May 6, 2024, 6:22 am

Frank Herbert và hành trình của Xứ cát

Vào khoảng cuối thập niên 1950, Frank Herbert thực hiện nghiên cứu để viết một bài đăng tạp chí về cồn cát ở Oregon Dunes gần Florence, Oregon. Ông đã đến đây để thu thập tư liệu. Và mặc dù bài viết của ông cuối cùng không được xuất bản, song câu chuyện về những nỗ lực ngăn chặn nguy cơ các cồn cát lan rộng và nuốt chửng cả thành phố của Bộ Nông nghiệp Mỹ đã gieo mầm ý tưởng cho Herbert chấp bút viết nên một trong những bộ tiểu thuyết khoa học giả tưởng vĩ đại nhất: Dune (Xứ cát).

1. Hành trình “khởi nghiệp văn chương lận đận”

Frank Herbert sinh ngày 8 tháng 10 năm 1920 tại Washington, Mỹ. Từ nhỏ, Herbert đã ấp ủ ước mơ trở thành một nhà văn. Khi còn học trung học, ông tham gia viết bài cho tờ báo trường. Sau khi tốt nghiệp trường trung học Salem năm 1939, Herbert chuyển đến California và nhận công việc biên tập tại Glendale Star. Đến năm 1940, chàng trai Frank Herbert 19 tuổi cộng tác với tờ Oregon Statesman với tư cách là một nhiếp ảnh gia, biên tập viên, phóng viên chuyên đề.

Niềm đam mê sáng tác trong Herbert chưa bao giờ tắt. Ngay cả khi đã đi làm, ông vẫn dành thời gian tham gia các khóa viết văn sáng tạo. Chính trong một khóa dạy viết tại Đại học Washington, ông gặp người bạn đời của mình - Beverly Stuart Forbes. Sau khi kết hôn, Frank Herbert làm việc cho một số tờ báo quanh Puget Sound. Cả Frank và vợ đều có chung ước mơ đạt được thành công trong sáng tác văn học. Thành công ấy không đến ngay tức thì. Thực tế, gia đình Herbert đã trải qua nhiều năm đối mặt với tình trạng kinh tế bất ổn. 

Câu chuyện khoa học viễn tưởng đầu tiên của Herbert, Looking for something (tạm dịch: Hành trình tìm kiếm), xuất hiện trên tạp chí Startling stories số tháng 4 năm 1952. Ông liên tục sáng tác trong lúc đảm đương nhiều công việc khác nhau để kiếm sống mà không gặt hái được mấy thành công. Có lần, ông thậm chí còn cố ý sử dụng ma túy để kích thích khả năng sáng tác.

Đến giữa thập niên 1950, Beverly quyết định bỏ giở cuốn tiểu thuyết ly kỳ bà đang sáng tác để nhận công việc viết bài gây quỹ cho bệnh viện nhi Mary Bridge mới tại Tacoma. Bà nói với chồng rằng ông có thể từ bỏ công việc hàng ngày và tập trung sáng tác tiểu thuyết toàn thời gian.

Không lâu sau, câu chuyện về tàu ngầm của Herbert, Under Pressure (tạm dịch: Dưới áp lực) đã được đăng nhiều kì trên tạp chí Astounding Science Fiction, và sau đó người đại diện của ông đã bán nó cho Doubleday để xuất bản dưới dạng sách với tựa đề Dragon of the sea (tạm dịch: Rồng biển) vào năm 1956. Cũng trong năm này, ông nhận công việc nhân viên thông tin công cộng cho một ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử vào Quốc hội Mỹ. Trong thời gian này, ông được nghe về một dự án của Bộ Nông nghiệp Mỹ gần thị trấn Florence trên bờ biển Oregon. Những cồn cát trôi dạt đang đe dọa sẽ nhấn chìm những ngôi nhà và gây ảnh hưởng lớn đến đường cao tốc. Chính phủ liên bang đang trồng 300 mẫu cỏ biển châu Âu để kiểm soát các cồn cát.

Hứng thú trước thông tin này, năm 1957, ông bắt đầu thực hiện nghiên cứu để viết một bài đăng tạp chí với tựa đề They stopped the moving sand (Họ đã ngăn cát trôi dạt). Mặc dù nỗ lực này không thành công và không có bài viết nào được đăng cả, Herbert cảm thấy có một câu chuyện lớn hơn. Ông bị mê hoặc bởi ý tưởng về một hành tinh bị cát bao phủ. Nhận ra rằng ba tôn giáo lớn - Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo - đều sinh ra trong môi trường sa mạc, ông bắt đầu đọc Seven pillars of wisdom (tạm dịch: Bảy trụ cột trí tuệ) của T. E. Lawrence, tìm hiểu về chiến tranh sa mạc và văn hóa Ả Rập. Ông chất đầy các hồ sơ nghiên cứu của mình nhưng vẫn phải kiếm sống. Sự nghiệp của Beverly thăng hoa và khi bà tìm được việc làm tại một cửa hàng bách hóa ở San Francisco, gia đình Herbert chuyển đến đó. Frank nhận công việc tại San Francisco Examiner.

Tại thành phố này, ông tham dự các hội nghị khoa học viễn tưởng và giao lưu với các nhà văn khoa học viễn tưởng địa phương. Khi ấy, sự nghiệp văn chương của ông đang rơi vào trạng thái đình trệ. Vào đầu những năm 1960, Herbert chỉ kiếm được vài trăm USD mỗi năm từ công việc viết lách của mình. Nhưng ông dành thời gian thiết kế tỉ mỉ thế giới Xứ cát, từ địa lí đến lịch sử, tôn giáo đến văn hóa. Những gì Herbert dựng nên đồ sộ đến mức ông quyết định sẽ sáng tác một bộ truyện chứ không chỉ dừng ở một cuốn. 

Năm 1963, quản lí của ông đã bán 85.000 từ đầu tiên của câu chuyện cho tạp chí Analog để xuất bản thành ba đợt. Herbert được trả 2.295 đô la và bắt đầu viết phần hai và phần ba. Dù vậy, quyết định này lại khiến Xứ cát gặp nhiều trắc trở khi xuất bản thành sách. Hai ba nhà xuất bản đã từ chối những phần truyện đã được đăng trên tạp chí. Tuy nhiên, Analog cho biết sẽ xuất bản phần còn lại của câu chuyện và Herbert cam chịu với ý tưởng rằng bộ truyện của ông sẽ không bao giờ được xuất bản dưới dạng sách.

Nhưng vào năm 1965, một nhà xuất bản sách bất ngờ liên hệ với đại diện của Herbert và nói rằng họ muốn xuất bản Xứ cát. Điều đáng nói là đơn vị xuất bản này, Chilton, trước đó chỉ xuất bản sách hướng dẫn sửa chữa ô tô. Việc lựa chọn xuất bản tiểu thuyết khoa học giả tưởng của Herbert là một bước đi liều lĩnh. Dù vậy, cả Chilton và Herbert đã được đền đáp xứng đáng cho những nỗ lực của mình. Xứ cát đạt được thành công nhờ hiệu ứng truyền miệng. Cuốn sách gây chú ý vì nội dung liên quan đến lĩnh vực sinh thái học mới mẻ và đặc biệt nổi tiếng trong các nhóm sinh viên đại học. 

Ngày nay, ấn bản đầu của Xứ cát do nhà xuất bản Chilton phát hành là một trong những ấn bản có giá trị nhất trong bộ sưu tập sách khoa học giả tưởng, với mức giá lên đến hơn 20.000 USD trong các phiên đấu giá. 

Ảnh trong phim chuyển thể Dune 2

2. Sự mê hoặc của Xứ cát

Suốt nhiều thập kỉ, Xứ cát vừa mê hoặc, vừa thách thức công chúng. Độc giả chia thành hai phe, một bên hoàn toàn tôn thờ bộ sách và một bên cho rằng nó quá dài dòng, rắc rối. Tác phẩm cũng là một bài toán khó cho Hollywood trong một thời gian dài. Nội dung phức tạp và đồ sộ mang lại cho Xứ cát cái danh “tác phẩm không thể chuyển thể” (đã có nhiều nỗ lực chuyển thể Xứ cát lên màn ảnh lớn trước đây, nổi bật nhất là bản phim năm 1984 của đạo diễn David Lynch, nhưng đây cũng không thể được coi là một bộ phim chuyển thể thành công, bản thân đạo diễn David Lynch cũng ghét bản phim chuyển thể bị cắt xén này đến mức ông yêu cầu bỏ tên mình ra khỏi danh đề phim). 

Mãi đến năm 2021 với bản phim điện ảnh của đạo diễn người Canada Denis Villeneuve, loạt truyện lừng danh của Frank Herbert mới có một bản chuyển thể xứng tầm. Đồng thời, bộ phim này cũng khơi lại hứng thú ở công chúng, đưa họ tìm về với nguyên tác và cha đẻ của Xứ cát.

Chính xác thì điều gì đã giúp cho bộ tiểu thuyết khoa học giả tưởng này trụ vững thử thách thời gian sau hơn 3 thập kỉ như vậy? Ở Xứ cát, ta không bắt gặp những thứ như trí tuệ nhân tạo, máy tính hay robot biến hình. Xứ cát đặt bối cảnh tại một hành tinh sa mạc, nơi chiến tranh đang diễn ra giữa các gia tộc lớn, tranh giành thứ “gia vị” được cho là có khả năng kéo dài sự sống và nâng cao ý thức. 

Mượn câu chuyện Xứ cát, Herbert bàn đến những chủ đề lớn trong đời sống hàng ngày như chính trị, tôn giáo, triết học và đặc biệt là sinh thái học. Có thể nói, chính khía cạnh này đã đem lại thành công cho Xứ cát ở những năm đầu xuất bản và duy trì sức hút cho đến tận ngày nay, giai đoạn mà vấn đề sinh thái đang trở nên nóng hổi hơn bao giờ hết. 

Mối lo về tình trạng môi trường, tiềm năng của con người, những trạng thái ý thức bị thay đổi và cuộc cách mạng chống lại chủ nghĩa đế quốc của các nước đang phát triển - đây đều là những chủ đề “nóng” ở thời điểm hiện đại, khiến cho tuyên ngôn của Xứ cát có độ vang còn lớn hơn so với thời điểm ra mắt năm 1965. 

Câu hỏi Frank Herbert đặt ra trong Xứ cát đến nay vẫn khiến công chúng phải suy ngẫm: Con người phải làm gì để sống sót trong vũ trụ? Bằng sự hi sinh? Sự tàn bạo? Chiến tranh? Sự kiểm soát công nghệ?... Liệu có câu trả lời nào đủ thỏa đáng hay không? 

Với tầm nhìn mang tính thời đại về sự biến đổi trong mối quan hệ giữa cá nhân và vũ trụ, Frank Herbert đã viết nên một cuốn tiểu thuyết có giá trị vượt thời gian.

Sau khi Xứ cát được xuất bản thành sách, Herbert tiếp tục làm việc năng suất. Ông viết về giáo dục cho tờ Seattle Post-Intelligencer và giảng dạy tại Đại học Washington; xây dựng một ngôi nhà gia đình trên bán đảo Olympic mà ông coi là một “dự án trình diễn sinh thái”. Ông đã chế tạo bộ thu năng lượng mặt trời, nhà máy gió và máy tạo nhiên liệu metan riêng. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1981, ông tự mô tả mình là một “nông dân công nghệ”. 

Khi Xứ cát bắt đầu gây dựng được lượng người hâm mộ lớn trong những năm 1970, ông đã sáng tác thêm các phần tiếp theo, phát triển nội dung câu chuyện ngày càng phức tạp, theo chân hậu duệ của Paul khi họ hoàn thành vận mệnh vũ trụ của dòng dõi Atreides. Kể từ khi ông qua đời năm 1986, con trai ông và một nhà văn khác đã xuất bản thêm 13 cuốn sách về thế giới Xứ cát.

Minh Hùng

Nguồn Văn nghệ số 11/2024


Có thể bạn quan tâm