May 6, 2024, 4:27 am

Gấu biết xài lửa

Terry Bisson (sinh năm 1942, vừa qua đời tháng 1/2024) là một tác giả truyện khoa học viễn tưởng và truyện giả tưởng, người Mỹ. Sau khi rời trường Cao đẳng Grinnell, Bisson theo học và tốt nghiệp Đại học Louisville năm 1964. Ông sống ở thành phố New York trong hầu hết bốn thập niên tiếp theo, rồi chuyển đến Oakland, California năm 2002. Terry Bisson đã xuất bản 7 tiểu thuyết và 2 tập truyện ngắn. Trong đó, nổi bật hơn cả là tập truyện “Bears discover fire” (Gấu biết xài lửa) đoạt giải Hugo và giải Tinh vân.

Tác giả Terry Bisson

Hôm đó Chủ nhật, chúng tôi về thăm mẹ tại nhà dưỡng lão. Tôi lái chiếc Caddy đưa em trai tôi, một mục sư, và cháu trai tôi, con chú ấy, đi trục lộ I-65, phía bắc Bowling Green. Bỗng xe xẹp lốp. Đó là chuyện thật đáng rên rỉ, vì tôi luôn bị xem là người cổ hủ trong gia đình (cả nhà tôi đều nói thế); đương nhiên tôi sẽ tự thay lốp, và em tôi luôn miệng “Lạy Chúa, sao không xài lốp radial, xài lốp cũ làm gì!”

Nhưng, theo tôi, nếu bạn biết cách tự tháo lắp, bạn có thể chọn mua loại lốp bias cũng chẳng sao cả. Vì lốp xẹp là lốp sau bên trái, tôi tấp xe vào lề trái, cho xe nằm nơi bãi cỏ. Căn cứ cách xe lăn bánh khi dừng lại, tôi đoán lốp hỏng nặng. Wallace cười: “Em nghĩ, không cần hỏi cũng biết anh chuẩn bị sẵn bộ đồ Flatfix trong cốp xe rồi.”

“Đây, cậu ấm, cầm đèn pin giùm bác đi.” Tôi nói với thằng “Wallace con”. Thằng nhỏ khá trưởng thành để mong trổ tài giúp người khác; nhưng chưa đủ lớn để nghĩ rằng mình biết mọi thứ. Nếu tôi lấy vợ, có con, tôi ao ước có một đứa đáng yêu như nó.

Xe Caddy đời cũ có cái cốp to, thường chứa đầy những thứ tạp nham y như cái nhà kho. Wallace mặc sơ mi - hôm nay Chủ nhật mà - nên chú ấy không để tâm giúp tôi khi tôi khom người lôi một lô một lốc: nào tạp chí, nào dụng cụ câu cá, nào hộp gỗ, nào quần áo cũ, nào túi đựng đồ bọc trong bao cỏ, và bình xịt cây thuốc lá; tôi lôi ra tất tần tật, cố tìm cho ra cái kích. Lốp dự phòng trông hơi mềm.

Đèn pin vụt tắt. “Lắc đi cháu.” Tôi la lên.

Đèn sáng lại. Cái kích hơi mất đâu từ lâu, nhưng tôi vẫn mang theo cái kích thủy lực nặng trịch! Nếu hôm nay Wallace không đi cùng, tôi đã sai thằng “Wallace con” đặt kích dưới gầm xe, nhưng tôi đã quỳ xuống tự mình làm lấy. Đèn lại tắt trước khi tôi kịp nhấc bánh xe lên khỏi mặt đất. Tôi ngạc nhiên vì trời đã tối hẳn. Bây giờ cuối tháng Mười và bắt đầu mát mẻ. “Lắc đèn đi cháu.” Tôi nhắc.

Đèn sáng lại, nhưng yếu. Nhấp nha nhấp nháy, chẳng ra sao.

“Nếu sử dụng lốp radial, xe đâu có xẹp.” Wallace giải thích bằng giọng nói mà chú ấy hay cất lên khi thưa chuyện với nhiều người cùng một lúc; trong trường hợp này là “Wallace con” và tôi. “Và ngay cả khi xẹp lốp, anh hai chỉ cần phun FlatFix lên, rồi cứ vậy lái đi. Theo em, anh nên xài cái lon keo 3.95 ấy.”

“Bác Bobby tự sửa lốp được mà ba.” Tôi đoán thằng “Wallace con” nói rất thực lòng.

“Tuỳ em thôi.” Tôi nói từ gầm xe.

“Lắc đèn nữa đi cháu.” Tôi nhắc. Nó sắp tắt rồi. Tôi vặn hết các đai ốc, lắc bánh, rồi kéo bánh xe ra. Lốp xe bị rạn dọc theo thành bên. “Không cần sửa cái này.” Tôi nói. Tôi có một đống lốp cao chất ngất ở nhà kho.

Đèn lại tắt, rồi sáng hơn bao giờ hết khi tôi lắp lốp dự phòng vào mấy cái bu lông. “Tốt quá!” Tôi nói. Có một luồng sáng nhấp nháy màu cam mờ ảo. Nhưng khi quay lại tìm mấy đai ốc, tôi kinh ngạc thấy đèn pin thằng nhóc cầm đã tắt ngúm. Ánh sáng phát ra từ hai con gấu cạnh thân cây, chân trước nắm giữ thanh củi phừng phực lửa. Gấu to lớn dềnh dàng, nặng chừng ba trăm pound, cao khoảng năm feet. Cha con Wallace nhìn thấy chúng và đứng sững. Tốt nhất là không nên đánh động lũ gấu.

Tôi ráp đai ốc và lần lượt vặn vào. Thường tôi hay bôi ít dầu lên đó, nhưng lần này tôi không bôi. Tôi thò tay xuống gầm xe, hạ kích xuống, kéo ra. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra lốp dự phòng còn tốt để lái tiếp. Tôi đặt kích, cờ lê và cái lốp xẹp vào cốp xe. Thay vì thay nắp trục bánh xe, tôi cũng để nó vào đó. Trong suốt thời gian này, hai chú gấu không hề nhúc nhích. Chúng chỉ cầm thanh củi có lửa, y như ngọn đuốc, rọi sáng cho chúng tôi, vì tò mò hay giúp đỡ thì không cách nào biết được. Có vẻ như còn có nhiều gấu hơn ở trên cây, đằng sau hai con đó. Mở ba cánh cửa cùng một lúc, chúng tôi lên xe, lái đi. Wallace là người đầu tiên lên tiếng. “Chẳng lẽ lũ gấu biết xài lửa hay sao nhỉ!

Khi chúng tôi đưa mẹ vô nhà dưỡng lão lần đầu tiên cách đây gần bốn năm (bốn mươi bảy tháng), mẹ đã nói với Wallace và tôi rằng mẹ đã sẵn sàng chết. “Đừng lo cho mẹ, các con ạ.” Bà thì thầm, kéo chúng tôi xuống gần để y tá khỏi nghe thấy. “Mẹ đã lái xe một triệu dặm và sẵn sàng vượt qua bờ bên kia. Mẹ sẽ không phải nán lại ở đây lâu hơn nữa đâu.” Bà đã lái xe buýt cho nhà trường trong ba mươi chín năm. Sau đó, sau khi Wallace rời đi, bà kể cho tôi nghe về giấc mơ quái lạ của mình. Một nhóm bác sĩ ngồi thành vòng thảo luận về ca bệnh của mẹ. Một người nói oang oang: “Chúng ta đã làm hết sức vì bà ấy, các đồng nghiệp ạ, bây giờ hãy để bà ấy ra đi thanh thản...” Tất cả giơ tay lên, và mỉm cười. Khi bà không chết vào mùa thu năm đó, bà có vẻ thất vọng, mặc dù lúc mùa xuân đến, bà đã quên mất điều ấy - người già thường hay thế.

Ngoài việc đưa cha con Wallace đến gặp mẹ vào các tối Chủ nhật, tôi còn tự mình đi thăm mẹ vào các ngày thứ Ba và thứ Năm. Tôi thường thấy bà ngồi trước tivi, mặc dù không xem. Các cô y tá luôn bật tivi lên. Người ta nói mấy ông già bà lão ưa nghe tiếng ru êm tai. Âm thanh đều đều khiến họ dễ chịu.

“Mẹ nghe nói gấu biết dùng lửa phải không con?” Bà nói vào thứ Ba. “Dạ, đúng vậy.” Tôi thưa với mẹ khi chải mái tóc dài bạc phơ của bà. Thứ Hai có một chuyện kể trên tờ Louisville Courier, và thứ Ba trên bản tin NBC hoặc thời sự về đêm của đài CBS. Mọi người nhìn thấy gấu khắp tiểu bang và cả ở Virginia nữa. Chúng đã thôi ngủ đông, và dường như sắp sửa trải qua mùa đông ở các dải phân cách liên bang. Luôn luôn có gấu ở vùng núi Virginia, nhưng không phải ở đây, phía tây Kentucky, gần một trăm năm qua. Con gấu cuối cùng bị sát hại khi mẹ còn ở tuổi xuân thì. Giả thuyết tờ Courier đưa ra là lũ gấu đang di chuyển theo trục lộ I-65 từ các khu rừng ở Michigan và Canada, nhưng một ông già ở quận Allen (được phỏng vấn trên đài truyền hình toàn quốc) nói rằng luôn có vài chú gấu bị bỏ lại ở các ngọn đồi, và chúng đã chạy ra ngoài để nhập đoàn cùng bầy gấu khác đã biết cách xài lửa.

“Lũ gấu không ngủ đông nữa.” Tôi nói với mẹ. “Chúng chất củi đốt lửa, và duy trì suốt mùa đông.”

“Kì thật, mẹ chẳng hiểu.” Mẹ thốt lên. “Liệu lũ gấu quái lạ đó sẽ nghĩ gì tiếp theo nhỉ!” Cô y tá lại gần, cất thuốc lá cho mẹ, báo hiệu đã tới giờ mẹ ngủ.

Tháng Mười hằng năm, thằng nhóc “Wallace con” ở lại với tôi, trong khi ba má nó đi cắm trại. Điều đó nghe có vẻ lạc hậu, nhưng sự thật là vậy. Em trai tôi là mục sư Tin Lành (ở một hội thánh lớn) nhưng kiếm sống chủ yếu nhờ bất động sản. Chú ấy và Elizabeth tham dự Khóa tu Thành tựu Cơ đốc giáo ở Nam Carolina, nơi mọi người từ khắp nơi trên đất nước thực hành chia sẻ kinh nghiệm cho nhau. Tôi biết nó diễn ra thế nào, không phải vì chú thím ấy từng kể, mà vì tôi xem bản kế hoạch cải cách thành tựu vào đêm khuya trên tivi.

Xe buýt nhà trường đưa cậu nhóc Wallace xuống nhà tôi vào thứ Tư, ngày ba má nó lên đường. Thằng nhỏ không cần nhiều hành lí khi ở bên tôi. Nó đã có sẵn phòng riêng tại đây. Là con cả trong gia đình, tôi vẫn ở lại ngôi nhà cũ gần Smiths Grove. Ngôi nhà đang xuống cấp, nhưng thằng nhóc và tôi không bận tâm. Thằng nhỏ cũng có phòng riêng ở Bowling Green, nhưng vì Wallace và Elizabeth chuyển đến nhà khác ba tháng một lần (theo kế hoạch của Hội Thánh), nên nó giữ khẩu súng 0.22 và truyện tranh của mình, những thứ quan trọng đối với một cậu bé ở độ tuổi ấy, trong phòng của nó tại đây, ngay tại trong nhà. Đó là căn phòng mà ba nó và tôi từng ở chung.

Thằng nhóc mười hai tuổi. Tôi thấy nó đang ngồi ở hiên sau, nhìn ra đường liên bang khi tôi đi làm về. Tôi bán bảo hiểm mùa màng.

Sau khi thay quần áo, tôi hướng dẫn cho nó cách tháo lốp ra khỏi vành bánh xe, cả hai cách, bằng búa và bằng cách lùi bánh xe đè lên lốp. Giống như làm lúa miến, sửa lốp xe không dùng máy là một nghệ thuật đang giãy chết. Tuy nhiên, cậu bé đã nắm bắt cách làm rất nhanh. “Ngày mai bác sẽ chỉ cho con cách lắp lốp xe bằng búa và thanh nâng.” Tôi nói. “Điều con ao ước là có thể nhìn thấy gấu.” Thằng nhóc bỗng thốt lên. Nó đang chăm chú nhìn qua cánh đồng, nhìn ra trục lộ I-65, nơi các làn đường chạy về phía bắc cắt ngang cánh đồng. Từ trong nhà về đêm, tiếng xe cộ có lúc vang lên, ầm ầm như thác trút.

“Ồ! Không thể nhìn thấy chúng thắp lửa ban ngày đâu.” Tôi nói lớn. “Nhưng hãy đợi đến tối nay.” Đêm đó đài CBS hay NBC gì đó (tôi không nhớ rõ) đã thực hiện một chương trình đặc biệt về gấu, câu chuyện đang thu hút cả nước quan tâm. Người ta đã nhìn thấy nhiều bầy gấu ở Kentucky, Tây Virginia, Missouri, Illinois (miền Nam) và tất nhiên là Virginia nữa. Gần như luôn có gấu ở Virginia. Một số nhân vật ở đó thậm chí còn nói về việc săn gấu. Một nhà khoa học cho biết gấu đang tiến tới những bang có tuyết rơi, nhưng không đông gì lắm, và có đủ gỗ ở dải phân cách để chúng đốt lên. Ông ấy đã tới tận nơi với một chiếc máy quay video, nhưng những cuộn video ông thu được chỉ là những hình thù lập lờ ngồi quanh đống lửa. Một nhà khoa học khác cho biết bầy gấu bị thu hút bởi vô số quả mọng trên một bụi cây mới mọc ở dải phân cách giữa các bang. Ông khẳng định loại quả mọng ấy là loài thực vật mới xuất hiện đầu tiên trong lịch sử gần đây, được tạo ra bởi sự lai tạo các hạt mầm nằm dọc quốc lộ. Ông ăn một quả trên tivi, nhăn mặt và gọi nó là “quả mọng mới”. Một nhà sinh thái học khí hậu cho biết chính mùa đông ấm áp (mùa đông năm ngoái ở Nashville không có tuyết và chỉ có một đợt tuyết rơi ở Louisville) đã thay đổi chu kì ngủ đông của loài gấu, và giờ đây chúng có thể ghi nhớ mọi thứ từ năm này sang năm khác. “Có thể gấu đã biết xài lửa từ nhiều thế kỉ trước,” ông nói, “rồi đã quên mất.” Một giả thuyết khác là chúng đã phát hiện (hoặc ghi nhớ) lửa vào lúc Công viên Quốc gia Yellowstone bị cháy vài năm trước.

Sau khi nấu xong bữa tối, tôi dẫn cậu bé ra sau nhà, bước xuống cạnh hàng rào. Bên kia đường liên bang, thấp thoáng sau những hàng cây, chúng tôi trông thấy ánh lửa do lũ gấu thắp lên. Thằng Wallace háo hức vô nhà lấy khẩu 0.22 ra, định bắn một phát, nhưng tôi giải thích điều đó sẽ rất tệ. “Vả lại,” tôi nhấn mạnh, “khẩu 0.22 của cháu chẳng làm được gì nhiều, trái lại, chỉ khiến chúng nổi khùng.”

“Ngoài ra,” tôi nói thêm, “săn ở các dải phân cách như thế là phạm pháp.”

Vào thứ Năm, tôi giữ thằng Wallace nghỉ học ở nhà và chỉ dẫn cho nó cách thay lốp xe cho đến khi nó tự làm được. Sau đó, chúng tôi leo hàng rào, băng qua cánh đồng để xem gấu. Ở phía bắc Virginia, theo tờ Good Morning America, lũ gấu đã đốt lửa suốt ngày. Tuy nhiên, ở phía tây Kentucky này, trời vẫn ấm áp vào cuối tháng Mười và chúng chỉ ở lại quanh đống lửa vào ban đêm. Chúng đi đâu, làm gì vào ban ngày, tôi không biết. Có lẽ, từ bụi cây mọng mới, chúng đang quan sát khi tôi và thằng Wallace leo lên hàng rào liên bang, băng qua các làn đường hướng bắc. Tôi mang theo rìu, thằng Wallace đeo khẩu 0.22, không phải vì nó muốn bắn gấu, mà vì nó là thiếu niên, thích mang theo súng cho “oách”. Dải phân cách chằng chịt những bụi cây và dây leo dưới những cây phong, cây sồi và sung dâu. Mặc dù chúng tôi đang ở cách nhà chỉ khoảng vài trăm mét, nhưng tôi chưa bao giờ đến đó và cũng chưa từng quen biết ai khác. Nó giống như một đất nước mới được tạo ra. Chúng tôi tìm thấy một con đường ở trung tâm và theo đó, băng qua một dòng suối ngắn, nước chảy chầm chậm, chảy từ tấm lưới này sang tấm lưới khác. Dấu vết trên đám bùn xám là dấu hiệu đầu tiên về gấu mà chúng tôi nhìn thấy. Nó có mùi mốc, nhưng không thực sự khó chịu. Trong một khoảng trống ở hốc sồi lớn, nơi từng xảy ra vụ cháy, chúng tôi không tìm thấy gì ngoài đống tro tàn. Những khúc gỗ xếp thành vòng tròn và mùi hăng hắc. Tôi khuấy tro, và tìm thấy đủ than để nhen lên một ngọn lửa mới, vì vậy tôi đã ủ chúng lại như cũ. Tôi chặt ít củi đã đen ngòm và xếp nó sang một bên, coi như một cách tỏ ra thân thiện với những ai cần tới.

Có lẽ lúc đó, từ mấy bụi cây, lũ gấu đang theo dõi chúng tôi. Tôi nếm thử một quả mọng mới và nhả ra. Nó vừa ngọt vừa chua, đúng kiểu như bạn tưởng tượng là gấu sẽ thích.

Tối đó, ăn xong, tôi hỏi thằng Wallace liệu có muốn đi cùng tôi đến thăm bà nội không. Tôi không ngạc nhiên khi nó đồng ý. Chúng tôi thấy bà đang ngồi nơi hiên bê tông trước nhà dưỡng lão, nhìn ô tô chạy qua trục lộ I-65. Y tá cho biết bà đã bị kích động cả ngày. Tôi cũng không ngạc nhiên về điều đó. Mỗi mùa thu khi cây thay lá, bà lại bồn chồn, bất an, có lẽ lại là do hai tiếng “hi vọng” ám ảnh bà. Tôi dìu bà vào phòng nghỉ ngơi và chải mái tóc dài bạc phơ của bà.

“Không còn gì ngoài lũ gấu trên ti vi nữa.” Cô y tá phàn nàn, rồi chuyển kênh. Thằng Wallace cầm lấy chiếc điều khiển ti vi sau khi cô y tá rời đi, và chúng tôi xem một bản tin đặc biệt của đài CBS hoặc đài NBC, xem một số thợ săn ở Virginia bị đốt nhà. Phóng viên phỏng vấn một anh thợ săn và vợ anh ta có ngôi nhà trị giá 117.500 đô ở thung lũng Shenandoah vừa bị thiêu rụi. Cô ấy đổ lỗi cho gấu. Anh ta không đổ thừa tại gấu, nhưng đang kiện nhà nước, yêu cầu bồi thường vì anh có giấy phép săn bắn hợp lệ. Một ông ủy viên săn bắn của bang đến, nói rằng việc sở hữu giấy phép săn bắn không cấm tiệt (“ý là không ra lệnh”, tôi nghĩ, là từ ông ấy dùng) những kẻ bị săn không được phép đánh trả. Tôi nghĩ đó là một quan điểm khá thoáng đối với một ủy viên của bang. Tất nhiên, ông ta có quyền không trả gì hết. Bản thân tôi không phải là thợ săn.

“Đừng làm phiền bà vào Chủ nhật cháu ạ.” Mẹ tôi nháy mắt với thằng Wallace. “Bà đã lái xe hàng triệu dặm và chỉ đặt một tay lên cánh cổng.” Tôi đã quen với việc mẹ tôi nói những điều như vậy, đặc biệt là vào mùa thu, nhưng tôi sợ điều đó sẽ khiến thằng nhóc khó chịu. Trên thực tế, thằng nhỏ trông có vẻ lo lắng sau khi chúng tôi chia tay bà, và tôi hỏi nó có chuyện gì.

“Làm sao bà nội có thể lái xe hàng triệu dặm được hả bác?” Nó hỏi. Bà đã kể cho nó nghe bốn mươi tám dặm một ngày trong suốt ba mươi chín năm, và nó đã tính ra trên máy tính của nó là 336.960 dặm.

“Bà đã lái xe,” tôi cao giọng, “và bây giờ là bốn mươi tám giờ sáng và bốn mươi tám giờ chiều. Ngoài ra còn có những chuyến đi chơi bóng đá. Hơn nữa, các ông bà già thường phóng đại một chút.” Mẹ tôi là người phụ nữ lái xe buýt trường học đầu tiên ở bang này. Bà đã làm điều đó hằng ngày và nuôi sống gia đình. Còn ba tôi làm nông trại.

Tôi thường rời khỏi xa lộ liên bang ở Smiths Grove, nhưng đêm đó tôi lái xe về hướng bắc, đến tận Hang Ngựa và quay ngược lại để cả “Wallace con” và tôi có thể ngắm lũ gấu đốt lửa tưng bừng. Không đông như bạn nghĩ giống như người ta nói trên tivi đâu - cứ sáu hoặc bảy dặm mới có một chú gấu, ẩn sau lùm cây hoặc dưới mỏm đá. Có lẽ chúng tìm nước hay gỗ gì đó. “Wallace con” muốn dừng lại, nhưng dừng xe trên đường liên bang là phạm luật; và tôi cũng sợ cảnh sát tiểu bang đuổi đi.

Có một tấm thiệp của Wallace trong hộp thư. Chú ấy và Elizabeth vẫn ổn, đã trải qua một khoảng thời gian tuyệt vời. Không lời nào nhắc tới “Wallace con”, nhưng cậu bé có vẻ không bận tâm. Giống như hầu hết những đứa trẻ cùng trang lứa, nó không thực sự thích đi chơi cùng ba mẹ.

Vào chiều thứ Bảy, điện thoại từ nhà dưỡng lão gọi đến văn phòng tôi để lại tin buồn, rằng mẹ tôi đã ra đi. Tôi đang đi dọc đường. Tôi làm việc thứ Bảy. Trong tuần, đó là ngày duy nhất có nhiều nông dân làm việc bán thời gian có mặt ở nhà.

Tim tôi thực sự lỗi nhịp khi gọi điện và nhận được cái tin kinh khủng ấy, nhưng chỉ một nhịp thôi. Tôi đã chuẩn bị từ lâu. “Chúa ban phúc lành,” tôi nói khi gọi cho cô y tá, “anh chưa hiểu đấy.” Cô ấy nói lớn. “Bác ấy chưa qua đời, nhưng đã tự ý bỏ đi. Chạy mất, đi mất. Mẹ anh đã trốn đi rồi.” Mẹ đã lén đi ra cánh cửa cuối hành lang khi không ai để ý, dùng lược chặn cửa lại và lấy đi một tấm drap trải giường của nhà dưỡng lão. Thế còn thuốc lá của mẹ tôi thì sao? Tôi hỏi. Nó cũng mất luôn. Đó là dấu hiệu chắc chắn rằng mẹ đang có ý định bỏ đi. Tôi đang ở Franklin và chỉ mất chưa đầy một giờ đã đến nhà dưỡng lão trên trục lộ I-65. Cô y tá nói với tôi rằng gần đây bà lẫn lộn nhiều hơn. Tất nhiên họ sẽ nói thế. Chúng tôi nhìn quanh khu đất chỉ rộng nửa mẫu Anh và không có cây xanh giữa đường liên bang và cánh đồng đậu nành. Sau đó họ yêu cầu tôi để lại tin nhắn ở văn phòng cảnh sát trưởng. Tôi phải tiếp tục trả tiền chăm sóc bà cho đến khi bà chính thức được liệt kê vào danh sách mất tích, nghĩa là thứ Hai.

Khi tôi về đến nhà, trời đã nhá nhem tối và thằng “Wallace con” đang chuẩn bị bữa ăn. Tôi nói với cậu ấm rằng bà nội đã bỏ đi, và nó gật đầu: “Dạ, bà nội đã nói với chúng con là bà sẽ đi.” Tôi gọi đến Florida và để lại tin nhắn. Không còn gì để làm nữa. Tôi ngồi xuống và cố gắng xem tivi, nhưng chẳng có gì đáng xem. Sau đó, tôi nhìn ra cửa sau, trông thấy ánh lửa lấp lánh xuyên qua tán cây dọc theo làn đường hướng bắc trục lộ I-65, và tự nhận ra rằng tôi biết tìm mẹ ở đâu.

Trời chắc chắn đang lạnh hơn, nên tôi mặc thêm áo khoác. Tôi bảo cậu bé đợi điện thoại, phòng trường hợp cảnh sát trưởng gọi; nhưng khi tôi nhìn lui, nó đã ở phía sau tôi, cách nửa cánh đồng. Thằng nhỏ không mặc áo khoác. Tôi dừng lại chờ nó. Nó mang theo khẩu 0.22 và tôi buộc nó để lại, dựng súng vào hàng rào. Ở tuổi tôi, việc trèo qua hàng rào liên bang ban đêm khó hơn ban ngày. Tôi sáu mốt rồi. Quốc lộ tấp nập ô tô con đi về phía nam và xe tải đi về phía bắc.

Ống quần tôi ướt đẫm trên thảm cỏ dài đọng đầy sương. Mới bước chân vào rừng được vài bước, trời đen như mực, cậu bé nắm lấy tay tôi. Sau đó không gian có vẻ sáng hơn. Lúc đầu, tôi nghĩ đó là ánh trăng, nhưng kì thực, đó là những chùm tia sáng cao cao, chiếu như ánh trăng rọi vào những ngọn cây, điều này cho phép tôi và “Wallace con” tìm đường xuyên qua bụi cây. Chúng tôi nhanh chóng tìm thấy con đường và mùi gấu quen thuộc.

Tôi khá cảnh giác khi tiếp cận lũ gấu vào ban đêm. Nếu tiếp tục đi đường, chúng tôi có thể gặp một người trong bóng tối, nhưng nếu đi qua bụi rậm, chúng tôi có thể bị coi là những kẻ đột nhập. Tôi tự nhủ có lẽ chúng tôi không nên mang theo súng.

Chúng tôi ở lại dọc đường. Có cảm giác ánh sáng nhỏ xuống từng giọt như mưa từ tán rừng sum suê bóng cây. Việc đi lại thật dễ dàng, đặc biệt nếu chúng ta không cố gắng nhìn đường, mà để đôi chân tự tìm đường.

Sau đó, xuyên qua không gian xen kẽ giữa các thân cây, tôi nhìn thấy lửa của gấu.

Lửa! Lửa thắp lên chủ yếu bằng các nhành sung và sồi, loại cây tỏa rất ít nhiệt và ánh sáng, nhưng khói bay tứ tung. Gấu chưa biết nhiều về các loại gỗ. Tuy nhiên, dường như chúng biết giữ lửa. Một chú gấu to lớn với bộ lông màu nâu quế đang dùng que chọc lửa, thỉnh thoảng bồi thêm một nhành cây từ đống củi bên cạnh. Những chú khác ngồi thành vòng trên các khúc gỗ. Hầu hết là gấu đen còn nhỏ, hoặc gấu mật, một con là mẹ có con nhỏ bên cạnh. Một số đang ăn quả mọng mới đựng trong cái nắp trục bánh xe. Không ăn mà chỉ ngồi chăm chú nhìn đống lửa, mẹ tôi ngồi xen giữa bầy gấu, vai quàng tấm drap trải giường của nhà dưỡng lão.

Nếu lũ gấu chú tâm đến chúng tôi, chúng sẽ không bỏ cuộc. Mẹ tôi vỗ nhẹ chỗ ngồi ngay cạnh mẹ trên khúc gỗ, tôi lại gần, ngồi xuống. Một chú gấu rời chỗ ngồi để “Wallace con” ngồi xuống cạnh bà.

Mùi gấu nồng nặc, nhưng không khó chịu khi chúng tôi quen dần. Nó không giống mùi chuồng trại, mà hoang dã hơn. Tôi nghiêng đầu định thì thầm điều gì đó với mẹ, nhưng bà lắc đầu. Sẽ thật thô lỗ khi thì thầm xung quanh những sinh vật không có khả năng nói tiếng người, mẹ ra dấu cho tôi biết mà không cần nói. “Wallace con” cũng im lặng. Mẹ quàng tấm drap trải giường rộng ra cho tôi và thằng cháu, và chúng tôi ngồi dường như hàng giờ như thế, nhìn đăm đắm ngọn lửa.

Chú gấu to châm lửa, bẻ cành khô bằng cách nắm một đầu, giẫm chân sau lên đầu kia, như con người vẫn làm. Chú rất giỏi trong việc giữ lửa ở mức độ vừa phải. Một chú gấu khác thỉnh thoảng chọc vào lửa nhưng mấy con kia vẫn để yên. Có vẻ một số gấu biết sử dụng lửa, các con khác chỉ theo dõi. Nhưng tại sao lại có thể như vậy được? Chúng là gấu mà! Thỉnh thoảng, một chú gấu nhỏ hơn bước vào vòng lửa với một bó củi trên tay, thả xuống đống lửa. Củi có màu bạc giống như những khúc gỗ trôi sông.

“Wallace con” không bồn chồn như nhiều đứa trẻ khác. Tôi thấy thật dễ chịu khi ngồi nhìn chằm chằm vào ngọn lửa. Nó không khác gì việc đến thăm mẹ ở nhà dưỡng lão, chỉ thú vị hơn vì có lũ gấu lóc nhóc bên cạnh. Có khoảng tám hoặc mười con cả thảy. Chính bên trong ngọn lửa, mọi thứ cũng không hề buồn tẻ: những màn múa may quay cuồng đang diễn ra khi những vòm lửa sáng ngời được tạo ra, và sau đó bị phá hủy trong một loạt tia lửa lẹt xẹt. Trí tưởng tượng của tôi chạy vùn vụt như bầy thú hoang. Tôi nhìn quanh vòng tròn nhấp nhô đầy gấu, và tự hỏi chúng nhìn thấy gì. Một số nhắm mắt. Dù tụ tập cùng nhau nhưng tâm hồn chúng vẫn có vẻ cô độc, như thể mỗi con đang ngồi một mình trước đống lửa của riêng mình.

Cái nắp trục bánh xe hiện ra, chúng tôi, mỗi “người” lấy một ít quả mới. Tôi không biết mẹ thế nào, nhưng tôi chỉ giả vờ ăn phần của tôi. “Wallace con” nhăn mặt, nhổ ra ngay. Khi thằng nhóc gục đầu thiếp ngủ, tôi quấn drap quanh người cho cả ba chúng tôi. Trời càng lúc càng lạnh hơn, trong khi chúng tôi không hề được trời ban cho các bộ lông dày, giống gấu. Tôi đã sẵn sàng về nhà, nhưng mẹ thì chưa. Bà đưa tay lên, trỏ những tán cây, nơi ánh sáng lan tỏa, rồi chỉ vào chính mình. Liệu mẹ có nghĩ rằng đó là những thiên thần đang đến gần từ trên cao không? Đó chỉ là chùm ánh sáng của một chiếc xe tải nào đó từ mé nam lao tới, nhưng mẹ có vẻ rất hài lòng. Nắm tay mẹ, tôi cảm thấy tay mình càng lúc càng lạnh hơn.

“Wallace con” đánh thức tôi bằng cách gõ nhẹ đầu gối tôi. Bình minh đã lên từ lâu, và bà nội đã chết khi ngồi trên khúc gỗ giữa hai chúng tôi. Ngọn lửa bùng lên, lũ gấu đã biến mất, và ai đó đang lao thẳng qua khu rừng, không đi đúng vào con đường. Đó là Wallace. Hai người lính tiểu bang ở ngay phía sau chú ấy. Chú ấy mặc sơ mi trắng, và tôi nhận ra đó là sáng Chủ nhật. Buồn vì mẹ qua đời, chú ấy trông có vẻ rất bực dọc.

Hai người lính hít hít và gật đầu. Mùi gấu vẫn nồng nặc. Wallace và tôi quấn mẹ trong tấm drap trải giường, rồi bắt đầu đưa xác mẹ ra quốc lộ. Hai chú lính ở lại rải tro của lũ gấu và ném củi của chúng vào bụi rậm. Đó ắt hẳn là một việc quá nhỏ nhặt để làm.

Bản thân họ cũng giống như những chú  gấu kia, mỗi “con” đơn độc trong bộ đồng phục của riêng mình.

Có chiếc Olds 98 của Wallace trên dải phân cách, với những chiếc lốp radial trông như bị đè bẹp trên đám cỏ. Ngay đầu xe đó là một chiếc xe cảnh sát, với một quân nhân đứng bên cạnh, và phía sau là chiếc xe tang của nhà tang lễ, cũng là một chiếc Olds 98.

“Báo cáo đầu tiên chúng tôi nhận thấy về lũ gấu là chúng đang quấy rối những người già.” Vị quân nhân nói với Wallace.

“Theo tôi, điều đó gần như không hề xảy ra.” Tôi cất cao giọng, nhưng không ai yêu cầu tôi giải thích gì cả. Họ làm các thủ tục riêng của họ. Hai người đàn ông mặc vét bước ra khỏi chiếc xe tang, rồi mở cửa sau. Đối với tôi đó là thời điểm mẹ ra đi vĩnh viễn khỏi cuộc đời này. Sau khi đưa mẹ vào, tôi vòng tay ôm lấy thằng nhóc. Nó run rẩy mặc dù trời không quá lạnh. Đôi khi cái chết tạo nên sự lạnh lẽo, đặc biệt vào lúc bình minh, với cảnh sát vây quanh và bãi cỏ ướt dầm dề, ngay cả khi nó đến với tư cách là một người bạn.

Chúng tôi đứng một phút nhìn ô tô, và xe tải chạy qua. “Xin Chúa ban phước lành.” Wallace nói. Thật ngạc nhiên xe rời đi khi đồng hồ đã điểm 6 giờ 22 phút.

Chiều hôm đó, tôi quay lại dải phân cách, chặt ít củi để thay thế những gì lính đã vứt đi. Tôi có thể nhìn thấy ngọn lửa xuyên qua những tán cây đêm đó.

Tôi quay lại hai đêm sau, sau đám tang mẹ. Theo như tôi có thể nói, ngọn lửa đang bùng cháy và đó cũng chính là đàn gấu. Tôi ngồi chơi với chúng một lúc, nhưng có vẻ làm chúng lo lắng, nên tôi bỏ về. Tôi đã lấy một nắm quả mọng mới từ nắp trục bánh xe, và vào Chủ nhật, tôi đi cùng cậu bé, sắp xếp chúng trên mộ mẹ. Tôi đã thử lại, nhưng vô ích, đúng là bạn không thể nào ăn những quả đó đâu.

Truyện ngắn của Terry Bisson

Trần Như Luận

Lược dịch từ nguyên bản tiếng Anh

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm