May 11, 2024, 3:42 am

Gánh tuổng bà Hân

Làng Tích Phước làm con đường bê tông to rộng mở đầu công cuộc xây dựng nông thôn mới. Khác với trước đây, bây giờ cuộc sống của mọi người đều khấm khá hẳn lên, họ chung tay góp sức uốn thẳng con đường men theo sườn đồi bát úp lúp xúp sim mua, không theo lối cũ, đoạn có nhiều cánh chõ quanh co khúc khuỷu. Như thế, cảnh quê hữu tình hơn, xe ô tô tải cỡ nhỏ vận chuyển hàng hóa nông sản lưu thông thuận lợi hơn. Có điều, các bậc cao niên phân vân đoạn đường mới “hơi bị gần” cái mả đất quá, chỉ cách xa chừng mươi, mười lăm mét. “Người nằm dưới nấm mộ đơn sơ nhưng có địa thế khá đẹp là ai? Tại sao lại phải áy náy?”. Tôi tò mò hỏi ông Chín Tỵ. “Chú em không biết à? Đó là mả bà Hân hát bội. Lúc sinh thời, trước khi về cõi vĩnh hằng bằng cách uống thuốc độc tự vẫn, bà ấy chọn nơi này làm nơi yên nghỉ giấc nghìn thu. Hoang vu. Vắng vẻ. Có hoa dẻ, hoa mua bốn mùa bầu bạn. Bà ấy thích vậy. Bây giờ mở mới đoạn đường này, người già e ngại”. Ông Chín Tỵ nói. “Được cả làng cả xã gọi là bà nhưng thực ra Hân là đàn ông, con giống to dài như cái ống tre thổi lửa. Trời bắt tội làm người “lại cái”, thành ra…”. Ông Sáu Mùi cười bảo.

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Chao ôi, hóa ra đấy là phần mộ bà Hân hát bội. Ký ức của một thời nhỏ dại chợt ùa về trong tôi. Hồi ấy, vào những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ XX, đời sống tinh thần của người dân ở quê tôi gần như không có gì cả, năm thì mười họa Đội Chiếu bóng huyện mới đem phim về chiếu một vài đêm ở sân bãi đầu làng rồi thôi. Phong trào hợp tác hóa nông nghiệp sau mấy năm phát triển rầm rộ tạo nên bề nổi để cấp trên báo cáo thành tích đã nhanh chóng thoái trào bởi cung cách làm chung ăn chạ bộc lộ quá nhiều hạn chế, yếu kém. Ngày công lao động của xã viên được tính trả bằng “lúa điểm” đủ để xay giã nấu cơm “liếm đũa”. Nhà ai cũng thế, tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Thảm cảnh đìu hiu bao trùm khắp nơi. Đúng lúc đó, gánh tuồng bà Hân ra đời ở quê tôi, giúp mọi người quên đi những những khó khăn vất vả “chạy ăn từng bữa mướt mồ hôi” để vui sống. Già trẻ lớn bé ở làng Tích Phước và các làng phụ cận như Lâm Bình, Sơn Khê, Tân Thượng… cứ trông cho trời sập tối để ới nhau thắp đèn đuốc rồng rắn theo những lối mòn kéo về sân bãi đầu làng để xem gánh tuồng bà Hân diễn các vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, Phạm Công - Cúc Hoa, Lưu Bình - Dương Lễ, Cờ lau tụ nghĩa, Tiếng Mê Linh, Thái hậu Dương Vân Nga…

*

 


Có thể bạn quan tâm