chung một giậu rào. Tôi còn nhớ như in cách đặt tên con vần vè rất ngộ nghĩnh của nhà ông giáo Lâm: Hai Hang, Ba Hố, Tư Hào, Năm Sông, Sáu Suối, Bảy Bàu, Tám Ao. Tên thì quê mùa vậy nhưng cả nhà người nào khuôn mặt cũng sáng trưng, gái nhan sắc, quyến rũ, trai tuấn tú, đĩnh đạc. Dì Sông có khuôn mặt trái xoan, mũi dọc dừa, nước da trắng như trứng gà mới bóc, ăn nói dịu dàng nhưng chẳng hiểu sao đã qua ba mươi, người xứ Cùa gọi là “gái băm”, mà vẫn chưa chịu lấy chồng.

Trong cõi đời mênh mông dịu vợi tôi không sao quên được đêm trăng xứ Cùa của ngày xưa cũ ấy. Lần đầu tiên tôi biết đến sự đau lòng. Tôi đau nỗi đau của mạ, đau từ dáng người mong manh của mạ gục xuống trên mảnh vườn đất bazan đỏ như nhuộm máu sau nhà, đau từ tiếng thét tuyệt vọng của mạ làm cho đêm trăng quê như rách rạn ra từng mảnh…

Gió. Gió Cùa quặn, ướt át đến tê tái những tâm hồn cô đơn cô độc, càng về đêm gió Cùa càng sắt se hơn. Tôi không dám chắc tại sao như vậy nhưng có lẽ do đêm pha thêm khí lạnh của một vùng thung lũng heo hút, ít hơi người… Tôi bất giác đưa mắt ra khỏi vùng ánh sáng vàng vọt của ngọn đèn dầu. Hình như có bóng người vừa loáng qua khỏi bụi chuối, chạy về phía ngõ. Tôi gấp quyển vở, dừng học bài, đi ra cửa bếp. Ngay phía sau nhà, có người đàn ông đang rướn theo một người đàn bà, ánh trăng không đến mức sáng tỏ nhưng vừa đủ cho tôi nhận ra đó là cha mạ tôi. Bóng người lúc nãy là ai, tôi đoán già đoán non mãi mới ngờ là dì Sông. Những đêm trăng thanh luôn chứa nhiều bí ẩn, nó là thế giới của người lớn phức tạp và vô vàn chuyện ma quỷ rùng rợn. Thật sự lúc ấy tôi chỉ thấy đau quặn trong lòng nhưng chưa hiểu chuyện gì. Mãi sau này tôi mới nghe chị Thoa nói “Bựa trăng nớ, mạ tình cờ ra sau vườn chộ cha đang cợi trên bụng dì Sông, hai tay rờ rờ bụ, mắt nhắm nghiền… Mạ đến gần nhận ra, thét đến lạc giọng…”

Sau đêm trăng ấy, cha tôi và dì Sông đã cùng xin đổi đi nơi khác, nghe nói cha nhận sự vụ lệnh tăng cường quân tiếp vụ cho chiến trường Tây Nguyên thì phải, dì Sông đăng ký vào nữ quân nhân và xin theo cha. Mạ dường như hóa dại, ngày này qua tháng nọ cứ đi thất thểu xuống đèo Cùa, rồi đứng ngóng mãi đến chạng vạng mới chịu quay về nhà. Ai hỏi gì mạ cũng không trả lời. Nhiều người không dám nhìn vào đôi mắt dại của mạ khi mạ đang trừng trừng dưới chân đèo heo hút. Người xứ Cùa kháo nhau mạ tôi bị chấn động mạnh vì đột ngột mất cả chồng lẫn bạn. Đến một năm sau thì mạ hoàn toàn trở thành một con người khác, ít nói, mặc quần áo sậm màu nhưng ánh mắt đưa đẩy hơn, dường như ban ngày rất ít ra đường. Bạn mạ giờ toàn những người đàn ông chỉ xuất hiện vào những đêm khuya khoắt, nhân thân bí ẩn. Người ta xì xầm vào tai nhau và gọi chung họ bằng từ Việt Cộng. Người ta đồn đoán: Mạ hết cặp bồ với ông này lại sang ông khác, mỗi gã đàn ông chưa trọn mùa trăng, tình tưởng đang nồng thì bị đá ra một cách lạnh lùng. Chỉ có tôi và chị Thoa mới biết đến nước mắt đầm đìa và những cơn vật vã kinh hoàng của mạ trong những đêm khuya khoắt. Và cũng chỉ có tôi và chị Thoa mới biết những người đàn ông thoắt ẩn thoặt hiện này chỉ đến để nhận những tờ giấy nho nhỏ viết gì đó của mạ rồi đi ngay. Mạ không cãi bất kỳ ai mặc người xứ Cùa tha hồ luận bàn: O Tho hút người vào nhưng không giữ lại ai cả. O Tho trả thù đời bằng chính thân xác của mình, tung hê, đùa giỡn với tất cả, kể cả chính mình… Và khi những tổn thương xung quanh dày dần lên, đã có vài gã đàn ông cay đắng nhận ra sự đùa giỡn thái quá, họ tự ái và sinh thâm thù thì “người đàn bà hận chồng hận bạn” là mạ tôi đã dắt con biệt xứ...

*

Ở đời, hai tiếng ấn tượng nhất là “nếu như”! Nếu như ngày xa xưa ấy đừng thế này, không thế kia… Nếu như trong chuyến về quê này, tôi chỉ ghé quán ăn đĩa gà Cùa, thăm thú vài nơi rồi ra đi trở lại cho vừa một bài hồi văn có tên “Vọng cố hương”. Ngay cả việc tìm ai đó xác nhận công trạng đã từng tham gia cơ sở cách mạng mà mạ trăn trối, “cũng chẳng để làm gì nhưng đó là cuộc đời mạ”, lời gan ruột của mạ làm tôi cũng phân vân lắm. Mạ ơi! Hy sinh cả cuộc đời thì cũng đã hy sinh rồi! Tan nhà nát cửa, phiêu bạt xứ người thì cũng coi như chuyện đã rồi. Chiến tranh mà, cả dân tộc này tan nát chứ đâu riêng gia đình mình. Giờ xin xác nhận để làm gì, mà những người Việt Cộng khi xưa ấy chắc cũng không còn ai… Nghĩ nhiều đến ước ao của mạ nhưng ông cũng đành, ông về quê nhà là vì tâm hồn ông thôi thúc chứ không vì điều gì cả. Ông định ngày trước ngày sau là đi lại ngay, nếu như không có tiếng gọi giật “Ôn ơi… Ôn ơi!” định mệnh ấy...

Gần xế. Khách tan. Thinh trả tiền rồi rời quán gà. O bơng da sạm bươn nhanh theo: “Ôn ơi! Ôn ơi!”… Thinh ngạc nhiên quay lại. “Cho hỏi… Có phải ôn là con trai của O Tho không?!” Thinh sựng lại, giọng đề phòng: O là ai mà nhận ra tôi?

Con gái O Sông, cháu mụ ngoại Giáo Lâm… Eng là eng Thinh phải không? Em là… em cùng cha khác… mạ… Eng! Ui chao!… Eng tam đây mà, ui chao ơi… Nhà em ở đâu? Đọ tề… đọ tề… May quá! Hôm ni kị mạ Sông đó, em nghèo nên chỉ… Mời eng về nhà uống méng nác!… Nước mắt của hai “giọt máu” cùng cha ngày gặp lại thoáng chút ngỡ ngàng, thoáng chút bàng hoàng rồi òa lên, rồi ràn rụa, rồi đẫm tràn ướt nhòe...

Thinh được mời vào một ngôi nhà mái tôn xây vuông vức nhỏ nhắn nhưng có hè rộng, cách quán gà một quãng vài chục bước chân. O bơng da sạm làm công cho quán gà, em cùng cha khác mạ với Thinh ấy tên Mưa. Mưa cho Thinh biết cha mất ở chi khu Bảo, tận Tây Nguyên, trong một trận đánh của Việt Cộng vào chi khu, sạch không còn người lính nào. Mạ Sông đang nằm nơi, sau khi sinh Mưa được mấy ngày thì bị một mảnh đạn pháo lạc găm vào đầu, óc não bắn ra đầy trên mình đứa bé đang bú. Đứa bé ấy chính là Mưa. Mưa được một người đồng hương với cha mạ nhận nuôi và lần hồi Mưa được đưa về lại quê cha đất tổ, giờ cha mạ nuôi cũng đã qua đời…

Trên bàn thờ giữa nhà có dấu ba cây nhang mới, tàng cong xoắn, mun rơi đầy trên ba đọi cơm cúng. Có đến bốn khung ảnh đặt ngang nhau, di ảnh của cha Thinh và O Sông đặt cạnh. Thinh đứng lặng người hồi lâu, thoắt cái mà họ đã thành người thiên cổ. Cha! Thinh nhón cây nhang, bật quẹt, ông muốn gọi một tiếng “cha” thật to nhưng cổ họng cứ nghèn nghẹn. Đã lâu lắm rồi, ông không còn phán xét bất cứ ai, bất cứ điều gì. Sự hữu hạn, mong manh của đời người mà ông nghiệm thấy từng ngày khiến ông thành người “biết vậy hay vậy”, ông nghĩ tất cả đều có lý do, kể cả sự phản bội của cha đối với mạ, kể cả những suy nghĩ lệch lạc, thiển cận của cha về thời cuộc, về lý tưởng, về chiến tranh. Chính cuộc đời lưu lạc của ông cũng có lý do riêng, đừng nói “đi là để về”, không ai muốn đời sống tha phương cả. Đi là vì thời cuộc đưa đẩy. Đi là vì bước chân định mệnh không chịu dừng lại. Và đi cũng là chuyện chẳng đặng đừng, cũng không hẳn là do bị sức ép cơm áo gạo tiền cuốn phăng đi, như chuyến trôi dạt kinh hoàng của gia đình ông ngoài vì sự sống của ba mạ con, còn một lý do nữa là bảo đảm bí mật cho tổ chức cách mạng lúc đó. Nếu đi là sức ép ngoài thân thì về lại là sự thôi thúc bên trong tâm hồn mỗi người… Miên man mãi trong dòng suy tưởng, Thinh giật mình khi rờ tay dụi mắt, ông biết mình đã khóc, hai bên má ông đã ràn rụa nước mắt từ lúc nào không hay… Đây là lần đầu tiên ông khóc cha, dù gì thì cũng là đấng sinh thành, dù gì thì cũng ruột rà, huyết thống, dù gì thì cũng là nguồn gốc của thể xác này, linh hồn này… Giờ đây, đối với ông, cha dù đã từng làm gì, nghĩ gì cũng không còn quan trọng nữa… Thinh muốn mình trọn vẹn trong niềm xúc động trước di ảnh của cha nhưng mãi mà tiếng gọi cha vẫn không bật thành lời được vì tâm trí ông cứ chập chờn hiện ra ánh mắt dài dại, đầy gió của mạ trong những ngày mạ đưa chân thất thểu dưới chân dốc đèo…

Mãi khi nằm liệt trên giường bệnh, mạ mới tâm sự với Thinh được nhiều chuyện sâu kín, cũng có lẽ mạ đợi Thinh lớn khôn hơn để biết nhận chân đúng sai, thật giả. Mạ cho biết sự phản bội của cha bắt nguồn từ sự bất đồng quan điểm giữa hai người. Khi phát hiện ra mạ là một cơ sở cách mạng bí mật cha đã ra sức phản đối, cha muốn mạ từ bỏ để “đi về con đường chính nghĩa quốc gia”. Ngược lại, mạ cũng ra sức thuyết phục, cảm hóa cha hiểu về lý tưởng Cách mạng mà chấp nhận làm nội ứng, cung cấp cho mạ những thông tin từ đồn bốt của lính Việt Nam Cộng Hòa. Mạ nói: Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến giành lại độc lập cho dân tộc. Mình phải tin tưởng vào Đảng, tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đi ngược là phản bội dân tộc… Cha cãi lại: Làm sao mà những người chui rúc trong rừng lại đòi giải phóng những người văn minh?! Tôi không tin người Mỹ với một thế lực khổng lồ, đủ sức thống trị thế giới lại để cho đồng minh Quốc gia thua cuộc. Ăn cây nào rào cây nấy, chẳng phải là lẽ thường tình xưa nay sao?! Em phải nghe lời anh, chưa muộn đâu!… Từ bất đồng quan điểm đã dẫn tới sự nguội lạnh tình cảm từ phía cha. Và O Sông, một người bạn của cả hai đã trở thành cứu cánh… Mạ cho biết ngay cả sự ra đi gấp rút của mấy mẹ con ngày nào cũng là do tổ chức quyết định, vì lúc ấy, đường dây cơ sở của mạ bị lộ, đã có người bị bắt, nếu không chịu nổi tra tấn mà khai ra thì cả đường dây không ai thoát được. Người đàn ông lái xe be hôm ấy là một đồng chí của mạ. Giữa đường, xe dừng lại, hai người vào bìa rừng là để tham gia một cuộc họp bí mật và nhận mật danh khác trước khi đến cơ sở mới. Do mức độ nguy hiểm lúc đó nên tất cả đều phải giấu mặt, họ đã dùng ngay chiếc áo đang mặc trên người để quấn che kín khuôn mặt khi đến điểm hẹn bên bờ suối…

Cơ sở mới lại bị lộ, hàng loạt cán bộ nằm vùng nối với các mũi công tác bị bắt, bị giết, mạ lại một nách hai con chạy thục mạng vào đến tận đất Bình Tuy. Đây là vùng đất cực Nam Trung bộ, tức con đường chạy trốn của mạ với một nách hai con đã xuyên qua hết dãy đất miền Trung dằng dặc; ở mỗi vùng đất mới mạ lại được “móc nối” với một cơ sở khác và làm công việc khác. Rồi lại lộ. Lại chạy. Nỗi cơ cực, khốn đốn, hiểm nguy trên dặm đường mịt mù, không quay lại được ấy không thể nào tả xiết.

Ở vùng đất Bình Tuy, mạ quen và sống chung với một người đàn ông cùng lý tưởng tên Khổng, cũng là cơ sở cách mạng. Ông Khổng lớn hơn mạ ba tuổi, là người đàn ông có vợ chết sớm do chiến tranh, gia đình ông có truyền thống cách mạng lâu đời tại quê hương Cát Hanh, Phù Cát, Bình Định. Cũng vì cơ sở bị lộ, phong trào cách mạng ở quê nhà bị khủng bố, những người liên quan bị vây bắt ráo riết, mà ông chạy vào đây.

Trong những ngày khổ nhọc, đời sống thiếu thốn trăm bề ấy, ông đã kết nối được với những người tham gia kháng chiến ở địa phương, nhanh chóng trở thành cơ sở quan trọng trong đường dây tiếp tế và cung cấp thông tin của địch. Trong những ngày trà trộn vào trung tâm chi khu, vào ấp chiến lược ông đã gặp mạ đang làm thuê cho một gia đình công chức. Giữa thời loạn lạc, khói lửa chiến tranh bùng lên khắp nơi, vùng “đất lành chim đậu” vừa chọn này đã thành quê hương thứ hai của ông Khổng và ba mạ con Thinh.

Dù khó khăn cách mấy thì gia đình nhỏ mà người địa phương gọi là “rổ rá cạp lại” đó cũng luôn hướng về Cách mạng. Trong thời gian này, mạ đã cùng chồng mới vừa nuôi chị em Thinh vừa hoạt động tích cực trong lòng địch.

Ngôi nhà Thinh ở hiện nay được cất trên nền đất cũ, đây là địa chỉ bí mật để các chú, các anh trong mũi công tác đến nhận thực phẩm, thuốc men và cả tin tức. Mạ Tho vừa tham gia vận động những phụ nữ có cảm tình với Cách mạng gom góp gạo tiền thuốc men, vừa đi làm mướn nuôi con. Cũng chính thời gian này mà cái tên “Người quét sân đêm” ra đời. Các chú, các anh về để lại dấu dép râu đây đó trên sân, trên ngõ rất dễ bị lộ,  trong khi chồng đưa các chiến sĩ cách mạng đến đoạn đường an toàn, mạ tranh thủ dùng chổi chà xương quét xóa dấu liền và quét luôn cả khoảng sân lớn. Bọn lính, bọn “Tự vệ” mà thấy thì nguy hiểm vô cùng, một cuộc phục kích và máu đổ, người chết, người bị bắt là điều thấy trước mắt. Nhưng nếu chỉ quét vào những đêm liên lạc thôi sẽ cũng rất dễ bị nghi ngờ, theo dõi, nên đêm nào mạ cũng quét nhà, quét sân, làm như đó là thói quen lâu nay. Nhiều người hàng xóm tò mò hỏi: “Sao phải quét sân đêm?”, mạ chỉ chị em Thinh trả lời một thôi một hồi: “Thằng nớ đau yếu liên miên, O nớ nậy rồi còn đấy trấm, việc dà khôn chịu mần, ban ngày, mở mắt ra đã tối mặt tối mày, đêm mới rảnh mà quét, riết rồi quen luôn. Xuốc cươi nhọc nhằn chi mô...”. Những lúc mạ nói như thế mặt chị Thoa rựng đỏ lên vì xấu hổ nhưng không dám cãi nửa lời. Thiệt thương chị Thoa, năm đó chị cũng đã đến tuổi dậy thì, ra dáng thiếu nữ rồi. Sau đó, trong một lần đi nhổ mì mướn tận rẫy mì ở bìa núi, chị bị bọn lính Mỹ hành quân bắt vì nghi ngờ là “vi- xi”. Giữa rẫy khoai mì mịt mùng, xung quanh không có bóng người, chúng thay nhau hãm hiếp chị đến chết. Khi xác được đưa về, mùi hôi khoắm của tinh trùng còn bốc đến ngạt thở. Một cuộc biểu tình phản đối đã nổ ra, lan đến mấy xã nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, cuộc đời chị Thoa cũng không lấy lại được…

Nỗi đau mất con đã khiến mạ Tho suy sụp, già đi thấy rõ. Vậy là người đàn bà mệnh danh “O Tho gió Cùa” đã trở thành “Người quét sân đêm” lại lần nữa mang đôi mắt u uất đầy gió. Cũng năm đó ông Trời lại thử thách mạ Tho quá sức. Do tình hình cuộc chiến thay đổi, đội Công tác phân công ông Khổng bí mật tiếp cận sâu rộng trong khu dân cư ấp chiến lược cùng cơ sở bí mật rải truyền đơn kêu gọi nhân dân đánh Mỹ. Ngoài ra, ông Khổng còn tuyên truyền vận động mọi người chống bắt chặt cây rào ấp chiến lược, không tham gia vào phòng vệ dân sự của địch… Ông Khổng bị bắt khi đang làm nhiệm vụ và chết vô tăm tích ở trong tù vì bị biệt giam và tra tấn. Mạ lại một thân một mình nuôi hai con, đêm khuya cứ ngửa mặt lên kêu trời mãi mà trời không thấu đặng. Trước khi mạ nhắm mắt, mạ run rẩy nắm tay Thinh: Nhớ về Cùa xin xác nhận cơ sở Cách mạng... cho... mạ… Chú nớ… Bác nớ... Mạ đang nói nửa chừng thì bàn tay buông thõng...

Thinh lại dụi mắt nhìn chăm chăm vào ba cây nhang mới, tàng cong xoắn, mun rơi đầy trên ba đọi cơm cúng. Và lại nhìn di ảnh của cha Thinh và O Sông đặt cạnh nhau. Từ khi chiến tranh chấm dứt, đây là lần thứ ba ông về quê nhà để thực hiện lời trăn trối của mạ Tho là xin xác nhận công trạng có tham gia cơ sở Cách mạng năm xưa của mạ nhưng ông đã không thực hiện được. Lần thứ hai về quê, ông Thinh tìm được tông tích người đồng chí lái xe ben chở mạ con Thinh đi năm nào nhưng đến nhà thì đã thấy di ảnh ông trên bàn thờ, cũng vẫn nụ cười hiền đúng như ký ức cậu bé Thinh lưu giữ. Thinh chỉ còn biết đứng chết trân giữa cửa, vừa cười cay đắng vừa nhớ giọng đồng vang vang của ông: “Mụ ni mần chi mà như bị ma nẹt rứa? Mụ nớ… trấp, trấp! Lay cay quá! Đọa!... ”.

Mãi dằn vặt vì chưa thực hiện được ước ao của mạ có đêm ông đã nằm mơ thấy mình trong hình dáng thằng cu Thinh gầy ròm vừa chạy như bay vừa đưa tay dạt lũ bạn ra hai bên: “Trén! Trén!”. Lòng vui như mở cờ trong bụng, vừa bươn bươn Thinh vừa phất phất tờ giấy xác nhận trên tay. “Mạ ơi! Mạ ơi! Được rồi… Được rồi. Mạ chồm người lên vui mừng chợt ngồi thụp xuống, miệng cười móm mém, bẽn lẽn: Cấy thằng Thinh nì, mi cứ toàn nói trạng… Cấy thằng Thinh nì, mi cứ toàn nói trạng… Thinh nhìn lại tờ giấy chỉ thấy một màu trắng tinh mà lòng bàng hoàng và tỉnh giấc. Cứ thế trong đêm đen, những giọt nước mắt cứ lặng thầm trườn âm ấm xuống hai má...

Thôi thì đành, chuyện gì qua rồi xin cho trôi theo dòng thời gian. Chiến tranh như cơn bão tàn phá tất cả chứ đâu chỉ mình gia đình ông, một tấm lòng với Cách mạng của mạ Tho cũng là tấm lòng của bao bà mẹ trên đất nước này. Nghĩ vậy tâm hồn ông hơi an yên đôi chút nhưng sao nước mắt vẫn cứ ràn rụa, ràn rụa. Ngoài hiên nhà của em gái Mưa, ngọn gió Cùa vẫn trườn thổi se sắt, se - sắt - cả - tim – gan - ông.

Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2023


Có thể bạn quan tâm