April 29, 2024, 2:32 am

Giả mạo hay là hành trình trốn chạy giữa hai thế giới

Trong tiểu thuyết The Bluest Eye (Mắt nào xanh nhất), Toni Morrison đã kể câu chuyện về Pecola Breedlove, một cô bé khao khát có được màu mắt xanh của người da trắng.

Mong ước đã thể hiện một sự thật rằng, người da đen, bởi phải gánh chịu sự đàn áp lâu dài vì màu da của mình, có thể chối bỏ chính chủng tộc của mình mà mơ tưởng đến màu mắt - một thứ thuộc về đặc tính sinh học của người da trắng - để tồn tại khả dĩ trong xã hội khắc nghiệt này.

Còn ở Passing (Giả mạo, Thiên Nga dịch, Nxb Hội Nhà văn & Công ti Tao Đàn, 2023) của Nella Larsen, những con người mang dòng máu da đen trong mình đã mạo hiểm hơn: khước từ chủng tộc của mình để ngụy trang thành người da trắng thuần tuý, từ đó gia nhập vào cuộc sống thượng lưu, phú quý của họ. Bởi về bản chất, không giống một người da đen thuần như Pecola, những con người trong tác phẩm của Larsen mang dòng máu tạp chủng: họ vừa mang dòng máu da trắng, vừa mang dòng máu da đen. Chính điểm vênh lệch này đã đẩy họ đến những bi kịch không lối thoát.

Lấy bối cảnh chủ yếu ở khu Harlem của người da đen ở New York những năm 1920, Giả mạo viết về hai người phụ nữ, cũng là hai người bạn thời thơ ấu là Irene Redfield và Clare Kendry, cùng với những vấn đề trong đời sống của họ. Cả Irene và Clare đều là con lai và đều có màu da sáng hơn dòng máu da đen của mình. Trong khi Clare là một ví dụ điển hình cho việc những người có gốc dòng máu da đen âm thầm gia nhập vào hàng ngũ, địa vị của những người da trắng, Irene vẫn giữ lấy gốc gác của mình và ở lại Harlem nhưng bản thân chị lại có những suy nghĩ phức tạp về chủng tộc. Hành trình và cuộc sống riêng của hai người đã tạo nên Irene và Clare vừa đối lập, vừa thống nhất. Larsen bóc trần một cách cặn kẽ, sâu sắc về những vấn đề chủng tộc nan giải và đáng suy ngẫm.

Có thể nói, mạch ngầm diễn ra xuyên suốt Giả mạo là sự chênh vênh giữa hai thế giới: trắng và đen. Điều đó dễ thấy nhất ở gốc gác các nhân vật trong tác phẩm - những con người nửa đen, nửa trắng. Nửa thuộc về sức mạnh tối cao, nửa bị chệch về bộ phận bị căm ghét và bị đẩy về rìa xã hội. Chính sự va chạm giữa quyền lực và sự yếu thế, kèm theo quy tắc một giọt (one-drop rule, tức sở hữu một giọt máu da đen thì chính là người da đen) đã khiến cho những người con lai một mặt không được thừa nhận bởi cộng đồng da trắng, mặt khác cũng không hoàn toàn thuộc về cộng đồng da đen. Mặc cảm không thuộc về đâu ấy đã tạo nên một sự chênh lệch khác giữa hai thế giới đen và trắng. Nó không dừng lại về mặt sinh học, mà nằm trong chính suy nghĩ, tiềm thức của những con người đó.

Điểm đặc sắc nhất trong truyện có lẽ nằm ở cặp nhân vật Irene và Clare. Con người, như ta đã biết, không thể không chịu sự chi phối của lịch sử, chính trị, của ý thức hệ, thông qua quá trình tiếp xúc và tương tác với thế giới. Vậy nên, dẫu là hai con người cá nhân, nhưng tâm lí, tính cách phức tạp của cả Irene lẫn Clare đều mang những nét điển hình cho những con người bị chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử và những thiết chế quyền lực. Sự bất mãn với đời sống tù túng, chật hẹp đã khiến Clare giả mạo thành người da trắng thuần để sống một cuộc sống mới hào nhoáng hơn, bất chấp chủng tộc của mình có thể bị sỉ nhục, như cách John Bellew, chồng Clare, gọi đùa cô là một “nig” (mọi đen, hàm ý khinh miệt) mà cô vẫn có thể chịu đựng điều đó. Trong khi đó, Irene, dẫu không đeo lớp mặt nạ như cô bạn, tự xem mình là một tầng lớp cấp cao trong cộng đồng da đen và bám lấy chủng tộc của mình như một cách mưu cầu sự an toàn, yên ổn. Một mặt, Irene vẫn chung sống với những người da đen với tư cách một người phụ nữ thuộc tầng lớp trung lưu. Nhưng mặt khác, chị lại mơ tưởng đến cuộc sống xa hoa của cộng đồng người da trắng - thứ không phải ai muốn cũng có được.

Tuy nhiên, sự yên ổn của Irene đã bị đe doạ khi chị gặp lại Clare sau bao năm xa cách. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã đánh thức phần sâu kín trong cả hai người. Có thể nói, với Irene, Clare là tất cả những gì chị khinh bỉ lẫn ngưỡng mộ. Chị không muốn tiếp xúc với Clare, ghét cay ghét đắng tên chồng ngu xuẩn của cô. Nhưng sâu trong thâm tâm, chị vẫn ngưỡng mộ người bạn cũ của mình vì cô có được một cuộc sống thú vị, thậm chí có phần “nhộn nhịp” hơn nhiều cuộc sống cầm cương của mình. Ngược lại, khi gặp lại Irene, Clare như được gợi nhớ về quá khứ mà mình đã bỏ lại, từ đó trốn chồng tham dự những buổi tiệc giao lưu cùng Irene. Hai con người như trượt ở khoảng giữa hai thế giới, thứ người này có là thứ người kia khao khát và ngược lại. Hai con người là biểu trưng cho những phần tâm lí khó lí giải và đầy mâu thuẫn nơi những con người không thuộc về bất kì nơi nào. Họ có thể từ bỏ chủng tộc của mình, sẵn sàng bị hạ nhục bởi những kẻ có quyền và địa vị cao hơn để gia nhập vào cộng đồng của chúng nhưng vẫn không quên nửa dòng máu của mình. Tuy nhiên, họ cũng là những con người, tuy không làm chuyện mạo hiểm, nhưng trong tâm vẫn thường trực suy nghĩ chối từ chủng tộc mình, hướng đến những quyền lực cao hơn mà mình có thể có trong thời điểm hiện tại.

Các nhân vật trong Giả mạo đều đang trong cuộc hành trình trốn chạy giữa hai thế giới đen và trắng. Con người ta chỉ trốn chạy một điều gì đó khi thứ đó gây cho họ nỗi sợ hãi, hoặc khi họ cảm thấy không bằng lòng với hoàn cảnh hiện tại của mình và trong lòng luôn khao khát được giải phóng. Với Clare, đó là một cuộc trốn chạy kép. Một mặt, cô vừa trốn chạy khỏi cộng đồng da đen của mình để gia nhập vào cuộc sống thượng lưu, giàu có của dân da trắng. Mặt khác, cô chạy trốn khỏi cộng đồng da trắng để tìm về với cộng đồng da đen mà cô đã từ bỏ. Với Brian, chồng Irene, đó là ước muốn được rời khỏi New York để đến Brazil, để anh và những đứa con có thể tránh khỏi nạn phân biệt chủng tộc vì họ không thể “giả mạo” như những người có màu da sáng hơn. Thực chất, trong mong ước của Brian còn ẩn chứa khát vọng được bứt ra khỏi đời sống hôn nhân ngột ngạt của chính mình. Ở phần ba của truyện, Irene đã nghi ngờ Clare và Brian vụng trộm với nhau. Dẫu cho không được miêu tả cụ thể, nhưng ta có thể nhìn ra được điểm chung của hai con người đó nằm ở mong ước có thể được trốn chạy.

Nhưng khi nói về trốn chạy, ta không thể không nhắc đến Irene. Sự trốn chạy của chị không được thực hiện như Clare: nó nằm sâu bên trong, ngấm ngầm lan tỏa, ngấm ngầm huỷ diệt con người chị. Vừa vào tác phẩm, khi nhận được bức thư của Clare, một người bạn cũ của mình, chị đã tỏ ý né tránh. Số lần Irene tránh không muốn liên quan đến Clare tăng tiến dần theo diễn biến câu chuyện. Irene cũng tránh né những vấn đề trong cuộc hôn nhân của mình, lờ đi mong muốn được chuyển đến Brazil của chồng, không cho chồng nhắc với con về vấn nạn chủng tộc, không muốn chúng đối diện với hiện thực ngổn ngang chỉ mong được sống yên thân ở New York. Cuộc đời của Irene cứ ngỡ như bình lặng nhưng sâu thẳm bên trong chị là đợt sóng ngầm cứ luôn cuộn chảy, liên tục xô đẩy chị về bờ vực của đen và trắng. Khoảnh khắc chị thẳng thừng thốt lên rằng chị ghét chính chủng tộc của mình là khoảnh khắc đánh dấu sự sụp đổ của Irene khi buộc phải trực tiếp đối diện với tất cả những vấn đề của chính mình. Ghét chủng tộc hay chính là ghét những thiết chế phi lí liên quan đến chủng tộc mà con người tự tạo ra, để rồi tự huỷ diệt đồng loại và huỷ diệt chính mình trong nó?

Đoạn kết của Giả mạo có thể không phải là điểm nhấn trong toàn tác phẩm. Có ý kiến cho rằng kết thúc của cuốn tiểu thuyết có phần vội vã và không giải quyết được hầu hết những vấn đề được nêu ra. Đoạn kết của câu chuyện tạo nên một sự mập mờ, không sáng rõ: không ai biết rằng cái chết của Clare là tai nạn, hay do cô đã tự lựa chọn cái chết khi chiếc mặt nạ mà cô luôn mang đã rơi xuống trước mặt chồng mình. Điều đó dường như đã lột tả sự bị động của cô, của những người “giả mạo” như cô trước hoàn cảnh. Giống như Gatsby tưởng mình đã nắm chắc cuộc chơi trong tay nhưng cái đốm xanh xa xôi ấy cuối cùng vẫn tắt lịm theo phát súng của George Wilson, những người giả mạo như Clare vẫn là nạn nhân của những thiết chế phi lí và bị chúng nhấn chìm tàn nhẫn. Có ý kiến cho rằng việc giả mạo chính là cách để người có dòng máu da đen chủ động nắm giữ cuộc chơi để cười nhạo sự ngu ngốc của dân da trắng, tuy nhiên, về bản chất, sau lớp mặt nạ ấy, họ vẫn là những con người nhỏ bé, bị động trước hoàn cảnh và bị hoàn cảnh nghiền nát. Mãi chênh vênh, trốn chạy không ngừng giữa hai thế giới đen và trắng mà không thể quay đầu.

Nella Larsen, bằng giọng văn lạnh lùng của mình, đã lột tả phần tâm lí phức tạp mà con người ta dễ dàng né tránh, hoặc không thể nhìn sâu để phân tích cặn kẽ. Chính sự phân tích tâm lí kĩ lưỡng, lột trần trụi cả những mặt trắng lẫn đen trong tâm hồn của những con người đa chủng tộc đã giúp Larsen tạo ra một khoảng cách cần thiết để nhìn ngắm, quan sát và vẽ nên bức chân dung về họ, một cách chân thật và thấu suốt. Bà đã nhận ra rằng chủng tộc không chỉ ở vấn đề màu da. Nó còn là vấn đề của địa vị, của quyền lực, của sự mất cân bằng giữa mâu thuẫn xã hội và mâu thuẫn cá nhân con người. Tinh thần tự nhận thức ấy nơi Larsen đã tác động đến nhận thức nơi độc giả, gợi nên trong họ khao khát được cải tạo bản thân và thế giới theo cách riêng của mình.

Như vậy, liệu có cách nào để có thể rút gần khoảng cách giữa hai thế giới đen và trắng hay không? Có thể thấy được, để nói lên tất cả những điều đã nhắc ở trên, Nella Larsen đã lựa chọn văn chương hư cấu để truyền tải tư tưởng của chính mình. Và không phải ngẫu nhiên mà bà đã trích dẫn bốn câu thơ từ bài Heritage (tạm dịch: Di sản) của Countee Cullen, một nhà thơ nổi tiếng trong thời kì Phục hưng Harlem, viết về một con người gốc Phi đã bị lưu đày khỏi chính vùng đất của mình để rồi đau đáu thốt lên một câu hỏi về căn tính chủng tộc: “Châu Phi là gì đối với tôi?” Điều này dường như đã dự báo cho chủ đề “giả mạo” trong tác phẩm. Nhưng cũng chính Cullen là người đã tuyên bố rằng: “Tôi sẽ trở thành một nhà thơ chứ không phải một nhà thơ da màu.” Có điều gì mâu thuẫn nơi câu nói của ông và thơ ông hay không? Thực chất, nếu nhìn sâu, ta sẽ thấy rằng cách gọi nhà thơ da màu, trớ trêu thay, lại chứa đựng sự phân biệt ngầm, khi nó đã xem nhà thơ da màu như một bộ phận khác, phân biệt với nhà thơ nói chung. Việc Cullen muốn trở thành một nhà thơ thay vì thêm hậu tố da màu là cách ông có thể đấu tranh chống lại sự phân biệt ẩn chứa trong ngôn ngữ, gợi nên mong ước về sự hoà nhập giữa con người, vượt ra khỏi lằn ranh chủng tộc. Văn chương nghệ thuật nói chung hay tiểu thuyết, thơ ca nói riêng ra đời vì sự hoà nhập đó. Bằng việc cho con người thấy rõ những trầy vi tróc vảy trong tâm hồn mình, văn chương không khiến ta thất vọng mà thay vào đó là khiến ta nhận thức và mong muốn được hàn gắn những rạn nứt, hóa giải, hòa giải, hòa hợp, để không ai phải trốn chạy, hay “giả mạo”.

Lê Hồ Nam

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm