May 3, 2024, 3:59 pm

Giải thưởng và… hậu giải thưởng (!)

Cuối năm, đó đây lại tất bật rộn ràng với các hoạt động tổng kết, xét giải, chấm giải, khen thưởng, trao thưởng, trao giải… Và bao giờ cũng vậy, sau những tràng pháo tay rầm rộ, những cuộc liên hoan tưng bừng, những lời chúc mừng và những gương mặt hân hoan mãn nguyện… là những bỉ bôi, phản ứng, chê bai… thâm chí có những phản ứng chê bai tạo nên những đợt “sóng” trong dư luận xã hội, nhất là từ khi có mạng xã hội.

Về mặt hình thức, các giải thưởng luôn là biểu hiện để chứng tỏ xã hội đang phát triển liên tục với những thành tựu nghiên cứu và sáng tạo xứng đáng về khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Về mặt nội dung, các giải thưởng là những “danh hiệu” để chứng minh cho giá trị khoa học và nhân văn của chính giải thưởng ấy, chứng minh cho sự hiện diện một con người đã làm việc và cống hiến có hiệu quả cho xã hội và được xã hội vinh danh.

Nhà văn Phan Mai Hương

Với tất cả mọi ngành nghề trong xã hội, giải thưởng là những giá trị xứng đáng để chúng ta suốt đời phấn đấu trong sự nghiệp chuyên môn. Ngành nghề nào cũng có giải thưởng xứng đáng cho chuyên môn và chuyên ngành riêng. Phấn đấu được giải thưởng là một tiêu chí mà mỗi cá nhân hướng tới. Nếu ai đó trong sự nghiệp chuyên môn của mình, mà không nghĩ đến giải thưởng thì đó là điều không công bằng với động lực cống hiến và sự phấn đấu chuyên môn của mình. Ngược lại, nếu ai đó trong quá trình hoạt động, công tác của mình mà chỉ chuyên chú nghĩ đến làm thế nào để đoạt được các giải thưởng này nọ thì đó là điều bất hạnh cho chính người đó. Tôi nghĩ, trong quá trình viết văn, các “ông lớn” như Mạc Ngôn hay Gabriel Garcia Marquez… chắc chắn đều không nghĩ đến giải Nobel. Trong bất kỳ thể chế nào, nếu ai đó chọn văn chương làm sự nghiệp đều coi như sự dấn thân và hy sinh cho những đam mê và tâm huyết của mình. Do đó, giải thưởng có được là do chính tác phẩm của nhà văn quyết định, nhà văn chỉ đính tên mình lên tác phẩm như một cái huy hiệu đánh dấu chủ quyền mà thôi.

Riêng trong lĩnh vực văn chương ở nước ta, có lẽ đã có quá nhiều giải thưởng từ to đến nhỏ, từ cấp nhóm văn - trang văn trên mạng xã hội… cho đến các giải thưởng chính thức của địa phương và trung ương. Chúng ta đang ở trong thời kỳ văn chương “trăm hoa đua nở”. Bất cứ hội, nhóm nào cũng có thể lập ra, cũng có thể nêu slogan hoạt động kiểu như “đọc là cống hiến…”. Đôi khi chúng ta sẽ ngạc nhiên đến ngỡ ngàng khi chỉ cần một cái hội nhóm văn chương đóng cửa không hoạt động nữa mà cũng gây chấn động cả mạng xã hội. Thế mới thấy văn chương có sức mạnh vô biên và người đọc thật là “mong manh”. Tâm lý đám đông thật dễ sai khiến bằng những thứ hết sức phù du hão huyền, mà những cái đấy lại có đầy trong những thứ tương tự giống như văn chương. Còn văn chương đích thực thì lại đòi hỏi quá trình lao động nghiêm ngặt, kiên trì, vất vả và khổ ải, đòi hỏi nhà văn phải kiên nhẫn cày xới trên cánh đồng chữ mới hy vọng gặt hái được hoa thơm trái ngọt.

Tất cả những cái sự hay và dở đều do người đọc tự nhận thức và lựa chọn, bởi vì sự ma mị của ngôn ngữ, sự ma quái của văn chương nó có quá nhiều những biến hình, biến dạng. Nên chăng hãy là người đọc tỉnh táo để nhận thức chân giá trị thẩm mĩ là một đòi hỏi có thật với người đọc. Tuy nhiên, như thiên hạ nói “bay tầng nào gặp mây tầng đó”, đọc sách cũng một biểu hiện rõ nét của kênh trí tuệ. Hiện nay các loại giải thưởng quá nhiều cho nên người đọc khó phân biệt, thậm chí đánh đồng quy kết, không phân biệt giá trị giữa các giải thưởng văn chương. Các giải thưởng, xét cho cùng, chỉ có giá trị trong chính cuộc thi hay trong phạm vi “cuộc chơi” của các hội, nhóm ấy mà thôi.

Giải thưởng văn chương như một sự ghi dấu ấn quá trình lao động nghệ thuật của nhà văn; là sự nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời của mình. Văn chương nghệ thuật luôn luôn đòi hỏi sự nỗ lực liên tục, vì thế giải thưởng danh giá nhất là giải thưởng vượt qua chính mình. Giải thưởng vình quang nhất là giải thưởng được cộng đồng vinh danh. Văn chương muôn nẻo, đường đi vào tác phẩm nhà văn lại càng muôn nẻo hơn. Thiên hạ lại có câu “văn mình vợ người”, vì thế mọi nhận xét về văn chương đều mang tính chủ quan. Tuy nhiên, không vì tính chủ quan mà ta lại không lưu tâm các ý kiến nhận xét của những người khả tín. Tôi đã có hơn 30 năm giảng dạy chuyên Văn ở trường Trung học Phổ thông, mỗi khi dạy đến các tác giả như Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Xuân Diệu, Huy Cận, Nam Cao, Nguyên Tuân, Quang Dũng… thì ngoài phần nội dung tác phẩm, tôi đều nhấn mạnh những giải thưởng văn chương cao quý mà họ đã đạt được, để cho học sinh hiếu được sự cống hiến về văn chương của tác giả ấy cho một thời kỳ văn học, cho một giai đoạn văn học. Bởi vậy, gánh nặng lựa chọn ra các tác giả và tác phẩm xứng đáng với tính chất cao quý của giải thưởng sẽ đè nặng lên Ban giám khảo và các Hội đồng chuyên môn. Đó thực sự là một áp lực không hề nhỏ. Làm thế nào để lựa chọn những tác phẩm xứng đáng cho giải thưởng? Làm thế nào để giải thưởng đó xứng đáng với hậu thế? Làm thế nào để lịch sử văn học còn ghi dấu ấn không phai mờ về tác giả và tác phẩm đã đoạt các loại giải thưởng? Làm thế nào để các giải thưởng đó thuyết phục người đọc và công chúng đương đại? Tất cả chúng ta sẽ chờ đợi câu trả lời của thời gian. Bởi vì văn chương có “mệnh” như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng nói. Tuổi thọ của một tác phẩm có được kéo dài hay không là do giá trị thực của tác phẩm quyết định, mà người đọc là những giám khảo thẩm định giá trị tác phẩm khách quan nhất, chứ không hẳn là Ban giám khảo của các loại giải thưởng.

Phan Mai Hương

Nguồn Văn nghệ số 50/2023


Có thể bạn quan tâm